Thứ sáu, ngày 18 tháng 10 năm 2024
11:44 (GMT +7)
Cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật về Đại đội TNXP 915

Ở một ngôi trường đặc biệt

VNTN- Ngôi trường ấy đặc biệt từ tên gọi, từ sự ra đời. Và hiện giờ, trong nó đang chứa đựng nhiều điều đặc biệt.

Trên địa bàn tổ 5 phường Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên, có một ngôi trường đặc biệt, rất đặc biệt. Trước hết là ở cái tên. Trường mang tên một dãy số, không phải ngày sinh của lãnh tụ hay sự kiện trọng đại nào của đất nước mà chỉ đơn giản là: 915.

Chào cờ đầu tuần tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở 915 Gia Sàng
Chào cờ đầu tuần tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở 915 Gia Sàng

 

915 là số hiệu của một Đại đội thanh niên xung phong (TNXP), thuộc Đội TNXP 91 Bắc Thái. Đại đội có 59 người hy sinh trong cùng một trận bom do đế quốc Mỹ dội xuống tối ngày 24/12/1972, trong cùng 1 căn hầm nằm trên đất xã Gia Sàng (nay là phường Gia Sàng) cách ngôi trường này hơn 1 km.    

Ngôi trường ra đời sau 42 năm xảy ra sự việc đau lòng trên, là sự tưởng nhớ, sự tri ân, sự nhắc nhở những người hôm nay đang sống đừng quên một thời đau thương như thế.

Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc lại để bạn đọc hình dung những ngày ác liệt cuối tháng 12 năm 1972 tại Thành phố Thái Nguyên: “Từ 20 giờ ngày 18 tháng 12 đến 23 giờ 45 phút ngày 28 tháng 12 năm 1972, đế quốc Mỹ liên tục huy động các loại máy bay hiện đại như F4, F111, B52 đánh phá có tính chất hủy diệt Khu Công nghiệp Gang thép Thái Nguyên, Nhà máy Điện, Nhà máy Giấy… Tại khu vực Gia Sàng, chúng đánh liên tục, ròng rã cả 4 buổi sáng, trưa, chiều, tối. Mật độ bom chúng ném xuống dày đặc, tính trung bình 1km2 chịu trên 200 quả bom, nhiều nhà cửa, kho tàng bị phá hủy, làm chết và bị thương hàng trăm người…”. (Theo Lịch sử Đảng bộ phường Gia Sàng 1946-2011).

Khung cảnh đau thương, tang tóc tràn ngập xã Gia Sàng. Ở xóm Xuân Quang có 162 ngôi nhà bị sập, gần 100 người bị bom Mỹ giết. Nhiều gia đình bị “xóa sổ” hoàn toàn như gia đình ông Đỗ Văn Tùy (chết 8 người), gia đình ông Cao Văn Vượng (chết 6 người). Thế nhưng, cũng chính trong thời khắc nghiệt ngã ấy, ý chí kiên cường, tinh thần trách nhiệm của người dân Gia Sàng đã thể hiện ngời sáng.

Đến nay nhiều người còn nhắc đến bà Cao Thị Tậm, khi đó 32 tuổi, Chủ tịch Uỷ ban hành chính xã Gia Sàng. Nhà bà Tậm có 7 người bị bom Mỹ giết hại, chưa tìm thấy xác, vậy mà bà vẫn tổ chức lực lượng suốt đêm tìm kiếm, đào bới, khâm liệm thi thể các đội viên TNXP Đại đội 915 và những người bị bom vùi lấp. Những người dân khác ở Gia Sàng, từ cụ già đến em nhỏ không sợ nguy hiểm đã tham gia tải thương, tiếp đạn, chặt cành ngụy trang, tiếp tế cơm nước, bám trụ cùng lực lượng dân quân tự vệ và TNXP giải tỏa kịp thời hàng hóa ra khỏi khu vực đánh phá đến nơi an toàn. Mối quan hệ gắn bó, tình nghĩa trong hoàn cảnh ngặt nghèo ấy là cơ sở để hôm nay nơi này sừng sững một công trình ghi dấu ấn.

Ngôi trường đặc biệt mang tên theo số hiệu của Đại đội TNXP 915 Anh hùng
Ngôi trường đặc biệt mang tên theo số hiệu của Đại đội TNXP 915 Anh hùng

 

Nếu không đến tận nơi, tôi không thể hình dung được vẻ bề thế, khang trang của Trường Tiểu học và Trung học cơ sở 915 Gia Sàng (gọi tắt là Trường 915). So với những trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Thái Nguyên, Trường 915 được đánh giá là trường quy mô nhất, hiện đại nhất, chất lượng nhất.

Để có sự hiện diện của ngôi trường này, không thể không nhắc đến một người, đó là ông Nguyễn Bắc Son, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên. Ông là người đã kết nối với doanh nghiệp để xây dựng lên ngôi trường mang tên 915 tại phường Gia Sàng.  Ông  cũng là người có công trong việc đề xuất vinh danh Đơn vị 915 là Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; xây Nhà bia tưởng niệm 60 liệt sĩ TNXP và nơi này được công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia.

Trong phòng họp của Trường 915 treo một tấm ảnh khổ lớn, ghi lại hình ảnh ngày khánh thành công trình năm 2014, với sự có mặt của ông Dương Công Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Him Lam, đơn vị xây tặng ngôi trường này. Trong tổng kinh phí trên 40 tỷ đồng, ngân sách Thành phố đối ứng để giải phóng mặt bằng gần 12 tỷ đồng, còn lại là vốn của nhà đầu tư. Đây cũng là công trình có thời gian thi công nhanh kỷ lục, chỉ trong 4 tháng mà 20 lớp học, 10 phòng chức năng và các công trình phụ trợ, nhà hiệu bộ, nhà đa năng, sân chơi, bãi tập… trên tổng diện tích gần 15.000 m2 đã xây dựng xong với chất lượng tốt. Đặc biệt nữa, trong buổi khánh thành, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (Lienvietpostbank) đã tặng 1 tỷ đồng cho Quỹ khuyến học khuyến tài của Trường. Số tiền trên được chuyển vào ngân hàng và lãi hàng năm dùng để trao học bổng cho học sinh có thành tích học tập tốt. Ngân hàng còn cam kết sẽ tiếp tục nâng cao giá trị của Quỹ khuyến học, góp phần nâng cánh ước mơ cho con em quê hương Thái Nguyên. Đó là những nguyên nhân lý giải vì sao 4 khu nhà xếp thành khối hình vuông của Trường mang những cái tên: Him Lam, Gia Sàng, 915 và Liên Việt.

Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Vân, Hiệu phó phụ trách khối Trung học cơ sở là một trong ba người trong Ban Giám hiệu có mặt từ những ngày đầu về trường, kể lại: Cuối tháng 8/2014 chúng tôi tiếp nhận Trường, trong khi chỉ còn 1 tuần là đến ngày khai giảng năm học 2014 - 2015. Chúng tôi phân tích: Điểm mạnh của trường là cơ sở vật chất tốt, giáo viên vượt chuẩn về chất lượng, nhưng điểm bất lợi là học sinh hầu hết đã nộp hồ sơ thi tuyển vào các trường khác nên nhà trường sẽ gặp khó khăn trong việc tuyển chọn. Được Phòng Giáo dục Thành phố cho phép xét tuyển trên địa bàn toàn thành phố, chúng tôi đã liên tục quảng bá, cung cấp thông tin đến các cha mẹ học sinh, nên chỉ trong thời gian ngắn, trường đã tuyển đủ học sinh cho 2 cấp học, kịp khai giảng năm học như các trường bình thường khác. Kết quả năm học đầu tiên, 100% giáo viên của trường đều đạt giáo viên dạy giỏi cấp cơ sở và cấp thành phố. Học sinh đoạt 160 giải học sinh giỏi cấp thành, 92 giải cấp tỉnh…

Lễ kết nạp đoàn viên tại Nhà Tưởng niệm Liệt sĩ TNXP
Lễ kết nạp đoàn viên tại Nhà Tưởng niệm Liệt sĩ TNXP

 

Cũng như các trường tiểu học và trung học cơ sở khác, Trường 915 có đầy đủ các hoạt động theo yêu cầu giáo dục, đứng thứ 2 toàn thành phố về điểm trung bình thi tốt nghiệp THCS hai môn Văn và Toán (chỉ sau trường THCS Chu Văn An).

Nhưng điều chúng tôi muốn nói đến nhiều hơn là những điểm đặc biệt chỉ ở Trường 915 mới có.

Trước tiên, phải kể đến việc trường tổ chức nhà ăn cho học sinh bán trú. Chúng tôi khá bất ngờ khi vào xem nhà ăn rộng, sạch, bếp nấu, xoong nồi, bát đũa sắp xếp gọn ghẽ, phục vụ mỗi ngày vài trăm suất ăn. Rồi việc nấu cho học sinh ăn sáng, cũng là chuyện lạ. Cô giáo hiệu trưởng Trần Thị Lan Anh nêu lý do: Sáng ra, cháu mang gói xôi, cháu cầm cái bánh mì vào lớp ăn vội ăn vàng, trông các cháu tội nghiệp lắm, chưa kể cổng trường sẽ xuất hiện các hàng quán bán đồ ăn, không biết có đảm bảo vệ sinh không? Thế nên chúng tôi bàn với phụ huynh mua vé tháng cho các cháu ăn tại trường. Thực đơn thay đổi hàng ngày như cơm rang dưa bò, bún chả, cháo thịt, bánh cuốn, phở. Các cháu ngồi bàn ăn uống đàng hoàng rồi mới vào lớp học.

Điểm đặc biệt nữa, Trường 915 là trường hiếm hoi của Thành phố Thái Nguyên có nhà đa năng để sinh hoạt tập thể và rèn luyện thể thao, có khu vườn trồng rau gây quỹ để làm việc thiện. Cô giáo Trần Thị Lan Anh tự hào “khoe” với chúng tôi số tiền vài trăm triệu đồng mỗi năm do học sinh tăng gia, “nuôi lợn nhựa”, thu giấy vụn… gây quỹ để giúp bạn nghèo trong tỉnh. “Trước đây, các lớp tổ chức cho học sinh đi (có phụ huynh tham gia) đến những địa chỉ khó khăn do lớp tự chọn để tặng quà. Thời gian gần đây, chúng tôi đã tổ chức thành hoạt động chung của trường, các chuyến đi được quản lý bài bản hơn”.

Một điều nhà trường hết sức quan tâm là việc chuyển tải đến mỗi học sinh và phụ huynh thông tin về sự ra đời đầy ân nghĩa của ngôi trường mang tên 915. Sự kiện bi tráng tối 24/12/1972 và cái chết của các đội viên TNXP luôn được khắc ghi. Không chỉ trong ngày khai giảng, mà vào các dịp quan trọng của trường như lễ kết nạp Đoàn, Đội, tuyên dương học sinh giỏi… Ban Giám hiệu đều nói về truyền thống và sự ra đời đặc biệt của ngôi trường này.

Chúng tôi đã xem những tấm ảnh ghi lại khoảnh khắc các đoàn viên mới báo cáo kết quả học tập, hứa trước vong linh các liệt sĩ làm tròn trách nhiệm của người đoàn viên thanh niên cộng sản tại buổi Lễ kết nạp Đoàn tổ chức tại Khu tưởng niệm TNXP Gia Sàng; hình ảnh các em nhỏ quét tước, dọn dẹp khu tưởng niệm vào ngày thường; dâng hương tưởng nhớ vào ngày Thương binh liệt sĩ (27-7).

Hũ gạo tình thương giúp đỡ các bạn nghèo
Hũ gạo tình thương giúp đỡ các bạn nghèo

 

Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Vân nhớ mãi kỷ niệm một lần gặp gỡ các cựu đội viên TNXP 915. “Cô trò chúng tôi đã dành cả tháng trời tập một vở kịch nói về sự hy sinh anh dũng của các đội viên TNXP. Toàn bộ “diễn viên” là học sinh của trường. Trước khi tập vở kịch, chúng tôi kể cho các em nghe về những ngày tháng bom đạn, về những TNXP tuổi xuân phơi phới làm nhiệm vụ mở đường, lấp hố bom, vận chuyển hàng hóa, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần và sự kiện đau lòng đêm Noel 1972 khiến hơn một nửa Đại đội TNXP 915 hy sinh. Vì hiểu sâu sắc nên các em diễn xúc động lắm, các bác TNXP ngồi xem gục đầu vào vai nhau khóc nức nở”.

Đứng dưới sân trường đầy nắng, ngắm đàn em nhỏ chạy nhảy nói cười giòn giã, bất giác tôi hình dung thấy dòng mồ hôi lăn dài trên gương mặt các đội viên TNXP. Lưng áo họ sũng ướt, tóc bết trên gò má đỏ bừng, tấm lưng oằn cong dưới sức nặng hàng hóa. Bát cơm mới bưng ngang mặt, họ chưa kịp ăn bữa cơm chiều…

Nhưng tôi tin chắc rằng các linh hồn TNXP đang phiêu diêu cùng cây cỏ sẽ ấm lòng khi nhìn thấy nụ cười hạnh phúc của đàn em nhỏ trong ngôi trường này.

Ghi chép. Minh Hằng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đại đội 915 còn mãi với nước non (Tập 2)

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 1 năm trước

Đại đội 915 còn mãi với nước non (Tập 1)

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 1 năm trước

Phối hợp triển khai sáng tác văn học về Đại đội 915

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 2 năm trước

Tiếp tục tuyên truyền có điểm nhấn về Đại đội TNXP 915

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 5 năm trước

Những nụ cười vẫn sáng lên

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 5 năm trước

Họ đã tham gia cuộc chiến như thế

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 5 năm trước

Nhật ký cô văn thư

Xem tin nổi bật 5 năm trước