Phía sau dãy núi
VNTN - Nắng ấm. Lão chống cây gậy trúc đi quanh bản. Để phòng chó dữ thôi chứ chân lão còn dẻo lắm, chưa cần dùng đến gậy. “Bố đi ra ngoài làm gì. Nắng lên nhưng đất còn chưa thoát hết hơi lạnh đâu”. Con trai ông cản. Ừ. Đi làm gì nhỉ. Đi nhìn trời, ngắm đất. Đi để chào hỏi cây tông qua sủ già hơn trăm tuổi đầu cổng. Cụ sủ này đã bị băng đu, tuyết bám gẫy hơn nửa phần cành từ mùa đông năm ngoái. Đi để xem sương mù bò xuống chân dãy núi phía Nam.
Đi để… quên quên … nhớ nhớ.
Từ lễ đặt tên khi tròn tháng đến mười ba tuổi lão tên là Mùa A Chi.e. Từ mười bốn tuổi đến mười ba ngày sau khi chôn, lão tên là Mùa A Lềnh. Phong tục là thế. Quê lão một người thường có hai tên. Tên lúc bé là tên của trời, của thần. Nếu sống qua mười ba tuổi thì mới làm lễ đặt tên của người. Cũng có nơi, cùng dân tộc nhưng không có cái lý lẽ ấy. Người ta là hoa đất mà. Hoa mọc ở đất nào thì mang nhựa, mang hương đất ấy. Lão bảy mươi tám tuổi rồi. Thọ nhất dòng họ Mùa đấy. Còn thấy vui nên muốn sống thôi. Lão vẫn đi bộ nửa ngày đường rừng thăm họ hàng, bạn bè. Lão vẫn thổi khèn nửa tiếng đồng hồ không hụt hơi. Lão vẫn múa hai ba bài khèn mà người chỉ hơi mệt, chân chỉ hơi mỏi. Cũng chả biết được đến lúc nào. Dạo này lão hay mơ gặp người đã khuất. Lão hay nghĩ về tuổi thơ và những năm tháng đầu đời. Mơ mà như thật. Những chuyện xưa chật trong đầu, đầy trong bụng không còn chỗ cho chuyện nay. Chuyện xưa cũ mà như mới hôm qua, như vừa sáng nay. Chuyện hôm nay thì quên nhanh… Sao cũng được. Sống vậy đủ rồi. Sống ngày nào là lãi ngày ấy rồi. Về với tổ tiên thôi. Về lúc còn khỏe mới nhanh được đầu thai. Kiếp sau mình sẽ là gì nhỉ. Là con hươu, con nai hay con hổ, con gấu. Là con đại bàng, chim khướu hay là con trâu, con chó. Là người thì vẫn thích hơn nhưng nghe nói xếp hàng chờ trời xem xét lâu lắm. Là gì thì ngày thứ mười ba sau lúc tắt thở là con cháu biết ngay ấy mà. Thôi. Không đầu thai nữa. Cứ ở trên kia với Say Chang. Say Chang, vợ lão ấy, đã ủ ấm cho lão mấy chục cái mùa đông; đã đẻ cho lão năm đứa con ba trai, hai gái; đã chăm cho lão bẩy đứa cháu nội; Hừm… Chắc là thương nhớ lão, đêm qua mới lại về. Vẫn là Say Chang mười ba tuổi má hồng mũm mĩm, đôi mắt lúc nào cũng như sắp cười. Vẫn là đôi bàn tay ấm mềm run rẩy nắm bàn tay lão thật chặt: “Tôi thích mày” rồi vùng chạy. Đến khi lão mười lăm tuổi, Say Chang mười bẩy tuổi câu này lão mới nói ra được. Mười lăm tuổi nhưng lão đã cao lớn như người đàn ông trưởng thành. Hội xuân năm ấy, khi chiều hết nắng, mọi người thôi ném pao, hát ống. Đã hẹn trước, lão và Say Chang tách bạn dắt nhau vào rừng dẻ. Vài đôi nữa cũng tách bạn, mỗi đôi đi sang một cánh rừng. Khi chỉ có hai đứa, bốn cánh tay cuống quýt vòng qua thân thể nhau ghì thật chặt. Lão hổn hển, thì thào: “Tôi thích mày. Làm vợ tôi nhé”. Thế là dính chặt vào nhau. Thế là làm chồng vợ từ lúc ấy. Làm chồng vợ đến gần sáng mới về. Làm chồng vợ đến khi trời gọi mới rời. Trời đã gọi Say Chang. Lão ở lại chờ mà chưa thấy gọi.
Gà gáy lần bốn rồi thì phải. Lão nghe đâu đó tiếng gọi xa, gần. Như có sợi dây dài thắt mấu từng đoạn, từng đoạn buộc một đầu vào cột hiên nhà để tiếng gọi bám vào đó mà lần về. Tiếng gọi lúc khe khẽ, lúc loang loang nghèn nghẹt giọng mũi: “A Chi.e ơi… trai thương ơi… A Chi.e a... con trai ơi… dậy đi… dậy theo cha đi thăm ông bà… dậy… dậy đi…”. Tiếng gọi nghe rõ dần. Tiếng gọi ngay bên ngoài cánh cửa. Lão bỗng thành thằng Mùa A Chi.e bé bỏng bật dậy, tụt xuống đất, chạy ra mở cửa rối rít mừng: “Cha… cha về chợ rồi… A Chi.e đây… trai quý của cha đây…”. A Chi.e nhảy lên tay đu cổ, hai chân quặp chặt ngang người cha. Người cha lạnh… Mặt cha cũng giá thế. Lão đưa bàn tay bé nhỏ vuốt má, vuốt tóc cho cha, thỏ thẻ: “Sương ướt cha rồi... vào ngồi lửa thôi…”. Cha đặt A Chi.e xuống lấy trong túi khoác hai cái bánh rán gói trong lá chuối khô. A Chi.e cắn từng miếng nhỏ. Những mảng đường tinh khô giòn bám trắng trên chiếc bánh vụn ra, bám vào môi, tan trong miệng ngọt lịm. “Ăn nhanh còn đi con. Ông bà đang đợi”. Nghe cha giục, A Chi.e nhìn ra giữa sân thấy con ngựa to như tảng đá các bà hay ngồi thêu gấu váy đầu bản. Lưng ngựa cao hơn mái hiên che hết ánh sáng. Có lẽ vậy nên A Chi.e không nhìn rõ người, không nhìn rõ mặt cha. Cha bế bổng A Chi.e đặt lên lưng ngựa. Cha ngồi sau ôm chặt A Chi.e vào lòng rồi thúc ngựa bay lên. Bay cao. Ngựa bay êm êm nên A Chi.e chẳng sợ bị rơi. Mây vẩy cá mang ánh bạc rải khắp bầu trời. Muôn vàn vẩy cá ánh lên, to dần. Trời sáng dần. Mặt trời chui ra khỏi vầng mây làm lão chói mắt. A Chi.e gọi lớn: “Ông ơi… Ông nội ơi… Ông nội ơi…”. Gió. Gió tạt lưng ngựa chao nghiêng. Gió làm miệng A Chi.e khô và đắng ngắt. “Ông nội ơi… ông nội… ông ơi…”. Không phải mình gọi. Ai gọi đấy nhỉ. Lão cố mở cặp mi nặng chịch đang đè lên con ngươi mắt. Thì ra lão mộng mị. Thằng cháu nội của lão đang tay cầm nắm đóm cháy bùng bùng, tay lay gọi lão. Người lão như dính chặt vào giường. Thằng bé loay hoay đỡ lão ngồi dậy. Lưng áo lão ướt đẫm mồ hôi. Gian bên, con dâu lão đã dậy nhóm lửa bếp lò. Thằng cháu nội vừa thay áo cho lão vừa nói: “Để cháu đi lấy thuốc về đun cho ông ngâm thôi. Ông bị cảm nặng rồi”. Lão gật đầu. “Hôm qua ông sang nhà ông Lử chơi, lúc về dính mấy hạt mưa. Không sao đâu. Ông là thép cứng mà”. Thép Cứng. Tên đầu đời của lão là Mùa A Chi.e. Chi.e dịch ra tiếng Kinh là thép cứng, nghĩa rộng hơn là kim loại. Trước lão, mẹ lão sinh hai đứa con trai nhưng đều chết yểu. Vậy nên ông nội mới đặt cho lão cái tên Thép Cứng. Những mong cho lão khỏe mạnh, cứng cỏi như sắt thép. Cả nhà cầu mong trời và các vị thần linh phù hộ cho lão đừng chết yểu. Đời ông nội lão có mỗi ông là trai. Đời cha lão cũng có mỗi cha lão là trai. Vậy nên cả nhà đều khát khao có người nối dõi. Với dân tộc lão, người mang cái tên A Chi.e còn mang nghĩa là người kiên cường, hữu ích. Thép làm nòng súng kíp, rèn kiếm, rèn dao; Thép làm cầy, bừa, cuốc, xẻng… toàn những vật cần thiết để con người sinh tồn. Bẩy tuổi lão mồ côi cha. Cơn sốt rét ác tính đến và cướp mạng sống của cha lão chỉ trong một canh giờ. Chồng chết được một năm thì mẹ lão đi lấy chồng tận Khấu Dào cách nhà ba ngày đường. Chồng mới của mẹ đã có năm đứa con. Ông ta không cho mẹ mang A Chi.e theo. Nghe nói vợ chồng ông ta mới bỏ nhau. Ông bà nội A Chi.e già yếu, cả hai cùng nghiện thuốc phiện, nhà luôn thiếu cái ăn. Ông bà ngoại lão thương cháu nên xin mang lão về nuôi. Ông bà ngoại lão sinh được ba con gái. Mẹ lão là con cả, hai em dì đi lấy chồng khác bản. Hàng xóm bảo nhau, từ ngày ông bà lão đón cháu về nhà cửa vui hẳn lên. Ngoài sân ông gọi “A Chi.e ơi”, trong bếp bà gọi “A Chi.e à”. Hàng xóm sang chơi cũng gọi “Ông ngoại A Chi.e có nhà không”. Được ông bà ngoại chăm sóc chu đáo, ăn uống no đủ nên cái thằng A Chi.e là lão ngày càng khỏe khoắn, sáng sủa hẳn ra.
Ông ngoại A Chi.e là thầy khèn có tiếng trong vùng. Mỗi khi ông đi thổi khèn đám ma ở đâu xa đều nhấc A Chi.e đặt lên lưng ngựa cho đi cùng. “Đường xa, có người nói chuyện cho vui”, ông bảo thế. Ông ngoại nhỏ thó nhưng cái yên ngựa cũng không đủ chỗ cho A Chi.e. Ông ngoại lấy bẹ cây móc làm thêm yên phụ nối vào phía trước yên da của ông. Bàn đạp của A Chi.e được ông khoét bằng gỗ, chân đặt vào vừa vặn. Việc của A Chi.e là giữ chiếc khèn. Không có A Chi.e đi cùng thì khèn ông đeo trước bụng, khẩu súng kíp khoác sau lưng. “Chiếc khèn này ông đổi bằng một con lợn tạ bẩy nuôi ba năm đấy”. Bà ngoại nói thế hôm A Chi.e ngắm nghía chiếc khèn treo trên vách. Mỗi khi dừng nghỉ, ông ngoại tìm chỗ buộc ngựa. A Chi.e rút nhanh chiếc liềm trong túi buộc sau yên đi cắt cỏ. Khi đã chọn được chỗ ngồi, ông ngoại móc túi lấy thuốc sợi nhồi vào tẩu châm lửa. Túi đựng thuốc sợi được bà ngoại khâu bằng vải lanh. Nó chỉ nhỏ chừng bàn tay chụm. Cái túi này lúc nào ông cũng mang theo người. Ông hút xong mồi thuốc thì A Chi.e cũng ôm bó cỏ to hơn người đến trước mõm ngựa. Con ngựa ngắc ngắc đầu, bật hơi pừ pừ qua môi ra điều cám ơn cậu chủ nhỏ. A Chi.e vuốt vuốt má ngựa giục “Ăn đi. Ăn no còn đi tiếp”. A Chi.e cất liềm vào túi rồi ra chỗ ông ngồi ăn bánh ngô nướng và muối ớt. Bánh ngô bà ngoại làm bằng ngô nếp mới. Mùi thơm của ngô quyện mùi lá dong và mùi lửa ăn một lần thì nhớ mãi. Cũng chỉ ngô nếp từ thuở ông bà mới dẻo, bùi và thơm ngọt thế. Nghĩ đến thôi là nước từ lưỡi, từ chân răng ứa ra rồi. Người ăn xong thì ngựa cũng ăn xong. Người, ngựa lại cùng nhau lên đường.
Đường thẳng, đường thoai thoải thì người, ngựa được thư thái. Đường dốc ngược thì ông cháu xuống đi bộ. “Muốn đi đường xa phải giữ sức ngựa”, ông ngoại nói thế. Những lần qua đoạn đường hẹp men núi đá vách dựng, A Chi.e sợ lắm. Sợ đến nỗi nhắm tịt mắt lại. Nhắm mắt càng sợ hơn nên lại mở mắt ra. Cũng chẳng dám mở to, chỉ he hé dòm thôi. Khe núi hẹp như cái ống thổi của nhà gió. Gió từ cửa núi thổi hun hút. Gió va vào mom đá chìa bên này đổi hướng lượn sang vách núi bên kia. Gió tạt cây cối ràn rạt. Gió qua hang, qua khe đá thì vọng ra tiếng hu… hu… phà… phà… hú... hút… nghe rợn người. Qua núi đá, có đoạn đường chỉ rộng bằng bụng ngựa. Một bên vách đá dựng đứng, một bên vực sâu nhìn không rõ đáy. Trên lưng ngựa ngó xuống A Chi.e sợ tức cả ngực. Mồ hôi vã ra, chảy thành dòng chui vào mắt A Chi.e cay cay. “Mình sắp rơi khỏi lưng ngựa rồi. Mình sắp rơi xuống khe vực lởm chởm đá kia rồi”, A Chi.e nghĩ thế. “Ông ơi, cho con xuống đi chân qua đoạn này”. Ông ngoại hừm một tiếng, đặt bàn tay lên vừa xoa ngực A Chi.e vừa cười lớn ha…ha… “Không sợ, không sợ. Sợ gì chứ. Ngựa nhà mình đi giỏi lắm. Nhìn thẳng. Nhìn thẳng phía trước. Khi nào mỏi mắt thì nhìn lên trời. À, để ông hát cho nghe là hết sợ thôi mà…”. Ông hát những bài hát tình yêu. Hát bài hát làm nương, làm ruộng, hát những bài về muông thú… Nghe nhiều lần, A Chi.e vừa nghe vừa hát theo ông nên thuộc hết bài hát của ông khi nào không biết.
Bốn năm đầu về ở với ông bà ngoại, mỗi năm hơn chục lần A Chi.e được ông cho theo mỗi khi có đám. Sau đấy thì trâu ngựa đẻ ra nhiều nên A Chi.e ở nhà chăn dắt chúng. Bốn năm rong ruổi theo ông. Đường gần thì đi nửa ngày. Đường xa thì đi hai, ba ngày. A Chi.e đã thuộc hết những bài hát và nhớ hết trong đầu các câu chuyện ngày xửa ngày xưa của ông. A Chi.e cũng nhớ như hít thở nguồn gốc và bước đường lần thiên di của dòng họ, của gia đình. Nhiều. Nhiều chuyện lắm.
Những lần xuôi ngược theo ông khắp đầu mường, cuối bản, A Chi.e không thể nhớ trong mắt có bao nhiêu suối sông, núi đồi. Bây giờ nhớ nhớ, quên quên rồi. Trời đất có mấy khác đâu. Có khi nhìn trời thấy đất, nhìn dưới đất lại thấy trên trời ấy chứ. Nhìn lũ trẻ trong bản buộc dây vào cổ mấy con chó con dắt ra sân chơi trò săn thú, lão nhớ tới sân trời xanh ngắt, lũ trẻ nhà trời buộc dây vào cổ chó mây dong đi chơi. Nhìn đàn ngựa phi trên đồng cỏ dưới thũng lũng Mường Pùa trong một lần đi thăm bạn, lão nhớ lần cùng ông ngoại nằm ngửa trên bãi chăn thả ngắm đám mây lừ lừ trôi giữa trời. Vừa trôi vừa tách ra thành ngựa trắng. Những con ngựa như đan vào nhau chỉ nhìn thấy đầu và bờm. Gió như đàn chó đuổi dồn. Đàn ngựa chen nhau chạy kín một khoảng trời. Đàn ngựa tan ra, trôi đi. Ông bảo “Ngựa trời đấy”. A Chi.e nhổm người nhìn ông: “Ông cũng biết đấy là ngựa trời à”. Ông cười: “Biết chứ. Con còn biết cơ mà…”.
Trong mắt A Chi.e có không biết bao nhiêu vạt ruộng bậc thang. Có những vạt rừng rộng lắm, dài lắm, nương, ruộng xen nhau muôn hình, muôn dạng. Từng bậc vàng, xanh cũng có khi là vàng, xanh kề nhau lốm đốm dâng lên tận trời. Mỗi mùa mỗi khác, đồng lúa xanh thơm mùi cốm, đồng lúa chín vàng thơm mùi gạo mới. Đồng rơm, ruộng rạ cũng có mùi thơm riêng. Mùa đổ nước, mỗi thửa ruộng như những chiếc gương bạc. Trời, mây, trăng, sao mặc sức ngắm mặt mình trong hàng trăm, hàng ngàn chiếc gương nước. Gió. Lại gió. Quê lão thừa gió mà. Gió soi mãi chẳng thấy mặt mình trong gương, giận hờn ngúng nguẩy khua khoắng làm gương nước vỡ vụn. Khua đến khi mây vỡ, trăng vỡ, sao vỡ, mặt trời vỡ cùng gương thì mới lững thững bỏ đi.
Những ngày không đi thổi khèn cho đám ma thì A Chi.e được ông dẫn theo lên bãi thả trâu, ngựa. Nhà ông ngoại có hai con trâu đực để cày bừa ruộng nương và kéo gỗ, một con trâu mẹ và con nghé hơn một tuổi. Ngựa nhà ông có ba con. Hai con để thồ và một con ông cưỡi khi đi đường xa. Bãi chăn thả của bản là một nhông núi tương đối bằng cuối bản. Nhông núi này rộng chừng hơn một cây và dài chừng hơn ba cây số. Bãi nằm trên độ cao hơn hai ngàn mét so với mặt nước biển. Từ đó có thể nhìn qua thung lũng tới tận dãy núi Thằn Lằn Trời. Cao thế, nhìn được xa rộng thế nên ông ngoại đã cho A Chi.e no căng bụng chuyện. Chuyện những dãy núi kia tên là gì. Vì sao lại có tên đó. Núi một, núi đôi, núi đứng, núi ngả, núi thụt chân kia… có tích gì. Cái hồ sâu cây nứa cắm không chạm đáy kia vì sao có hình bàn chân. Quả núi to thù lù ở chân đèo kia sao lại gọi là núi Gấu Say… và bản mình nữa, sao gọi là bản Suối Vàng. Chuyện nào A Chi.e cũng “thế hả ông”. Chuyện nào A Chi.e cũng tròn mắt nhìn theo tay ông chỉ. Óc A Chi.e mở ra để tưởng tượng theo lời ông kể. Chuyện nào A Chi.e cũng căng lỗ tai ra nghe mà có lúc vẫn không nghe kịp phải hỏi lại ông. A Chi.e thích lắm. Trẻ con mà. Cũng chẳng phải chỉ có trẻ con. Người lớn, người già trong bản ngày tết, đêm mưa quây quần bên bếp lửa vẫn kể đi, nghe lại bao lần không chán. Chán làm sao được. Lớn rồi mới thấy, già rồi mới rõ chuyện nào cũng ẩn trong đó đạo của đất trời. Chuyện nào cũng cất trong đó đạo lý con người. Ngày ấy, đêm đêm A Chi.e thường nằm mơ thấy mình trong những câu chuyện ấy. Khi mơ bị gấu đuổi A Chi.e quẫy đạp, hô hét ầm nhà. Khi mơ lừa được lũ khỉ, A Chi.e thích chí cười khanh khách. Có đêm mơ trèo lên đỉnh núi Thang Trời rồi bay lên đu tay vào trăng mát lạnh. Bỗng dưng tuột tay rơi mãi không chạm đất. A Chi.e vùng dậy ú ớ mồ hôi ướt cả gáy. A Chi.e thường đem chuyện ông kể về kể lại cho lũ bạn, vừa kể vừa diễn như ông. Đôi khi A Chi.e bịa thêm tưởng tượng của mình vào. Từ đó, thấy A Chi.e ở đâu là lũ bạn lại xúm quanh: “Kể đi. Kể chuyện đi…” . Câu mở đầu của A Chi.e bao giờ cũng là “Ông tao kể…”. Lũ trẻ con trong bản vì thế gọi “Ông tao kể… ơi” thay vì gọi lão là A Chi.e ơi. Lớn thêm chút nữa, A Chi.e luôn có một câu hỏi. Câu hỏi ấy khi thì nằm chơi, khi thì thu mình như mèo lấy đà vồ chuột cứ bất chợt nhảy ra “Sau dãy núi kia là gì?”. Chơi giữa sân bản, A Chi.e chỉ dãy núi phía đầu bản hỏi lũ bạn: “Phía sau dãy núi kia là gì?”. Đi học, đứng ở sân trường, A Chi.e chỉ dãy núi trước cổng trường hỏi: “Cô giáo ơi, phía sau dãy núi ấy có gì?”. Đi lên rừng tìm rau, gặp bất kỳ ai, A Chi.e cũng hỏi: “Đằng sau dãy núi này có gì?”. Bản này bao đời nay không có ai như thế. Dân bản truyền tai nhau: “Thằng A Chi.e không bình thường”. “Chắc bố thằng A Chi.e về tìm gọi nó qua núi rồi”. “Thằng A Chi.e bị điên rồi”… “Thằng A Chi.e bị ma rừng nhập rồi”… Lũ bạn dần xa lánh A Chi.e. Người lớn cũng không gần gũi A Chi.e như trước. A Chi.e buồn lắm. Nó nghĩ đến cha. Nó nhớ cha. Nó ôm bà ngoại khóc nức nở. Chờ A Chi.e thôi khóc, bà ngoại dặn: “A Chi.e à, từ nay muốn hỏi gì thì chỉ hỏi ông bà thôi. Con không điên. Cháu ngoại bà giỏi giang thế này mà bảo điên à. Đừng nghe họ. Bà muốn bảo vệ con nhưng không nói lại được người ta…”. Ông ngoại phả khói thuốc lào, dựa ống điếu vào vách vỗ vỗ nhẹ lên vai A Chi.e: “Cố gắng học giỏi để biết lý lẽ mà sống, sẽ không ai coi thường được con. Con gắng làm việc chăm chỉ để có của để, có cái ăn nữa, thì không ai khinh nhờn được con. Sẽ đến ngày, những người bảo con điên hôm nay lại phải đến cậy nhờ con đấy. Có ông ngoại đây, con đừng sợ. Có bà ngoại kia, đừng có buồn”.
Bản có hơn năm mươi nóc nhà. Nhà nào cũng dựa lưng vào núi cửa mở nhìn xuống thung lũng. Mở cửa ra là núi đã đầy trong mắt rồi. Một ngày ấm nắng, ông ngoại đan sàng trước sân. A Chi.e mang ghế ngồi cạnh chỉ dãy núi xa mờ phía chái nhà hỏi: “Sau dãy núi kia là gì hả ông?”. Ông ngoại ngừng đan nhìn theo tay A Chi.e: “Là Mường Lự”. A Chi.e không rời mắt khỏi dãy núi hỏi: “Mường Lự có gì ạ”. Ông thở dài lặng im một lát rồi nói: “Có gì à. Nhiều lắm. Chân núi có người Thái, người Nhắng. Đỉnh núi và lưng núi có người Mông, người Dao. Mường Lự có cánh đồng rất rộng…”. A Chi.e thả ý nghĩ bám theo lời ông ngoại để tưởng tượng xem cái Mường Lự nó như thế nào. Nhưng cố đến căng đầu cũng không thấy gì. Ông ngoại vừa ngắm nghía chiếc sàng vừa nói: “Tết này ông sang Lở Thàng chơi hội khèn. Mường Lự cũng gần đấy thôi. Ông sẽ cho con đi cùng và dẫn con đến Mường Lự. Con thực sự rất muốn biết phía sau những dãy núi có gì sao?”. A Chi.e nhìn vào mắt ông ngoại nói như reo: “Như có ai đang ở bên ấy đợi con. Nếu tới được đó thì con thích lắm ông ạ…”. A Chi.e đang cố nói cho ông hiểu mong ước của mình thì Say Chang cầm một gói lá dong tới: “Ông ơi, bố cháu lên xem nương thảo quả gặp nấm hương. Bố cháu bảo mang sang một ít để ông bà nấu canh”. Ông ngoại gật gù cười: “Lại cho ông rau à. Về nói với bố ông cám ơn nhé. Có chuối chín trong bếp đấy, hai đứa vào chặt một nải để Say Chang mang về cho các em ăn”. Say Chang là con chú Súa. Nhà chú chỉ cách nhà ông bà ngoại vài chục bước chân là tới. Say Chang hơn A Chi.e hai tuổi, nhưng chỉ đứng đến tai A Chi.e. Bà ngoại khen Say Chang tốt tính. Hôm nào Say Chang đi rừng về là thể nào lũ trẻ trong xóm cũng có cái ăn. Khi thì mấy chùm dâu da; Lúc thì gói trám, túm sấu. Say Chang dạy lũ trẻ không được đánh nhau, không được bắt nạt đứa bé hơn mình. Ra nải xong, A Chi.e xách chuối theo sau Say Chang. Đến đầu nhà thì Say Chang dừng bước quay lại. Hai đứa đứng dưới tổ ong. Tổ ong ông ngoại làm bằng gỗ rỗng bịt hai đầu. Cái tổ ong này năm nào cũng cho một ống mật to. Say Chang đứng nhìn những con ong mang nhụy hoa về chui vào tổ và những con ong chui từ tổ qua cái lỗ tròn nho nhỏ bay đi. Vài con ong bảo vệ thì lượn vòng quanh tổ. Say Chang cứ vân vê vạt áo ngắc ngứ không nói ra thành lời. A Chi.e giục: “Say Chang muốn nói gì à. Thì nói đi…”. Say Chang Cúi mặt nhìn mũi bàn chân đang di di trên đất. A Chi.e lại giục: “Nói đi… Chuối nặng. Tay A Chi.e mỏi rồi. Lời cứ thả như con ong bay ra khỏi tổ kia kìa”. Say Chang ngẩng mặt, hai má hồng rực: “A Chi.e à… A Chi.e không điên đâu. Đừng buồn. Ngày con trâu tới, tôi xin mẹ đi chợ phiên. Tôi sẽ cùng mày qua dãy núi thằn lằn xem bên kia núi có gì. Tôi cũng muốn biết… A Chi.e cũng xin ông bà nhé. Xin đi chợ phiên cùng Say Chang và mọi người. Đến ngã ba Sín Chải thì mình tách ra trốn lên núi. Đi đến mặt trời ngả ngả thì mình xuống núi trở về. Bí mật. Cấm không được nói với ai đấy”. A Chi.e đồng ý mang cái bí mật với một thằng trai mười một tuổi như A Chi.e thật là khó khăn. Mai là ngày con trâu rồi mà A Chi.e vẫn chưa dám mở miệng xin ông bà. A Chi.e đến gần ông định nói, lại thôi. A Chi.e đến bên bà định cất lời, lại đi ra. A Chi.e định sang nhà Say Chang nói là không đi nữa thì sợ Say Chang giận. A Chi.e đang bối rối không biết phải làm gì thì bố Say Chang sang. A Chi.e giật mình luống cuống chào: “Chú ạ”. Ông ngoại mời bố Say Chang ngồi bếp lửa hút thuốc lào cho ấm. A Chi.e thập thò ngoài cửa lo lắng. Chuyện gì nhỉ. Hay là Bố Say Chang sang mách ông chuyện hai đứa rủ nhau qua núi Thằn Lằn Trời. “Ông bà cho cháu mượn cái trục để mẹ con cái Chang cán vải. Trục nhà cháu bác Sài mượn chưa làm xong. Làm liên tục thì tối mai là xong. Cháu sẽ mang sang trả ngay để ông bà làm”. Ông ngoại hỏi “Mai Súa có đi chợ phiên không. Nếu đi, ông nhờ mua con dao quắm”. Bố Say Chang lắc đầu: “Cháu không đi. Mai cả nhà tập trung nhuộm vải, phơi vải và cán vải ông ạ”. Nghe bố Say Chang nói A Chi.e như đang vác bao ngô ngược dốc mà lại có người sang vai vác hộ.
Một tết nữa lại đến. Quần áo A Chi.e đã chật và ngắn cũn cỡn cả rồi. Ông ngoại cho A Chi.e xuống chợ phiên. Ông mang bán con lợn để mua đồ tết. Ông dẫn A Chi.e đến cửa hàng chọn một bộ quần áo. Ông mua cho A Chi.e cả cái thắt lưng. Thứ mà A chi.e chỉ ước chứ không bao giờ dám nghĩ mình sẽ có. A Chi.e mặc thử quần áo. Áo trắng mặc cùng quần tím than rất nổi. Ông ngoại giúp A Chi.e cho dưới áo vào trong quần rồi luồn thắt lưng gọn ghẽ. Ông chỉ A Chi.e đến trước chiếc gương dựng ở góc cửa hàng. Nhìn mình trong gương, A Chi.e vừa rạo rực vừa xấu hổ nghĩ thầm: “Phải mình không? Mình đẹp thế này a?”. Ông già người Dao chọn đi, lựa lại đôi giầy bạt cao cổ nói chuyện với ông ngoại: “Thằng này tướng mạo được. Đi đứng ngay ngắn, nhanh nhẹn, mặt mũi khôi ngô… Ông cố gắng cho nó học hành sau này sẽ là người thiên hạ cần đấy”. A Chi.e vuốt vuốt bụng áo rồi tự ngắm mình trong gương không để ý cuộc nói chuyện giữa ông ngoại và ông già người Dao. A Chi.e vừa soi gương vừa nghĩ Say Chang sẽ là chiếc gương. Ở trong gương mình thật đẹp”. Trên đường về, ông ngoại hỏi A Chi.e “Con còn muốn đi xem có gì sau những dãy núi không?”. A Chi.e ngẩng mặt nhìn lên mặt ông ngoại hào hứng “Còn chứ ạ. Con nhất định sẽ làm được phải không ông?”. Ông ngoại nhìn dãy núi phia xa “Ừ. Con chắc chắn làm được. Ông sẽ giúp con. Hai con ngựa nhà mình sắp đẻ rồi. Ông sẽ chọn cho một con ngựa tốt. Ông cũng cho một con lợn trong đàn mới đẻ. Con tự nuôi cho chúng nó lớn lên. Ngựa để cưỡi. Lợn bán lấy tiền. Ông bà sẽ dạy con cách tiêu tiền. Đi đến hết tiền thì về. Con đi sẽ thấy sau những dãy núi ôm vòng quanh mường ta là cái gì. Trái đất này còn nhiều dãy núi lắm. Qua tết, làm ruộng làm nương xong, ông sẽ tìm mua cho con một cái khèn vừa tay, vừa hơi của con. Con phải học khèn. Giỏi khèn thì cả người sống và người chết cần con. Họ ở đâu, con được đưa đón tới đó. Rồi con sẽ được đi qua nhiều dãy núi. Rồi con sẽ được vượt qua nhiều đỉnh núi”. Nghe ông nói, A Chi.e như muốn hét lên, muốn bay lên. Ông cháu về tới nhà, thì trăng đã lên qua đầu núi sau bản. Ngày chỉ còn lại một vùng ánh vàng rực góc trời đằng Tây. Xuống ngựa, A Chi.e nhảy chân sáo vào nhà khoe quần áo mới với bà. Bà ngoại dắt tay A Chi.e ra sân ngả người ngắm rồi quay sang nói với ông “Ông nhìn xem, A Chi.e nhà mình lớn thật rồi. Cục sắt của nhà ta sao lại to, cao sáng đẹp thế chứ. Ông cháu đi tắm rồi ăn cơm”. A Chi.e ra đầu nhà nhằm hướng nhà Say Chang khua hai bàn chân thoăn thoắt. Đến gần đầu ngõ, A Chi.e dừng sững lại. Nhà Say Chang đông người lắm. A Chi.e sợ bị mọi người trêu chọc. Vào hay không vào. A Chi.e nghĩ lung lắm. Cuối cùng cái xấu hổ vẫn thắng. A Chi.e tần ngần một lúc rồi quay bước. Thỉnh thoảng A Chi.e ngoái đầu nhìn lại. Biết đâu Say Chang có việc gì đi ra cổng. A Chi.e nghĩ thế.
Từ hôm đi chợ phiên về, thằng A Chi.e mười hai tuổi là lão như thành một người khác. Trưa đi học về nó sục luôn vào bếp. Tay cầm gáo nước, tay vốc mèn mén đưa lên miệng vừa ăn, vừa uống đến no. Rồi nó buông gáo với bao dao treo trên cột buộc vào bụng, khoác lù cở lên khe lấy rau lợn. Cứ thế ngày qua ngày. Con ngựa ông bà cho được nó chăm sóc đặc biệt. Trên bãi chăn nó tìm cắt những bó cỏ non mang đến đứng canh cho ngựa con ăn. Có nhiều đêm, đợi ông bà ngủ say, nó lẻn dậy xuống bếp bốc nắm muối. Nghe ngóng một lát, nó lách cửa ra kho lấy trộm thóc trong bồ bỏ đầy hai túi quần mang ra chuồng cho ngựa con ăn. Trong đêm tối, nó cười một mình. Nó nghĩ đến lúc nó cưỡi ngựa Say Chang ngồi đằng trước, hai đứa sẽ phi ngựa qua những dãy núi. Ngựa non liếm muối trong tay nó ấm nóng, buồn buồn đến tận lách. Cái sung sướng, phấn khích của thằng trai mười hai tuổi trong cơn mơ rong ruổi khắp đất trời chỉ có đêm biết. Nó chỉ muốn nhảy lên. Nó chỉ muốn hét lên. Nó chỉ muốn nhảy lên lưng ngựa phi ngược gió trên đồng cỏ rộng lớn. Đang hào hứng thì nó giật thót người. Ai đó vỗ lên vai nó nhè nhẹ. Hơi thở âm ấm phả vào gáy nó “Vào nhà đi không bà biết đấy”. Ông ngoại. Nó xấu hổ như kẻ trộm bị bắt quả tang. Ông ghé tai nó thủ thỉ “Nếu thấy cần, con xin ông bà rồi lấy thóc, lấy muối cho ngựa ăn giữa ban ngày. Ngựa hay không ăn vụng, người hay không ăn trộm đâu con”.
Mải chìm vào ký ức, mắt lão ngân ngấn nước. Hôm nay đi thế thôi. Chân mỏi rồi. Hôm nay nhớ đến đây thôi. Mai còn sống thì nhớ tiếp. Đời lão còn nhiều chuyện lắm. Nhưng đầu mệt rồi. Những chuyện này lão sẽ mang lên trời đưa cho Say Chang. Không có nó sợ rằng Say Chang không nhận ra lão. Chẳng biết Say Chang có mang theo ít nào lên đó chưa. Đây là những gì lão muốn để lại cho con cháu lão. Lão đã để lại cho chúng bên bếp lửa mấy năm nay rồi. Về thôi. Câu hỏi “Phía sau dãy núi là gì” lão mãn nguyện rồi. Khi thành được người như ông ngoại mong muốn là lão không ân hận, nuối tiếc gì nữa rồi. Câu hỏi “Trên cao xanh kia có gì” lão cũng có câu trả lời rồi. Lão dừng chân nhìn cái chuồng ngựa sau bờ rào đá. Chuồng đấy, máng cỏ đấy mà chẳng thấy có hơi ngựa. Bây giờ có xe máy thay ngựa rồi. Ngựa ơi… Ngựa hay không ăn vụng. Ông ngoại ơi… con hiểu, người hay không ăn trộm rồi… Về thôi. Chân đã mỏi rồi.
Truyện ngắn. Đỗ Thị Tấc
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...