Phát hiện, tôn vinh những tinh hoa trong nghệ thuật biểu diễn
Chỉ trong một thời gian ngắn, Cục Nghệ thuật biểu diễn tiến hành tổ chức ba cuộc thi ở cả ba lĩnh vực nghệ thuật “Múa rối”, “Múa” và “Kịch nói” quy mô toàn quốc. Ngoài mục tiêu là giao lưu học hỏi kinh nghiệm biểu diễn, các cuộc thi còn là cơ hội tìm kiếm tài năng trẻ, để tiến hành bồi dưỡng, chuẩn bị đội ngũ kế cận cho các đơn vị nghệ thuật, các chuyên ngành đang đứng trước nguy cơ “thất truyền” do thiếu nhân lực trẻ.
Sự xuất hiện những tinh hoa nghệ thuật từ những cuộc thi là điều có thể, nhưng để những tinh hoa ấy nối tiếp mạch nguồn truyền thống, cần những cơ chế, chính sách đãi ngộ hợp lý.
Hơn cả hoạt động chuyên ngành
Sau đại dịch COVID-19, nhiều chuyên ngành nghệ thuật đã hồi sinh, thể hiện ở những hoạt động nghệ thuật khá sôi nổi trong và ngoài nước gắn với các cuộc thi, các kỳ liên hoan và ở mỗi lĩnh vực nghệ thuật, đều ghi nhận những chuyển biến tích cực thông qua những giải thưởng danh giá. Cho thấy, hoạt động nghệ thuật không chỉ diễn ra sôi động trên diện rộng, mà còn đi vào chiều sâu, qua đây sẽ phát hiện và bù đắp những thiếu hụt cả về nhân lực, năng lực chuyên môn và định vị nghệ thuật Việt Nam trước sự giao thoa với nghệ thuật thế giới.
Trên thực tế, để có những cuộc thi hay liên hoan nghệ thuật ở bất kỳ chuyên ngành nào cũng đòi hỏi chuyên ngành đó phải xây dựng kế hoạch hoạt động, điểm danh quân số và chuẩn bị kĩ lưỡng tiết mục sẽ tham dự của các đơn vị nghệ thuật. Bên cạnh sự lo liệu về giải thưởng mang tính định lượng, còn phải tính đến những giá trị nghệ thuật định tính mà cuộc thi mang lại. Đó là sự xốc lại tinh thần cho nghệ sĩ, thổi vào họ nhiệt huyết trên sàn diễn và công bố với công chúng yêu nghệ thuật về những “đứa con tinh thần” của họ. Đây chắc chắc là những hoạt động cần thiết, bởi trước sức ép của mạng xã hội, những dự liệu từ gameshow truyền hình giải trí, nhiều chuyên ngành nghệ thuật đã không còn xuất diễn tại các rạp hát và những chương trình nghệ thuật đình đám. Vì vậy, các cuộc thi, hội diễn không chỉ dừng lại ở những hoạt động chuyên ngành mà đã trở thành hoạt động thắp lửa, khơi dậy nhiệt huyết cống hiến của các nghệ sĩ thông qua tính hiệu triệu, khẳng định những giá trị truyền thống.
Xuất phát từ mục tiêu nói trên Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam và Sở VHTT Hà Nội, Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam, Nhà hát Múa Rối Việt Nam và Nhà hát Tuổi trẻ cùng các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức “Cuộc thi Tài năng Múa Rối toàn quốc - 2022”, “Cuộc thi Tài năng Múa toàn quốc - 2023” và “Cuộc thi Tài năng Diễn viên Kịch nói toàn quốc - 2023”. Với gần 200 tiết mục, trích đoạn, tiểu phẩm và phần biểu diễn của gần 150 diễn viên đăng ký tham gia tranh tài, 3 cuộc thi đang diễn ra từ ngày 20 - 26/8/2023 tại thành phố Hà Nội.
Cuộc thi Tài năng Múa rối toàn quốc tại Nhà hát Múa rối Việt Nam với sự tham gia của 20 diễn viên đến từ 5 đoàn nghệ thuật. Các thí sinh tham gia dự thi ở các thể loại rối nước, rối cạn. Cuộc thi tài năng Múa toàn quốc đang tổ chức tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ với sự tham gia của 61 diễn viên đến từ 24 đơn vị nghệ thuật. Các thí sinh được chia làm 3 bảng với 3 phong cách: Ballet (cổ điển và hiện đại); đương đại; dân gian (dân tộc, đương đại) và truyền thống. Cuộc thi tài năng Diễn viên kịch nói toàn quốc tổ chức tại Nhà hát Tuổi Trẻ với sự tham gia 63 diễn viên đến từ 17 đơn vị nghệ thuật. Ban Tổ chức khuyến khích vai diễn trong tiểu phẩm, trích đoạn sáng tác mới, có sự sáng tạo trong dàn dựng và phong cách biểu diễn.
Theo NSƯT Trần Ly Ly - Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn: Chủ trương của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tất cả các cuộc thi, sự kiện của Bộ sẽ tập trung vào khoảng thời gian nhất định trong năm để tạo ra dấu ấn, điểm nhấn nhất định. Sở dĩ 3 Cuộc thi được tổ chức cùng một thời điểm, bởi chúng tôi hướng đến Kỷ niệm Quốc khánh 2/9 và kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống ngành Văn hóa (28/8/1945 – 28/8/2023). Một lí do nữa khi tổ chức cùng một thời điểm là ngành múa, múa rối, kịch có 3 Nhà hát thuộc Bộ đảm bảo những yêu cầu tốt nhất để Cuộc thi diễn ra. Trong đó có Cuộc thi Tài năng Múa Rối toàn quốc - 2022 là chuyển từ nhiệm vụ của năm 2022 sang năm 2023, bởi năm 2022 sau COVID-19 có nhiều bất cập, chưa đủ điều kiện để Cuộc thi diễn ra nên chúng tôi chuyển sang năm 2023.
Kỳ vọng vào những tài năng trẻ
Ba Cuộc thi là hoạt động nghệ thuật nhằm tìm kiếm tài năng biểu diễn nghệ thuật Múa; Múa rối; Kịch nói; tôn vinh những cá nhân có thành tích trong quá trình lao động, sáng tạo nghệ thuật; là dịp để các đơn vị nghệ thuật tìm kiếm, thu hút, bồi dưỡng lực lượng nghệ sĩ, diễn viên kế cận. Đồng thời đây cũng là một kênh thông tin quan trọng giúp cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương đánh giá đúng thực trạng hoạt động nghệ thuật ba loại hình trên và đưa ra những phương thức hoạt động mới, tìm ra giải pháp khắc phục những tồn tại, thúc đẩy các chuyên ngành nghệ thuật trên phát triển phù hợp với thực tế đời sống xã hội.
Theo định hướng của Đảng và Nhà nước ta về đường lối phát triển văn hóa nghệ thuật kiên định mục tiêu: hội nhập nhưng đề cao bản sắc văn hóa riêng biệt. Song, thực tế, đời sống nghệ thuật dường như có phần đang đi chệch hướng. Bằng chứng là những bộ môn nghệ thuật dân gian, dân tộc đang bị mai một, thậm chí không có người theo học. Theo NGƯT Trịnh Út Nghiêm, sân khấu múa Việt Nam vẫn vắng bóng và khan hiếm tác phẩm dân gian, dân tộc. Ngôn ngữ này chỉ còn phảng phất, lấp ló đâu đó giữa muôn vàn hoạt động múa hiện đại để được gọi là một tác phẩm dân gian, dân tộc đương đại.
Sự mai một của các loại hình nghệ thuật dân gian, dân tộc ngoài sự lấn lướt của các loại hình nghệ thuật đương đại, còn có một phần nguyên nhân từ đào tạo tại các cơ sở nghệ thuật. Theo Cục Nghệ thuật biểu diễn, chỉ tính riêng lĩnh vực Múa, tại Hà Nội đã có 4 trường đào tạo múa chuyên nghiệp: trường Đại học Sân khấu Điện Ảnh, trường Cao đẳng Múa Việt Nam, trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, và trường Cao đẳng Múa Hà Nội. Đây là những cơ sở đào tạo nghệ sĩ múa chính thống, nhưng chuyên ngành múa dân gian, dân tộc rất ít người theo học. Việc đào tạo tại các cơ sở này vẫn theo xu hướng đào tạo những gì mình có chứ chưa theo những gì xã hội cần.
Chính vì vậy, tại các kỳ liên hoan, hội diễn, rất ít những tiết mục mới được dàn dựng, biểu diễn. Sự quen thuộc của các mô típ cũ (chẳng hạn như Rối nước luôn theo 16 tích cổ) chỉ còn hấp dẫn với trẻ em chứ không còn hấp dẫn đối với khán giả lớn tuổi, trong khi người xem luôn kỳ vọng, nghệ thuật nói chung từng lĩnh vực chuyên ngành nói riêng phải mang hơi thở đương đại. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng từng đặt ra yêu cầu, “những điểm sáng của đất nước phải được thể hiện rõ nét, nổi bật thông qua nghệ thuật, qua đó củng cố niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước”. Trên thực tế, người nghệ sĩ để tồn tại và phát triển, phải dựa vào nhu cầu đòi hỏi của quần chúng mà tìm tòi những cái mới, phù hợp để nghiên cứu, cải biên về nội dung và hình thức, cũng như thẩm mỹ để đáp ứng hơi thở, nhịp đập, tiết tấu của cuộc sống hôm nay, chứ không phải chỉ diễn những gì mình đã học và được đào tạo tại các cơ sở giáo dục. Trên sân khấu, họ phải đem đến cho công chúng những thông điệp sống phù hợp với mối quan tâm của công chúng hoặc chí ít là truyền tải đến họ những giá trị sống cao đẹp, thông qua việc sử dụng kỹ thuật, kỹ năng được học trên ghế nhà trường. Đấy cũng chính là quy luật: phát triển và đào thải của nền văn hóa văn nghệ nói chung, và của từng chuyên ngành nghệ thuật nói riêng. Do đó, để nuôi dưỡng nghệ thuật truyền thống Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách đặc thù để các trường đào tạo nghệ thuật vận dụng, thực hiện; đồng thời có những chính sách ưu đãi nghề đối với các tài năng trẻ để họ yên tâm cống hiến cho nghệ thuật. Những chính sách này đã và đang góp phần cổ vũ tình yêu nghề, nhiệt huyết của các nghệ sĩ, giúp họ có thêm động lực để dấn thân và bước tiếp con đường nghệ thuật mà họ đã lựa chọn. Tuy nhiên, chỉ đãi ngộ thôi chưa đủ, việc đầu tư cơ sở vật chất, tạo điều kiện để cá nhân nghệ sĩ, đơn vị nghệ thuật được giao lưu học hỏi tại các cơ sở nghệ thuật trong và ngoài nước cũng là một kênh quan trọng để nghệ sĩ có cơ hội học hỏi và không tụt hậu trước xu hướng nghệ thuật thế giới.
Làm được điều này, trước đó, chủ trương sáp nhập các đơn vị nghệ thuật từ cấp trung ương đến cơ sở đã được thực hiện để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và giảm áp lực về quỹ lương biên chế. Đây là cuộc sáp nhập cơ học, một mặt quy tụ các đơn vị nghệ thuật, chuyên ngành về cùng một mối, tạo sự giao thoa giữa các chuyên ngành nghệ thuật với nhau, tạo nên các sản phẩm nghệ thuật mới (là kết quả của sự kết hợp giữa các loại hình nghệ thuật) nhưng mặt khác cũng làm cho từng chuyên ngành nghệ thuật bị yếu đi do thiếu nguồn nhân lực chủ chốt. Có người cho rằng, đây là cơ hội để nghệ sĩ có thể đảm nhận nhiều vai diễn, nhưng cũng có ý kiến cho rằng, nếu không được đào tạo bài bản, nghệ sĩ sẽ chỉ tròn vai chứ không thể diễn sâu và tạo hiệu ứng nghệ thuật như mong muốn. Và vì vậy, vở diễn hay tiết mục nghệ thuật sẽ kém đi phần hấp dẫn và cũng không tạo nên được hiệu ứng xã hội mạnh mẽ.
Quay trở lại với ba cuộc thi sẽ được thực hiện nhân dịp chào mừng Quốc khánh 2/9, sự kỳ vọng sẽ tìm được những tinh hoa nghệ thuật tiếp tục gánh vác trọng trách chấn hưng và phát triển văn hóa. Những tinh hoa ấy sẽ tiếp tục giúp khán giả không chỉ thấy được văn hóa là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ lịch sử của dân tộc, làm nên sức sống mãnh liệt, giúp cộng đồng các dân tộc Việt Nam vượt qua biết bao sóng gió và thác ghềnh, viết nên những trang sử hào hùng, để không ngừng phát triển và lớn mạnh. Đó chính là cốt cách văn hóa phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn xã hội Việt Nam trong giao lưu, hội nhập, mở cửa, tôn trọng, cầu thị với các giá trị văn hóa khác biệt trên thế giới.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...