Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
19:14 (GMT +7)

Phía hoàng hôn

Bà dựng chân chống mấy lần cái xe mới chịu đứng yên. Lay lay tảng đá để biết nó thật vững, bà thận trọng ngồi lên, duỗi hai chân phía trước, thở ra một hơi thật dài. Chỗ ngồi đã thành của bà, mặc nhiên dành cho bà. Vào giờ này, bà ngồi đây, như không thể khác.

Trước mắt bà, hồ nước luênh loang. Mặt trời chếch ngang má. Tia nắng âm ấm, mơn mơn làn da nhèo nhẽo. Góc bờ bên kia, chỗ con đường hai bên liễu trổ hoa đỏ buông lơi, lũ trẻ chừng chục đứa thi đạp xe. Những chiếc xe ba bánh, bốn bánh thoắt ẩn thoắt hiện trước mắt bà. Tiếng cười trẻ thơ sáng như ngọc rải kín không trung đầy gió.

Bà nhìn về phía ấy, lần nào cũng thế, nhìn về phía ấy.

Phía cây liễu buông hoa đỏ.

Phía căn biệt thự màu trắng ngà.

Lần đầu đạp xe ra chỗ này, bà kinh ngạc ngắm những ngôi nhà kỳ lạ xếp quanh cái hồ hình trái tim. Chao ôi, chỉ là chỗ ở thôi mà sao người ta nghĩ ra nhiều kiểu nhà yểu điệu, lãng mạn, đường bệ đến thế. Chao ôi, không biết có bao nhiêu người ở mà nhà cửa ngạo nghễ chót vót nhường kia. Tầng xếp tầng, chóp xếp chóp khía vào trời xanh. Bà đạp từng guồng từng guồng xe chậm chạp, khớp gối kêu “cách, cách” điểm nhịp. Bà mê mải ngắm những công trình hàng rào kỳ vĩ. Cái bằng thép sóng lượn, cái bằng xi măng nhọn lưỡi lê, cái giả gỗ phình bụng rắn, cái giản đơn những thanh kim loại bằng cổ tay… Trong hàng rào là vô vàn khuôn viên rừng rực hoa. À mà hoa. Thơm và căng tròn như gái xuân thì. Khóm buông thảm sắc màu lả lướt từ ban công. Khóm vênh váo chìa nụ chớm hé vào mặt người qua đường. Khóm li ti vắt vẻo đong đưa trên cánh cổng. Nghĩ mà thương đám xuyến chi lá xanh điểm hoa trắng chen chúc với đám xấu hổ mọc nem nép bãi đất hoang. Bà đạp xe chầm chậm, nghe tiếng “cách cách” phát ra từ đầu gối nhọn hoắt, mắt nhìn mông lung.

Nhà bà ở cách chỗ này gần nghìn mét. Từ ngõ ra, bà chờ xe qua vãn mới dám sang đường. Ô tô xe máy vùn vụt vun vút như sao băng trên trời, bà nhoi ra lùi lại sợ hãi. Có lần một “bác tài” ngậm vắt vẻo que kẹo mút phanh khự con Bò ma lừng lững trước mặt bà, hét: “Bà già cứ dập dà dập dình, muốn chết hả. Đồ nhà quê”. À hà. Bà người thành phố chính cống đấy nhá. Mẹ bà đẻ bà ở phố. Cụ của bà đẻ mẹ bà ở phố. Nơi bà ở gọi là tổ dân phố. Ngõ vào nhà bà heo hẻo, hai xe máy tránh nhau chạm tay lái. Đất do thành phố “cắm” tái định cư, chằn chặn bề ngang bốn mét, bề dọc hai mươi mét, tựa lô gạch chuẩn bị vào lò nung. Nhà như khúc ống nứa đuồn đuỗn. Đứng ngoài đường người ta nhìn thun thút thấy bàn ăn, thấy cả người ngồi trong toa-lét. Để tránh lộ phần nhạy cảm, mỗi nhà lùi dăm mét, quây hàng rào làm sân, lấy chỗ để xe đạp xe máy, đặt chậu đất dúi dăm cây húng quế tiện vặt ăn với lòng lợn. Các nhà theo nhau, be kín khoảng thông thiên phía trước bằng tấm nhựa xanh nhờ nhợ, như sợ ông giời nhìn thấy lô guốc dép bẩn, cái xe đạp trẻ con bằng sắt phế hay cái bùi nhùi lau nhà đen nhẻm lăn lóc. Một lần bão to, những tấm nhựa bứt đinh vùn vụt lượn như chim. Tấm nhựa nhà này ập sang nóc nhà kia. Sân trời hông hốc nhìn đời hệt cặp mắt cận không đeo kính. Rõ thật dại khờ.

***

Ngôi biệt thự ấy có cánh cổng đồng thau chạm đôi sư tử uy nghiêm. Mà đâu chỉ một cổng. Cổng vào chỗ để ô tô. Cổng vào khu thờ cúng. Cổng vào sân. Ba cánh cổng xòe ba cánh hoa, đón ba chiều mặt đường. Trong lòng căn nhà dìu dịu tiếng nhạc như sương giăng bảng lảng kia người ta xếp đặt cái gì? Bà chỉ nhìn thấy vô vàn nụ hồng ngóc ra từ ô tường bằng gỗ trắng ngà, nửa kêu cứu nửa khoe khoang. Và chỗ gốc liễu mốc thếch xê xế căn biệt thự, có một cái ghế đá, và một người chạc tuổi bà ngồi như hóa thạch.

Bà đạp xe qua đây từ ba tháng trước.

Hôm ấy bạn bà xưa dạy cùng trường đưa thằng cháu đích tôn đến chơi. Bà nghe gọi cổng mà không thể bò ra khỏi giường. Cố mãi, cố mãi, bà lựa người ngồi dậy được. Xương sống co rút, khối gân hai bên sườn cứng đơ, mỗi động cựa cơn đau thốn tận óc. Thấy bà bò kềnh càng trên sân, níu cánh cổng đứng lên run rẩy mở khóa, bạn bà khóc ầm, trách bà giấu bệnh, ốm đau mà chẳng cho ai biết. Cháu của bạn bà mười tám tuổi, vừa thi đại học. Nó rút điện thoại xem rồi ghé tai nói nhỏ với bà nó, phóng xe đi mua cho bà một chiếc đai lưng, bắt bà đeo ngay tắp lự. Thuốc nữa, nó lấy nước bê hai tay ép bà uống. Bà phải tập thể dục nhẹ nhàng này. Bà mua cái xe đạp thâm thấp thôi, mỗi ngày đạp xe ba mươi phút. Ôi chao, cái thằng này, bà nức lên, vừa uống thuốc vừa khóc. Cái lưng đỡ thật. Bà nhúc nhắc đi lại, rồi chệnh chạng lên cái mi-ni, đạp vòng đầu tiên.

Đạp xe khiến bà nhớ hồi bà mới ra trường nhận việc cách nhà ba mươi cây số. Bà đi có hơn tiếng đồng hồ, nhẹ tênh. Duy có lần bà đi đến hai tiếng, phải nghỉ bốn lần. Bà tựa xe vào rặng tre ven đường, vờ nghiêng mặt mải miết nhặt cỏ may bám gấu quần. Kỳ thực bà khóc giấu. Khóc như bị ai đánh đau lắm. Khóc xong lên xe đi tiếp. Năm ấy bà hai bảy tuổi, ở gian tập thể mười lăm mét vuông, ăn cơm với rau lang luộc chấm mắm tôm.

Năm ấy người ta nói lời chia tay. Mà trắng phớ ra, như lũ bạn nói vụng sau lưng, là bà bị đá, vết dép “tông lào” hằn sâu hút trên lưng áo kia kìa. Trước năm hai bảy tuổi, mọi thứ quanh bà như kết hoa hồng ấy. Không khí thơm thơm. Đám sạn thóc lẫn vào chục cân gạo mậu dịch nhặt ra nhìn hay hay, bà cười rinh ríc xếp hình trái tim. Sau năm hai bảy tuổi, bà chết nghẹn trong cỗ quan tài cô độc. Bà sợ nhìn những đứa trẻ cuối cùng ra khỏi lớp. Sợ nghe tiếng chùm chìa khóa va nhau lạch xạch mỗi khi người đánh kẻng thũng thẵng ra khóa cổng trường. Không gian lặng câm đồng lõa cho nỗi đau phình căng cơ tim. Bà ôm ngực, xoa ngón tay khô khốc bên ngực trái, thầm thì: Xin lỗi đã làm mày đau. Cho tao đau hết hôm nay thôi mà, tim nhé…

                                                     ***

“Này người kia, sao nỡ ác với tôi vậy?”. Bà phóng mắt qua cây cầu xi măng uốn hình móc câu dài hơn chục mét, chiếu tia nhìn vào gương mặt nghiêng nghiêng của người kia. Mặt trời vừa đi qua chỗ bà, sợi nắng yếu ớt cuối cùng chuyển từ má bà lên mái tóc lơ xơ xòa một bên mặt người kia. Cánh mũi cao tạc nét cắt thanh thanh. Cặp môi mim mím hình trái tim e ấp. Bà và người kia một thời ngồi chung bàn chung lớp, chia nhau mẩu khoai lang nướng. Người kia gọi mẹ bà bằng mẹ xưng con. Bà thản nhiên lục cơm nguội nhà người kia mỗi khi đói bụng. Bà đưa người kia đến lễ đính ước của bà. Gọi là lễ cho sang, chỗ ấy là nhà hàng nhỏ, bàn ăn có sáu người là bạn thân của bà và người ta. Bà và người ta định hai tám tuổi kết hôn. Xì. Đời nực cười. Chuyện tình lãng xẹt. Giá thêm thắt chút lý do. Giá li kì tí nữa cho cuộc yêu đậm vị. Phì. Rẻ đến phát tởm lời thề thốt trăm năm.

“Này, ngày tháng ấy bà sống thế nào? Chắc bà vui thú lắm”. Quài tay đấm đấm đốt xương lưng gồ lên bằng cục sỏi, bàn chân tê tê buồn buồn bắt bà phải đứng lên đi mấy bước. Đoàn rước dâu dềnh dang qua ngõ. Bà thu lu xó bếp, hai tay bịt tai, dúi đầu vào sâu tít góc chạn bát lung liêng bốn chân kê bát nước chống kiến. Đúng lúc chiếc xe đạp mi-pha màu cánh gián chở người ấy áo sơ mi trắng, quần âu đen là li thẳng cứng cầm lái, ngồi sau gác-ba-ga là người kia mặc áo dài trắng, chân xỏ guốc gỗ, ôm bó lay-ơn đi qua, bà vụt chạy ra cổng, nhìn trừng trừng vào mặt cô dâu chú rể, tay bíu chặt cành liễu già. Sáu cặp mắt chạm nhau. Cô dâu cúi đầu nhìn bó hoa. Chú rể dướn người nhấn mạnh pê-đan. Bà năm ấy hai mươi bẩy tuổi, dạy học cách nhà ba mươi cây số, ăn cơm với ngọn rau lang luộc chấm mắm tôm.

Bà tình cờ tìm được chỗ nghỉ chân này. Nó quá tuyệt để bà ngắm những tia mặt trời cuối cùng giãy giụa trước khi chết hẳn. Đúng thời khắc bà nghiêng mặt cho sợi nắng mịn ấm xoa lên mặt, mắt bà chạm điểm góc vuông xa xa. Ngay ngắn, chĩnh chạc như ở đấy đã một nghìn năm, người kia xõa tóc lặng câm trên ghế đá, dõi cái nhìn ra hồ, song song hướng nhìn của bà.

“Bà có biết đêm nào tôi cũng đột nhập phòng cưới hai người. Tôi là con nhện lơ lửng trần nhà, là con tắc kè im lìm bám tường. Cái giường tôi và người ta đi xem kiểu đặt đóng bằng gỗ lát. Tấm chăn con công đỏ chót mẹ người ta nhờ mua tận chợ vùng biên. Đôi gối trăm năm hạnh phúc thêu chỉ xanh đỏ tôi mua đấy”…

Có lần bà nhìn thấy người ấy. Chiếc ô tô màu đen đi ra từ hoàng hôn, dừng nhẹ trước cổng. Cặp chân dài run run, cái lưng quen phì phị, người ấy bước hơi chậm. Một người đỡ vai cùng người ấy vào nhà. Cánh cổng vàng chóe đóng chặt. Đôi hổ châu đầu chạm râu cau có. Người kia vẫn trên ghế đá, đóng đinh cùng cây liễu dập dờn hoa đỏ.

“Người ấy ơi, tay tôi còn lạnh hơi tay mẹ, óc tôi hằn ánh nhìn khắc khoải. Lấy chồng đi con, còn đợi ai nào? Bàn tay xòa nhẹ tênh, lá vàng rơi buông tuyệt vọng. Tôi ngóng đoàn người vào viếng mẹ, không thấy người bao năm gọi mẹ và định làm con mẹ suốt đời.

                                                ***

Bà nằm bẹp ba ngày. Mắt nổ hoa cải, trời đất lộn ngược như có người cầm chân bà quay tít. Bà lần tay tìm điện thoại. Màn hình đen ngóm. Mà nếu gọi được bà không biết gọi cho ai. Bà bạn thân cách chục cây số, muốn đi phải có con cháu kèm. Hàng xóm tít mù chạy chợ, nghỉ buổi nghỉ tiền, bà chả dám phiền. Còn cái cổng khóa sù sụ, bà làm sao bò ra mở được? Sao tự nhiên bà ở đây nhỉ? Gốc cây gạo sần đen đỡ lưng bà. Bụng bà đau xói từ dưới lên. Không, không phải cái nhói đau đêm đầy sao nhấp nháy. Người ta phủ lên bà nghìn nghịt nụ hôn. Hơi thở hai người dâng mờ bãi sông. Bà cùng người ta chìm nghỉm trong đám xuyến chi nhàu nát, chùm hoa gạo lúc lắc trên cao như đám miệng cười. Ôi, đau quá là đau. Bà ôm bụng ngã lăn mấy vòng xuống bãi bồi. Chỗ này người ta trồng cải, ngồng hoa chới với lao xao trong gió. Ục… ục… Bà cong người, rặn từng nhịp theo bản năng. Cái bọc nóng hổi bục ra, máu chảy xuống chân nóng hổi. Bà choàng ôm nó, khư khư. Nửa đêm, hơi nước sông mù trắng, bà cởi áo, bọc nó, xọc tay vào đất ẩm đào cái huyệt be bé. Tha thứ cho mẹ không giữ được con. Con nằm chơi với hoa cải vàng nhé. Gió sông mát lắm, à ơi… à ơi….

Căn phòng sực mùi dầu nóng. Bụng sôi ùng ục, da mặt nhẽo nhèo chảy xuống gối, bà sờ quần áo ướt sũng. Nó vừa về cứu bà. Trời cho sống thì chắc bà có cháu rồi, cháu bà tầm mươi tám, cao ngang đố cửa kia chứ ít đâu... Vốc áng chục viên thuốc, bà bỏ mồm, cố nhuốt, cổ duỗi như con cò nghẹn cá. Chiều sâm sẩm. Lũ trẻ vừa chạy vừa rê bóng ngang ngõ. Dạ, cháu đang về đây bà ơi. Nhà bên hát karaoke giọng khê nồng “mẹ ơi con đã già rồi, con ngồi nhớ mẹ khóc như trẻ con”. Bà ngồi dậy thật nhẹ, thật nhẹ, đánh lừa cái đầu giở trò lúc lắc. Bà đứng dậy thật nhẹ, thật nhẹ. Rồi bà lần được nắm gạo thả vào nồi, bật bếp ga…

                                                        ***

Bà đi qua chỗ hòn đá, dắt cái mi-ni lên cầu. Bà níu vào xe, xe tựa vào bà, chầm chậm. Cây cầu xi măng hơn chục mét đi mãi không hết. Hoàng hôn rực rỡ trùm vào tóc và mặt bà.

“Bà có khỏe không?” Bà sẽ ngồi cạnh người kia mà hỏi thế kèm nụ cười thật tươi. “Tôi khỏe”. Chắc người kia sẽ hỏi bà câu ấy và bà trả lời như thế. “À, tôi đạp xe thể dục và nhìn thấy bà. Thế nhà mình ở đây lâu chưa?”. “Tôi ở gần đây thôi”. “Ông nhà và các cháu có khỏe không?”…

Khớp gối “cạch cạch”. Đã nửa cầu rồi. Cái lưng nhoi nhói muốn sụm xuống.

“Mời bà vào nhà chơi”. “Vâng”. “Chà, nhà đẹp quá”. “Chào ông, ông có nhận ra ai không”? “Mẹ tôi mất mười lăm năm rồi ông ạ”…

Bà lẩm nhẩm lời thoại. Cuối cùng bà cũng đi hết cây cầu. Thêm một cung đường nhỏ, đến cây liễu già. Ghế xi măng đây rồi. Mặt ghế trơ khấc lạnh lùng.  Ba cánh cổng đồng thau khép chặt, câm lặng.

-Các cháu ơi, cho bà hỏi, người kia hôm nay sao không ra chỗ này ngồi?

-Các cháu ơi, cho bà hỏi, đây có phải nhà người ấy không?

Lũ trẻ nhìn bà ngơ ngác.

-Chúng cháu không biết người kia nào đâu ạ.

-Chúng cháu không biết người ấy là ai đâu ạ.

Chúng túa đi, mỗi đứa một xe đạp. Tiếng cười như ngọc rải kín không trung thẫm hoàng hôn.

Truyện ngắn. Minh Hằng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Vị chát trung du

Văn xuôi 5 ngày trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 5 ngày trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 6 ngày trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 1 tuần trước

Đôi cánh mẹ cho

Văn xuôi 2 tuần trước