Thứ năm, ngày 02 tháng 05 năm 2024
05:32 (GMT +7)

Phát hiện cuốn sách quý viết về thị xã Phổ Yên

VNTN - Được sự giúp đỡ của Viện Thông tin Khoa học xã hội, Hà Nội, chúng tôi đã phát hiện được tại Viện một cuốn tài liệu mang tên Bản kê Thần sắc phủ Phổ Yên. Cuốn sách có ký hiệu kho TTHN/840 (Thư tịch Hán Nôm/Viện Thông tin Khoa học xã hội), kích thước của cuốn sách 28 x 15cm, viết bằng chữ Hán Nôm trên giấy dó cổ, có 93 trang. Qua khảo sát, nghiên cứu phiên âm, dịch thuật nội dung cuốn sách, cho thấy, sách ghi chép 5 mục: Thần sắc, thần tích, bi ký, tục lệ và địa bạ của 11 xã thuộc 2 tổng Hoàng Đàm và Nghĩa Hương, phủ Phổ Yên (nay một phần thuộc thị xã Phổ Yên và thành phố xã Sông Công, tỉnh Thái Nguyên).

Bìa và một trang của cuốn sách Xã chí phủ Phổ Yên (1920) lưu tại Viện Thông tin Khoa học xã hội – Hà Nội 

Cụ thể tổng Hoàng Đàm có 6 xã: Hoàng Đàm, Thung (Thông) Hạc, Thanh Thù, Cốt Ngạnh, Sơn Cốt, Đại Hữu, Đắc Hiền, Cải Đan và Lợi Xá (nay thuộc đất các xã Nam Tiến, phường Đồng Tiến, phường Ba Hàng, xã Đắc Sơn (Phổ Yên); phường Cải Đan và Thắng Lợi (thành phố Sông Công); tổng Nghĩa Hương có 5 xã: Cầu Đông, Cống Thượng, Vân Dương Thượng, Vân Dương Hạ và Yên Mễ.

Tuy cuốn sách không ghi tên tác giả nhưng qua đối chiếu với các nguồn tài liệu cùng thời cho biết đây là kết quả điều tra của Trường Viễn đông Bác cổ (École française d'Extrême-Orient, viết tắt EFEO) đã thực hiện vào những năm đầu của thế kỷ XX, chính xác vào ngày 16, 17, 18, 20, 22, 24, 26 tháng 9 và ngày 2, 3, 4, 6, 8, 10, 12 tháng 10 năm Khải Định năm thứ 5 (1920), có xác nhận ghi họ tên bằng chữ Hán Nôm, chữ Pháp và đóng dấu của Thư viện Trường Viễn Đông Bác cổ. Ở cuối các trang tờ khai có xác nhận ký và đóng dấu của các chức sắc ở địa phương.

Ảnh trái: Một trang trong cuốn sách chép về Văn bia cổ ở  xã Thông Hạc (nay là xã Nam Tiến, TX. Phổ Yên). Ảnh phải: Trang chép Sắc phong xã Sơn Cốt (nay là xã Đắc Sơn, TX. Phổ Yên).

Như vậy, đây là tài liệu sản phẩm cuộc điều tra năm 1920 của Trường Viễn đông Bác cổ thời Pháp thuộc về Thái Nguyên trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chúng ta thường gặp trong số Tài liệu lưu trữ trước đây gọi là Xã chí địa phương như cuốn sách này gọi là Xã chí phủ Phổ Yên.

Như trên đã nói, nội dung cuốn sách ghi chép theo dạng địa chí, phương pháp thống kê, liệt kê là chính, có độ tin cậy cao, có xác nhận của từng cấp chính quyền địa phương lúc bấy giờ. Trường Viễn đông Bác cổ chủ trì việc này, sau khi thống nhất đất nước năm 1975, Viện Thông tin Khoa học xã hội đã được bàn giao đặt tên cho tập tài liệu này là: Bản kê thần sắc. Cuốn sách đã thống kê được: 40 văn bia, 73 sắc phong, 5 thần tích, 14 tục lệ và 8 địa bạ thuộc 11 xã ở các đền, miếu, đình, chùa thuộc 2 tổng Hoàng Đàm và Nghĩa Hương, phủ Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.

Văn bia, sắc phong, thần tích là tài liệu có số lượng nhiều hơn cả và là tài liệu có giá trị văn học. Tục lệ và địa bạ cũng có giá trị nhất định. Tài liệu Hán Nôm là những chữ viết của dân tộc phản ánh về thuần phong, mỹ tục, nề nếp sinh hoạt của nhân dân lúc bấy giờ.

Văn bia tiêu biểu là bia Hậu Phật bi ký ở chùa Cốt Ngạnh, xã Cốt Ngạnh tổng Hoàng Đàm phủ Phổ Yên tỉnh Thái Nguyên là bài văn hay bàn luận về đạo Phật, thông qua việc công đức của vợ chồng ông Đỗ Văn Đa tự Chính Tâm và vợ bà Đỗ Thị Chi dốc lòng tin theo đạo Phật, đã cúng cho chùa thôn Lý Nhân 80 quan tiền, sau lại cúng 80 quan và 8 sào ruộng. Quan viên dân thôn tôn bầu ông bà làm Hậu Phật. Có ghi họ và tên những người làm chứng, lệ cúng giỗ Hậu Phật hàng năm. Văn bia đã được Trường Viễn đông Bác cổ in dập, có lưu thác bản tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm ký hiệu: 10273. Thác bản 1 mặt, khổ 48 x 75cm, gồm 23 dòng chữ Hán, toàn văn ước khoảng 500 chữ, không có hoa văn, không có chữ húy. Niên đại: Bảo Thái thứ 5 (1724). Người soạn: không ghi. Chủ đề: Bầu Hậu, gửi giỗ, biểu dương việc thiện, sinh hoạt làng xã.

Văn bia di tích quốc gia đền Lục Giáp, văn bản ghi là Miếu Lục Giáp bia có tên là Sinh thần bi ký – Vạn cổ như tân, văn bia đã có thác bản tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu: 10271/10272. Bia gồm 2 mặt, khổ 45 x 80 cm, gồm 32 dòng chữ Hán và Nôm, toàn văn ước khoảng 900 chữ, có hoa văn. Niên đại: Cảnh Hưng thứ 41 (1780). Nội dung: Sau khi loạn lạc, trở về quê hương, làm lại đình miếu. Ông Dương Bá Đức làm Tri phủ Trường Khánh đã cúng cho xã 200 cây gỗ xoan để làm đình miếu và 1 mẫu ruộng làm ruộng tế. Nay ông lại cúng thêm 3 sào ruộng. Vì vậy, quan viên hương lão, dân xã tôn bầu ông làm sinh thần. Có ghi vị trí ruộng tiến cúng, lệ kính biếu và lệ cúng tế sinh thần vào các tiết tế lễ hàng năm (hiện chỉ còn xác bia ở di tích lịch sử Đền Lục Giáp, xóm Dương, xã Đắc Sơn, thị xã Phổ Yên).

Ngoài 2 văn bia mang niên đại cuối thời nhà Lê kể trên có 1 cây hương đá ở chùa Cốt Ngạnh có tiêu đề Linh Thung thiền tự thiên đài phụng cúng (Ghi nhớ việc cúng cây hương đá vào chùa Linh Thung), niên đại Lê Bảo Thái năm thứ 2 (1721). Di tích nhiều văn bia nhất là đình, chùa Thung Hạc: 15 văn bia. Đình có 5 bia Hậu thần bi ký, Hậu giáp bi ký mang niên đại Tự Đức năm thứ 11 (1857), Duy Tân năm thứ 3, thứ 5 và thứ 10 (1908 - 1915). Chùa có 10 bia đá Hậu Phật bi ký mang niên đại Thành Thái năm thứ 2, thứ 4, thứ 6, thứ 9 và thứ 10 (1890 - 1900), Duy Tân năm thứ 3 và thứ 5 (1908 - 1910). Chùa Hoàng Đàm (Linh Sơn tự) có 6 văn bia, chùa Cốt Ngạnh có 5 văn bia, đình Cầu Đông có 5 văn bia, làng Vân Dương Thượng có 4 văn bia, làng Sơn Cốt có 3 văn bia, chùa Đắc Hiền có 2 văn bia. Nội dung chủ yếu các văn bia phản ánh phong tục của nhân dân qua tập tục bầu hậu: hậu thần, hậu phật, mua hậu, tục bán hậu của nhân dân. Đồng thời qua văn bia các tác giả cũng thể hiện tình cảm yêu quê hương, đất nước, ý thức trân trọng và bảo vệ các di sản văn hóa của mình. Đặc biệt ý thức tự tôn dân tộc được thể hiện rất rõ qua nội dung của các văn bia ghi tên của hàng trăm người công đức xây dựng, trùng tu, tu bổ, tôn tạo di tích, đặc biệt là người phụ nữ chiếm số đông.

Đền Lục Giáp (Sơn Cốt) nay là xã Đắc Sơn, nơi có Văn bia Sinh từ bi ký lập thời Lê Cảnh Hưng (1784) ghi trong cuốn Xã chí phủ Phổ Yên

Sắc phong là loại văn bản có giá trị ở các di tích đền, đình. Tiêu biểu Đình Sơn Cốt - đền Lục Giáp có 18 sắc phong niên đại sớm nhất là từ đời vua Lê Đức Long thứ  2 (1630), muộn nhất là đời vua Nguyễn Duy Tân thứ 3 (1908). Đình Sơn Cốt thờ 7 vị thần, 4 vị nhân thần: Diên Bình; Đại La; Cao Sơn; Quý Minh. 3 vị thiên thần: Ngộ Lão; Nhất Lang; Nhị Lang. Có thể nói, sắc phong ở các xã chép trong cuốn sách có giá trị tiêu biểu trên địa bàn Phổ Yên có niên đại sớm như sắc phong đình Sơn Cốt cấp sắc vào các năm Đức Long (3 đạo), Dương Hòa (1 đạo), Cảnh Trị (1 đạo), Dương Đức (1 đạo), Chính Hòa (1 đạo), Vĩnh Thĩnh (1 đạo), Vĩnh Khánh (1 đạo), Cảnh Hưng (2 đạo), Cảnh Thịnh (1 đạo) phong cho Ngộ Lão đại vương. Đình Thanh Thù có 8 sắc phong, Đình Hoàng Đàm có 8 sắc phong, xã Thông Hạc 7 sắc phong, các xã Cầu Đông, Yên Mễ, Đắc Hiền 4 sắc phong. Các sắc phong đều cho các nhân vật lịch sử được thờ phụng như: Cao Sơn, Quý Minh thời Hùng Duệ Vương thứ XVIII có công đánh thắng giặc Thục, Tam Giang Trương Hống, Trương Hát đã có công âm phù cho vua Triệu Quang Phục đánh thắng giặc Lương ở thế kỷ VI, Phạm Cự Lạng thời Tiền Lý, Dương Tự Minh thời nhà Hậu Lý (thế kỷ XII) đã có công dẹp giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước.

Về thần tích, tiêu biểu có thần tích đình Hoàng Đàm viết về vị:  Tam Giang (Trương Hống, Trương Hát, Thánh Mẫu Từ Nhan), Cao Các Quý Minh, Phạm Cự Lạng, Chu Đại Liệu. Trương Hống, Trương Hát đã có công âm phù giúp Triệu Quang Phục đánh thắng giặc Lương trên sông Nguyệt Đức, Phạm Cự Lạng có công giúp vua Lê Hoàn chống giặc Tống ở thế kỷ X, Chu Đại Liệu có công âm phù cho Lý Thường Kiệt diệt giặc Tống ở thế kỷ XI. Đình Cải Đan thờ Dương Tự Minh có công có công giúp vua Lý Anh Tông chống giặc Tống ở thế kỷ XII. Đình Đại Hữu thờ Cao Sơn Quý Minh, Tam Giang, Diên Bình...

Hay nhất trong số di sản Hán Nôm của thị xã Phổ Yên là thể loại Thần tích. Sở dĩ chúng tôi đánh giá như vậy là vì trong số 31 cuốn sách có tên tại thư mục Hán Nôm của Viện Nghiên cứu Hán Nôm chúng tôi tìm thấy tới 5 bản thần tích, thần sắc. Đó là bản thần tích xã Hoàng Đàm (Thái Nguyên tỉnh, Phổ Yên phủ, Hoàng Đàm tổng các xã thần tích), gồm sự tích Phạm Cự Lượng (Hồng Thánh Khuông Quốc Trung Vũ tá trị đại vương), thời Lý Thái Tông và sự tích Trương Hống, Trương Hát (Đại Đương giang hộ quốc Khước Địch đại vương) triều Triệu Việt Vương, thần tích xã Thung (Thông) Hạc, gồm sự tích Trương Hống, Trương Hát (Đại Đương giang hộ quốc Khước Địch đại vương), thần tích xã Cải Đan sao lại văn bia đình xã Quang Vinh,  huyện Đồng Hỷ về sự tích Dương Tự Minh (1).

Ngoài các loại hình trên còn có Tục lệ (Hương ước) và Địa bạ của các địa phương. Qua khảo sát nhiên cứu nội dung những bản kê này cho thấy hầu hết các làng xã đều có Tục lệ và Địa bạ được văn bản hóa. Tức là được người xưa chép thành văn bản để lưu truyền. Trong cuốn sách đã thống kê được 14 cuốn Tục lệ và 8 cuốn Địa bạ của 11 làng, xã thuộc 2 tổng Hoàng Đàm và Nghĩa Hương cho thấy phong tục tập quán, kê khai ruộng đất vẫn sự duy trì. Đây cũng là nguồn tài liệu quý hiện đang được lưu giữ tại 2 cơ quan là Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Viện Thông tin Khoa học xã hội Hà Nội.

Chùa Hoàng Đàm (Linh Sơn tự) xã Nam Tiến, TX. Phổ Yên có nhiều tư liệu Hán Nôm ghi trong sách Xã chí phủ Phổ Yên

Nghiên cứu cuốn tài liệu Xã chí phủ Phổ Yên cho thấy một phần di sản văn hóa của vùng đất Phổ Yên ngày nay với các thông tin phong phú, đa dạng về loại hình như về đình, chùa, miếu, các công trình văn hóa tín ngưỡng, về các địa danh xưa, ngày nay đã chỉ còn trong ký ức. Các văn bản về sắc phong, bia đá, sự tích di tích được kê khai đầy đủ là tư liệu quý phục vụ cho việc nghiên cứu, tra cứu về lịch sử, địa danh, phong tục, tập quán, con người của Thái Nguyên trước cách mạng Tháng Tám năm 1945. Đặc biệt, hiện nay giúp cho công việc tìm hiểu, tra cứu, nghiên cứu về huyện Phổ Yên xưa và thị xã Phổ Yên ngày nay.

----------------

(1) Dương Tự Minh, người làng Quan Triều, là Thủ lĩnh phủ Phú Lương đã có công giúp nhà Lý cai quản tốt các khe động miền biên viễn, được gả công chúa Diên Bình vào năm 1127, phong làm Phò mã lang. Sau lại có công dẹp tan giặc cỏ Đàm Hữu Lượng hay quấy phá ở biên giới phía Bắc nước Đại Việt và được nhà Lý gả công chúa Thiều Dung vào năm 1144, cho cai quản một vùng rộng lớn từ thượng Đu Đuổm hạ chí Lục Đầu giang. Sau ông tham gia vào vụ dẹp loạn quan nhất phẩm Đỗ Anh Vũ nhưng không thành, cuối đời ông về vùng Đuổm rồi thoát hóa. Nhân dân quý mến, thương tiếc, có sớ tấu và được nhà Lý sắc phong là Cao Sơn Quý Minh Thượng đẳng thần. Tỉnh Thái Nguyên có 125 đình, đền, nghè, miếu thờ ông trong đó có địa bàn TX. Phổ Yên. Tỉnh Bắc Giang có 18 làng thờ; tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, cũng đều có đền thờ ông.

Nguyễn Đình Hưng

(Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy