Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
07:50 (GMT +7)

Phong tục đón Tết độc đáo trên thế giới

Ecuador - Đốt hình nộm mừng năm mới

Có cách nào tốt hơn để đón mừng năm mới bằng cách thắp đuốc cho một hình nộm. Ít nhất đó là cách mà người dân ở Ecuador nghĩ vậy.

Và các hình nhân ở đây có thể là biểu tượng cho các nhân vật nổi tiếng, từ chính trị gia, ngôi sao nhạc pop cho đến nhiều thần tượng khác.

Nguyên liệu để làm nên những hình nộm thường là rơm, mùn cưa, quần áo cũ, và giấy báo cũ. Người dân sẽ vui mừng châm đuốc để thắp sáng hình nộm.

Phong tục này được cho là đã bắt đầu từ thành phố Guayaquil vào cuối thế kỷ 19. Ngày đó xảy ra dịch bệnh sốt vàng da, người dân địa phương khi đó đã phải thiêu các quan tài cùng với quần áo của người đã khuất để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.

Phong tục này có lẽ là cách để xua tan những điều u ám trong năm cũ để đón chào một năm mới với những điều tốt đẹp hơn ở phía trước.

Thắp đuốc, đốt hình nộm vào năm mới ở Ecuador.

Romania - Múa truyền thống hóa trang thành các loài vật

Nhiều truyền thống cổ xưa của người Romania vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay. Múa biểu trưng các loài vật mừng năm mới là một trong số đó.

Truyền thống này ra đời khoảng 1.000 năm trước, khi các lễ hội Thiên chúa giáo xuất hiện. Người dân sẽ mặc áo lông thú và đeo mặt nạ gỗ khắc hình các loài vật khác nhau như dê, ngựa hay gấu.

Rồi những nghệ sỹ hóa trang giống loài vật sẽ nhảy múa đi từ nhà này sang nhà khác. Sự hiện diện của họ nhằm để xua đuổi tà ma, mang lại một năm mới đầy may mắn cho thị trấn.

Nếu một vũ công hóa thân thành gấu xuất hiện trước cửa nhà bạn, điều đó sẽ đặc biệt may mắn. Theo tín ngưỡng dân gian của người Romania, gấu mang tới sức khỏe, giàu có và hạnh phúc tới cho gia đình bạn.

Bang Idaho, Mỹ - Lễ hội GlowTato

Không chỉ là truyền thống kỳ lạ của người dân New York, mà bang Idaho vốn nổi tiếng với khoai tây. Vì vậy mà nơi đây đón mừng năm mới bằng cách nâng và hạ xuống mô hình một củ khoai tây khổng lồ. Đây là cách để tôn vinh nông sản của địa phương.

Ở thị trấn Boise, bang Idaho, phong tục này sẽ dùng cần cẩu hoặc dây kéo để treo lên và hạ xuống mô hình 1 củ khoai tây khổng lồ nặng khoảng 180kg. Được gọi là GlowTato, mô hình được làm từ nhựa thông này do các nhà trồng khoai tây nổi tiếng của bang tạo nên.

Các nghệ sỹ địa phương sẽ gắng sức để nó trông giống hệt như một củ khoai tây thật khổng lồ.

Mô hình một củ khoai tây khổng lồ được nâng lên hạ xuống để mừng năm mới.

Phong tục mặc nội y sặc sỡ để đón chào năm mới

Ở nhiều quốc gia khác nhau như Italy, Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico, Brazil,... người dân tin rằng nội y bạn mặc vào năm mới sẽ thay đổi vận may của bạn trong năm tới. Và điều quan trọng nhất là màu sắc của nội y.

Màu đỏ được tin là sẽ mang lại cho bạn may mắn, đặc biệt giúp bạn có phần lãng mạn hơn trong mắt bạn đời. Ngoài ra, màu vàng mang lại thịnh vượng, tiền tài trong năm mới. Trong khi đó, màu xanh mang đến sức khỏe tốt còn màu trắng mang lại sự bình yên và hòa hợp cho gia đình bạn.

Ở Thổ Nhĩ Kỳ, phong tục này còn đi xa tới mức người ta tặng nhau đồ lót màu đỏ làm quà mừng năm mới.

Vì vậy, đừng ngạc nhiên, nếu người Thổ Nhĩ Kỳ đưa cho bạn một đôi dép tông màu đỏ vào năm mới. Đó chỉ là lời chúc năm mới may mắn, thịnh vượng dành cho bạn.

Ở nhiều quốc gia trên thế giới, người dân tin rằng màu sắc nội y mặc trong năm mới sẽ thay đổi vận may của bạn trong năm.

Dùng quýt để biếu, tặng hoặc lì xì đầu năm

Nếu như người Việt Nam có phong tục bày mâm ngũ quả lên bàn thờ tổ tiên để đón tết, thì người dân Singapore chỉ trưng trái quýt. Theo quan niệm của người dân "đảo quốc sư tử", trái quýt tượng trưng cho sự phú quý, nên họ thậm chí còn dùng để biếu, tặng hoặc lì xì đầu năm lấy hên.

Và một nguyên tắc "bất di bất dịch" cần nhớ đó là, người ta sẽ tặng nhau theo cặp (tức là bội số của 2) nhưng tuyệt đối tránh số 4. Quà để lì xì thường sẽ là một cặp, để trong túi giấy đỏ với một vài món khác như socola hình đồng tiền bọc trong giấy kẽm vàng.

Quýt có màu vàng tượng trưng cho sự giàu sang phú quý nên rất được người Singapore coi trọng vào dịp lễ tết, năm mới

Quăng những món đồ đạc đã cũ từ cửa sổ xuống đất

Việc vứt bỏ những món tài sản đã cũ được người Italia tin rằng đây là cách giúp họ sẵn sàng đón chào năm mới. Người dân Naples được cho là sẽ quẳng mọi thứ từ lò nướng bánh mỳ tới tủ lạnh từ ban công của họ "phi thẳng" xuống đất. Bởi vậy, người đi đường cần đặc biệt chú ý điều này.

Tuy hành động ném đồ qua cửa sổ được coi là điều may mắn, nhưng đa phần người Italia sẽ thận trọng không ném những món có thể gây nguy hiểm hoặc đồ vật quá cồng kềnh.

Đồ được ném qua cửa sổ ở Italia.

“Bói” đường tình duyên ngày đầu năm bằng gà trống

Vào dịp năm mới ở Belarus, những cô gái còn độc thân sẽ tham dự một trò chơi đặc biệt - đó là bói đường tình duyên bằng một con gà trống.

Khi đó, họ sẽ trải một đống ngô xuống đất rồi thả xuống sân đặt con gà trống. Người dân ở đây tin rằng, nếu con gà trống đi về phía ai thì cô ấy sẽ có thể kết hôn trong năm tới.

Các thiếu nữ chưa chồng người Belarus sẽ “bói” đường tình duyên đầu năm bằng một con gà trống.

Đánh nhau để xóa bỏ hiềm khích ở Peru

Để chuẩn bị đón chào năm mới, người dân ở Peru thường tổ chức "Lễ hội đánh nhau" vào cuối tháng 12. Đây là một phong tục đã có từ lâu ở quốc gia này và là dịp để nhiều người giải tỏa bức xúc mà họ phải kìm nén với hàng xóm trong suốt năm qua.

Phong tục này thường xuất hiện tại làng Chumbilbilca, theo đó người dân sẽ chào đón năm mới bằng cách mắng chửi và đánh nhau dưới sự chứng kiến của chính quyền để đảm bảo không có ai bị thương khi một ai đó có hành động quá khích.

Họ tin rằng thượng cẳng chân, hạ cẳng tay là một cách để xóa bỏ hiềm khích trong năm cũ, đồng thời thắt chặt tình đoàn kết trong năm mới. Mặc dù mang hơi hướng bạo lực, phong tục này luôn kết thúc trong sự hân hoan thân mật và đoàn kết giữa mọi người để cầu chúc cho một năm mới bình an.

Người dân đánh nhau để xóa bỏ hiềm khích trong năm cũ.

Tết cổ truyền của người Bali (Nyepi)

Ngày Tết Nyepi sẽ diễn ra vào khoảng tháng Ba. Trước ngày Nyepi, người dân Bali thường diễu hành trên đường phố, rước các tượng quỷ Ogoh-ogoh sặc sỡ, răng nanh lớn, mắt lồi, làm bằng tre tượng trưng cho cái ác, linh hồn tội lỗi tồn tại xung quanh con người. Vào đúng ngày, người dân đảo Bali sẽ nhịn ăn uống, không thắp lửa, không nói chuyện, chỉ đóng cửa ở nhà ngồi cầu nguyện trong im lặng từ sáng đến tối. Lễ nghi này dành riêng cho một ngày được gọi là Ngày im lặng. Các hoạt động ngừng nghỉ và Bali chìm trong im lặng. Một số người nói rằng truyền thống này bắt nguồn từ niềm tin từ xa xưa cho rằng sự im lặng sẽ đánh lừa các linh hồn ác quỷ tin người dân đã rời đi và các linh hồn cũng sẽ tự rời đi. Tuy nhiên, sau ngày năm mới, nhiều nghi thức, lễ hội đặc biệt lại được diễn ra sôi động khác hẳn.

Tết của người dân Thái Lan (Songkran)

Tết cổ truyền Thái Lan thường diễn ra vào khoảng 13 - 15/4 mỗi năm. Người dân Thái Lan chào đón năm mới theo Phật lịch, bắt đầu bằng ngày Đản sinh của Đức Phật (15/4). Người dân Thái Lan tin tưởng nước có thể gột sạch những điều xui xẻo trong năm qua và một nghi lễ tôn giáo gắn với Songkran liên quan đến việc đổ nước lên các bức tượng Phật giáo. Theo phong tục truyền thống của người Thái, các gia đình lên chùa dâng hương, lễ Phật và thực hành nghi lễ không thể thiếu là tắm Phật đầu năm, để tỏ lòng thành kính và cầu may cho năm mới. Đại tiệc nước vui nhộn là các chủ điểm thu hút du khách từ khắp thế giới với hy vọng phun nước vào người nhau để gột rửa mọi ưu phiền của năm cũ, đón may mắn cho năm mới.

A.T (st)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy