Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
23:20 (GMT +7)

Nước - biểu tượng trong đời sống tinh thần người Việt

 

Từ ngàn đời xưa, dưới sự ảnh hưởng của thuyết vạn vật hữu linh, người Việt đã tin rằng tất cả mọi vật trên thế gian đều có linh hồn. Trong tâm niệm của mình, cư dân Việt tôn thờ nước như một vị thần tối thượng, chứa đựng trong mình nhiều sức mạnh vô biên. Có lẽ, chính bởi tầm quan trọng của nó, nước đã sớm đi sâu vào tiềm thức của người dân Việt Nam, trở thành biểu tượng trong đời sống tinh thần của người dân Việt.

Nước trong đời sống của con người: Như chúng ta đã biết, cơ thể con người được cấu thành với hơn 70% là nước, thiếu nước cơ thể con người sẽ dần trở nên suy kiệt và chết đi. Nước thường được sử dụng cho các mục đích khác nhau trong đời sống hàng ngày.

n1
Nét độc đáo và đặc điểm chính của chợ nổi Cái Răng là chợ họp trên sông và chuyên mua bán các loại rau củ, trái cây của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Trong cuốn “Yếu tố nước trong tổ chức không gian kiến trúc Việt Nam” của Hoàng Ngọc Hoa thì: “Yếu tố nước là thành phần hết sức quan trọng trong kiến trúc. Người dân Việt Nam xây dựng nhà cửa thường theo nhưng quan niệm về phong thủy, trong đó địa điểm có phong thủy tốt phải là nơi có thể nhìn ra một vùng nước, lưng tựa vào núi. Những quan niệm phong thủy cũng ảnh hưởng rất lớn đến nét thẩm mỹ trong kiến trúc người Việt”.

  Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất được mệnh danh “vùng đất chín rồng” do có mạng lưới sông ngòi kênh rạch dày đặc đan xen. Nhờ có sông ngòi, kênh rạch, phương tiện đi lại là xuồng ghe có thể len lỏi mọi ngóc ngách, có thể mua bán trao đổi hàng hóa trực tiếp trên sông. Ở miền núi thì cư dân biết xây dựng các cọn nước ở các đoạn suối dốc để tốc độ chảy của nước lớn. Nhờ đó, bà con đã lợi dụng sức nước để giã gạo, hoặc đưa nước từ sông suối lên ruộng bậc thang để trồng, cấy…

Từ xa xưa, cha ông ta đã nhận thấy nguồn lợi to lớn từ việc nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Họ đã tận dụng tối đa các đầm phá, ao hồ có trong tự nhiên để nuôi trồng thủy, hải sản. Trong văn hóa ẩm thực của người Việt do cuộc sống gắn liền với sông nước, nên những món ăn của người Việt cũng thường gắn liền với nước, đơn giản như nước để uống, nước để chế biến thức ăn…

Nước trong đời sống tinh thần: Trong đời sống tinh thần, nước ở những dòng sông, con suối, ao, hồ… cũng trở thành biểu tượng văn hóa, cũng là cái nôi sinh ra những nền văn minh, như Sông Hồng là cái nôi của nền văn minh lúa nước. Trong phong tục tập quán của người dân Việt có rất nhiều phong tục liên quan đến nước như: tục làm nhà, tục thờ thần tự nhiên, tục tang ma, cưới xin, sinh đẻ... Trong quan niệm phong thủy của người Việt, đầu xuân năm mới thường làm lễ cúng rửa nhà, để làm mát nhà, cầu cho nhà luôn mát mẻ, để con người có sức khỏe tốt và làm ăn thuận lợi.

Trong lễ hội ở mỗi dân tộc cũng có rất nhiều những lễ hội liên quan đến nước như lễ hội cầu mưa vùng đồng bằng Bắc Bộ, nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi. Cư dân sinh sống ở vùng ven biển, làm nghề chài lưới thường tin vào thần Biển thì lập đền tôn thờ cá Ông (Cá voi, cá Heo), đây là các vị thần che chở cho các cư dân bình an sinh sống và ra khơi. Hầu hết trong các lễ hội đều có tục rước nước, trong lễ hội cũng thường tổ chức lễ hội đua thuyền, một lễ hội đặc trưng của sông nước.

Trong tín ngưỡng thờ Mẫu, ta có thể tìm thấy nước trong hình ảnh của “Mẫu Thoải” (nữ thần cai quản vùng sông nước), được cư dân Việt Nam thờ trong tam tòa thánh mẫu và được nhân dân hết sức kính trọng. Trong Nho giáo, hình tượng con “Rồng” - vị thần sinh ra nước cũng trở thành vị thần tối cao, luôn được nhân dân hết sức coi trọng, là con vật tối thượng, có sức mạnh vô biên. “Rồng” luôn là con vật đại diện cho vua chúa, người có quyền lực tối cao, là con vật thiêng cai quản mưa.

Ngoài ra, nước cũng là khởi nguồn cho nhiều nét văn hóa đặc sắc trong đời sống văn hóa của cư dân Việt, đó là mô hình cây đa - giếng nước - sân đình ở vùng đồng bằng Bắc bộ. Từ lâu, chúng đã trở nên quen thuộc với giếng nước là một thành phần rất quan trọng cấu thành nên hình ảnh làng Việt trong tâm thức dân gian. Loại hình nghệ thuật biểu diễn dân gian Rối nước cũng được sinh ra từ ao hồ của vùng đồng bằng Bắc Bộ, là loại hình nghệ thuật duy nhất, lấy mặt nước làm sân khấu biểu diễn.

Nước trong thành ngữ ca dao, dân ca: Người xưa thường có câu “Thí một chén nước, phước chất bằng non”. Nước mang đến sự sống cho muôn loài, trong câu tục ngữ này, ta có thể thấy được khả năng tái sinh của nước, “thí một chén nước” để giúp con người được sống sót, được tái sinh, cũng như là ta đã “cứu một mạng người”, công đức ấy hơn cả “xây bảy tòa tháp”, phước đức tích được cao như núi.

Trong việc so sánh công lao sinh thành và dưỡng dục của cha mẹ, công lao của cha cũng được so sánh với hình ảnh núi Thái Sơn, còn công lao của người mẹ lại được so sánh với hình ảnh “Nước trong nguồn”:

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra…

Nếu như ở câu trên, hình ảnh “nước trong nguồn” dồi dào, không bao giờ cạn được dùng để so sánh với mẹ, công lao sinh thành dưỡng dục của mẹ với con cái, thì ở câu này, “hạt mưa sa” lại thể hiện sự nhỏ bé, bị động của người phụ nữ trong xã hội.

Thân em như hạt mưa sa

Hạt vào đài các hạt ra ruộng cày

Nói đến tình yêu đôi lứa, tình nghĩa vợ chồng, tình thân gia đình và công lao sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, nước trở thành một giá trị vạn năng, có khả năng đong đếm được tình cảm của con người. Nước, với tính chất đặc thù không đong đếm được và không có hình dáng cụ thể, là một thực thể nhưng mang nét trừu tượng, khó nắm bắt đã được dùng để ví von với tình cảm của con người.

Đôi ta như con một nhà

Như áo một mắc như hoa một chùm

Đôi ta như nước một chum…

 Trong ca dao dân ca của bộ phận người dân tộc thiểu số cũng sử dụng biểu tượng nước một cách hết sức phong phú để thể hiện tình yêu đôi lứa của mình. Đối với người Nùng, biểu tượng nước thường mang một sự ám ảnh về định mệnh, là điềm báo cho những sự việc trong cuộc đời con người. Hình ảnh lửa đốt cháy mặt nước, cháy cạn đến sỏi là điềm may, báo hiệu sắp có chuyện may mắn sắp xảy ra.

Đêm mốt anh mơ hay

Mơ đốt cháy mặt nước

Cháy nước cạn đến sỏi

Lửa cháy doi lá chuối

Lửa cháy suối lá dong

Đêm nay gái thông minh đến bản…

Người Tày, cũng thường mượn biểu tượng nước mà định giá tình cảm:

Thương nhau đựng sọt nước vơi

Không thương nước đựng cong rồi cũng khô.

Thương nhau nước đựng vào sàng

Không thương nước đựng trong cang còn rò.

Nước còn được dùng để nói đến sự nhớ thương, xa cách với người mình yêu. Nước vô tình đã trở thành vật cản, là khoảng cách chia rẽ đôi lứa yêu nhau, để cho đôi lứa cách sông nên phải lụy đò. Tuy nhiên tình yêu đôi lứa có thể vượt lên tất cả, không ngại khoảng cách, trở ngại:

Dẫu cho nước ngập đầy sông

Cầu trôi nhịp giữa tôi không bỏ chàng.

Trong câu tục ngữ “mưa lâu cũng lụt”, hình ảnh “lụt” được dùng để báo hiệu một sự việc lớn sắp xảy ra nếu những sự việc nhỏ kéo dài (mưa lâu). Hình ảnh sông sâu cũng được dùng để cảnh báo những điều nguy hiểm sắp sảy ra. Trong câu ca dao:

Anh đi em dặn câu này

Sông sâu chớ lội, đò đầy chớ qua

Nghe qua ta nghĩ đây là một câu nhắc nhở người đi xa cẩn thận, tuy nhiên cũng có thể nhận ra hình ảnh “sông sâu” là điềm báo về một sự nguy hiểm nên tránh. Các tác giả dân gian đã rất linh hoạt trong việc sử dụng những hình thái, biến thể hết sức đa dạng của nước để nói lên ý của mình.

Tiếc thay cái giếng nước trong

Để cho bèo tấm bèo ong lọt vào

Nước không chỉ là điềm báo, không chỉ tượng trưng cho tính nữ hay không gian thiêng, sức mạnh siêu nhiên, đôi khi nước còn tượng trưng cho sự chia cách, cũng có lúc nước là hình tượng ẩn dụ cho con người. Người con gái ở trong câu ca dao trên được ví với một cái “giếng nước trong”, khiến chúng ta liên tưởng đến hình ảnh một cô gái ngoan hiền, xinh đẹp, tuy nhiên bị “bèo tấm bèo ong lọt vào”. Câu ca dao như một câu than thở, thương cảm thay cho thân phận người con gái “hồng nhan bạc mệnh”.

Hình ảnh sông nước còn được dùng để nói đến những gian nan cách trở trong cuộc sống, sự kiên trì của con người, và niềm thương nỗi nhớ của những cặp tình nhân. Câu ca dao dùng hình ảnh thác, ghềnh để nói về những gian nan vất vả trong cuộc sống, hình ảnh này còn xuất hiện trong rất nhiều câu ca dao, tục ngữ khác.

Công anh lên thác xuống ghềnh

Tay chèo tay chống một mình nhờ ai?

Nước trong thần thoại, truyện cổ tích: Hai tác giả nghiên cứu văn học dân gian Đinh Gia Khánh và Chu Xuân Diện cũng đã nghiên cứu về biểu tượng nước trong thần thoại và chỉ ra rằng: “Trong những câu truyện thần thoại có rất nhiều truyện giải thích việc lũ lụt vào tháng Tám hàng năm là do Thần Nước dâng nước lên để lấy gỗ chò, loại gỗ được Thần Nước yêu thích, về xây dựng cung điện…”. Hiện tượng lũ lụt hàng năm còn được giải thích bằng câu truyện “Sơn Tinh - Thủy Tinh”, rằng lũ lụt là do Thủy Tinh, vị thần cai quản sông nước, không chịu thua trong cuộc chiến giành Mỵ Nương nên hàng năm đều dâng lũ để khiêu chiến với Sơn Tinh, vị thần cai quản núi non.

Trong truyện kể “Con Rồng cháu Tiên” chúng ta sẽ nhìn thấy hình ảnh của nước trong nhân vật Lạc Long Quân, vị thần của biển cả. Lạc Long Quân là một con rồng, là con vật thiêng cai quản biển cả và mưa gió. Hình ảnh Lạc Long Quân không chỉ là một nhân vật thể hiện cho sức mạnh siêu nhiên của nước, mà còn thể hiện được sự gần gũi của con người đối với nước.

Hay như trong “Sự tích Hồ Ba Bể”. Hai mẹ con trong sự tích, nhờ lòng tốt của mình đã được vị thần cai quản nước là Giao Long đưa cho vỏ trấu và tro để tránh khỏi nạn lụt. Qua hình ảnh Giao Long và trận lũ lớn nhấn chìm cả ngôi làng chỉ để lại mỏm đất quanh nhà hai mẹ con nhằm trừng phạt những người có lòng dạ xấu xa cũng thể hiện được sức mạnh hoang sơ của nước.

Câu chuyện cổ tích “Tấm Cám” mang đậm nét văn hóa Việt. Tấm Cám đi mò cua bắt ốc, lặn hụp dưới nước, nuôi cá bống ở giếng, rơi hài xuống suối, ngã xuống ao mà chết, và kết thúc truyện là xui Cám tắm nước sôi để trả thù. Như vậy, chúng ta có thể thấy, có rất nhiều những tình tiết trong truyện vô tình mang hình ảnh của nước. Nước ở trong truyện Tấm Cám không chỉ mang sức mạnh hủy diệt, trừng phạt mà nước còn mang những sức mạnh giúp Tấm thay đổi vận mệnh cuộc đời.

n1
Đền Hàn Sơn (hay còn gọi là Đền Mẫu Đệ tam hoặc là Đệ tam thoải phủ - cai quản miền sông nước), xã Hà Sơn, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa

Trong kho tàng truyện cổ các dân tộc thiểu số Việt Nam. Người M’Nông có câu truyện “Đăm Bờ Ri” kể về chàng trai mồ cô Đăm Bờ Ri. Ngọn thác Búc So hùng vĩ, nước chảy ồ ạt ngày đêm khiến vua Pơ Rum không ngủ ngon giấc nên đã sai quân lính phá thác và giết hại dân làng. Chàng trai Đăm Bờ Ri đã ra đi để tìm cách bảo vệ buôn làng, chàng đi mãi và đến bên một dòng suối lạ kỳ, uống nước và tắm ở dòng suối khiến thân thể chàng cứng như thép. Nhờ sức mạnh, sự thần kỳ của dòng suối tiên mà chàng trai Đăm Bờ Ri đã có sức khỏe cứu sống buôn làng và bảo vệ được thác Búc So. Qua câu chuyện ta cũng có thể thấy được niềm tin của người M’Nông vào sức mạnh siêu nhiên của Thần Nước

  Trong truyện Thục Phán - An Dương Vương, sau khi bị thua trận vì sự chủ quan và do sự lừa dối của chàng rể, ông đã lên ngựa chạy ra biển cùng với con gái của mình là Mỵ Châu, thần Kim Quy đã rẽ nước đưa An Dương Vương xuống với lòng biển cả…Qua những tình tiết của câu chuyện này, ta có thể thấy, đối với các tác giả dân gian, nước là không gian thiêng liêng, ngoài là nơi ở của các vị thần, nước còn là nơi để con người gặp được thần thánh thông qua việc An Dương Vương được thần Kim Quy rẽ nước đưa xuống biển, và nước còn là nơi cho linh hồn con người được gặp nhau (Trọng Thủy nhảy xuống giếng để gặp Mỵ Châu).

Như vậy, nước có vai trò hết sức to lớn đối với đời sống con người, là nguồn sống, là nguyên liệu, là năng lượng… Trong cuộc sống của con người không thể thiếu vai trò của nước. Nước đã len lỏi trong đời sống của con người; trong đời sống tinh thần; trong thành ngữ ca dao, dân ca; trong thần thoại, truyện cổ tích… minh chứng cho sức sống và sự tồn tại vĩnh hằng của nó. Với vai trò hết sức to lớn và không thể thay thế của mình, nước sẽ mãi mãi đi vào đời sống tinh thần, đời sống tâm linh của cư dân người Việt.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy