Thứ bảy, ngày 21 tháng 09 năm 2024
03:34 (GMT +7)

Phim trường Hollywood và Giải thưởng Oscar

VNTN - Nói đến điện ảnh Mỹ ngày nay là phải nói đến Hollywood, phải nói đến những hãng phim nổi tiếng từ những năm 20 của thế kỷ XX: Paramount, Metro Goldwin Mayer, Fox, First National, Warner Bros, R.K.O Columbus, Walt Disney… Với những đạo diễn tài ba Strheim, Lubitsch, King Vidor, Harry Lamdom… để hôm nay có những tên tuổi lẫy lừng như: James Cameron, Spielberg, Sternberg, Leni, Sjostrom, Stiller, Ann Fletcher, Lone Scherfig, Kathryn Bigelow… với hơn 100 bộ phim được giải thưởng điện ảnh danh giá nhất thế giới: OSCAR (chỉ tính riêng phim Mỹ). Có những bộ phim được nhiều giải OSCAR: Đạo diễn, kịch bản, diễn viên chính, diễn viên phụ, quay phim… nhưng cũng có bộ phim được giải OSCAR cho một trong những đề mục.

Lễ trao giải Oscar lần đầu tiên, năm 1929

Nơi khai sinh ra nền công nghiệp điện ảnh Mỹ

Hollywood là tên ghép của hai từ đặc trưng ở khu vực ngày xưa rất hoang vắng của nước Mỹ. Holly “một loại cây ô - rô, lá nhỏ xanh quanh năm, bóng và cứng, có quả đỏ mọng vào mùa đông cành của nó được dùng để trang trí vào lễ Noel tức là cành ô - rô giáng sinh” và Wood là rừng. Hollywood là cánh rừng ô - rô nằm trong một trang trại chăn nuôi lớn của gia đình Wilcox. Sau này là một thị trấn lớn nằm trong thành phố Los Angeles thuộc bang California ở miền Tây - Tây Nam của nước Mỹ. Với diện tích 2.496 dặm vuông (64,6 km2), dân số địa phương 123.436 người, khi trở thành kinh đô điện ảnh người ta vẫn gọi với cái tên lóng (nickname) là “Thành phố phát triển những ngôi sao” (Star Strack Town) hay “Thành phố lấp lánh” (Tinsel Town) để chỉ thành phố Hollywood và cũng để chỉ nền công nghiệp điện ảnh Mỹ.

Đến nay tại Đại lộ chính của Hollywood, ở vỉa hè lát đá hoa cương và có hơn 2.500 ngôi sao bằng đồng sáng lấp lánh tên của mỗi nghệ sĩ nổi danh. Trong đó ta thấy Charlie Chaplin, Gary Cooper, Spencer Tracy, John Wayne, Jame Stewart, Elizabeth Taylor, Marilyn Monroe, Marlon Brande, J. Carney, Henry Fonda, Ginger Rogers, Better Davis, Britney, Machael Jackson…, những người làm thế giới điện ảnh nghiêng ngả.

Thời kỳ đầu (1910), Griffith một nhà đạo diễn nổi tiếng đã vượt 4000 km cùng E-kip làm phim của mình đến khu vực hoang sơ này để tìm cảnh quay cho một bộ phim do ông đạo diễn. Lúc đó chưa có kỹ thuật tinh xảo như sau này. Để tạo ánh sáng và các cảnh làm nền, ông đã tìm đến đây bởi vùng quê hoang vắng này tràn ngập ánh nắng mặt trời, có bờ biển xanh bát ngát, có núi đồi, rừng rậm và sa mạc, có đồng cỏ và làng xóm cổ sơ của thổ dân da đỏ. Vậy là không phải dựng trường quay (Studio) tiên tiến. Trường quay là sẵn, tự nhiên cho những bộ phim Nhất là phim về miền Tây với những đàn ngựa chạy trên đồng cỏ với những chàng cao bồi, mũ rộng vành, bắn súng cả hai tay, sống hào hiệp và thẳng thắn đang là phim ăn khách nhất lúc bấy giờ. Những người da đỏ thổ dân lại sẵn ở đây, cần huy động để đóng phim bao nhiêu cũng có, lại giá rẻ… Theo chân Griffith, nhiều đoàn làm phim khác cũng đổ xô đến miền đất hoang vắng này. Chỉ sau vài năm cái trang trại chăn nuôi nhà Wilcox trở thành thị trấn sầm uất với những khách sạn và đại lộ nổi tiếng.

Điện ảnh Mỹ trở thành một nền công nghiệp siêu lợi nhuận từ đây. Cạnh tranh gắt gao giữa các hãng phim, tập đoàn điện ảnh xảy ra khốc liệt. Cạnh tranh, thu hút nhân tài. Các đạo diễn, diễn viên nổi tiếng thế giới đổ xô đến đây để lập nghiệp, để thành danh, để trở nên giàu có. Từ đây phim Mỹ đè bẹp phim châu Âu và chiếm lĩnh thị trường thế giới ngay từ chiến tranh thế giới lần thứ Nhất.

Hollywood ngày nay là một tổ hợp của công nghiệp điện ảnh. Trường quay, trường kỹ thuật, trường đào tạo diễn viên, đạo diễn, tác giả kịch bản, trường đào tạo khác, trường đào tạo hóa trang, trang phục và ánh sáng. Các nhà máy và xí nghiệp sản xuất phim chụp ảnh (Kodak), công nghệ tráng phim và in ảnh… tập trung nhất là ở hãng Paramount Pictures.

Đây cũng là nơi tập trung các tập đoàn sản xuất băng, đĩa CD, DVD và dụng cụ nghe nhìn nổi tiếng thế giới, hấp dẫn khách du lịch là những đại lộ ngập tràn ánh sáng và hoa lệ của khu Beverly Hills và West Hollywood, nơi tập trung những biệt thự sang trọng, xa hoa của những tài tử điện ảnh Mỹ. Xe cộ đủ mốt và đắt tiền, các shop thời trang, cửa hàng vàng bạc, đá quý, kim cương… ít nơi trên thế giới sánh được. Các Đại lộ với những khu phố hiện đại và giàu sang như Barham Boulevard, Cahuenga Boulevard, Huperion Avenue, Golden State Freeway hay Melrose Avenue… Các nhà Ngân hàng và các công viên Griffith Park, Los Feliz, Viện Hàn Lâm điện ảnh (Academy Awards) là địa chỉ tìm đến của khách du lịch.

Hoolywood của những năm cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI càng phát triển nhanh chóng hơn và rực rỡ hơn trên các lĩnh vực nghệ thuật và thương mại.

Ngày 22-1-1947, đài truyền hình thương mại đầu tiên được khai trương ở đây để rồi phát sóng khắp nước Mỹ những bộ phim vừa xuất xưởng của Hoolywood và sau đó là The Public Prosecutor hệ thống mạng toàn cầu (Network) của vô tuyến truyền hình cũng được hoạt động tại đây. Những năm 50 các tổ hợp ghi âm băng đĩa và các văn phòng của công nghệ nghe nhìn của các tập đoàn kinh tế Mỹ cũng chuyển đến làm cho cơ sở vật chất của công nghệ điện ảnh đổi mới không ngừng và liên tục phát triển.

Năm 1952, kênh truyền hình CBS (CBS Television City) được phát sóng ngay ở góc hai đại lộ Beverly Boulevard và Fairfax Avenue.

Những năm 50 hệ thống đường tàu điện, xe bus, đường đi bộ đan xen khắp thành phố này đã được hoàn tất, nối liền mọi ngóc ngách thành phố về trung tâm, tạo điều kiện đi lại dạo chơi, du ngoạn cho khách du lịch. Sau đó là Trường dạy nghề Hollywood ra đời (Hollywood Professional School) hàng năm thu hút hàng nghìn sinh viên, học sinh khắp thế giới đến học. Ngay sau đó là Hollywood Walk of Fame, một trung tâm giao lưu và làm việc của các nghệ sĩ, những người cộng tác viên của bộ máy công nghiệp điện ảnh, sân khấu vô tuyến truyền hình, âm nhạc… có mặt ở diễn đàn này. Năm 1985, cả một khu vực rộng lớn và hoành tráng “Khu giải trí và thương mại Đại lộ Hollywood” (Hoolywood Boulevard Commercial Entertainment District) được xây dựng và trở thành trung tâm thương mại và giao dịch điện ảnh lớn nhất thế giới.

1998, "Titanic" là bộ phim có số đề cử và giải thưởng nhiều nhất với: 14 đề cử và 11 giải thưởng. Trong ảnh, từ trái qua là: James Cameron - đạo diễn, Kate Winslet - nữ diễn viên chính và Jon Landau - nhà sản xuất của bộ phim

Tháng 6-1989 hệ thống tàu điện ngầm Hollywood với nhiều ga đỗ là những công trình văn hóa nghệ thuật đã được xây dựng, chạy từ phía Nam Los Angeles đến Thung lũng qua các Đại lộ Hollywood đến Vine Street và Highland Avenue. Hai năm sau nhà hát Kodak (Kodak Theatre) mở cửa, khách sạn Hollywood lịch sử cũng khánh thành, và nơi này hàng năm vẫn là nơi trao giải thưởng điện ảnh OSCAR danh giá nhất thế giới. Ở đây các trụ sở của các tập đoàn truyền thông cũng được xây dựng KNBC (1902), NBC Radio City Studio NBC, KTTV (1996), KABC TV, ABC News, 20th Century Fox (2001), CBS Studio Center, KTLA và KCET (Đài phát thanh và truyền hình). Năm 2005 có thêm trường quay (Phim nhựa và phim Video) Miracle Mile… Cùng với chúng là nhiều siêu thị cực kỳ hiện đại, vô số những Restaurant, Bar, câu lạc bộ và nhiều sòng bạc phục vụ khách du lịch, tập trung nhiều nhất ở Đại lộ Hollywood và tổ hợp Highland (gần Nhà hát Kodak)…

Hollywood trở thành Kinh đô Điện ảnh thế giới.

Giải Oscar

Hollywood - Nơi các tập đoàn kinh tế của điện ảnh Mỹ tổ chức và hoạt động. Hàng năm sản xuất ra hàng trăm bộ phim được phát hành và chiếu khắp thế giới thu về cho nước Mỹ hàng trăm tỷ dola, hơn mọi ngành công nghiệp. Ai cũng biết đến vị trí của một khách sạn năm sao nổi tiếng thế giới. Đó là Hollywood Hotel và Nhà hát Kodack - Nơi hàng năm cả thế giới, với hàng trăm triệu người ngước nhìn lên màn ảnh nhỏ theo dõi lễ trao giải thưởng điện ảnh hàng năm Oscar.

Cái tên Oscar không biết do ai sinh ra. Đến nay có hai người nhận là đã khai sinh ra nó. Từ năm 1927, lúc đó bà Margaret Herrick (sau này là giám đốc điều hành Viện Hàn lâm khoa học và nghệ thuật điện ảnh Mỹ) còn là một cô thủ thư mới vào nghề. Khi trông thấy bức tượng bằng đồng dành cho những người được giải thưởng xuất sắc nhất hàng năm đã thốt lên rằng nó giống như ông bác của cô. Ông bác tên là Oscar. Lúc đó có một nhà báo có mặt ở đó, nhà báo đã rút tít một bài báo “Một nhân viên yêu mến đặt tên cho bức tượng nổi tiếng là Oscar”.

Có một nguồn khác cho rằng nữ diễn viên nổi tiếng tài danh, từng đoạt giải Oscar tên là Bette Davis trong hồi ký của mình khẳng định tên bức tượng và là tên giải thưởng Oscar là do cô đặt, bởi người chồng của cô vốn là chỉ huy giàn nhạc, ông Harmon Oscar Nelson… cô yêu chồng và gọi tên bức tượng này trùng với tên chồng: Oscar.

Thật ra, giá trị vật chất của bức tượng Oscar chẳng là bao. Nhà đạo diễn nghệ thuật của hãng phim Metro Goldwyn Mayer chính là người thiết kế bức tượng, ông Cedric Gibbons. Bức tượng bằng đồng, cao 34 cm, nặng 3,85 kg, sau này có thời kỳ (1939 - 1945) làm bằng thạch cao. Khi chiến tranh thế giới thứ Hai bùng nổ không có đồng để đúc tượng. Sau này những ai đã nhận tượng Oscar bằng thạch cao thì được đổi tượng bằng thiếc và đồng có mạ vàng.

Nguyên tắc bầu chọn giải thưởng Oscar

Giải Oscar bắt đầu từ năm 1929. Giải được lựa chọn hàng năm và liên tục từ đó đến nay. Phim được xét chọn được công chiếu từ 1 tháng Giêng đến 31 tháng Mười hai hàng năm, được Hội đồng Hàn lâm điện ảnh đề cử. Tác phẩm được giải phải qua hai vòng bỏ phiếu. Vòng thứ nhất do Hội đồng đề cử. Vòng thứ hai do tất cả các ủy viên (viện sĩ) bỏ phiếu. Số phiếu bầu sẽ quyết định những tác phẩm được giải, phiếu bầu được niêm phong kín, được mở và công bố công khai ở thời điểm ngày lễ.

Đến nay, sau 82 năm trao giải, đã có 2.500 bức tượng Oscar trao cho những người xuất sắc nhất thế giới. Giải Oscar cũng còn được gọi là Academy Award of Merit, do Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật điện ảnh tổ chức. Lúc đó Viện chỉ có 36 thành viên do Douglas Fairbanks làm chủ tịch. Quy mô và tiếng tăm của giải thưởng không đồ sộ như ngày nay. Từ khi trao giải Oscar đến nay chỉ có vài lần là phải trì hoãn hoặc hủy bỏ. Năm 1938 lụt bão ở Los Angeles, 1968 mục sư Martin Luther King, một nhà hoạt động nhân quyền có uy tín và tiếng tăm ở Mỹ bị ám sát, năm 1981, diễn viên và tổng thống Ronald Reagan bị ám sát hụt…

Lễ trao giải Oscar được tổ chức công phu, hoành tráng và trang trọng. Những năm trước khi có vô tuyến truyền hình thì được đài phát thanh truyền đi khắp thế giới. Năm 1953 được phát trên màn ảnh TV (đen trắng) đến 1966 hình ảnh màu sắc rực rỡ và lộng lẫy của lễ rao giải được truyền hình khắp thế giới trên TV màu và màn ảnh rộng không giới hạn. Lễ trao giải được truyền trực tiếp cho hơn một tỷ người theo dõi. Khách được mời lấy làm rất vinh dự, cũng chỉ những chính khách cỡ bự, nhà tài phiệt hoặc nhân vật tiếng tăm, nghệ sĩ có uy tín đặc biệt và với vé vào cổng giá cực đắt.

Giải thưởng Oscar hàng năm trao cho 24 hạng mục: Phim hay nhất; Đạo diễn xuất sắc nhất; Diễn viên nam xuất sắc nhất; Diễn viên nữ xuất sắc nhất; Diễn viên phụ (nữ xuất sắc nhất); Kịch bản gốc hay nhất; Quay phim xuất sắc nhất; Kịch bản chuyển thế hay nhất; Nhạc phim hay nhất; Thiết kế trang phục; Biên tập; Hóa trang; Âm thanh; Biên tập âm thanh; Kỹ xảo; Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất; Phim tài liệu ngắn hay nhất; Phim ngắn; Chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc nhất.

Từ năm 1929 đến nay (2017) đã có hơn 100 bộ phim được giải thưởng Oscar.

---------

The Advanced Learner's Dictionany of Current English by Horney, E.V.Gatenby. London, Oxford University Press. 1948

Lê Đình Cúc

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy