Thứ bảy, ngày 27 tháng 07 năm 2024
12:06 (GMT +7)

Phật Bà Quan Âm trong tín ngưỡng dân gian dân tộc Nùng

Phật Bà Quán/ Quan Âm hay Bồ Tát Quan Âm (1) (Avalokitesvara) là vị Bồ Tát có vị trí quan trọng trong Phật giáo. Ngài được nhắc đến trong nhiều bộ kinh, sách của Phật giáo như kinh Phổ Môn, thần chú Đại Bi, kinh Hoa Nghiêm, Hương Sơn bảo quyển,… Hình tượng Ngài được Phật tử khắp thế giới tôn kính và coi như người mẹ mẫu mực luôn dang tay cứu vớt chúng sinh ra khỏi bể khổ.

Với tinh thần đại từ đại bi vô lượng, tầm ảnh hưởng của Phật Bà Quan Âm đã vượt ra khỏi phạm vi Phật giáo, trở thành một hình tượng có quyền năng vô hạn, vô biên trong văn hóa dân gian của nhiều dân tộc, trong đó có dân tộc Nùng. Sự hiện diện của Ngài trong văn hóa dân tộc Nùng đã hình thành tín ngưỡng độc đáo mang nhiều giá trị văn hóa - tín ngưỡng thờ Phật Bà Quan Âm.


Quá trình du nhập của hình tượng Phật Bà Quan Âm
Điểm đặc biệt trong tín ngưỡng dân gian của người Nùng là các tôn giáo (trừ Kitô và Hồi giáo) khi du nhập vào đều được dân gian hóa và mang những nét đặc trưng phù hợp với quan niệm về nhân sinh của đồng bào. Do vậy nên trong Đạo giáo dân gian người Nùng thì Ngọc Hoàng là vị thần tối cao chứ không phải Tam Thanh; Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni trở thành vị Phật Lớn có quyền năng ban phúc, giáng họa cho con người (Pựt Luông). Đồng bào không quan tâm đến những triết lý sâu xa trong Tứ diệu đế của Phật giáo chính thống hay Đạo đức kinh của Đạo giáo mà chỉ coi trọng các lễ nghi, thực hành tín ngưỡng và quyền năng của các vị thần, Phật.

                                    1-1689044422.jpg
1-1689044422.jpg

Với tư cách là vị Bồ Tát trong Phật giáo nên sự du nhập hình tượng Quan Âm Bồ Tát gắn liền với quá trình Phật giáo truyền vào vùng người Nùng. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Yên thì Phật giáo truyền vào vùng người Tày, Nùng theo hai con đường là từ người Kinh ở miền Bắc truyền vào vùng người Choang ở Quảng Tây (Trung Quốc) rồi truyền đến vùng người Tày, Nùng. Con đường thứ hai là truyền thẳng trực tiếp từ vùng người Kinh lên (2). Hiện nay chưa xác định được chính xác thời gian Phật giáo du nhập vào vùng Tày, Nùng. Tuy nhiên xét trên mặt tương đồng về văn hóa với tộc người Choang ở Trung Quốc thì có lẽ Phật giáo cũng được truyền vào vùng Tày, Nùng vào cuối thời Hán(3).

Trong ngôn ngữ người Nùng, Phật Bà Quan Âm được gọi với danh từ Mè Nàng. Cả 2 thành tố trong danh từ này đều chỉ về giới tính nữ. Trong đó, “Mẻ” nghĩa là mẹ và “Nàng” là từ chỉ người con gái. Như vậy, Phật Bà Quan Âm hiện diện trong văn hóa người Nùng hoàn toàn mang giới tính nữ chứ không phải nam như ở hình tượng Bồ Tát Quan Âm trong Phật giáo Ấn Độ, trong tranh tượng Phật giáo ở hang động Đôn Hoàng (Trung Quốc) hoặc Phật giáo Nhật Bản(4). Chúng tôi cho rằng, hình tượng Bồ Tát Quan Âm về cơ bản đã định hình là nữ giới trước khi du nhập vào văn hóa Nùng chứ không phải thay đổi do chịu ảnh hưởng từ tín ngưỡng thờ nữ thần của tộc người này. Quá trình này có lẽ diễn ra trong thời điểm tín ngưỡng thờ Bồ Tát Quan Âm dưới hình tượng nữ nhân trở nên nổi bật và được sùng bái ở Trung Quốc trong khoảng thế kỷ XII. Sự ra đời của sách “Nhữ chân Hương Sơn đại bi bồ tát truyện” khoảng năm 1100 tại chùa Hương Sơn (Hà Nam, Trung Quốc) chính là phản ánh của điều này (5).

Vai trò của Phật Bà Quan Âm trong đời sống tín ngưỡng của người Tày, Nùng

Là vị thần bảo hộ cho gia đình
Trong tiếng Nùng, Phật Bà Quan Âm được gọi là Mè Nàng Con Dăm. Cũng trong tâm thức của đồng bào, Phật Bà hiện ra không phải mang những hàm sâu triết lý của Phật giáo mà là vị Bồ Tát cứu khổ cứu nạn và có quyền năng vô biên trong việc cứu độ chúng sinh. Với Phật giáo chính thống, Bồ Tát Quan Âm cùng Bồ Tát Đại Thế Chí tháp tùng Phật Di Đà tiếp dẫn chúng sinh về cõi Tây Phương Cực Lạc. Tuy nhiên với tín ngưỡng dân gian người Nùng, việc lo lắng cho con người sau khi về cõi vĩnh hằng không phải là Bồ Tát Quan Âm mà lại là Địa Tạng Vương Bồ Tát. Thực tế trong đám tang người Nùng, các thầy cúng dân gian người Nùng (nhất là Nùng Cháo) thường chỉ treo tranh Bồ Tát Địa Tạng và trì niệm “Nam U Tỷ Chang Phù Xà” (Nam mô Địa Tạng Bồ Tát) để cầu Ngài siêu độ vong linh chứ ít khi sử dụng hình ảnh Phật Di Đà hoặc cả bộ tranh/ tượng Di Đà Tam Tôn. Như vậy, Bồ Tát Quan Âm trong tín ngưỡng dân gian Nùng hoàn toàn lo phần “sống”, phần “cõi dương” cho con người chứ không phải chỉ là phần âm.

                                    2-1689044422.jpg
Ban thờ Phật Bà Quan Âm (trên cùng) của một gia đình người Nùng Phàn Slình ở xã Hương Sơn, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên

Trong gia đình của người Nùng, Phật Bà hiện ra với tư cách là gia thần được gọi chung trong một nhóm thần linh gọi là “Mè Nàng”. Bên cạnh Mè Nàng thì một số dòng họ người Nùng còn thờ thêm các vị gia thần khác như Vìn Tàn (Huyền Đàn), Hồ Lộc Đại Vương,… Trong không gian thờ tự của gia đình người Nùng, bàn thờ Mè Nàng hoặc các vị gia thần được đặt ở vị trí cao nhất; tiếp đó mới đến bàn thờ gia tiên và tầng gầm là thần quản gia.

Theo kết quả khảo sát tại vùng người Nùng ở các huyện Tràng Định, Văn Lãng (Lạng Sơn), Đồng Hỷ, Phú Bình (Thái Nguyên) thì có đến 30 vị Mè Nàng như Mè Nàng Hải Ngạn, Mè Nàng Con Dăm, Mè Nàng Cảu Vìn,… Mỗi vị Mè Nàng được đồng bào mường tượng ra hình dáng và tính cách khác nhau như Mè Nàng Con Dăm, Mè Nàng Hải Ngạn mặc áo trắng và ăn chay; Mè Nàng Cảu Vìn có 9 đôi tay và thường cúng 9 chén rượu; Mè Nàng Ngọ Vìn ăn mặn, uống rượu, trà (6);… Việc thờ phụng từng Mè Nàng cụ thể được quy định theo dòng họ. Trong đó, họ Hoàng, họ Lâm thờ Mè Nàng Con Dăm; họ Hứa thờ Mè Nàng Cảu Vìn,… Chúng tôi cho rằng, các vị Mè Nàng có lẽ đều là Phật Bà Quan Âm vì theo kinh Phổ Môn và thần chú Đại Bi, Ngài có hơn 30 hình dáng khác nhau. Những hình tượng Mè Nàng Con Dăm, Mè Nàng Hải Ngạn thực chất là Bạch Y Bồ Tát và hình tượng Mè Nàng Cảu Vìn với 9 đôi tay là Chuẩn Đề Bồ Tát,… Đây là những hóa thân tiêu biểu của Bồ Tát Quan Âm thường gặp trong tạo hình Phật giáo.

Do Phật Bà Quan Âm đã trở thành một vị thần linh trong tín ngưỡng dân gian nên đồng bào Nùng không tổ chức ngày lễ vía Ngài vào ngày 19 tháng 2 hoặc 19 tháng 6 âm lịch và không tụng kinh Phật. Việc phụng thờ Bồ Tát Quan Âm chủ yếu được thực hiện thông qua các thực hành tín ngưỡng dân gian. Đồng bào Nùng có câu “Mè Nàng kin chai” nghĩa là Phật Bà ăn chay. Câu tục ngữ này nhằm nhắc nhở các gia đình khi sửa soạn các lễ vật để cúng bái thì cần lưu ý dâng đồ chay lên ban thờ Bồ Tát Quan Âm. Đồ chay dâng Bồ Tát thường là bánh chưng chay (bánh không nhân), xôi trắng, bánh khẩu sli… Những loại bánh được chế biến qua dầu mỡ như pẻng khô (bánh phồng), bánh rán không được phép đưa lên để thờ Phật Bà. Ngoài ra, khi trong gia đình có tổ chức các nghi lễ như cầu an, giải hạn,… thì thầy cúng thường phải “lên cửa” Phật Quan Âm để báo cáo và cầu xin Ngài phù trợ.

Là tổ sư của một số ngành cúng
Theo quan niệm dân gian thì Phật Bà Quan Âm không chỉ là gia thần mà còn là tổ sư của một số dòng cúng bái dân gian của người Nùng có liên quan tới vu thuật(7) như mo, then, vựt, sliên. Hiện nay ở một số vùng người Nùng vẫn lưu truyền sự tích Phật Bà Quan Âm ban kinh sách và đồ nghề cúng bái cho các thầy tào, mo, then. Câu chuyện này góp phần nêu lên mối liên đới giữa tín ngưỡng thờ Bồ Tát Quan Âm với tín ngưỡng thờ tổ nghề của các thầy cúng linh trong vùng đồng bào Nùng. Do vậy nên danh hiệu của Bồ Tát Quan Âm được viết lên bài vị ở ban thờ Tổ sư của các nghệ nhân thực hành tín ngưỡng.

                                    3-1689044601.jpg
Thực hành nghi lễ Mo của người Nùng Cháo

Ngoài ra, trong nghi lễ Mo của người Nùng Cháo ở tỉnh Lạng Sơn còn có sự tích kể rằng tổ sư nghề Mo trước đây vốn là nữ giới (Mo bà). Sau này, do Mo bà bận việc sinh nở và chăm lo việc bếp núc cho gia đình nên mới truyền lại nghề cho chồng. Từ đó, người thực hành nghi lễ mo chủ yếu là nam giới(8). Từ đây ta có thể thấy sự tương đồng giữa tổ sư các ngành cúng bái có yếu tố vu thuật với hình tượng Bồ Tát Quan Âm. Có lẽ hình tượng Bồ Tát Quan Âm là phản ánh của nhân vật Mo bà hoặc rộng hơn là vai trò của nữ giới trong thực hành tín ngưỡng nguyên thủy của người Nùng.

Tín ngưỡng dân gian Tày, Nùng nói chung và người Nùng nói riêng luôn có hướng mở trong việc tiếp thu các tôn giáo lớn trên thế giới là Phật giáo và Đạo giáo. Tuy nhiên khi du nhập vào vùng Tày, Nùng, những tôn giáo này đều được pha trộn và dân gian hóa để tạo nên một hình thái tôn giáo dân gian mang đậm bản sắc văn hóa tộc người.

Phật Bà Quan Âm là vị Bồ Tát quan trọng trong Phật giáo. Đức hạnh từ bi, hỷ xả của Ngài phù hợp với đặc điểm tính cách cũng như quan niệm nhân sinh quan của đồng bào nên được đón nhận một cách tự nguyện và tôn kính. Sự hiện diện của Phật Bà Quan Âm không chỉ tạo điểm tựa cho đời sống tinh thần mà còn làm phong phú thêm diện mạo văn hóa đa sắc của người Nùng. Chính vì lẽ ấy nên trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, tín ngưỡng thờ Phật Bà Quan Âm vẫn được đồng bào trân trọng và bảo lưu, gìn giữ.

----------
1 Trong bài này chúng tôi sử dụng danh từ Quan Âm thay vì Quán Âm để gần gũi với ngôn ngữ đời thường khi nhắc đến vị Bồ Tát này.
2 Nguyễn Thị Yên (2009), “Tín ngưỡng Tày Nùng”, Nxb Khoa học xã hội. Sđd, tr 88.
3 Nguyễn Thị Yên (2009), “Tín ngưỡng Tày, Nùng”, Nxb Khoa học xã hội. Sđd, tr 99.
4 Ở hang động Đôn Hoàng và ở một số chùa Nhật Bản hiện nay vẫn lưu giữ những pho tượng Bồ Tát Quan Âm có râu như nam giới.
5 Nguyễn Tô Lan, Rostislav Berezkin (2021). “Phật Bà bể Nam, Truyện Quán Âm Diệu Thiện tại Việt Nam”, Nxb Đại học sư phạm, Sđd, tr4-27.
6 Theo các cụ Hoàng Ký Trình, Đàm Thị Nhình, Mạc Sám Mùi ở thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn.
7 Vu thuật là hình thái tôn giáo dân gian có hiện tượng xuất nhập hồn khi thực hành nghi lễ.
8 Nguyễn Trí Công (1981), “Bước đầu tìm hiểu Mo của người Tày, Nùng ở huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn”, luận văn tốt nghiệp khoa Sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy