Thứ ba, ngày 07 tháng 05 năm 2024
04:37 (GMT +7)

Phố phiêu bạt

truyện ngắn. Nguyễn Đức Hạnh

Ai từng đi qua vùng này chắc đều phải biết đến phố Phiêu Bạt và cây đa ngàn tuổi - lúc giúp người, lúc hại người, mọc ở trung tâm của phố. Phố gồm hai dãy nhà cổ kính rêu phong, chạy dài từ bờ sông đến chân núi đá. Cư dân của phố đều không nhớ nổi gốc gác của mình, làm nghề thủ công kiêm buôn bán và ngược lại. Giông bão cuộc đời cuồn cuộn trong tóc họ. Sóng gió đắng cay như dao chém khắc vạt lên gương mặt họ những dấu tích khổ ải mà ngang tàng. Thi thoảng gió mang nỗi buồn từ sông lên, gặp gió mang thương nhớ từ những hang núi khổng lồ gầm gào thổi xuống. Chúng chọn phố Phiêu Bạt là nơi hò hẹn, để rồi tất cả rung chuyển, khiến nhà cửa liêu xiêu, dáng người đi cũng xiêu xiêu. Cứ nửa đêm, cây Đa cười khóc, rồi thì thầm trò chuyện với ai đó, những rễ đa mọc dài, rồi như những ngón tay bò đi ve vuốt từng ngôi nhà…

Chính bởi sự kì bí ấy, khi nhận viết cuốn sưu tầm văn hóa dân gian của vùng đất này, hắn đã đến thu thập tư liệu và ngồi viết ở đây mấy tháng trời, chịu đựng cái nóng rát ghê người vì nơi đây đã hạn hán 3 năm nay. Bản thảo vừa gửi đến nhà xuất bản, thì hắn chết bất đắc kỳ tử cạnh gốc đa nơi phố ấy.

Tôi biên tập cuốn sách ấy của hắn, thấy phần phụ lục có 2 mẩu chuyện nhỏ đề thể loại là “Dã sử hiện đại”, đọc mãi không hiểu gì và không biết có nên cắt bỏ đi không, đành đưa lên đây xin ý kiến chỉ giáo của các biên tập viên kì cựu gần xa. Hai câu chuyện đó thế này.

  1. Câu chuyện về một nhà thơ và một hảo hán làm nghề thợ rèn.

Căn nhà nhỏ bé nhất nhưng cũng nổi tiếng nhất phố Phiêu Bạt là của nhà thơ. Nó nổi tiếng vì chủ nhân của nó làm thơ rất hay và kiêm thêm nghề bán cá mỗi sớm mai một cách kì lạ, để kiếm sống. Mỗi đêm ông biến mất khoảng 2 tiếng. Sáng hôm sau đã có một sọt cá tươi ngon đặt trước cửa. Ông không ngồi bán, từng người đến mua tự chọn cá mang đi, sau khi tùy ý bỏ tiền vào một chiếc hộp gỗ nhỏ, thành hộp có ghi hai câu thơ của ông:

Mẹ Sông cho thì lấy

Ân nghĩa nhận đừng quên

Vậy mà đố có ai dám lấy cá mà không trả tiền. Lâu rồi, có một kẻ ở xa tới, xách con cá chép hơn 10kg đi mà không trả tiền, vừa đi được một đoạn, xe máy đã dựng ngược, rồi đâm thẳng vào gốc Đa. Kẻ ấy đi bệnh viện khâu vết rách trên đầu, tiền thuốc men đúng bằng tiền phải trả khi mua cá.

Thơ của ông hài hước mà trữ tình, sâu cay mà mơ mộng. Trai gái muốn tỏ tình với nhau, hoặc muốn hàn gắn hôn nhân sắp tan vỡ, đều đến nhờ ông. Ông làm thơ hộ họ, không lấy tiền, và đôi tình nhân nào đến nhờ ông đều nên vợ nên chồng, đôi vợ chồng nào sắp li hôn đều hòa hợp và hạnh phúc. Có nhiều người năn nỉ gửi tiền trả ông, ông dứt khoát chối từ và chỉ có một yêu cầu, thực hiện hay không thực hiện cũng không sao: - Trên đỉnh núi cao chất ngất sau nhà ông có một hang sâu hun hút, cứ vào đúng Giao thừa hàng năm, hang đá ấy lại phun ra một dòng nước màu hồng ngọt như mật ong. Ai có lòng, xin lấy và mang về cho ông một bình nước ấy.

Thi thoảng có những đôi trai gái cảm tạ ân nghĩa của nhà thơ mang đến cho ông bình nước kì lạ kia. Bao giờ ông cũng uống một ngụm rồi mang ra rót vào gốc đa ngàn tuổi đang ngày một héo khô, cằn cỗi. Cây Đa bỗng rùng mình, lá đỏ, lá vàng thoắt chuyển màu thành lá xanh mơn mởn. Còn riêng ông sau khi uống cốc nước ấy, thơ ông lại hay hơn trước rất nhiều.

Chiều hôm đó, mưa mùa đông giăng mờ phố nhỏ. Nhà thơ có mái tóc bạc phơ, gương mặt hiền từ ngồi ngoài hiên lặng lẽ, đếm từng giọt mưa rơi, như đếm từng ngày tháng còn lại của đời mình. Tôi đến bắt chuyện với ông rồi tò mò hỏi:

- Sao lại có thứ nước kì diệu ấy? Có phải thuốc trường sinh không? Hay đấy là nguồn mạch văn chương? Thế chúng ta cứ lên hang đá, lấy nước về dùng dần chả phải ích lợi lắm sao?

- Không. Chỉ có những người nhân nghĩa mới lấy được nước ấy. Vạn người đi chỉ có một người mang được nước về. Còn nước ấy là gì, ai trải qua trăm đắng nghìn cay mà vẫn giữ được tâm thiện thì mới trả lời được... Chính tôi cũng có khi lên đấy lấy nước nhưng phải trở về tay không...

Nhà thơ bỗng im lặng, nghiêng tai lắng nghe rồi thì thào như nói với chính mình: - Đấy. Hồn phố đang run run bò qua các mái nhà. Dạo này hồn phố hay khóc, nhiều con em của phố hư hỏng. Thơ bất lực hay sao? Ông cúi xuống, lấy khăn lau nước mắt. Tôi kín đáo liếc nhìn, quả là lời đồn đại chẳng sai, xương sống của ông nhô cao, xẻ thành hàng chục vây lởm chởm, giống như lưng cá sấu. Thảo nào dân phố đồn ông có thể đi dưới đáy sông cả ngày, bỏ cá vào giỏ dễ như ta bỏ kẹo vào miệng. Vậy liệu có một ngày, ông có theo cá bỏ phố này mà bơi ra biển không?

Ông pha ấm trà mới, rồi khẽ khàng cất tiếng, ấm và nhẹ, lẫn vào tiếng mưa:

- Từ năm 1930, phố Phiêu Bạt đã nổi tiếng sầm uất khắp vùng. Hai dãy quán khang trang. Chỗ kia là tiệm bán thuốc phiện và rượu ty của bọn Pháp. Chỗ này là sòng bạc của người Hoa. Ngày chợ phiên, bà con vùng cao đổ xuống chợ, mang theo lâm thổ sản đổi lấy muối. Ngày ấy, cọp beo còn đi lại hàng đàn. Ngay sau phố, chỗ đồi cao kia, là nhà tù. Cuối chợ có một giếng cổ đã hơn ngàn tuổi, thi thoảng giao thừa nước giếng phun lên có màu hồng và ngọt vô cùng. Ai có duyên uống được nước ấy thì tài văn chương phát sáng. Bởi thế vùng đất này xưa kia xuất hiện nhiều văn nhân tài hoa. Tiếc thay!

- Sao lại tiếc hả ông? Vậy cái giếng ấy đâu rồi?

- Bị lấp mất rồi. Từ đó, mạch “văn” đứt, mạch “võ” lên ngôi. Buồn thay. Người ta dùng dao búa, súng đạn giải quyết mọi việc. Xưa đánh giặc thì còn được, nhưng giờ lâu dần thành quen. Không còn văn hóa, lấy gì kìm tỏa sự hung bạo...

- Ông ơi. Cháu muốn hỏi vì sao lại đặt tên nơi đây là phố Phiêu Bạt?

- Vì ở đây toàn dân tứ xứ, cùng quẫn thì phải chạy lên đây. Trai thì lục lâm thảo khấu, gái thì tứ chiếng giang hồ. Cái ngang ngạnh, ghê gớm ấy thì phải dùng Văn để mà cảm hóa và thu phục... Nói xong, nhà thơ đưa mắt nhìn sang căn nhà đối diện với ánh mắt không thiện cảm. Nhìn theo ông, tôi giật mình, hình như Lý Quỳ trong phim Thủy Hử đã bước ra và định cư ở phố này. Đó là một ông cụ khoảng 70 tuổi mà cơ bắp cuồn cuộn, làm nghề thợ rèn, mặt vuông chữ điền, râu quai nón rậm rì, bộ ngực rộng, xăm hình một con hổ xanh lè. Nghe đồn ông đã trải qua năm đời vợ, không bà nào chịu được khả năng tình dục phi thường của ông quá vài năm. Giờ ông sống một mình, mỗi bữa vẫn đả hết 8 bát cơm, nửa cân thịt và một chai rượu mạnh. Hình như nhà thơ và hảo hán này có khúc mắc gì đó…

 Máu nghề nghiệp nổi lên, tối đến tôi xách can rượu và bọc thịt chó sang nhà hảo hán. Cũng phải qua ba lần say quắc cần câu, tôi mới được lão thu nhận làm đệ tử “rượu” và chịu mở lời:

- Tao và thằng nhà thơ kia đều là con của phố Phiêu Bạt. Cha mẹ từ đâu đến không rõ. Lá khô theo bão mà bay, vướng núi đá thì ở lại đất này. Thằng nhà thơ đề cao “văn trị”. Tao nhất quyết phải “võ trị”. Mả mẹ đời. Lúc nó thắng, lúc tao thắng. Chả biết thế đếch nào mà lần...

- Theo cháu thì cả văn lẫn võ, đời cần có cả hai chứ ông?

- Đấy là lí thuyết, chứ từng thời thế người ta lúc trọng văn lúc trọng võ, thế là lên voi xuống chó. Thời chiến, tao là xã đội trưởng hét ra lửa, từng bắt biệt kích, bắn rơi máy bay địch, oai như cọp. Thằng nhà thơ chỉ là đội trưởng đội văn nghệ. Đàn ca sáo nhị thì ăn thua mẹ gì. Hòa bình, nó lên làm cán bộ, tao lại lủi thủi góc lò rèn nhà tao. Ha ha. Đúng là thời thế tạo anh hùng...

 - Cháu nghe nói ông tình nguyện làm hiệp sĩ bắt gần trăm thằng trộm cướp khắp vùng này. Giấy khen đầy nhà. Dân ca ngợi. Đàn bà mê tít. Ông sướng thế còn gì...

- Sướng cái đ.. gì. Đi họp, nó ngồi trên nói như liên thanh, xong lại còn đọc thơ. Tao nghe có hiểu gì đâu. Thế là về. Ừ thì cũng có tí sướng là lũ đàn bà góa theo tao cả đàn. Nó lại bảo tao tha hóa trụy lạc. Tao không vợ, lũ đàn bà kia không chồng. Thích thì cho nhau tí sướng, tha hóa, trụy lạc cái đ… gì. Đầy thằng đủ vợ đủ chồng vẫn ăn vụng như chảo chớp kia kìa…

- Sao bác nhà thơ bảo chỉ vì cây Đa mà hai ông ghét nhau?

Hảo hán thợ rèn bỗng trầm xuống, hồi lâu không nói, chỉ uống cạn bát rượu rồi thở dài. Mãi, ông ta mới thì thào như sợ ai nghe thấy:

- Cây Đa thiêng lắm. Tướng phỉ ngày xưa chặt đầu hàng trăm dân đen rồi treo đầu lên ngọn đa, oan hồn uất khí không tan, nên lúc gây họa lúc tạo phúc cho dân. Cứ đêm trăng sáng, thi thoảng lại xuất hiện hàng chục xác người treo lơ lửng dưới cành đa, lưỡi thè lè. Cứ đợi người đi qua, xác đứt dây rơi xuống, thè lưỡi nhảy từng bước đuổi theo. Bà con yếu bóng vía lăn ra chết ngất, ỉa đái ra quần. Tao chủ trương tiêu diệt, cứ cưa mẹ nó đi, đào cả gốc, thế là hết ma. Nhưng thằng nhà thơ lại bảo đấy là di tích lịch sử - văn hóa, kiên quyết giữ, thi thoảng lại đổ cái nước gì đó vào gốc cây... Tao với nó đâm ghét nhau, nhưng nếu thiếu đi một trong hai thằng thì như thịt chó không có mắm tôm, đời nhạt lắm...

- Thế còn sự linh thiêng của giếng cổ thì sao? Bác có tin không?

- Nửa tin nửa ngờ. Nhưng hạn hán lâu quá, giá có cái giếng ấy thì dân phố này còn có nước mà dùng…

Tôi ngồi lặng lẽ ngẫm nghĩ về hai bậc tiền bối của vùng đất dữ này, họ như nước với lửa, đấu nhau đến kì cùng. Nhưng nếu không có hai ông lão ấy, lịch sử phố này sẽ ra sao?

  1. Câu chuyện của gốc đa nghìn tuổi với giếng cổ

Đêm ấy, đã gần tết Nguyên Đán mà trời lạnh quá. Núi đá cao chất ngất phía sau phố tỏa hơi lạnh thấu xương, từ miệng hang, gió núi ù ù thổi như đang đọc một trường ca bi tráng về vùng đất này, về những phận người bị đẩy xuống vực thẳm một thời thuộc Pháp. Nhưng đằng sau cái vẻ bề ngoài nho nhã hay dữ tợn kia là cả một đại dương thăm thẳm, có mấy ai nhìn thấu đáo bão sóng ngầm vui buồn mang rủi ro dưới đáy sâu của nó? Đang viết, bí tư liệu quá, tôi lang thang ra gốc đa thắp nén hương xin thần Đa phù hộ cho hoàn thành sớm cuốn văn hóa dân gian đã gần đến hạn phải nộp bản thảo này. Thế rồi chẳng biết làm sao, tôi ngồi dựa gốc Đa nửa mê nửa tỉnh, nghe được câu chuyện kì quặc:

Gốc Đa thở dài, cành lá run rẩy, sương rỏ xuống như nước mắt của cây:

- Lẽ ra trong cuốn sách kia, ta phải là một nhân vật chính, hoặc ít ra cũng phải là nhân chứng quan trọng. Để chuẩn bị cho khởi nghĩa, hộp thư bí mật của bên ta đặt trong thân này. Ngày khởi nghĩa, cờ bên ta chẳng treo trên ngọn đa là gì? Vậy mà lũ người vô tâm kia quên tiệt cả rồi...

Giếng Cổ nằm sâu dưới đất tấm tức, ánh sáng trắng rất mạnh từ giếng xuyên qua bê tông, chiếu thẳng lên trời: những tia nắng như những ngón tay cố níu sao đêm.

- Bác vẫn hiện diện trên đời mà người ta còn quên. Tôi giờ nằm sâu dưới đất thì ai nhớ? Họ vô tư đến vô tình. Nguồn nước này cho cư dân ở đây uống đã ngàn năm. Ngọt lành này nuôi tâm hướng thiện, khiến mầm nhân ái nở hoa, mầm văn chương mọc thành cây lớn. Ừ thì do hoàn cảnh đặc biệt mà phải lấp đi. Nhưng sau đó phải khơi lại, gìn giữ trong lành mà di dưỡng hồn cốt cha ông chứ. Mất đi cội nguồn sâu thẳm này, trái tim con người khô cằn thành sa mạc, càng thông minh càng ích kỉ, từ ích kỉ đến tàn bạo có bao xa?

Cây Đa ngậm ngùi:

- Chú cũng khổ thật. Bị lấp đi biệt tăm biệt tích. Trên mặt chú giờ lại xây cái quán Karaoke kiêm mại dâm, mở nhạc Rốc, Ráp gì đó, tôi nghe đau cả tim. Nhưng chú cũng hiền lành quá, giống lão nhà thơ, phải tay tôi sẽ vật cho vài đứa trợn mắt méo mồm, xem có tỉnh ra mà trân trọng...

Giếng Cổ òa khóc:

- Tôi là nước nên vốn ôn nhu, không cường bạo được. Đấy, bác vật mấy đứa hộc máu mồm, chúng nó chẳng đe là sẽ cưa bác đi à? Bác cũng giống lão thợ rèn, động một tí là đao búa với tiêu diệt...

Cây Đa thở dài thăm thẳm:

- Chú xem, nếu là người lương thiện thì tôi có làm gì đâu? Nhưng mấy đứa bất hiếu, bất nghĩa, lừa thầy phản bạn, vừa làm việc ác xong lại đến đặt gói bánh, thắp nén hương xin tôi ban cho tài lộc và bình an. Tôi phù hộ cho chúng, chẳng hóa ra tôi ăn hối lộ à? Tôi không thèm, thà chết khô còn hơn. Loại ấy tôi cứ vật cho điên điên dại dại...

Giếng Cổ nghe chừng đã hiểu ra, nhưng vẫn băn khoăn:

- Đề cao chữ “Nhẫn”, hiền hòa chịu đựng, nằm yên chờ trời xanh có mắt như tôi đã khổ. Cứng cỏi bất khuất, phù thiện trừ ác như bác cũng không sung sướng gì. Có thằng còn đái vào gốc bác, dọa cưa bác. Vậy thì sống như thế nào là đúng đắn đây. Bác ủng hộ tay nhà thơ hay tay thợ rèn?

Cây Đa cười ha hả:

- Thiên cơ bất khả lộ. Chú cứ chờ mà xem. Nước có vận nước. Nhà có vận nhà. Chúng ta cũng thế. Chú xem gió đang xoay chiều. Cái tốt, cái đẹp đang thắng thế. Còn hai con người kia đều quá cực đoan, họ là người của từng thời thế. Lúc hợp thời thì như mặt trời, lúc lạc thời thì như đom đóm. Nhưng cũng không sao, sông vẫn cứ chảy dù lúc trong lúc đục, lúc đầy lúc vơi, miễn sao sông vẫn cứ phải là sông, đừng trở thành cống thoát nước thải tanh hôi là được...

Giếng Cổ mếu máo:

- Nhưng bao giờ tôi mới lại được khơi lên, cho xanh trong hiện diện dưới trời? Được đón nguồn nước thần từ đỉnh núi kia, theo mạch ngầm chảy xuống. Cho văn nhân xuất hiện đem “Văn trị” mà gột rửa bớt tham sân, si đang đang ngày càng đen đặc trong tâm con người…

Cây Đa thở dài:

- Thì cứ hi vọng và tin tưởng chứ còn biết làm sao? Có hi vọng thì vẫn có lí do để sống tiếp. Chúng ta đều trên dưới nghìn tuổi rồi, còn bão táp nào chưa trải qua? Nhưng tôi tin vận khí nước mình đang lên. Nhìn mà xem, có một ngôi sao đóng ở cung Đế Quân đang ngày một sáng. Lịch sử có khúc quanh của lịch sử, như tôi có khúc cong của thân tôi. Như tôi ngửi hơi gió thì đã biết mùi vị của sướng vui cho muôn loài đang về…

Giếng Cổ ngơ ngác:

- Tôi chả ngửi thấy mùi vị gì là làm sao?

Rồi một đêm có bão lớn, không hiểu trời đất giận dữ điều gì, sấm sét kinh thiên động địa, một vòi rồng cuồn cuộn xoáy bốc toàn bộ quán Karaoke kiêm mại dâm bay đi đâu mất. Chỗ nền nhà ấy, đất bị bốc đi, tạo ra một hố sâu thăm thẳm, từ trong lòng hố một tiếng nổ ầm vang như bộc phá, nước giếng màu hồng vọt lên thành cột sôi sùng sục, rồi hiền hòa, mát dịu trút xuống. Nhà thơ và hảo hán thợ rèn chạy đến bên giếng cổ vừa được khai quật trở lại, quỳ lạy, khấn khứa sì sụp. Rồi hai ông lão ôm lấy nhau cười ha hả mà nước mắt ròng ròng. Họ vào nhà mang rượu ra uống rồi cùng cất tiếng hát, giọng lão thợ rèn khô đục khàn khàn đi bè trầm, giọng lão nhà thơ the thé đi bè cao, kết hợp lại tuy không hay mà lạ, bởi chưa có cặp song ca nào quái dị bằng hai ông lão ấy. Bài hát của họ cũng kì lạ bởi hùng ca xoắn xuýt tình ca, tiếng búa lò rèn đi cùng tiếng nhị, tiếng lửa gào thét đi cùng tiếng nước sông thầm thì… Thì ra, hai ông lão đều hát bài hát tự sáng tác theo kiểu ngẫu hứng của mình, chẳng ai quan tâm đối phương đang hát gì. Ấy thế mà trong cái đêm kì dị ấy, hai bài hát kia khi đi cùng nhau, lại diễn tả đúng bản chất lịch sử của vùng đất này. Tâm tư của hai dị nhân ấy vừa quen vừa lạ thì phải?       

Cây Đa lắc đầu, cười sang sảng. Ngôi sao khổng lồ vụt chiếu ánh sáng đến muôn phương, một tia sáng cực mạnh xuyên thẳng vào dãy núi đá, trên đỉnh núi cao nhất, hang đá có nước thần đột ngột tuôn trào, dòng nước màu hồng thơm ngọt hóa cơn mưa bất thường tắm phố Phiêu Bạt tinh khôi, thơm dịu dàng, dù các cư dân đang say ngủ trong nhà không hề biết năm nay, chẳng cần đến Giao thừa, nguồn nước kì diệu kia đã về với mảnh đất khô khát, hạn hán đã 3 năm, lẫn trong tiếng mưa, có tiếng Cây Đa giục Giếng Cổ: À, cái Đỉnh đồng đen chứa linh khí vùng đất này, để ngâm lâu trong nước tù hãm không ổn. Chú để tôi cho vào ruột cây cất giữ cho khô ráo… Một vệt sáng xanh kì lạ từ dưới đất bay lên ngọn cây. Mưa có màu hồng thắm đã tạnh. Trăng lên sáng lạ thường.

***

Sau khi biên tập cuốn Văn hóa dân gian một vùng đất thiêng của hắn, tôi nghe đồn hắn đã chết cạnh gốc đa ngàn tuổi kia, nhưng hai tay lại đang ôm một chiếc hộp cổ kính bằng gỗ lim, trong hộp trống không. Nhưng ở ngực hắn có một vết bỏng khủng khiếp, in đậm hình thù một chiếc lư đồng cổ kính nào đó, có dòng chữ Hán Nôm tạo thành vết cháy đúng chỗ trái tim, tạm dịch là:

“Giành nước dùng võ. Tự nước dùng văn

Anh hùng – Thi sĩ, ai cũng có phần”.  

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Bàn chân tìm nhau

Văn xuôi 1 tuần trước

Rủ nhau đi hái măng rừng

Văn xuôi 1 tuần trước

Thong dong mây trắng…

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Sương

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Gió mây vần vũ

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Lời ru từ mặt đất

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Tháng Ba mùa hoa gạo

Xem tin nổi bật 1 tháng trước