Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
13:05 (GMT +7)

Nương tựa…

Trời nóng hầm hập, mái tôn thấp lè lè, ngồi trong nhà chẳng khác gì đang bị luộc hơi. Đứa con gái ba tuổi bị ốm mấy hôm nay lúc nào cung bám rịt lấy mẹ. Hết đòi bế ru ngủ lại đòi xoa lưng, nắn bóp tay chân. Liễu một tay bế vác con trên vai, một tay đỡ bụng bầu đã hơn tám tháng lúc nào cũng như muốn tụt. Ở trong nhà thì nóng, vừa bước ra ngoài cửa thì cái nắng đã ập vào. Đúng là “chạy trời không khỏi nắng”. Liễu ứa nước ắt thương con khi phải sống trong hoàn cảnh cơ cực này. Giá mà còn mấy cây xoài, cây mít thì đã không đến nỗi. Ít ra ba mẹ con còn có chỗ mà nương náu vào nhưng ngày hè. Nhưng ngay cả những bóng mát trong vườn Phúc cũng không để lại được cho con. Vài ngày trước khi chết, Phúc gọi người đến đào từng gốc cây. Cây to người ta mua về trồng, cây nhỏ họ chặt về làm củi.

                                    2-1690963374.jpg
Minh họa: Nguyễn Gia Bảy

Liễu không còn sức lực để rỉa rói chồng mình. Chị cay đắng bảo “người ta biết mua cây về trồng cho nhà cửa, vợ con có bóng râm. Còn anh thì đến cái cây trong vườn cũng nhổ bán lấy tiền đánh bạc”. “Thôi im đi. Lần này mà được thì tôi sẽ mua cho mẹ con cô hẳn cái điều hòa. Cần quái gì cây với cối”. Liễu không biết những kẻ say bạc khác có hay hão huyền giống chồng mình? Chứ mỗi lần cầm cố thứ gì đó ở nhà mang đánh bạc Phúc đều hứa hươu hứa vượn. Người ta cần mẫn lao động để mua từng hộp sữa cho con. Còn Phúc nuôi ước mơ đổi đời với nhà lầu xe hơi, cuộc sống giàu sang sung túc trong sới bạc. Liễu ngửa cổ nhìn bầu trời đang dội xuống cái nắng như đổ lửa lòng muốn than một tiếng mà không thể vì cổ khô như cánh đồng mùa hạn.

Vạn hùng hổ lao xe vào tận cửa nhà con nợ đang tính tuôn một tràng chửi bới phủ đầu thì đập ngay vào mắt gã cái bụng bầu vượt mặt của Liễu. Hắn khựng lại lẩm bẩm câu gì đó trong miệng rồi hất hàm hỏi:

- Thằng Phúc đâu rồi? Nợ không định trả, trốn chui trốn lủi đến bao giờ?

Liễu hất mặt vào trong nhà ý muốn bảo kẻ đòi nợ vào đó mà xem. Tưởng phen này tóm gọn con nợ, Vạn lao vào. Nhưng cửa nhà trống trơn, chẳng thấy người cần tìm đâu cả. Vạn lừ mắt nhìn người đàn bà khốn khổ. Liễu thở dài bảo:

- Anh ấy ngồi trên ban thờ ấy. Nợ nần gì gọi anh ấy về mà tính. Mẹ con tôi giờ chẳng còn gì.

Vạn liếc nhanh lên bàn thờ, gã sững sờ không hiểu chuyện gì. Vừa tuần trước gã vẫn còn thấy Phúc vạ vật ngoài chợ xin bốc vác thuê cho mấy xe hoa quả sao giờ đã chết? Mà chẳng nhẽ người thuê Vạn đến đây đòi nợ lại không biết rằng Phúc đã chết rồi sao? Chẳng nhẽ hắn định chơi mình?

- Tại sao hắn chết? - Phúc buột miệng hỏi.

- Thích thì chết. Đâu ai bắt chết.

- Tự tử à? Hèn thật.

Vạn bước ra cửa bực dọc định quay xe đi thì thấy Liễu bỗng kêu lên một tiếng. Một tay Liễu vội bấu vào bậu cửa. Tay kia cố ghì lấy đứa con gái ba tuổi đang muốn rơi xuống đất. Một dòng nước chảy tràn dưới chân người đàn bà chửa. “Toi rồi, cô ta vỡ ối”. Vạn nghĩ và lao tới đỡ lấy đứa bé trên tay Liễu.

- Chuyển dạ rồi phải không? Sao lại đẻ vào cái giờ này? Thế có người thân nào gần đây không gọi nhanh đưa đi viện còn kịp.

- Tôi dân tứ xứ đến đây chỉ biết bám vào chồng. Giờ chồng chết thì làm gì còn ai mà gọi chứ.

- Khỉ thật. Thế phải làm sao với cô bây giờ? Tôi đi đòi nợ thuê chứ có phải đi đỡ đẻ đâu?

- Tôi xin anh.

- Còn đứa nhỏ đang ốm đau này nữa. Tính sao? Không lẽ ôm nó theo? Cô xem hàng xóm gần kề có ai thì mang gửi nó đi.

Chẳng kịp thu xếp gì, Liễu lại lên cơn đau quằn quại. “Nhỡ cô ta đẻ ra đây thì chết”. Vạn nghĩ lúc xốc vội Liễu ngồi lên xe máy quát “ôm chặt vào không ngã”. Đặt đứa nhỏ ngồi phía trước xe gục đầu vào chân mình, Vạn phóng vội ra cổng. Mấy nhà hàng xóm đều đóng cửa. Vạn gọi ới ời không thấy ai thưa, cũng chẳng có cánh cửa nào hé mở. “Chết tiệt”, Vạn lẩm bẩm rồi rồ ga. Liễu ngồi phía sau bấu chặt vào vai Vạn mỗi khi lên cơn đau. Đứa nhỏ ngồi phía trước bắt đầu khóc, đầu ngoẹo sang một bên như chẳng còn sức sống.

Vạn phát điên lên mất. Nhưng Vạn không thể bỏ mặc mấy mẹ con người đàn bà khốn khổ này. Vạn đi đòi nợ thuê bao năm nay cũng chưa bao giờ để tay mình vấy máu. Vạn bặm trợn, cục cằn nhưng tâm không ác. Ngày nhỏ nhà nghèo tuy chẳng được học hành đến nơi đến chốn nhưng mẹ hắn luôn dạy phải làm người tử tế. Hắn chẳng biết phải sống như thế nào, phải làm bao nhiêu việc tốt mới được gọi là người tử tế. Hắn chỉ biết sống theo lương tâm của một kẻ nghèo từng được nhiều mảnh đời bao bọc. Giờ gặp phải hoàn cảnh của Liễu đã khiến Vạn nhớ đến nỗi đau xưa. Nỗi đau của một người từng mất đi hạnh phúc. Gái chửa cửa mả, Vạn thấm thía điều này hơn ai hết nên lòng gã đang nóng như lửa đốt. Con đường này ngày nào Vạn chẳng đi, vậy mà hôm nay thấy sao xa thế. Lỡ mà không kịp thì Vạn biết phải xoay xở thế nào?

                                                        ***

Đứa trẻ ba tuổi khóc ngằn ngặt trên tay Vạn, trong khi mẹ nó vừa được chuyển vào phòng đẻ. Có ai đó hối thúc Vạn đi làm giấy tờ nhập viện cho Liễu. Ai đó hỏi  sản phụ có người nhà không? Có bảo hiểm không? Tên tuổi thế nào? Giấy tờ tùy thân đâu sao không có? Vạn chẳng nhớ mình trả lời thế nào, chỉ nhớ cảm giác nóng hổi của da thịt đứa nhỏ phả vào cơ thể gã. Nó sốt. Vạn không có kinh nghiệm chăm trẻ con, cũng chẳng chăm ai ốm bao giờ. Níu tay một cô y tá trẻ nhờ giúp đỡ, Vạn luống cuống chạy quanh. Lại ai đó gọi tên Vạn nhắc đi đóng tiền viện phí. Tiền à? Vạn làm gì có tiền. Trưa nay có người thuê Vạn đi đòi nợ nếu được thì cho ít tiền tiêu. Nhưng Vạn có đòi được đâu giờ còn bị cuốn vào chuyện sinh nở của đàn bà. Trong túi còn chưa đầy trăm ngàn, người đàn bà ấy còn nằm trong phòng đẻ giờ chẳng biết tính sao. Vạn đành nói với các bác sĩ rằng mình chỉ là người qua đường giúp đưa sản phụ vào đây. Còn giấy tờ, tiền nong thì chờ sản phụ đẻ xong rồi tính tiếp.

Một tiếng khóc xé trời vang lên. Hẳn là con trai. Sau này chắc sẽ cứng cỏi lắm đây, Vạn nghĩ trong đầu. Nghe tiếng trẻ con khóc chào đời hắn mừng như thể đó là con mình vậy. Sau giây phút mừng vui đó lòng Vạn bỗng nhiên tê tái. Bảy năm trước Vạn cũng chờ trước phòng sinh thế này nhưng không có tiếng khóc của đứa trẻ nào cất lên. Chỉ là khoảng lặng đến rợn người. Tiếng bước chân bác sĩ rầm rập chạy qua. Rồi bác sĩ báo tin vợ Vạn bị băng huyết, dù bệnh viện đã cố gắng hết sức cũng không thể cứu nổi cả mẹ lẫn con. Tai Vạn ù đi. Hai bàn chân từng trèo đèo lội suối, băng rừng vượt núi mà lúc đó không còn đủ sức nhấc lên. Kể từ đó Vạn trở thành một con người khác. Đau thương đã khiến Vạn cục cằn, sống bất cần đời.

Mà thật ra đời Vạn đâu còn gì để vun vén nữa. Mồ côi cha mẹ, vợ con mất hết, người thân thích cũng chẳng có ai. Một mình Vạn sống cho qua ngày, ngã đâu là nhà ngả đâu là giường. Gặp ai thích thì kết giao, không thích thì chén rượu nâng lên rồi đặt xuống là xong. Ai thuê việc gì thì làm, trả công bao nhiêu thì nhận. Thỉnh thoảng Vạn say, hình ảnh người vợ hiền và đứa con đỏ hỏn cứ ám ảnh trong tâm trí hắn. Ông trời đúng là không có mắt. Một kẻ côi cút như gã khó khăn lắm mới tìm thấy cái để bấu víu và hướng thiện thì số phận lại cướp đi vào chính giây phút ngỡ là hạnh phúc. Gã có lý do để chán ghét cuộc đời.

Suốt ba ngày sau Vạn không thể rời khỏi bệnh viện để về nhà ngoài lúc chạy loanh quanh xoay tiền viện phí cho mẹ con Liễu. Những lúc ấy Vạn thường lẩm bẩm nguyền rủa một thằng chồng như Phúc. Có vợ con mà không lo chỉn chu làm ăn, chỉ cờ bạc suốt ngày. Lúc nằm xuống trong nhà không còn lấy một xu, bỏ lại vợ bầu con nhỏ nheo nhếch không biết phải sống sao. Lúc còn có gia đình Vạn là thằng đàn ông xốc vác, chẳng từ bất cứ việc gì. Miễn là có tiền lo cho vợ, tích cóp chờ đón con chào đời. Vạn sắm cho con từng cái tã lót, bao tay. Vạn chẳng dám chi tiêu gì cho mình, bữa cơm ngoài công trường có khi làm bát mì tôm hay nhai cái bánh mì cũng vui. Ấy thế mà… Vạn cố xua đuổi đi kí ức đau buồn cứ bám riết lấy mình. Vạn còn đang phải lo nấu từng bữa cháo cho bà đẻ, bón từng thìa cơm cho một đứa trẻ ba tuổi còn hay hờn khóc. Mà trong căn nhà của mấy mẹ con Liễu chẳng có một thứ gì, ngoài lưng bát gạo vét trong chum.

Mẹ con Liễu xuất viện về nhà, Vạn ra chợ mua cho bao gạo dựng trong xó bếp. Lúc quay lưng bỏ đi Vạn vẫn thấy lấn cấn trong lòng khi nghĩ đến hai đứa trẻ. Nghe nói Liễu dân tứ xứ trôi về đây gặp Phúc thì bấu víu lấy nhau. Phúc cũng chẳng khá khẩm gì, cha mẹ chết sớm ở cùng bà cô già. Lúc bà cô khuất núi bỏ lại cho căn nhà với mảnh vườn nhỏ nhưng chẳng có giấy tờ gì. Nhờ thế mà Phúc không thể mang căn nhà đi gán vào sòng bạc nên mẹ con Liễu vẫn còn chỗ dung thân. Nhưng thân cô thế cô, giờ một nách hai con sống ở mảnh đất toàn dân ngụ cư thật chẳng dễ dàng gì. Nghĩ vậy nên chiều tối Vạn lại vòng qua chợ mua được ít thịt vụn mang vào đưa cho Liễu bảo:

- Nấu lên mà ăn. Phải có tí thức ăn thì sữa mới có chất cho con bú chứ. Cơm trắng thế kia nuốt làm sao được.

- Nhà còn quả trứng, em luộc cúng chồng.    

Đứa nhỏ khát sữa khóc váng lên. Nhìn bát cơm xới vẫn còn nguyên trên mâm, Vạn bảo “đưa con tôi bế giúp cho. Rang ít thịt lên mà ăn”. Vạn loay hoay mãi với đứa trẻ bé bỏng lọt thỏm trong đôi tay vụng về của mình. Tay Vạn nhiều năm nay chỉ biết bốc vác, xách vữa và túm áo mấy thằng nợ nần. Kể từ khi ôm đứa con bé bỏng của mình đi chôn xuống tầng đất lạnh thì tay Vạn không khi nào còn biết đến cảm giác nâng niu. Nhưng lạ thật, vừa đưa sang tay Vạn là đứa trẻ nín khóc, nó bắt đầu nhắm mắt ngủ ngon lành. Vạn đi lại trong nhà ngó chiếc giường ọp đẹp, manh chiếu cũ mốc và mấy chiếc bát sứt trong nhà. Liễu cười ngượng “mấy lần thua bạc về, sẵn cơn say chồng em đập phá. Mà nhà có còn gì để đập ngoài mấy cái bát đâu”. Liễu nói rồi liếc nhìn lên bàn thờ. Người đàn ông trên di ảnh như đang nhìn Liễu trìu mến, mỉm cười hiền khô. Mấy hôm Liễu đi đẻ, ở nhà khói hương nguội lạnh. Chẳng lễ cầu siêu, chẳng cúng tuần thất, cũng chẳng có thả chim phóng sinh như mấy nhà khá giả. Những kẻ nghèo đến cái chết cũng nghèo nàn.

Đêm đến Vạn trằn trọc không làm sao ngủ được. Tưởng như trên cơ thể mình vẫn còn mùi thịt da trẻ nhỏ thơm tho. Thằng bé có lẽ khát hơi cha nên rúc đầu vào lòng Vạn mà say sưa ngủ. Chẳng hiểu sao từ lúc gặp mẹ con Liễu đến giờ Vạn cứ hay nghĩ ngợi mơ hồ, vướng bận tâm tư. Giờ ngồi ăn bữa cơm mà có miếng gì ngon lại chạnh lòng thương hai đứa trẻ nghèo. Lúc đi đường nhìn qua hàng rào thấy mẹ con nhà người ta thảnh thơi nằm võng ru nhau là Vạn nghĩ tới Liễu, người đàn bà khốn khổ. Lúc chủ sạp hàng rau quả ở chợ trả tiền công bốc vác, Vạn nghĩ tiền để làm gì khi có đứa trẻ trưa nay còn chưa biết ăn gì để sống. Thế là Vạn xin được trả công bằng mấy quả cam, ít rau xanh. Ghé qua sạp thịt nói “để tôi cái chân giò về hầm cháo”. Lúc ngồi nhìn bé Bống hí háu bóc quả cam lòng Vạn thấy vui. Lâu lắm rồi gã mới thấy lòng mình tươi mới. Như giữa mảnh đất khô cằn mọc lên một mầm xanh. Mấy hôm nay sữa về nhiều thằng nhỏ bú no say. Hờn khóc thế nào cứ chuyền qua tay Vạn là im thin thít. Cái cảm giác đứa trẻ này cần đến mình chẳng hiểu sao cứ le lói trong đầu Vạn. Dù có lúc Vạn nghiêm túc nghĩ mình vô duyên hết mức. Hắn đâu phải bố thằng bé, cũng chẳng máu mủ gì.

Có đêm đang ngủ Vạn giật mình thức dậy, tự nhiên thấy lòng dạ bồn chồn. Ngày xưa đi làm xa Vạn cũng hay bồn chồn như thế lo cho vợ ở nhà bầu bí không biết có đau yếu gì không. Từ lúc vợ mất Vạn cứ rượu say là ngủ cho quên hết sự đời. Muỗi đốt, mèo kêu, nửa đêm mưa dột cũng không làm Vạn phải thức giấc. Vậy mà bây giờ thỉnh thoảng lòng dạ bất an, Vạn phải lượn xe qua nhà mẹ con Liễu vài lần xem cửa nhà có yên ổn hay không. Chỉ khi nào thấy điện đã tắt, đoán là mấy mẹ con ôm nhau ngủ ngon lành Vạn mới yên tâm. Gặp ai hỏi “đi đâu khuya khoắt thế Vạn ơi?”. Ờ thì nóng quá lôi xe đi hóng gió. Vạn chẳng sợ dị nghị nhưng lắm lúc lại lo thay cho Liễu. Chồng vừa chết, Vạn qua lại thường xuyên nghe chừng không tiện. Nhỡ người ta đặt điều khinh miệt thì Liễu thêm buồn. Nghĩ vậy nên Vạn thưa thớt thăm nom, chỉ thỉnh thoảng chạy qua dúi cho ít thức ăn rồi quay xe khuất bóng. Nhưng có hôm Liễu kịp níu lại:

- Anh ở đây ăn với mẹ con em bữa cơm.

- Thôi, không tiện.

- Có gì mà không tiện? Sẵn một công em nấu. Anh về nhà chỉ có một mình, ngại nấu nướng lại ăn uống qua loa. Em còn lạ gì cánh đàn ông các anh.

- Thôi, mất công người ta nói ra nói vào. Tôi thì chẳng sao đâu nhưng cô Liễu là phận đàn bà.

- Anh chẳng sợ thì sao em phải sợ. Phận đàn bà khổ cực trăm đường thì mới cần một bờ vai tử tế mà dựa vào anh ạ.

                                    1-1690963374.jpg
Minh họa: Nguyễn Gia Bảy

Liễu nói xong vội quay đi. Vạn nghe như trong lời ru có ầng ậc nước. Ở xứ của những người ngụ cư này chẳng phải nên nương tựa vào nhau mà sống hay sao. Ý nghĩ ấy khiến Vạn mủi lòng. Gã dựng chân chống xe, giật cái nồi từ tay Liễu đi đong gạo nấu cơm. Liễu bế con nói với ra “gạo này cho ít nước thôi anh. Nhớ đãi kĩ sẽ có vài viên sạn”. Vạn đèo bé Bống ra chợ mua ít đồ nấu canh chua. Ai cũng hỏi Vạn mới có con đấy à? Bé tên là gì? Bé bao nhiêu tuổi? Người dúi cho bé Bống quả ổi, người níu lại vuốt ve mái tóc. Người chạm lên má Bống một cái thơm âu yếm. Vạn cười hiền khô trước ánh mắt người đời. Thấy đâu có ai nhìn mình hằn học mà cứ phải lo nghĩ đẩu đâu. Mọi người chắc ai cũng mong Vạn sống vui. Đời người ngắn lắm. Vạn nghĩ thế khi dắt tay bé Bống vào hàng quần áo trẻ con. Những váy vóc, sắc màu làm đôi mắt to tròn ánh lên niềm vui sướng. Vạn đi theo bước chân trẻ nhỏ giữa chợ búa đông người. Nghe ríu rít trẻ thơ tưới vào lòng mình dòng suối mát.

Vạn đi đâu đó một buổi sáng rồi chở mấy cây xoài, cây mít về trồng. Những hố cây trong vườn từng bị đào lên giờ Vạn trồng xuống đó mong nhiều mùa quả mới. Mấy hôm trước Vạn than nhà cửa chẳng có cây cối gì, nắng nôi thế này tụi nhỏ sao sống nổi. Phải có vài tán cây cho tụi nó lớn lên nô đùa chạy chơi. Cho chim chóc kéo về làm tổ. Cho trẻ thơ biết niềm vui ngóng mùa quả chín…

Truyện ngắn. Vũ Thị Huyền Trang

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Vị chát trung du

Văn xuôi 4 ngày trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 5 ngày trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 5 ngày trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 1 tuần trước

Đôi cánh mẹ cho

Văn xuôi 2 tuần trước