Thứ ba, ngày 17 tháng 09 năm 2024
02:25 (GMT +7)

Phù sa núi

Tác phẩm tham dự Cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật

về Đại đội 915 Anh hùng

Truyện ngắn. Phan Thái

Gánh cơm vừa mang đến, còi báo động bất ngờ rúc lên riết gióng. Đại đội trưởng Triệu Đức Việt ra lệnh: “Tất cả xuống ngay hầm trú ẩn”. Hệ thống điện phía khu ga Lưu Xá phụt tắt. Không gian tối đen như mực. Thúy úp nón lên thau cơm, cùng các đội viên nhảy xuống giao thông hào chạy về hầm. Bên ngoài, những quầng chớp liên tục lóe sáng. Đội phó Nguyễn Thế Cường đứng quan sát ngoài cửa, nói vọng vào: “Nó đang đánh Hà Nội, chắc chắn B52… Tất cả ngồi xuống”. Cường vừa dứt lời, tiếng súng phòng không đồng loạt vang lên. Qua khoảng trống cửa hầm nối giao thông hào, Thúy nhìn rõ những đường đạn liên tiếp đan nhau găm vào trời. Bỗng chốc, tiếng rú rít của máy bay phản lực và đạn bom rung chuyển bốn phía, trời bừng lên sáng rực màu lửa. Căn hầm chao lắc hất Thúy ngã nhào đập đầu vào tường. Tiếng nổ kèm quầng nóng chụp xuống nhấc Thúy quăng lên không trung.

* * *

Cơ thể Thúy nhẹ bẫng, không hề cảm thấy đau đớn. Cô không rõ mình đang nằm trên mặt đất, hay trôi trên mây xám cuồn cuộn. Không gian lặng phắc cay sực mùi thuốc bom. Cô bàng hoàng khi thấy trước mắt cảnh hoang tàn, đổ nát đến ghê rợn. Hàng loạt hố bom nham nhở đào khoét thổi bay tất cả, chỉ còn lại vài khung nhà xiêu vẹo. Gần đó một hố bom sâu hoắm bật lên mảng tường gạch phía cuối giao thông hào. Trời ơi! Cuối con hào đó là căn hầm đại đội vào trú ẩn. Lẽ nào…! Các chị các anh đâu rồi? Phương ơi!... Loan ơi!...Chúng mày ở đâu? Thúy gào lên nhưng không ai đáp lời. Tại sao mình đang nằm đây? Cô muốn cử động nhưng toàn thân tê cứng. Bất giác, Thúy thấy cơ thể mình nham nhở những lỗ thủng. Gió lùa qua lỗ thủng xộc vào người lạnh buốt.

Miệng khô khát đắng chát, mi mắt sụp xuống như chất đầy sạn. Thúy cố nhấc tay nhưng hình như đôi tay không còn là của cô. Chùi mặt xuống cỏ, lá cỏ bầy nhầy ướt dượt như đọng thứ nước gì đó sánh sẫm. Đêm đen đặc dần tan ra. Thúy thấy vòm trời hiện lên màu lửa và thoáng chốc màu lửa ấy biến thành màu đỏ như máu rơi lả tả phủ kín mặt đất.

Thúy không biết mình mơ hay tỉnh. Có lẽ cô đang rất tỉnh táo, bởi nhìn rõ đồng đội đang tươi cười, những nụ cười sạm khói bom tỏa ra thứ ánh sáng ma mỵ…

Đột nhiên, Thúy thấy mình đang ở trong hầm. Căn hầm sâu hút đầy chật tiếng trêu chọc, chòng ghẹo. Không thể là mơ được, mình vừa cởi mũ ôm vào lòng đây mà. Ngại vào trong, Thúy ngồi bệt bên chân đại đội trưởng Việt: “Em đói rồi, không đi nữa đâu vớ”. Anh chàng Ly lém lỉnh: “Đại trưởng bế cô ấy đi vậy!”. Trong bóng tối, Thúy cảm nhận được câu nói kèm cái cau mặt của Việt: “Cậu chỉ được cái… Ăn với nói”. “Nếu không, đại trưởng giao nhiệm vụ cho em!”…

Một cú tát như trời giáng làm Thúy sa sẩm mặt mày, hình như tia chớp tát. Trời ơi! Mình tội tình gì. Chẳng lẽ chút bông đùa cũng chịu cực hình sao? Lửa nóng, khói khét trùm lên người. Không chịu nổi sự ngột ngạt bức bối, Thúy bước khỏi hầm.

Như có phép lạ, thoáng chốc Thúy đã thấy mình cùng đại đội 915 dàn đội hình lấp hố bom trên con đường 16A uốn lượn vắt ngang các sườn núi. Đoàn xe quân sự phủ bạt kín mít, rập rờn lá ngụy trang như muôn bàn tay vẫy. Chỉ nay mai thôi, những chuyến hàng sẽ vào đến mặt trận. Chắc chắn bộ đội ta sẽ ăn no hơn, áo lành hơn, vũ khí nhiều hơn để tiêu diệt kẻ thù. “Các anh đi mạnh giỏi nhé!”. Nhiều cánh tay nữ đội viên giơ lên vẫy chào những người lính, búp tay trắng ngần. Nắng chói chang dát vàng thêm con đường lầm bụi đỏ. Giọt mồ hôi trên gương mặt đồng đội đọng nắng nhấp nhánh thành những hạt ngọc sáng.

Đoàn xe khuất sau vòm cây, Thúy nhảy chân sáo như hồi còn đi học sang mé chân đồi. Mùa này sim đang chín, những trái sim tím mọng đung đưa đợi bàn tay con gái. Vị sim chát ngọt tan dần trên môi. Nắng vội vã tắt dần, một góc trời tím lựng màu sim chín. Cô ngả mình trên cỏ, màu áo chưa kịp ráo mồ hôi xanh vào lá cỏ. Hoàng hôn làm bóng núi như chàng trai vạm vỡ ập lên người. Cô đặt tay lên ngực, khuôn ngực căng đầy phập phồng mùa thiếu nữ. Gió tràn qua mát rượi. Bất giác cô mỉm cười… Chỉ mới quen nhau chưa lâu, ánh mắt người chiến sỹ đặc công đã có sức hút kỳ lạ đối với cô. Bây giờ anh ở Trường Sơn, hay đã tới mạn bưng biền? Đêm ấy trăng còn non, trăng không đủ cho anh thấy hai má cô nóng bừng, tim đập loạn nhịp khi anh lóng ngóng nắm tay mình: “Mai anh đi rồi! Em…” Tiếng còi báo động rúc lên cắt ngang lời anh nói. “Em phải về… Báo động, đại đội điểm danh quân. Ghi thư cho em nhé!”. Nhiều trái bom trút xuống cung đường. Sau trận bom, đại đội cô thức thâu đêm đảm bảo thông tuyến. Tảng sáng, cô chỉ có thể chống xẻng nhìn bóng anh cùng đoàn xe nối nhau ra mặt trận. Chiến tranh không có chỗ cho những căn nhà mới. Chiến tranh làm cho nỗi khắc khoải đợi chờ, hy vọng nhiều hơn, nhưng cũng từ đó con người ta cứng cáp hơn, biết sống vì nhau hơn. - Thúy miên man nghĩ về câu nói của ai đó…

* * *

Trong đội hình nữ đội viên TNXP Đại đội 915, Thúy là một trong số không nhiều chị em nói tiếng Kinh thành thạo, lại tốt nghiệp lớp 7 phổ thông. Nghỉ giải lao giữa buổi làm việc, nhiều lần cô đọc lưu loát những bài thơ chép từ sổ tay của bộ đội. Vì vậy, ngoài nhiệm vụ chung, cô còn kiêm luôn chân “phiên dịch” và dạy nói tiếng Kinh cho chị em. Đôi khi thầy giáo lớp bổ túc văn hóa đi công tác đột xuất, cô nghiễm nhiên được tin tưởng giao dạy học lớp vỡ lòng. Dù tấm bảng dựng gốc cây chỉ là phản nằm mượn tạm của chủ nhà, học viên trải chiếu ngồi trên cỏ và kê sách vở lên đùi học, cô cũng cảm thấy mình thật tự tin. Lần xem bộ đội tháo kíp nổ quả bom câm trên đường và đưa lên cân, Thúy làm cho các đội viên phải thán phục khi cô cầm thước phán: “một mét hai” và ngó mặt chữ đọc: “hai trăm năm mươi cân”. Nhiều đội viên trầm trồ: “Khiếp quá, nó đọc được đến những hai năm mươi”. Duy một lần, Thúy phải gặp y tá đại đội để băng vết thương do tập đi xe đạp. Số là hôm đó quân bưu mang thư báo đến, cô đi giặt về thấy đội viên túm tụm ngắm nghía chiếc xe đạp của anh quân bưu. Nhanh mồm miệng, cô giành ghi đông xe đòi tập đi. Chiều lòng người đẹp, anh bảo mọi người giữ xe cho cô ngồi lên và hô đạp. Ngoáy mông tứ tung để đạp mạnh, phải một lúc xe mới bớt nghiêng ngả và chạy thẳng. Mọi người hoảng hồn chờ mãi mới thấy cô tập tễnh dắt xe về, mồ hôi nhễ nhại. Thì ra cô quên chưa hỏi làm thế nào xe dừng lại nên cứ đạp chạy, khi thấy xa quá cô hô toáng lên kêu cứu, may có bà đi ngang túm hộ ghi đông dừng. Khổ nỗi xe dừng nhưng mất đà cả cô và xe ngã lăn quay ra đường, ống chân tứa máu. Cô chịu chết không tài nào tự leo lên xe đạp, đành thất thểu dắt về...

Với các đội viên, trong ngày nghỉ chủ nhật, chẳng có trò gì thú vị hơn được phân công lên rừng lấy củi cho nhà bếp, nhiều cô chán ở nhà cũng tíu tít rủ nhau đi. Từ nhỏ đã gắn bó với núi rừng, được tự do trở về rừng thật thích. Vốn tường từng khe suối, Thúy dẫn đồng đội mặc sức leo trèo, lên cả Giếng Trời đỉnh ngọn núi Linh Sơn hét lên như cảnh phim thời tiền sử. Mùa nào thức nấy, rừng cho các cô đủ loại rau củ quả ăn được, từ sim, nhót, chuối, ổi, củ đậu, củ mài đến các loại rau. Có bận ngửi mùi gió thơm, Thúy dẫn cả bọn lên cây thị cổ thụ bên núi, nhắc sau này đưa giai lên trẩy ăn cùng và nhẩn nha hát: “Quả nó không ăn thì thôi/ Ăn vào trai gái quấn nhau/ Chết còn làm con ma nhớ…”. Cả bọn tranh nhau trèo, Thúy gạt, bắt đứng cạnh: “Chúng mày là tài sản của bọn giai non, nhỡ gãy răng lấy gì cười với nó? Để tao trèo”. Thúy trèo lên hái và thả xuống, không ngờ thị chín vỡ tung tóe. Cái khó ló cái khôn, Thúy cởi luôn quần dài, thít chặt gấu và hái thị nhét đầy hai ống rồi tỷ mẩn trượt xuống. Cũng may cặp đùi trắng hơn lõi hoa súng hồ Bi Gù không hề gì, chỉ hơi ửng mấy vệt hồng… Chiều từ rừng về, cùng với gánh củi là cơ man các loại mũ nón tay nải đựng đồ ăn. Thúy cùng cả bọn mang đặt giữa đường chặn xe bộ đội nhờ chở đến đơn vị. Dù xe phải đi vòng vèo, tiến lùi một vài đỏ, nhưng anh chàng nào cũng vui vẻ, đôi khi còn vét túi biếu các cô dăm thỏi lương khô làm thân.

* * *

Thúy thấy mình lên tới đỉnh cao chót vót của Giếng Trời bên ngọn núi Linh Sơn. Tương truyền rằng ngày xưa mỗi lần vi hành, Ngọc Hoàng thường ngự lãm trên ngọn núi này ngắm giang sơn người Việt. Một lần trước khi về trời, ngài vung tay, tạo nên chiếc giếng khơi ăm ắp làn nước trong mát. Đó chính là mảnh gương cho Ngài nhìn thấu muôn sự cõi phàm trần. Những ai có đủ dũng khí vượt qua hiểm trở lên được Giếng Trời, soi mình trong bóng nước sẽ có thêm sức mạnh diệt trừ mọi tà ác. Thúy bước đến bên thành giếng tìm bóng mình. Mặt nước hiện lên hình ảnh cô thanh niên xung phong. Ôi! Mình đây ư? Thúy không thể tin nổi cô lại trẻ trung và xinh tươi đến thế, khác hẳn cô bé thuở lội ruộng theo bước trâu ngày nào. Vốc chút nước rửa mặt, cô thấy mình khỏe khoắn lạ thường. Phía xa những thôn dã, trong đó có xóm nhỏ Làng Phan của cô hiện lên đẹp ngời ngợi, phảng phất khói lam chiều như bức tranh thủy mặc. Bên quốc lộ 16A, cách Giếng Trời vài đường cung tên, “Cánh đồng trận” mênh mông ruộng nương vãn mùa khấp khểnh nối nhau như đủ loại khiên, áo giáp vương vãi. Thúy nghe người già kể: Mấy trăm năm trước, quân Tống ồ ạt xâm lược nước ta. Vua tôi nhà Lý kéo về đây dựa vào thế đồi núi dựng phòng tuyến chặn bước quân thù. Đại bản doanh chỉ huy đặt tại hang bên sườn núi Linh Sơn. Cánh đồng này diễn ra nhiều trận đánh ác liệt buộc chúng phải lui binh, xác giặc được thu gom chất thành đống. Cách cánh đồng trận không xa, một khu đất rộng với chiếc ao đá mang tên Ao Than. Chuyện kể rằng sau khi giặc thua trận, những tên bị thương được quân ta đưa về đây chăm sóc, chữa lành vết thương trước khi thả về nước, chúng ngày đêm than khóc váng trời…Vùng đất này vẫn còn nhiều dấu tích kho vũ khí, quân lương, bến tắm voi bên sông Cầu, giờ gọi là Bến Tượng. Tuy nhiên trong các trận đánh, rất nhiều tướng lĩnh và binh lính của ta đã tử trận dưới gươm đao quân Tống. Những linh hồn binh sỹ tử trận lang thang. Nguyên phi Ỷ Lan trong một lần kinh lý tới đây đã cảm động ban chiếu lập đền thờ. Tấm bia đá khắc những vần thơ trác tuyệt của bà còn hiện hữu bên ngoài hang.

Bao đời nay, linh hồn của những người ngã xuống quy tụ về núi, thế núi không chỉ là sự sắp đặt vô tình của tạo hóa, mà còn như lòng người làm nên vận nước, làm nên mùa màng.

Thúy nấn ná khom người soi mình bên thành giếng. Làn mây trắng bập bềnh trôi ngang, ngọn gió vô tình thổi tới, cô thấy mình nhè nhẹ tan vào mây.

* * *

Máy bay Mỹ liên tục quần thảo gầm rú trút bom, chớp lửa kèm tiếng nổ xé toang bầu trời, băm nát tất cả mọi hình khối và cây cối trên mặt đất. Lòng ngực Thúy nghèn nghẹt lửa nung nóng rực như muốn vỡ tung. Trong hầm, nhiều đồng đội của cô quằn quại, co quắp đau đớn. Thúy lao đến lay gọi từng người, dùng hết sức đập phá bê tông nhưng bất lực… Không. Đấy chỉ là giấc mơ hay ảo ảnh gì đó…!

Tiếng còi của đại đội trưởng cất lên, tiểu đội cô nhận lệnh bốc xếp vũ khí đạn dược cho đoàn xe đang nối đuôi nhau nhận hàng ra tiền tuyến. Thúy vác những hòm gỗ nặng trịch, hối hả. Lưng áo ướt đầm đìa bết vào da thịt, mắt cay xè mồ hôi mặn, vai bỏng rát. “Mình phải cố lên, vất vả cũng không là gì so với bộ đội trên chiến trường”. Cô thầm nhủ.

Mưa nắng lướt qua, vạt áo xanh của cô bạc dần…Trước mắt cô ngày tháng trôi nhanh như phim, những cuốn phim đồng đội cô thay nhau chiếu. Màn ảnh hiện lên hình ảnh tiểu đội say sưa hát bài ca “Cô gái mở đường”, tiếng hát trong trẻo, hồn nhiên bên bập bùng bếp lửa: “Đi dưới trời khuya sao đêm lấp lánh, tiếng hát ai vang động cây rừng…Ơi những cô con gái đang ngày đêm mở đường. Hỏi em bao nhiêu tuổi mà sức em phi thường…”. “Muốn chết hay sao mà đốt lửa thế hả?” - đại đội trưởng Triệu Đức Việt quát lớn từ ngoài sân làm tất cả im bặt. Thúy sợ hãi nép vào bên bạn. Loan đứng dậy, dụi củi cho lửa nhỏ bớt, cười nhăn nhở: “Em đã che đậy kín rồi…Bố nó cũng không nhìn thấy”. Nhiều ngày nay, đại đội cấm nhóm lửa ban đêm để tránh bị máy bay trinh sát địch phát hiện. Việt bước vào, ý tứ chốt cửa để che ánh sáng: “Đèn đâu sao các cô không thắp lên?”. “Hết dầu rồi ạ! Rét quá bọn em nhóm lửa cho đỡ cóng”. Việt xuýt xoa, chìa tay hơ trên than hồng: “Mới phát đã hết rồi. Các cô dùng dầu như ăn gỏi sao?”. Biết đại đội trưởng đã bớt nóng giận, Cát đưa ghế bắt anh ngồi và rinh rích trêu đùa. Chả là mỗi tiểu đội được phát dầu thắp sáng một ngọn đèn Hoa Kỳ. Tuy nhiên, cô nào cũng nhặt chai lọ và ống bơ sữa bò làm thêm một chiếc đèn để tiện may vá thêu thùa, dầu luôn được tiết kiệm tối đa, chỉ thắp đèn khi thực sự cần thiết. “Càng nhiều càng ít, mai em xin bộ đội hẳn một can dùng cho bõ. Thế cái cô mặc áo trắng…đã nhuộm áo chưa đại trưởng?”. Việt ngớ người giây lát, cười trừ. Hôm trước ngồi giải lao sau khi đơn vị bốc xếp hàng lên xe, trong khi chờ đoàn xe mới tập kết, hứng lên Việt cũng kể chuyện, tán gẫu cùng đội viên: “Buổi tối đó, mọi người đi xem phim về thì máy bay Mỹ nhào tới ném bom. Tất cả tản ra vệ đường nằm xuống rãnh thoát nước trú ẩn. Thấy một cô mặc áo trắng, ông nọ quát: Cô kia cởi áo ra, nó phát hiện chết cả nút bây giờ. Máy bay địch gầm rú lượn vòng bắn phá. Ngó thấy cô gái vẫn nhấp nhổm bên cạnh trong chiếc áo trắng, ông nổi cáu: Thằng chó nào thèm nhìn mà ngại, cởi áo ra. Em cởi rồi ạ! Ông ta dụi mắt. Thì ra cô đã cởi áo vo tròn cầm trong tay. Nhưng cơ thể không mặc gì còn trắng hơn cả màu áo. Bất quá ông bèn xua tay: Thôi cô mặc vào. Cởi ra nó còn dễ nhòm hơn”.

* * *

Nắng nhẹ mềm như lụa vắt lên khoảng sân nhỏ phơi đầy sắn khô thái lát. Đang giữa mùa đông, chút nắng mỏng manh cũng làm vợi bớt cái giá rét miền rừng như cắt da cắt thịt. Thúy ùa vào nhà làm mẹ giật mình mắng yêu: “Cha bố cô, đi đứng gì mà như ăn cướp vậy?”. “Con tranh thủ về nhà gội đầu. Mẹ xem này, tóc con xơ như lõi mướp”. Gỡ chùm bồ kết đun nước cho con, bà khẽ khàng: “Sao không bảo mấy đứa về gội luôn một thể? Rõ khổ, con gái con đứa mà quần quật tối ngày!”. “Tình hình đang căng lắm mẹ. Bọn con phải thay nhau trực, không được ai rời vị trí. Con nhà gần, các chị cho về một tiếng thôi”. Bà mẹ Thúy nhìn con gái, nén tiếng thở dài: “Lúc nào rảnh, bảo chúng về tất đây, mẹ khắc đun nước cho. Đành rằng chiến tranh…Nhưng dứt ruột đẻ ra, mẹ nào chả xót”. Thúy biết trong mắt mẹ, cô và các đội viên nữ vẫn còn bé lắm. Đại đội 915 quân số phần lớn là người dân tộc thuộc các huyện miền núi. Thúy cũng là con của núi, nhưng cô là người may mắn, bởi đại đội đóng quân trong xã, tuy địa bàn hoạt động của đơn vị rộng, công việc liên miên nhưng thảng hoặc cô còn có dịp tạt qua nhà, các đội viện khác chưa ai được về lần nào. Từ ngày anh trai Thúy lên đường nhập ngũ, nhiều việc cô thay anh giúp mẹ, giờ mẹ càng vất vả hơn. Đôi lần thương mẹ cô cũng dấm dứt khóc, nhưng nghĩ đến bầu bạn, cô lại cố nén lòng. Gội đầu xong, mẹ Thúy đã gọt rổ sắn rửa sạch cho vào tay nải: “Lát mang theo tối luộc chị em ăn với nhau. Mẹ định bắc nồi nhưng sợ con bị muộn…”. Thúy lý nhí cảm ơn mẹ, gắng gượng cười để mẹ vui mà nước mắt vẫn lăn dài. Mẹ từng nói xã mình ai cũng bảo ngự hướng địa linh, làng xóm lưng tựa vào núi, mặt dõi phía sông Cầu. Chính vì vậy luôn chung sống ăn ở thuận hòa, nhưng chả thế núi tình sông nào thay được cái tâm, con người ta bên nhau cần nhất là tấm lòng.

* * *

Thúy chợt choàng tỉnh. Cô cố mở mắt nhưng làn mi nặng trĩu sụp xuống. Không gian im ắng, chỉ thấy tiếng ong ong bít chặt đôi tai. Khát xé họng, cô liếm môi, những giọt nước mằn mặn. Ôi! Hình như là máu.

Thúy không nhớ chuyện gì đã xảy ra. Giữa mùi khét đắng của khói bom, cô mơ hồ nhận ra mùi hương bồ kết thơm dịu. Cơn gió lạnh từ từ trườn lên người. Chỉ một thoáng, Thúy thấy mình đã đứng trên nóc căn hầm bê tông. Trời chưa sáng hẳn, nhiều dáng người vội vã đào bới, những cơ thể bê bết máu mặc áo thanh niên xung phong. Một tốp người lật thanh bê tông bế cô gái nhỏ lên cáng. Mà lạ quá, Thúy thấy cô gái ấy chính là mình. Người mặc áo blu trắng quỳ xuống làm các động tác cấp cứu, cô nhào tới nhẹ như không.

Bên cạnh ngọn núi Linh Sơn sừng sững tạc vào trời, cô bám chặt vai núi và thấy mình trôi cùng cánh đồng xanh…

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đại đội 915 còn mãi với nước non (Tập 2)

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 1 năm trước

Đại đội 915 còn mãi với nước non (Tập 1)

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 1 năm trước

Phối hợp triển khai sáng tác văn học về Đại đội 915

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 2 năm trước

Tiếp tục tuyên truyền có điểm nhấn về Đại đội TNXP 915

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 5 năm trước

Những nụ cười vẫn sáng lên

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 5 năm trước

Họ đã tham gia cuộc chiến như thế

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 5 năm trước

Nhật ký cô văn thư

Xem tin nổi bật 5 năm trước