Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
06:28 (GMT +7)

Nuôi dòng chó bảo vệ nước ngoài: hiểm họa khôn lường với người Việt

VNTN - Vài năm gần đây phong trào nuôi chó Tây đặc biệt là các loài chó dữ (dòng chó bảo vệ) phát triển rất mạnh ở Việt Nam. Tuy nhiên, vì chưa tìm hiểu đặc điểm tính cách, sự nguy hiểm, khiến cho các dòng chó này là một hiểm họa lớn. Theo báo cáo của Cục Thú y, năm 2015 trên cả nước đã có gần 4000 người bị cho cắn phải đi tiêm phòng và đã có những sự việc đau lòng: chó Tây cắn chết người, chó cắn chủ… gây hoang mang dư luận. “Chó dữ mất láng giềng”, xét theo đặc trưng văn hóa thì thực sự nhiều dòng chó dữ hiện nay không phù hợp với văn hóa Việt.


Từ con vật sinh thần của người Việt

Với đặc tính trung thành và mang lại nhiều may mắn, sinh ra để bảo vệ chủ, để yêu thương và phục tùng chủ vô điều kiện vậy nên từ xa xưa chó đã là con vật nuôi thân thiết và gắn bó với người Việt. Người Việt nuôi chó để giữ nhà, tránh thú dữ, trộm cắp, giặc giã…

Trong lịch sử đã có lúc người Việt coi chó như một đội quân để đánh giặc. Thế kỷ XV, trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Nguyễn Xí là một tướng quân hầu cận bên Bình Định Vương Lê Lợi. Nguyễn Xí không những là một danh tướng giỏi mà ông còn có tài huấn luyện chó. Ông được Lê Lợi giao chỉ huy một đội quân khuyển đặc biệt. Đàn chó của ông luôn theo những bước đường chiến chinh đầy gian khổ của nghĩa quân, lúc bị vây hãm chúng đi săn thú, kiếm thức ăn cho quân sĩ, khi xung trận bầy chó lăn xả vào cắn xé làm quân giặc rất hoảng sợ, khiếp đảm.

Chó Pitbull, Rottweiler và Dobemen, 3 dòng chó dữ đang được nuôi nhiều ở Việt Nam    Nguồn Internet

Hay sau này vua Gia Long nuôi 4 con chó Phú Quốc, những con chó này đã theo bảo vệ ông trong suốt những năm bôn tẩu, chiến chinh, vào sinh ra tử khắp mọi miền đất nước. Lúc nguy khốn chúng nhiều lần đã cứu Gia Long thoát nạn. Sách Nguyễn Phúc tộc đế phả tường giải đồ, một cuốn sách gia truyền của họ Nguyễn, đã ghi rất rõ về chiến công cũng như tính cách của  những chó Phú Quốc này.

Không những nuôi chó để bảo vệ, canh giữ người Việt còn coi chó là con vật sinh thần, linh thiêng. Chó nuôi trong nhà là canh giữ phần dương, còn muốn canh giữ phần âm thì phải có chó đá. Để cầu phúc, trừ tà người Việt thường chôn chó đá trước cổng như một linh vật còn để thờ phụng, người Việt đặt chó đá trên bệ thờ và coi như một bậc thần linh. Trong cuốn Lịch triều hiến chương loại chí, ở phần Dư địa chí ghi chép về trấn Thanh Hóa, Phan Huy Chú viết: "Nghi môn ở điện Lam Kinh có hai con chó đá rất thiêng". Trong cuốn Việt Nam văn hóa sử cương, học giả Đào Duy Anh cũng ghi: "Xưa kia, cửa ngõ thường không làm đúng chính giữa nhà và sân để cho người ngoài đừng nhìn thẳng vào trung tâm nhà. Người ta cũng thường kiêng không để cho có con đường đâm thẳng vào nhà, hay là có đền chùa ở trước nhà. Nếu bất đắc dĩ không tránh được những điều kỵ ấy thì người ta chôn ở trước nhà một con chó đá hay là treo một cái gương ở trên cửa chính để yểm tà khí".

Chó đá chôn ở nhà thường nhỏ, mang dáng vẻ hiền lành, còn chó đá ở đình, đền, phủ to lớn, uy nghi hơn. Và qua thời gian tục thờ chó đá vẫn còn tồn tại đến tận ngày nay, tại trong các làng mạc, đình chùa vẫn còn rất nhiều chó đá cổ và chó đá được người Việt cách điệu thành con nghê - con vật thờ linh thiêng.

Đến việc nuôi dòng chó bảo vệ nước ngoài

Con chó gần gũi với người Việt là vậy nên ngày nay ngoài những dòng chó bản địa thì người Việt nhập nuôi vô vàn những dòng chó của nước ngoài và phong trào nuôi các dòng chó dữ thuộc dòng chó bảo vệ phát triển mạnh nhất. Với đặc trưng thân hình to lớn, dũng mãnh và oai vệ nên dòng chó này luôn được ưu tiên chọn nuôi hàng đầu với mục đích giữ nhà. Những câu lạc bộ chó bảo vệ như: Rottweiler; Pitbull; Dobemen; Berger... số lượng thành viên luôn áp đảo và ngày đông hơn.

Tuy nhiên, dù đang nuôi hoặc sắp nuôi một con chó bảo vệ nhưng đa phần người Việt lại hiểu biết rất ít về dòng chó này, thậm chí có người còn nuôi những dòng chó cảnh hoặc chó kéo xe ở xứ lạnh như alaska, husky… với mục đích giữ nhà. Đây là dòng chó lao động xứ lạnh, được lai tạo, nhân giống chỉ với mục đích để kéo xe nên nó sẽ không sủa khi thấy người lạ và đặc biệt ở Việt Nam với khí hậu nóng ẩm người nuôi chẳng khác gì đang hành hạ và tra tấn chúng hàng ngày. Xã hội Việt Nam vốn sống quần cư và mang tính cộng đồng rất rõ rệt. Dẫu rằng ngày nay đặc thù đó có chút thay đổi nhưng cơ bản người Việt vẫn sống trọng tình, luôn chia sẻ với nhau khó khăn, buồn phiền. Ở Việt Nam nhà hàng xóm có con chó dữ cắn người khác thì hàng xóm cũng lập tức để ý, và can thiệp ngay. Vì sống cộng đồng cho nên ngăn cách nhà này với nhà kia chỉ là cái hàng rào đơn sơ bằng tre hoặc “mồng tơi xanh rờn” và cổng luôn mở chứ không như phương Tây nhà nào biết nhà nấy, tường cao và cổng luôn đóng. Vậy nên chó bảo vệ của người Việt đa phần đều là chó phòng thủ, dù cổng có mở nó cũng không chạy ra và người đi qua nó cũng không phiền hà. Trừ trường hợp có ai xâm phạm lãnh thổ của nó một cách quá đáng nó mới sủa hoặc cắn như một việc vạn bất đắc dĩ để thị uy và báo hiệu với chủ. Chó ở Việt Nam rất ít khi cắn người trong khi chó bảo vệ ở nước ngoài chuyện cắn người là thường xuyên, đặc biệt là những dòng chó bán nguyên thủy được lập giống từ 2 đến 3 dòng chó khác nhau như: Rottweiler; Pitbull; Dobemen... Mỗi giống chó được tạo ra với những mục đích khác nhau, vì vậy tính tình và bản năng cũng khác nhau. Dòng chó bảo vệ ở phương Tây người ta chia rất rõ ràng như: chó tấn công, chó bảo vệ tấn công, chó bảo vệ hay chó phòng thủ, còn ở Việt Nam việc phân biệt này rất mờ nhạt và lẫn lộn. Những dòng chó bảo vệ như: Pitbull; Dobemen; Rottweiler đều thuộc nhóm chó dữ (chó tấn công, chó bảo vệ tấn công), ở nước ngoài thường chỉ có cảnh khuyển hoặc cảnh sát mới được sử dụng hoặc có nước đã cấm, nếu nuôi phải đăng ký và qua lớp huấn luyện mới được cấp phép. Và những dòng chó to này khi đã tấn công là gây tai nạn rất nặng nề, què chân, cụt tay, thậm chí chết người nên đi ra đường phải được rọ mõm và có dây dắt.

Hiểm họa tiểm ẩn

Nuôi nhiều dòng chó Tây hung dữ như vậy nhưng người Việt hiện vẫn giữ thói quen như nuôi chó bảo vệ phòng thủ bản địa. Chó bảo vệ hiện nuôi ở Việt Nam hầu hết không được kiểm soát thậm chí còn vô tư thả rông, tự do huấn luyện, chọi chó, dắt chó đi ngoài đường không rọ mõm thậm chí nhiều gia đình cho trẻ em chơi với những dòng chó này. Hành động nuôi chó như vậy thật sự quá nguy hiểm. Nó chẳng khác nào cho một đứa trẻ 2- 3 tuổi cầm cây kiếm samurai đi ngoài đường khua khoắng. Phương Tây coi các dòng chó bảo vệ của họ như một khẩu súng vì nó có khả năng giết người. Chỉ cần có mệnh lệnh vài giây một chú chó Pitbull hay Rottweiler… có thể cắn nát cổ đối phương, bởi mỗi cú bập hàm của các dòng chó này tương đương với sức nặng từ 70kg đến cả tạ.

Chó Pitbull cắn chết một con chó khác trên phố Hà Nội   Nguồn Internet

Theo các chuyên gia về chó bảo vệ, việc huấn luyện các dòng chó dữ trên nếu không hiểu biết cũng hết sức nguy hiểm. Ở nước ngoài những người huấn luyện chó chuyên nghiệp thường có dụng cụ huấn luyện riêng, còn với người nuôi chó ở Việt Nam đa phần đều dùng tấm vải để tập cho chó tấn công và kích thích con chó. Họ không biết họ đang vô tình tập một thói quen nguy hiểm cho cộng đồng đặc biệt là với người già và trẻ nhỏ, bởi hai đối tượng này thường mặc quần áo màu sắc hoặc rộng rãi. Chính cách ăn mặc đó đã vô tình khiêu khích để chó dữ tấn công vì chó lầm tưởng tấm vải luyện tập. Và đây chính là điều đáng sợ nhất bởi nhiều con chó bảo vệ bình thường rất ngoan và hiền, nhưng bỗng dưng một ngày nào đó nó cắn người bởi vì các gene bản năng của nó tiềm ẩn và bị đè nén mà người nuôi không chú ý, khi bị kích thích thì nó sẽ trỗi dậy bất ngờ khiến ta không đề phòng và tai nạn sẽ đáng sợ hơn những con thường ngày tỏ ra hung dữ. Những con chó thuộc dòng chó bảo vệ xa xưa chúng được tạo ra để canh giữ nông trại, lâu đài, gia súc hay thậm chí tham gia chiến trận cùng với quân sĩ tấn công kẻ thù. Những con này thường phải làm việc độc lập và luôn phải đối đầu với nguy hiểm, vì vậy người ta chỉ chọn những con gan lì và có gene hung dữ nhất nhưng lại phải biết tự suy nghĩ độc lập vì phải tự làm việc mà không có chủ ở đó. Những con này thường có phản xạ và hành động với tinh thần giết hay bị giết nên rất nhạy cảm với các vấn đề nguy hiểm uy hiếp đến bản thân và lãnh thổ của nó. Đối với các dòng chó này không bao giờ dạy nó cắn bất cứ cái gì, cũng đừng dạy nó tấn công bảo vệ chủ khi người dạy không được đào tạo bài bản và có nhiều kinh nghiệm.

Chó Phú Quốc Việt dòng chó đượcvua Gia Long nuôi và đã theo ông suốt những năm chinh chiến  Nguồn Internet

Ở nước ngoài đa phần các vụ chó cắn đều do những con thường ngày rất hiền, chính vì vậy mà chủ không đề phòng và cứ tin tưởng nó sẽ không cắn ai hết. Những con chó dữ sẽ khó có cơ hội cắn người vì chủ nó đã đề phòng và có các biện pháp an toàn. Chỉ ngoại trừ tai nạn xảy ra ngoài ý muốn như bị đứt dây hay quên đóng cửa... Vì vậy, một người nuôi các dòng chó dữ có kinh nghiệm không bao giờ tin tưởng những con chó của mình 100% cả, cho dù con chó có hiền hay ngoan cách mấy và kiểu gì thì cũng không bao giờ để nó một mình với trẻ con hoặc người già. Người Việt từ xa xưa đã nuôi chó bảo vệ nhưng là dòng phòng thủ và thuộc những dòng chó bé hoặc tầm trung như: Chó Lài, chó H'mông, chó Phú Quốc, chó Bắc Hà… Đây là những giống chó bảo vệ lãnh thổ rất tuyệt vời và phù hợp với điều kiện cũng như tập quán văn hóa người Việt. Vậy có nên chăng nuôi thêm nhiều dòng chó Tây to lớn hung dữ như hiện nay để chúng trở thành một mối họa lớn luôn rình rập cộng đồng?.

Trần Thắng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy