Phục dựng, bảo tồn và phát huy Lễ hội Đền Đuổm
VNTN - Lễ hội đền Đuổm là một trong những lễ hội lớn của tỉnh Thái Nguyên được nhân dân địa phương tổ chức vào mồng 6 tháng giêng. Là một trong những lễ hội tiêu biểu có giá trị lịch sử văn hóa nằm trong hệ thống các di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh.
Đầu năm 2016, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên phối hợp với UBND huyện Phú Lương đưa lễ hội đền Đuổm vào Chương trình kế hoạch của ngành. Đấy là một trong dự án phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội đền Đuổm nhằm tăng thêm giá trị của khu di tích lịch sử văn hóa. Qua việc này có định hướng duy trì lễ hội đền Đuổm trong chiến lược xây dựng đời sống văn hóa, chọn lọc giá trị văn hóa tinh hoa, mang đậm thuần phong mỹ tục nhằm đưa lễ hội truyền thống này thành một trong những lễ hội tiêu biểu của tỉnh Thái Nguyên.
Đoàn khảo sát lễ hội có Tiến sĩ Đặng Văn Bài, nguyên Cục trưởng Cục di sản văn hóa, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam; Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Lâm Biền, ủy viên Ban chấp hành Hội Di sản văn hóa Việt Nam và các cơ quan chức năng của tỉnh. Qua khảo sát tiến sĩ Đặng Văn Bài cho rằng: Di tích lịch sử văn hóa đền Đuổm thuộc huyện Phú Lương là một điểm tham quan tiêu biểu, nếu phục hồi lễ hội này đặc biệt phải chú ý quan tâm đến việc tôn tạo, xây dựng cơ sở vật chất, khai thác các mô hình dịch vụ cho nhân dân ở xung quanh đền. Ông nhấn mạnh việc làm thế nào để phục dựng lễ hội đền Đuổm thực sự là một lễ hội truyền thống mang bản sắc dân tộc trên cơ sở tôn trọng hiện trạng, gạn đục, khơi trong, chắt lọc những cái hay, cái đẹp để bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội tiêu biểu của tỉnh.
Nghi thức lễ lấy nước, lấy đất trong Lễ hội Đền Đuổm.
Cũng như mọi lễ hội khác, lễ hội đền Đuổm có hai nội dung phần lễ và phần hội. Ngày mồng 5 Tết tại đền diễn ra lễ rước nước, rước đất. Đoàn rước gồm đại diện nhân dân các xóm thuộc làng Đuổm xưa cả nam, nữ, già, trẻ tham gia khiêng kiệu có mui luyện, gánh nước, rước đất, đoàn đi bộ từ khu vực đền Đuổm đến Giếng Dội thuộc xóm Vườn Thông cùng xã. Nước được múc từ Giếng Dội do mạch nguồn tự nhiên phun ra chảy vào sông Đu đem về lễ thần đền Đuổm. Ngày mồng 6 tết là ngày chính hội. Các bồi tế địa phương được phân công cử ra soạn Văn tế, nội dung nói thời gian, địa điểm, nhân vật tham dự buổi tế thần là các vị lãnh đạo của huyện Phú Lương, các vị đại biểu của bản đền. Sau khi đọc văn tế bằng chữ quốc ngữ xong các đại biểu dự lễ cùng vào đền thắp hương lễ thần. Sau phần lễ tại sân đền diễn ra các hoạt động văn hóa, văn nghệ các trò chơi dân gian truyền thống và hiện đại.
Lễ hội đền Đuổm là lễ hội tiêu biểu, có giá trị nhân văn sâu sắc nhất đó là lễ tưởng niệm danh nhân lịch sử Dương Tự Minh. Ông sinh ra và lớn lên quê ở làng Quan Triều, phủ Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên ngày nay. Thời nhà Lý nước Đại Việt (thế kỷ XII) ông đã có công thu phục, cai quản cả một vùng rộng lớn tương đương với vùng đất thuộc 6 tỉnh Việt Bắc ngày nay. Ông được vua Lý gả công chúa là Diên Bình. Sau ông lại có công dẹp giặc Đàm Hữu Lượng hay quấy phá vùng biên cương phía bắc thuộc tỉnh Cao Bằng được vua Lý Anh Tông gả công chúa Thiều Dung. Cuối đời ông về sống dưới chân núi Đuổm và mất ở đây, nhân dân có sớ tấu vào triều, nhà vua thương tiếc cho phép nhân dân dựng đền thờ và ban sắc phong là Cao Sơn Quý Minh thượng đẳng thần.
Nội dung phục dựng bảo tồn lễ hội đền Đuổm thực sự phải gìn giữ những giá trị văn hóa dân tộc. Trước đây các tác giả ở Sở Văn hóa và Thông tin tỉnh Thái Nguyên đã viết bài về lễ hội đền Đuổm được in trong cuốn sách Núi Đuổm và Dương Tự Minh (xuất bản 1985, tái bản năm 2000). Đặc biệt là cuốn Kỷ yếu hội thảo khoa học Danh nhân lịch sử Dương Tự Minh, do Viện Sử học Việt Nam và Sở Văn hóa Thông tin Thái Nguyên xuất bản năm 2003. Các tài liệu kể trên đã miêu tả các nghi lễ, các trò chơi ở lễ hội Đuổm xưa (lễ hội này đã được diễn ra trước năm 1945). Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ thì hầu như lễ hội bị gián đoạn không còn được tổ chức, ngôi đền là nơi mục tiêu đánh phá của kẻ thù. Năm 1993 di tích được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử và thắng cảnh quốc gia, từ đó đền Đuổm và lễ hội mới chính thức được dần dần phục hồi và duy trì cho tới ngày nay. Trải qua quá trình biến cố lễ hội đền Đuổm luôn luôn có sự tiếp thu những yếu tố mới, những phong tục, nghi thức cổ truyền được bổ sung cho phù hợp với thời đại như: Văn tế trước đây hoàn toàn được viết bằng chữ Hán Nôm do những người có học thức ở địa phương được cử ra viết để đọc trong buổi lễ, ngày nay ít người còn biết chữ Hán Nôm nên văn tế được viết bằng chữ quốc ngữ. Một số nghi thức như những người tham gia cầm cờ, rước kiệu xưa chủ thể bản xứ là người Tày, người Kinh nay thêm người dân tộc Sán Dìu, HMông cho phong phú thêm “vườn hoa các dân tộc” trên địa bàn.
Như vậy, muốn phục dựng, bảo tồn gìn giữ và phát huy giá trị lễ hội đền Đuổm, cốt lõi của vấn đề là phải trên cơ sở tôn trọng hiện trạng của lễ hội được thực hành. Chúng ta cần bảo lưu những chi tiết nghi thức tế lễ cổ, tôn trọng những yếu tố dân tộc mang bản sắc địa phương, chỉ ở địa phương làng Đuổm mới có, hay phục dựng những hình thức như thi làm bánh chay, bánh mặn vốn đã có ở địa phương sẽ tăng thêm tính phong phú của lễ hội phù hợp với cuộc sống ngày nay. Trên cơ sở phát huy những yếu tố tốt đẹp đã được nhà nước định hướng trong văn bản về bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội truyền thống, có thể đi sâu nghiên cứu những yếu tố cái hay, cái đẹp, có tính ca ngợi tô đậm công lao đóng góp của danh nhân lịch sử dân tộc như lễ tưởng niệm Thủ lĩnh phủ Phú Lương, Phò mã lang Dương Tự Minh, vị tướng đã có nhiều công lao đóng góp với dân, với nước, một người con ưu tú còn sống mãi trong tâm thức nhân dân. Tầm ảnh hưởng của ông đã được sử sách ghi chép, được nhân dân ngưỡng vọng thờ phụng ở rất nhiều nơi “thượng tự Đu Đuổm, hạ chí Lục Đầu”, chính cũng là giá trị tiêu biểu nhất của lễ hội đền Đuổm, một di sản phi vật thể cần được phục dựng, bảo tồn gìn giữ và phát huy trong đời sống hiện nay.
Nguyễn Đình Hưng
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...