Thứ sáu, ngày 15 tháng 11 năm 2024
06:43 (GMT +7)

Ông bà nội tôi

Trích trong tập “Những bức thư viết từ cối xay gió”

 

“Cha lại có thư à, cha Azan?

- Vâng,  thưa ông… nó đến từ Paris”.

Lão Azan thường hãnh diện như thế mỗi khi nhận được thư từ Paris gửi đến, đấy là nói về cha Azan chứ chẳng phải tôi. Điều này gợi nhớ trong tôi, người đàn bà ấy gốc Paris, nhà ở phố Jean-Jacques, một buổi sáng, tình cờ đã ghé vào chỗ tôi, làm tôi mất đứt cả một ngày. Tôi chẳng nhầm đâu, xin ông hãy đọc những dòng đây:

Bạn thân mến, có lẽ cậu phải giúp tôi một việc. Hôm nào đấy, cậu hãy thu xếp công việc, đi ngay đến Eyguière... Eyguière là một thị trấn không nhỏ, nó chỉ cách chỗ cậu khoảng ba hoặc bốn dặm cuốc bộ là cùng. Đến đó, cậu cứ hỏi Tu viện trẻ mồ côi. Ngôi nhà thứ nhất sau tu viện là một cái nhà thấp tè, cửa chớp màu ghi xám, mảnh vườn nhỏ ở phía sau. Cậu cứ vào, chẳng cần gõ cửa vì cửa luôn được mở - có điều khi đã ở trong nhà, cậu cần phải nói thật to: “Xin chào, ông bà già tốt bụng! Cháu là bạn trai của Maurice…”. Ngay đó, cậu sẽ gặp hai ông bà già người nhỏ thó, ồ! hai cụ - hai cụ già khốt- ta- bít, tuổi đã cao, ngồi trong lòng những chiếc ghế bành lớn đưa tay ra đón cậu, và cậu sẽ hôn họ thay tôi với tất cả lòng thành kính, hãy cứ coi họ như là người nhà nhé. Tiếp theo, cậu sẽ tiếp chuyện; họ sẽ kể với cậu về tôi, toàn về tôi thôi; với vô số chuyện không đầu không đũa mà cậu vẫn không cảm thấy buồn cười... hẳn chắc cậu sẽ không cười phải không?... Đấy chính là ông bà nội của tôi, hai thực thể sống mà tôi luôn là tất cả trong cuộc đời của họ. Cũng đã mười năm rồi, họ chưa một lần gặp lại tôi... Mười năm, sao mà dài! Nhưng điều chắc cậu muốn biết! Với tôi, tôi thì không thể bỏ Paris ra đi được; còn ông bà tôi… tuổi tác đã cao... họ đã già lắm rồi, nhưng nếu đến gặp tôi, họ cũng chẳng quản ngại… May sao, cậu đang ở đó, ông chủ nhà máy xay đáng kính của tôi, và khi ôm hôn cậu, ông bà già tội nghiệp cứ đinh ninh là họ đang hôn chính tôi… Tôi cũng thường xuyên thưa chuyện với ông bà nội tôi về chúng ta và tình bạn tốt đẹp này…

Ông bà nội tôi

Thật là thứ tình bạn chết tiệt! Vào đúng sáng hôm ấy, thời tiết đẹp, nhưng nó lại chẳng giúp ích gì cho việc tản bộ trên đường: gió mistral thốc lên từng cơn và nắng như dội lửa, thật là một ngày tiêu biểu ở vùng Provence. Khi lá thư đáng nguyền rủa này đến, tôi đã chọn một nơi, lọt thỏm giữa hai hốc đá, và ước giá cứ được ngồi ở đó cả ngày, nghển cổ lên như thằn lằn trông đèn, áp tai nghe tiếng rì ào của rừng thông ca hát.... Cuối cùng, thì rồi ông muốn làm gì? Tôi vừa đóng cửa cổng nhà máy vừa làu bàu nguyền rủa, rồi đặt chùm chìa khóa dưới cái lỗ mà con mèo chui ra chui vào. Vớ lấy cây gậy, cái tẩu, rồi lên đường.

Tôi đến Eyguières vào khoảng hai giờ chiều. Trong làng vắng tanh, mọi người đang ở ngoài đồng. Trên những cây du trong sân, bụi trắng phủ kín, tiếng ve kêu inh ỏi như lạc trong vùng Crau. Dẫu vậy, trên quảng trường của tòa thị chính vẫn có một con lừa đang phơi nắng, đàn chim bồ câu vụt bay lên đài phun nước nhà thờ, nhưng chẳng gặp một ai để chỉ cho tôi biết lối vào trại trẻ mồ côi. May thay, một bà già, đang nhấp nhổm, ngồi xe sợi trong góc, sát cửa ra vào bỗng thấy tôi; tôi nói với bà địa điểm muốn tìm; và có lẽ bà lão đây vốn dĩ là người tính khí mạnh mẽ nên chỉ vừa mới giơ cái cọc sợi lên: lập tức tu viện Trẻ mồ côi hiện ra trước mặt tôi như một phép thuật…. Đó là một tòa nhà lớn, âm u, xám xịt, tất cả sự kiêu hãnh của nó chỉ được phơi bày trên cái cửa hình vòng cung với một cây thánh giá cũ bằng sành màu đỏ có hàng chữ Latinh viền xung quanh. Sát cạnh ngôi nhà này, tôi còn thấy một ngôi khác nhỏ hơn. Các cửa chớp màu xám, mảnh vườn phía sau... Tôi nhận ra ngay, rồi bước vào mà chẳng cần gõ cửa.

Cả cuộc đời mình, giờ tôi mới được thấy cái hành lang hun hút, mát rượi và yên tĩnh này, tường sơn màu hồng, qua tấm rèm thưa sáng màu, bên trong là mảnh vườn lao xao gió, nhưng bắt mắt hơn tất cả là những mảng tường hoa, điểm xuyến những cây vĩ cầm lá đang tàn úa. Tôi có cảm giác như đang đến tư gia của một viên pháp quan già thời Sedaine... Ở cuối hành lang, về phía bên trái, qua cánh cửa hé mở, người ta có thể nghe thấy tiếng tích tắc phát ra từ một chiếc đồng hồ lớn và giọng ê a của bé gái đang tuổi đến trường, rành rọt đọc từng âm tiết một:

NGAY… LẬP TỨC… THÁNH…I… RÉNÉE… HÉT LÊN… TÔI… LÀ… PROMEN… CỦA… CHÚA… CÓ… LẼ… TÔI… CẦN… PHẢI… BIẾT… SỢ… BỞI… HÀM RĂNG… CỦA… NHỮNG… CON... VẬT NÀY...

Tôi nhón bước tiến lại gần và mục sở thị toàn cảnh… Trong sự tĩnh lặng và nhập nhoạng tối của căn phòng nhỏ, một ông già phúc hậu, đôi gò má đỏ au, da nhăn nheo đến tận các đầu ngón tay, nằm lọt thỏm đang ngủ trong chiếc ghế bành, mồm há hốc, hai tay đặt trên đầu gối. Dưới chân lão, cô cháu gái mặc toàn đồ màu xanh - chiếc áo choàng rộng thùng thình và cái mũ tu sĩ, trang phục của những trẻ mồ côi - đang đọc truyện cuộc đời của Thánh Irénée trong một cuốn sách còn to hơn người cô bé... Giọng đọc truyền cảm của bé gái đã lan tỏa khắp ngôi nhà. Ông già ngủ trên chiếc ghế bành, lũ ruồi bu kín trần nhà, mấy con hoàng yến nhốt trong lồng, treo trên cửa sổ ở phía đằng kia. Chiếc đồng hồ to kềnh tích-tắc, tích-tắc thong thả điểm từng tiếng. Căn phòng chìm lặng chẳng có lấy một tiếng động, trừ luồng ánh sáng chiếu rọi qua khe cửa chớp đóng im ỉm, tung tẩy, tràn ngập như hàng ngàn điệu valses nhỏ li ti... Trong khoảng không gian tĩnh lặng ấy, đứa trẻ vẫn tiếp tục đọc với vẻ mặt trang nghiêm: NGAY… LẬP TỨC… HAI… CON SƯ TỬ… CHỒM… TỚI… ÔNG TA… VÀ … XÉ… NÁT… ÔNG TA… RA…

Vừa tới đó, thì tôi bước vào... Những con sư tử của Thánh Irénée nếu có lao vào trong phòng chắc cũng chẳng làm kinh ngạc bằng sự xuất hiện của tôi. Một thảm kịch thực sự đã xảy ra! Con bé hét lên, cuốn sách to kềnh rơi xuống đất, lũ hoàng yến, đám ruồi nhặng đồng loạt thức dậy, đồng hồ réo chuông, ông già giật mình đứng bật dậy, tất cả hốt hoảng, thậm chí đến cả tôi, cũng không khỏi luống cuống, tôi chững lại trước cửa và nói to lên:

“Xin chào những người tốt bụng! Tôi là bạn trai của Maurice”.

Ồi! Giá mà lúc ấy, bạn nhìn thấy ông già, một cụ ông tội nghiệp, và cũng giá mà lúc ấy bạn cận cảnh thấy ông già lao về phía tôi, hai tay dang rộng ra, hôn tôi, siết chặt tay tôi, rồi nhớn nhác chạy vào bên trong, hét toáng lên:

“Lạy Chúa tôi! Lạy Chúa tôi!...”.

Mọi nếp nhăn trên khuôn mặt lão như giãn nở ra. Lão lắp bắp:

“Vâng! Thưa ông... à! Thưa quý ông…”.

Rồi lão vừa  đi vào trong vừa gọi: “Mamette!”

Cánh cửa bật mở, Mamette xuất thần hiện ra... Chẳng có chút gì đỏm dáng ở một bà già nhỏ thó này với cái mũ len trùm đầu, váy mầu nâu nhạt kiểu Carmelite, chiếc khăn mùi xoa tự thêu cầm trên tay đón chào tôi, giống người xưa... Điều làm tôi xúc động mạnh: họ giống nhau quá. Cùng một dáng vẻ, cũng với những chiếc mũ màu cháo lòng, cung cách ấy làm ta có thể nhầm Mamette với ông già. Có chăng, Mamette thật khổ hạnh và da nhăn nheo hơn mà thôi. Giống người bên cạnh, sát nách bà ta cũng có một cháu gái của cô nhi viện, người quản mẫu bé tẹo mặc áo choàng màu xanh, không bao giờ rời xa bà nửa bước; và cận cảnh thấy những cụ già này được các cháu gái trẻ mồ côi chăm sóc là những điều làm chúng tôi hết sức cảm động.

Vừa mới bước vào, Mamette đã gập người cúi chào tôi bằng một cử chỉ tôn kính, nhưng ông già đã cướp lời cắt đôi sự trang trọng ấy:

“Này, bạn trai của Maurice đấy…”.

Tức thì bà già run bắn lên, khóc tức tưởi, đánh rơi cả chiếc khăn mùi soa, mặt bừng bừng, toàn thân đỏ rực, thậm chí còn đỏ hơn cả ông già… Với những cụ lụ khụ như này, dù đã gần đất xa trời nhưng chỉ cần một xúc động nhỏ cũng đủ làm một giọt máu còn sót lại trong mao mạch chuyển vận bừng lên trên khuôn mặt...

“Nhanh, lẹ lên, mang cái ghế lại đây…”, bà già nói với cháu gái của mình.

“Mở tung cửa chớp ra…”, ông già cũng hét lên với đứa nhỏ bên mình.

Rồi mỗi người chộp lấy một tay tôi, họ hăm hở dẫn tôi đến bên cửa sổ, mở bung cánh cửa ra để nhìn tôi được rõ hơn. Chúng tôi tiến sát đến những chiếc ghế bành, tôi ngồi giữa ông bà già trên một chiếc ghế xếp, những đứa nhỏ đồng phục màu xanh ngồi ở sát phía sau chúng tôi và cuộc thẩm vấn bắt đầu:

“Anh ấy khỏe không? Anh ta đang làm công việc gì? Sao anh ấy không đến? Cháu tôi luôn hài lòng đấy chứ?...”.

Chuyện nọ! Xọ chuyện kia! Cứ thế kéo dài hàng giờ liền. Phần tôi, tôi trả lời tỉ mỉ những câu hỏi của họ về Maurice mà tôi biết, tệ hơn, trơ trẽn hơn, tôi còn phịa ra những điều mà mình chưa biết, cốt để che giấu sự thực là tôi chưa bao giờ để ý xem cửa sổ nhà ấy đã đóng kín hay chưa, hoặc giả giấy dán tường trong căn phòng của anh ta màu gì.

“Giấy dán tường trong phòng anh ấy à!... Nó màu xanh, thưa bà, xanh nhạt, có trang trí hình những lẵng hoa...”

“Thật vậy ư?”. Bà già tội nghiệp dịu dàng nói, rồi quay sang chồng bà thủ thỉ: “Thật là một đứa trẻ chu đáo!”.

“Ồ! đúng, đó là một thằng bé ngoan!”, ông chồng hào hứng đế thêm.

Và trong thời gian tôi kể, giữa họ luôn có những cái gật đầu, những tiếng cười tinh tế, những cái chớp mắt; vẻ mặt chăm chú, hay thậm chí có lúc ông già còn tiến lại gần tôi thủ thỉ:

“Nói to hơn tí nữa... bà ấy hơi nặng tai đấy”.

Còn bà già thì áp sát vào bên chồng:

“Hãy nói to hơn một chút!… ông ấy nghe không rõ lắm đâu…”.

Vậy là tôi cất giọng: cả hai cụ mỉm cười cảm ơn tôi; và trong những nụ cười tàn úa dành cho tôi ấy, họ như kiếm tìm trong con mắt tôi hình ảnh Maurice của họ, còn tôi, tôi cũng thật sự xúc động tưởng như được gặp bạn mình qua cái hình ảnh mơ hồ, mờ ảo, không thể nắm bắt, như đang mỉm cười với tôi, ở một nơi xa xăm, trong làn sương đục mờ, hư ảo.

***

Đột nhiên ông già đứng bật dậy trên chiếc ghế bành:

“Mà tôi nghĩ có điều này, Mamette ạ… có thể ông ấy chưa ăn trưa!”.

Đến lượt mình Mamette, hối hoảng, giơ hai tay lên trời:

“Chưa ăn trưa… Lạy Chúa tôi!”.

Tôi lại cứ nhầm anh ta với Maurice, và tự nhủ rằng thằng bé ngoan hiền này có bao giờ nó chịu đợi đến quá trưa rồi mới ngồi vào bàn đâu. Nhưng không, lại chính là tôi mà người ta định nói; và không hiểu sự thể sẽ ra sao nếu tôi lại cũng thú nhận tôi cũng còn chưa có gì vào bụng.

“Mau sắp bàn ăn đi các cháu! bàn đặt ở giữa phòng; lấy khăn trải bàn dùng cho ngày Chủ nhật và những chiếc đĩa hoa nhé. Nhớ đừng có cười quá nhiều! và mọi người hãy lẹ tay lên…”.

Tôi hiểu là họ đang rất vội. Nhưng vừa đủ thời gian đập vỡ xong ba cái đĩa, bữa trưa đã được dọn ra.

“Chúc bữa sáng ngon miệng! Mamette vừa nói vừa dẫn tôi đến bàn ăn; chỉ có mình ông dùng thôi nhé… Tôi và những người khác đã ăn sáng nay rồi”.

Các cụ già tội nghiệp này! Người ta có thể cho các cụ ăn vào một giờ nhất định, thường thường là vào buổi sáng.

Bữa sáng đạm bạc của Mamette thường là hai li sữa, một chiếc bánh đũa cả, ít quả chà là và vài lát bánh mì gối nướng giòn. Chừng ấy cũng đủ làm bà lão ấm bụng và nuôi sống mấy con chim hoàng yến ít nhất trong vòng 8 ngày... với suất ăn ấy dường như mách bảo với tôi rằng chỉ tôi là người được hưởng đặc ân hậu hĩnh này!... Rồi tiếng xì xèo xung quanh chiếc bàn ăn! Những đứa trẻ thì huých tay nhau thầm thì, và ở đằng kia, trong cái lồng chim, những con hoàng yến cũng như là đang nói với nhau: “Ôi! quý ông này xơi cả một khay!”.

Đúng vậy, tôi đã ăn hết những đồ ăn đó, mà hoàn toàn không nhận ra điều ấy, do mải chú ý ở xung quanh mình, trong căn phòng sáng sủa và yên bình này, phảng phất mùi đồ vật cũ... đặc biệt là hai chiếc giường nhỏ mà tôi không thể không dán mắt vào đó được. Nó hoàn toàn giống như hai chiếc nôi của trẻ, tôi tưởng tượng ra vào sáng sớm, lúc bình minh, khi chúng vẫn còn bị che lấp sau những tấm rèm cửa lớn có tua viền. Chuông điểm lúc ba giờ. Vào thời điểm này tất cả những người già đều thức dậy:

- Em vẫn ngủ sao, Mamette?

- Không, anh yêu.

- Có đúng Maurice là một thằng bé biết điều?

- Ồ! vâng, nó là một đứa trẻ ngoan.

Và tôi đã tưởng tượng ra toàn bộ câu chuyện của họ như thế, chỉ từ việc nhìn thấy hai chiếc giường của cặp đôi cao niên nhỏ bé này được kê sát bên cạnh nhau...

Cũng vào lúc này, một thảm kịch hãi hùng được diễn ra ở phía đầu kia căn phòng, trước tủ đựng quần áo. Sự việc là ở đó, trong ngăn tủ trên cùng, có một thẩu quả anh đào ngâm, nó đã chờ Maurice ở đó suốt mười năm trời và ông bà già lại muốn chính tôi là người mở nắp thẩu quả ngâm này. Bất chấp lời khuyên ngăn của Mamette, ông già vẫn xăm xăm tự mình lục tìm loại quả đó; rồi gắng sức trèo lên trên chiếc ghế, trước sự khiếp sợ tột độ của vợ mình,.. Bạn chắc hình dung ra cảnh tượng này, ông già run lẩy bẩy, cố với tay lên, mấy đứa trẻ trang phục màu xanh bám vào chiếc ghế ông già đang trèo; Mamette ở phía sau thở hổn hển, hai tay dang rộng ra và một mùi đặc trưng bergamot thăng hoa tỏa ra, bao trùm lên từ chiếc tủ đựng quần áo đang được mở và từ xếp vải lanh màu đỏ... Thật là quyến rũ.

Cuối cùng, sau nhiều nỗ lực, họ cũng đã lấy được thẩu quả ngâm nổi tiếng này ra khỏi tủ, cùng theo nó là một chiếc cốc bằng bạc cũ, méo mó, đó là chiếc cốc của Maurice đã dùng khi anh ấy còn nhỏ. Họ cho đầy ú ụ chiếc cốc thứ quả anh đào ngâm mời tôi; Maurice rất thích loại quả ngâm này! Và trong lúc quan sát tôi ăn, ông già ghé vào tai tôi thì thào, giọng hoan hỉ: “Anh thật diễm phúc được thưởng thức loại quả này!... nó do chính tay bà vợ tôi làm đấy... Anh sẽ được nhâm nhi một cái gì đó tuyệt hảo”.

Than ôi! Vợ già của tôi làm nhưng bà ấy lại quên không tra đường. Còn gì tuyệt hơn nhỉ! Chúng ta sẽ đãng trí khi đã có tuổi. Những quả anh đào của bà làm tệ quá, thưa bà Mamette tội nghiệp của tôi... Nhưng những lời ca cẩm ấy chẳng làm tôi bận tâm, tôi đã chén liền một mạch đến quả cuối cùng mà chẳng hề  nhăn mặt, chau mày.

***

Bữa ăn kết thúc, tôi đứng dậy để cáo từ ông bà chủ. Họ muốn giữ tôi lâu hơn một chút để nói về đứa cháu ngoan, nhưng trời đã về chiều, quãng đường về nhà còn xa, chúng tôi đành phải chia tay.

Ông già đứng dậy cùng lúc với tôi. “Mamette này, cái áo khoác của tôi!... Tôi muốn tiễn ngài đây ra tới quảng trường”.

Tất nhiên, trong thâm tâm, Mamette nhận thấy cần phải làm gì đấy như một lời dịu dàng để tiễn chân tôi tới quảng trường, nhưng bà lão lại không biết phải bắt đầu thế nào. Chỉ đến khi đã khoác xong chiếc áo cho chồng, chiếc áo màu thuốc lá tuyệt đẹp của Tây Ban Nha có khuy cài khảm xà cừ, tôi mới nghe thấy người vợ thân yêu thủ thỉ với chồng:

“Đằng ấy không về nhà quá muộn, chứ?”

Ông già, với biểu hiện pha chút tinh nghịch:

"Hề! Hề!... Tớ không biết... cũng có thể…”.

Thế rồi, hai ông bà già nhìn nhau cười tủm tỉm, mấy cô cháu gái cũng hùa theo, ở tít trong góc, những chú chim hoàng yến cũng biểu lộ sự hoan ca theo cách riêng của chúng... Và giữa chúng tôi, tôi chợt nhận ra cái hương vị của quả anh đào đã làm chúng tôi ngất ngây, chếnh choáng.

… Màn đêm buông xuống, khi tôi và ông nội đã ở bên ngoài. Cháu gái trang phục màu xanh lẽo đẽo theo chúng tôi ở phía đằng sau để lát nữa dẫn cụ cố trở lại; ông nội vẫn không hề biết mà còn tỏ ra hãnh diện khi đi bên cạnh tôi như một chàng trung niên thực thụ. Mamette, rạng rỡ, nhìn theo chúng tôi từ bậc cửa nhà mình, và vừa nhìn theo chúng tôi, vừa gật đầu như thầm nói: “Dù thế nào đi nữa, thì người đàn ông tội nghiệp của tôi!... ông ấy vẫn đang còn mạnh bước”.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Chiếc tù và

Văn học nước ngoài 1 tuần trước

Anh ở đâu, tình yêu của em?

Văn học nước ngoài 1 tuần trước

Con hổ nhà thơ

Văn học nước ngoài 3 tuần trước

Cái chết đến cùng với sự thừa kế

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Kỳ nghỉ trăng mật

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Nạn châu chấu ở vùng Sahel

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Xổ số

Xem tin nổi bật 2 tháng trước