Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
02:37 (GMT +7)

Nước mắt xương rồng

VNTN - Gần tám giờ tối Đơn mới rời khỏi phòng làm việc. Một ngày căng thẳng khi phải tập trung với tập bản thảo mấy trăm trang về lý luận văn học. Đầu đau buốt và hai mắt cực kỳ nhức mỏi. Đơn không thấy đói bụng, cô quen với việc ăn qua loa bữa tối, mặc dù thân hình chẳng lấy làm mỡ màng gì cho cam. Làm việc cho một nhà xuất bản, người ta nói Đơn nhìn chữ và “nạo” não mình để sống. Thật là một cách ví von lý thú, bởi rất nhiều khi cô thấy mình chẳng khác gì một tù binh trong cái mớ chữ lộn nhộn, dù mệt đến không thở nổi mà vẫn phải tỉnh táo.

Đơn sống một mình trong căn phòng mười lăm mét vuông ngăn nắp và có phần đắt đỏ. Thủ đô mà, tìm được một chỗ hay ho đâu có dễ. Đơn tự do ở tuổi 27. Mẹ chưa bao giờ hối thúc cô chuyện chồng con, bởi sau những lần hục hặc chuyện tiền nong hay ấm ức thói nhậu nhẹt vô bổ của cha, nỗi buồn chỉ có thể tan ra trong những giọt nước nơi khóe mắt. Đơn không biết những giọt nước ấy mặn đắng, hay là nó có vị của rượu. Không có những bữa cơm chờ sẵn, không có những cuộc gọi hối thúc muộn giờ, Đơn thấy mình giống một kẻ lữ hành cô đơn. Tình yêu của Đơn, trái tim của Đơn chắc cũng đã đóng băng thành đá tảng. Quá lâu Đơn không thấy tim mình rung lên. Những ngày mệt mỏi quá Đơn đã từng tự vấn, liệu làm một bông hoa, một hạt bụi có khỏe hơn chút nào không? Thắp chiếc đèn xông và thả vào đó chút tinh dầu cam thơm ngọt, Đơn tìm những viên thuốc trị đau đầu trong ngăn tủ, thoa dầu nóng,… và thiếp đi ngay khi đặt mình xuống giường.

***

Trọng ùa đến như một cơn lốc, trong một trận đá bóng giao hữu giữa trường sư phạm và trường kinh tế. Trái bóng Trọng sút lệch đường biên đã đáp trúng đầu, làm văng cặp kính cận ba đi ốp của Đơn. Cú chạm bất ngờ, sức mạnh của trái bóng làm Đơn choáng váng. Mọi thứ bắt đầu bằng những lời xin lỗi rối rít, Trọng mừng quýnh khi thấy mắt Đơn không bị tổn thương gì, lúi húi tìm nhặt chiếc gọng kính méo mó và hứa sẽ đền lại một cặp kính mới.

Cuộc hẹn đầu tiên của hai người ở một quán cà phê khá cũ trong con hẻm nhỏ, không gian ấn tượng bởi những mảnh giấy nhớ đủ màu dán chi chít. Trọng không bao giờ viết gì, chỉ chờ đợi những con chữ của Đơn. Đơn học văn, lại mê đọc tiểu thuyết, nên thường hay viết những câu trích mà mình thích, kiểu như: “Yêu một người là ban cho người ấy quyền năng làm mình đau. Nhớ một người, là tự tước đi của mình niềm vui không ràng buộc…”. Trọng vốn ít nói, vậy mà khi đến đây lại hay trò chuyện. Đơn đã mặc định những cuộc hẹn hò ấy, những lần thong dong chạy xe ngắm phố xá cùng nhau ấy là tình yêu. Trọng luôn ấm áp, lặng lẽ quan tâm, nhưng nhiều khi ánh mắt anh nhìn cô trìu mến, mà sao Đơn lại có cảm giác nó không lưu hình ảnh cô vào bộ nhớ.

Mùa hè năm ấy, Trọng lái xe chở Đơn chạy gần hai trăm cây số về quê với lời mời gọi, biển vào mùa du lịch, đẹp và đông vui lắm. Trưa nóng như đổ lửa. Mắt Đơn nhòe đi khi những ảo ảnh giữa nắng và nước hòa vào nhau tạo thành những vệt sáng loang nhức mắt.

-Đồ đĩ thõa, chết không hết nhục, nhục…

-Thế thì anh ký đơn đi cho rảnh nợ, hay anh sợ nhục?

-Câm miệng. Bốp… bốp…

Trọng nắm tay kéo Đơn chạy về phía ngôi đền của làng chài, đôi bàn tay lạnh cứng và ướt mồ hôi. Đơn nhìn thấy trước hiên nhà, những cụm xương rồng đầy gai nhọn cào xước trên thân thể người phụ nữ, đôi bàn tay người đàn ông rớm máu khi nắm chặt thân cây xương rồng vò nhàu nhĩ. Trọng bảo, hình ảnh này quen thuộc đến nỗi chẳng ai muốn can ngăn nữa. Căn nhà khang trang mà lạnh lẽo tình thân này được xây nên bằng những đồng tiền xương máu, Trọng đã nghĩ thế bởi nhiều năm chứng kiến cha mẹ dằn hắt nhau. Đó là thảm cảnh của ly hương, của sự quyến rũ tiền bạc nơi phố thị.

Ngày Trọng mười hai tuổi, vì không chịu nổi những bất an, nhọc nhằn thường trực đến từ biển cả, cha mẹ anh rời làng chài ra phố. Họ từng đứng chung ở chợ người, chia nhau từng ổ bánh mì nhạt thếch. Trọng không biết đích xác, rằng khi ấy ở độ tuổi ngoài ba mươi đằm thắm, điều gì đã khiến mẹ thay đổi. Thân phận từ một osin thành tình nhân của ông chủ, chìm trong men tình ái và sự sung túc mà ông ta mang lại. Bà đến như để bù đắp những điều thiếu thốn của người đàn ông một mình loay hoay chăm hai con nhỏ cho vợ chuyên tâm đi trời Tây tu nghiệp. Cha Trọng bất lực với những lần gọi cửa căn biệt thự sang trọng ấy để gặp vợ mình, ông đã trở về làng, nhưng ra khơi trở lại thì không. Khi tỉnh táo, ông chở mối trái cây cho các nhà hàng, quán dựng ven biển. Những chiều ngất ngư men rượu, ông lững thững đi dọc bờ biển, giật tung những tấm lưới của người làng, khóc như điên dại.

- Đơn à! Chẳng hiểu sao mấy năm nay, anh cứ mơ mãi một giấc mơ. Thấy mình chết vì không thể thở, những lúc ấy chỉ kịp nghe những tiếng gãy khô khốc, hình ảnh bụi xương rồng nhễu ra thứ nước trong như là nước mắt.

Trọng kể với Đơn tất thảy mọi chuyện bằng cái giọng trầm thấp đến khó nghe. Lúc ấy, ý nghĩ muốn yêu thương, bù đắp những khoảng rỗng thẳm sâu trong tâm hồn Trọng lại bừng lên trong Đơn.

***

Hoàn xuất hiện tựa như nắng thu ấm áp, khi Trọng và Đơn đều đã là sinh viên năm cuối. Hoàn học cùng ngành, cùng trường Trọng, hai người biết nhau khi cùng tham gia chương trình liên hoan văn nghệ dịp 20/11. Đơn bị Hoàn thu hút bởi sự hoạt ngôn, phong thái thư sinh, ánh nhìn ươn ướt và cách nói chuyện vô cùng hài hước. Hoàn chưa có bạn gái, dù rằng kiểu “công tử” giỏi giang như cậu ta thì không thiếu người tự nguyện đeo đuổi. Hai mẹ con Hoàn may mắn sống sót sau một vụ tai nạn lật xe trên đèo Sa Pa cách đây mười năm. Hoàn hay nhắc về bố và tin rằng ông ra đi như để đổi lấy sự sống cho vợ con. Sự yêu thương, bao bọc mà Hoàn nhận được khiến người ngoài ghen tị, nhưng Hoàn lại thấy mình chỉ như một con chim được chăm chút trong chiếc lồng son lẻ bạn. Từ ngày có thêm Hoàn, những buổi hẹn luôn là ba người. Quán cà phê đầy những mảnh giấy nhớ khi có Hoàn cùng đến đã mang một dư vị khác. Không còn chỉ là đọc và trò chuyện lặng lẽ, mà ồn ào những cuộc lý giải, liên tưởng thú vị. Hoàn viết giấy nhớ theo lời đề nghị của Trọng. Lần nào cũng vậy, mảnh giấy nhớ luôn ghi số 381. Đơn thắc mắc, Trọng chỉ cười, lặng lẽ dán nó lên tường, miệng lẩm bẩm: “cái thằng... tồ đến lạ”!

Hoàn hay đem đến giới thiệu và tặng cho Đơn những món mỹ phẩm mà cậu gọi là “của nhà làm ra”, khi thì thỏi son, khi lại hộp kem dưỡng da tay, lọ sơn làm móng... Hoàn rất am hiểu về cách chăm sóc da, cậu không ngại ngần thoa kem chống nắng trước mặt Đơn. Hoàn và Đơn tìm thấy niềm vui qua những lần cậu chàng tự tay làm đẹp cho “bà chị”. Trọng chỉ khẽ cười, bảo có lẽ vì là “công tử” nhà giàu, nên người ta coi trọng dung nhan. Thời bây giờ lại ảnh hưởng thần tượng xứ Hàn nhiều, toàn sao nam tô son điểm phấn nhìn phát ham. Trọng tỏ ra quý mến Hoàn, cả hai thân thiết, cư xử với nhau nhẹ nhàng như anh em một nhà. Dù nhà ở ngay trong nội đô, thỉnh thoảng Hoàn vẫn hay ngủ lại phòng Trọng, cậu bảo mẹ đi công tác, ở nhà một mình buồn quá. Trọng thì hứng khởi, bởi những tối hai anh em cùng nhau xem bóng đá, xong quay ra xem phim hành động Mỹ trên HBO…

***

Ngày Trọng đang điên đầu lo hoàn thiện đề tài tốt nghiệp, bất ngờ mẹ Hoàn tìm đến thăm. Những giọt nước mắt trào ra từ đôi mắt mọng đỏ của bà làm Trọng thực sự bối rối.

-Nhà họ Trần chỉ có mỗi mình thằng Hoàn, tôi làm sao mà sống được nếu như… Tôi xin cậu, xin cậu đừng gặp nó nữa! Nó cần phải làm nhiệm vụ của một người đàn ông, nó là đàn ông kia mà…

-Hoàn không có lỗi, chẳng ai có lỗi trong chuyện này cả. Em ấy mới là người đau khổ nhất, bao năm qua em ấy chưa bao giờ được sống là mình.

-Tôi thương nó đứt ruột, nhưng còn sự nghiệp kinh doanh,… còn họ hàng dòng tộc. Tiếng đời đâu dễ buông tha khi nó là một người đồng tính. Còn cậu, cậu cũng cần phải sống khác chứ, không lẽ cũng muốn cha mẹ cậu vì chuyện này mà đau khổ như tôi sao?

Nói rồi bà lôi từ trong túi ra một chiếc phong bì dày cộm chứa đầy những tờ polymer mới cứng. Trọng quay đi từ chối. Anh hứa sẽ dời đi sau khi hoàn thành luận án tốt nghiệp. Từ giờ tới đó chỉ còn gần hai tháng nữa.

Ngày Trọng làm lễ trao bằng tốt nghiệp, Hoàn không đến dự. Căn biệt thự ven hồ vang lên những bản piano trầm buồn. Hoàn chìm vào giấc ngủ mê man, chập chờn.

-Mẹ đã lo xong thủ tục để con đi Đức du học, khi kỳ nghỉ hè kết thúc.

-Tại sao mẹ không hiểu, con đã nói bao nhiêu lần gay không phải là bệnh, mẹ không cần tìm cách chữa trị cho con…

-Vậy con muốn mẹ chết thì mới vừa lòng, phải không?

Chưa bao giờ Hoàn thấy mình lẻ loi đến thế. Những thứ thuộc về phạm trù của hy vọng, trách nhiệm làm một người đàn ông thực thụ rất vô hình, nhưng lại đè chặt cậu đến ngộp thở. Hoàn biết mẹ đã nhiều đêm âm thầm khóc, giằng xé giữa tình thương và những quy chuẩn của một gia đình có tiếng tăm trên thương trường. Hoàn không trách mẹ, nhưng cậu thấy mình bế tắc khi không có sự chọn lựa, hay đúng hơn là không được phép chọn lựa. Hoàn đã không đủ kiên nhẫn để chờ đợi sự cảm thông và thấu hiểu. Có phải vì luôn ở vạch đích mà Hoàn thấy mình đang sống rất thừa thãi?

Đơn đã nghĩ mình nên bước ra khỏi cuộc đời Trọng. Quên những rung cảm yêu thương tự mình vẽ vời kia đi. Nhưng rồi, cái chết của Hoàn lại kéo Đơn đứng lại. Cả năm sau đó, Trọng vẫn chưa thôi day dứt. Đơn bất lực nhìn Trọng u uất, giống như trước kia Trọng nhìn cha mình, đôi bàn tay anh nay cũng vò lên những bụi xương rồng đầy gai. Phải chăng khi người ta hành xác, là người ta có thể trút bỏ lên nó những dày vò, đau đớn trong sâu thẳm tâm hồn. Máu trên đôi tay anh rỉ ra, thay cho những giọt nước mắt trong lòng.

- Đơn có biết dãy số 381 mang thông điệp gì không? Nó có nghĩa là: 3 câu 8 chữ 1 ý nghĩa, “em yêu anh”. Có phải thế giới của chúng tôi lạ lẫm và bệnh hoạn không, Đơn?

Khi đặt câu hỏi đầy nỗi cô đơn và tuyệt vọng ấy, Trọng đã ôm chặt Đơn mà khóc. Rồi như có một phần ký ức bị xóa trong tâm trí, khiến Đơn mơ hồ không hiểu vì sao Trọng lại ra khơi. Chiếc thuyền của anh cưỡi lên những con sóng bạc đầu như đang múa hát. Trong chốc lát, sóng xô vào nhau gấp gáp, cuốn con thuyền xa tít bờ bãi. Những cuộn sóng chồm lên ôm một vòng ôm như che chở quanh nó. Đơn gào lên nức nở khi thấy Trọng đưa tay vẫy và mất hút vào lớp bọt tung trắng xóa. Những nụ hoa xương rồng trước hiên nhà đã bung nở tự bao giờ, thay cho lời từ giã…

***

23 giờ, tiếng chuông điện thoại đổ dồn làm Đơn bừng tỉnh. Là số điện thoại của Trọng. Đầu dây bên kia là một giọng nữ, người ấy gọi lại vì thấy cuộc gọi nhỡ của Đơn từ chiều. Đã hơn bốn năm kể từ ngày người ta vớt Trọng lên từ khơi xa, hình ảnh những múi xương rồng gãy nát nhễu ra thứ nước trong như nước mắt cứ phả vào Đơn sự nắm níu vô cớ. Rất nhiều lần trong suốt bốn năm qua, Đơn đã vô thức bấm gọi số điện thoại cũ. Lần nào cũng chỉ nghe những lời từ chối “thuê bao quý khách vừa gọi tạm thời không liên lạc được…”. Vậy nhưng chiều nay, cuộc gọi của Đơn đã được đáp lại bằng những hồi chuông dài.

Ừ thì, lời yêu thương đã bao giờ Đơn nói ra đâu. Còn Trọng, hẳn đã tìm thấy một vòng luân hồi để tái sinh rồi. Sau cuộc gọi vừa nhận từ chủ nhân mới của thuê bao, Đơn nhẹ nhõm đưa tay tìm ấn nút xóa số. Giờ thì Đơn sẽ ngủ lại thật ngon, mai cuối tuần có một lời hẹn cùng đi chơi vườn cúc họa mi và chụp ảnh. Ngày mai, nắng sẽ lên rất đẹp!

Truyện ngắn. LÊ ĐÌNH

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Vị chát trung du

Văn xuôi 6 ngày trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 6 ngày trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 1 tuần trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước

Đôi cánh mẹ cho

Văn xuôi 2 tuần trước