Nu na nu nống
Truyện ngắn. Tống Ngọc Hân
Rồng rắn lên mây, có cây lúc lắc, hỏi thăm thầy thuốc có nhà hay không? Thầy thuốc có nhà, bọn ngươi đến có việc gì? Dạ chúng con đau, đến xin thầy bát thuốc. Đau ở đâu? Đau ở đầu. Toàn xương với sỏ. Đau khúc giữa ạ. Cục máu cục mê. Đau khúc đuôi. Lôi thôi, không có tiền tao đuổi, nhà mày ở đâu? Nhà con bến Cát. Mày hát tao nghe. Ò í e... ò í e... ò í e…
Con Nhuận lòng khòng, yếu rớt mà lại làm đuôi nên cả đoàn chỉ kịp ò í e có mấy lượt thì bị thầy thuốc Phừ túm được. Con Nhuận run như cầy sấy, ho sù sụ một chặp rồi ngồi lên đống gạch vỡ trong vai trò thầy thuốc. Rồng rắn lên mây… Trăng đã lên cao rồi mà con Nhuận không tóm được cái đuôi của đoàn rồng rắn thì mệt phờ, tiu nghỉu. Lượng thương hại. “Để tao làm thầy thuốc thay cho con Nhuận”. Sau có ba vòng quần đảo thì Lượng túm được cái đuôi. Con Mão rú lên. “Đồ ăn gian, ai khiến anh chơi hộ nó”.
Con Mão không chịu làm thầy thuốc, nó cằn nhằn. “Chơi thả đỉa thôi”. “Ừ thì thả đỉa, về nhà sớm đói lắm”. Cả bọn nhảy tưng tưng lên đồng ý. Con Mão đứng dựa lưng vào cây rơm nhà Lượng thở dồn để gột sức. Cả bọn trẻ con lau nhau từ tám đến mười tuổi gào ầm lên. Thả đỉa ba ba, chớ bắt đàn bà phải tội đàn ông. Cơm trắng như bông, gạo đổ như nước, đổ mắm, đổ muối, đổ cả hạt tiêu, đổ niêu cứt gà, đổ phải nhà nào, nhà ấy phải chịu. Con Mão le bên phải, lừa bên trái, rơm bay tả tơi mà không bắt được đứa nào vì bọn chúng khôn, cứ thấy con Mão đến gần là tót lên bờ. Bờ là cái sân gạch nhà Lượng. Cả thôn, ngoài cái sân đình ra, chỉ có nhà Lượng có cái sân lát gạch.
“Hu hu hu, đau quá mẹ ơi”. Con Mão ôm bàn chân nhảy lò cò, miệng rên rẩm đau đớn. Nhuận thương bạn nhao ra. “Bị vấp ngã à, khổ thế”. Con Mão túm lấy áo Nhuận, hô to. “Bắt được rồi, đỉa bắt được Nhuận rồi”. Nhuận mắc mưu nên cười nhạt chấp nhận làm đỉa. Cả tiếng đồng hồ chạy đến tức thở mà không bắt được đứa nào. Nó ngồi phệt xuống chân cây rơm, nước mắt ứa ra. Thằng Phừ chạy đến hỏi. “Đằng ấy sao thế”. Nhuận lúng búng. “Hôm nay mẹ tôi”… “Mẹ tôi làm sao?”. “Mẹ tôi không nấu cơm”. “Mẹ cậu ốm hay sao mà không nấu?”. “Không có gì mà nấu”.
“Nhà mày còn gì không? Cơm nguội, khoai lang hay sắn luộc gì đó cũng được, con Nhuận tối nay nhịn”. Cả đám trẻ con lao nhao lên. “Hèn gì nó chẳng đuổi được ai”. Rồi từng đứa một lí nhí. “Nhà tôi cũng phải đi vay bữa tối đấy”. “Nhà tôi cũng chả còn hột gì”. “Nhà tôi cọ nồi lâu rồi”… Bất chợt Lượng giơ tay ra hiệu cho bọn trẻ im lặng, nó lên tiếng. “Bây giờ tất cả ra sân đình trước đi, tôi ra sau, ở đây không tiện.”
Cả bọn kéo nhau ra sân đình. Trăng đã nhạt rồi mà bọn trẻ chưa muốn về. Chúng thấp thỏm đợi. Rồi Lượng cũng ra, lật vạt áo, khoe mấy khúc sắn luộc nguội ngắt. Con Nhuận cầm lấy một củ, ngậm ngùi nhai. Cả bọn nhìn nó ăn một cách ngon lành. Có đứa thèm thuồng, quay mặt đi nuốt nước dãi. Củ thứ ba gần hết, thằng Phừ lắp bắp, nhìn vào miệng con Nhuận. “Cẩn thận kẻo say, sắn non đấy”… Con Nhuận nhìn thằng Phừ hỏi nhỏ. “Cậu cũng chưa ăn tối phải không?”. Thằng Phừ khẽ gật. Con Nhuận đưa khúc sắn dở cho bạn trong nỗi áy náy.
Pháo hiệu lù lù. Khẩu hiệu được Lượng dõng dạc hô xong thì hai đội quân trùm áo lên đầu và lấy tùm cây xanh che ra phía trước, nép sát hàng rào ô rô tiến lại gần đối phương như sắp vào trận giáp lá cà. Pằng, pằng, pằng. Tiến. Pằng. Hự. Giang. Pằng. Hự. Mão. Pằng. Hự. Sau mỗi phát súng nổ và một cái tên được xướng lên và một chiến sỹ ôm ngực đổ xuống, đội quân của hai bên hao dần. Cuối cùng, còn mình con Nhuận nằm co dưới chân rào ô rô không chịu lộ diện. Bên kia gác súng, thắng tưng bừng. Lượng kêu to. “Bên tao còn một chiến sỹ chưa chết cơ mà”. “Ai?” “Chúng mày phải bắn trúng”. Nhưng bên kia không đọc được tên cái đứa con gái nhỏ thó nằm dúi dụi trong góc rào ấy. Hòa rồi. Một đứa chạy đến, vạch cái áo trùm trên đầu con Nhuận. “Chết rồi, con Nhuận sè bọt mép, nó say sắn hay sao ý chúng bay ơi”. Bên kia giơ súng lên, nhưng không nỡ nổ súng vào chiến sỹ say sắn… Trận đánh tập dượt kết thúc.
***
“Này ông, miếng này bở lắm”. Ông Lượng nhìn miếng sắn luộc từ tay vợ mà lòng nghèn nghẹn. Đúng lúc ấy chị con dâu đi vào.
- Con thua ông bà đấy. Thuốc cân nặng hơn người rồi mà còn nhồi sắn cho đẫy vào. Con tưởng xưa ăn sắn thay cơm thì bố phải sợ rồi chứ.
Đợi con dâu hạ nhiệt đi ra, ông Lượng cầm miếng sắn từ tay vợ định đưa lên miệng thì bất ngờ bà Nhuận giằng ra. “Thôi, để lúc nào khỏe thì ăn ông ạ”. “Biết bao giờ mới khỏe nữa, cứ để tôi ăn. Tôi nhớ sắn, nhớ khoai bà ạ”. “Ông còn thèm, còn nhớ gì nữa không?”. “Nhiều lắm, tôi nhớ rất nhiều thứ. Nhớ bịt mắt bắt dê, bao giờ bà cũng là con dê khờ khạo. Nhớ rồng rắn lên mây, lúc nào bà cũng là khúc đuôi ốm yếu để người ta tóm được. Trò chơi nào bà cũng thua đầu tiên…”. “Ừ ngay cả lúc ông cố tình chạy chậm, tôi cũng không bắt được ông, ông nhỉ”.
***
Trước khi nhập ngũ, Lượng đã dạm hỏi Mão. Mão hơn Nhuận một tuổi, kém Lượng hai tuổi. Mão có da có thịt, nhà cũng không đến nỗi nghèo khổ quá. Với lại Mão cũng xinh xắn, nhanh nhẹn hơn. Trước khi nhập ngũ, hai người đã từng chuẩn bị đám cưới cho thỏa lòng mong đợi từ hai bên gia đình, nhưng không hiểu sao Lượng cứ linh cảm một điều gì đó không lành nên xin hoãn, đợi ngày toàn thắng. Mẹ Lượng thì bảo người con trai khi ra trận mà đã dạm hỏi hoặc cưới vợ thì thường sẽ may mắn hơn.
Gia đình Phừ nhận giấy báo tử của con khiến bố mẹ Lượng như ngồi trên than đỏ. Bốn thằng nữa ở làng đi cùng đợt ấy cũng đều hi sinh, bố mẹ Lượng cạn nước mắt mong tin con. Cuối cùng Lượng cũng về. Lượng là người may mắn thật tuy già nửa số chân tay của Lượng là đồ giả. Hai cái chân, một cánh tay giả. Một con mắt giả. Thế là chả còn đám cưới nào nữa. Mão đi lấy chồng, chồng Mão là người thanh niên duy nhất trong làng không phải tòng quân vì cái chứng “bắt chuồn chuồn”, nôm na là bàn tay run rẩy tự nhiên, dù có cầm súng cũng chẳng thể bóp cò. Thà lấy thằng chồng như thế còn hơn lấy người như Lượng.
Nhuận là cô gái như không có tuổi dậy thì. Phẳng và phẳng. Tong teo, gầy guộc vì cái cảnh đói ăn kéo dài. Duy chỉ có đôi mắt to đen, trong veo chẳng khi nào gợn chút toan tính dù quanh cô người ta ngày càng toan tính. Gặp lại Nhuận, Lượng nhớ đến những lá thư của Mão. Họ thành vợ thành chồng sau khi trải qua bao nhiêu rào cản khắc nghiệt.
***
“Này bà, còn một trò bà chưa chơi cùng tôi đâu nhá”. “Trò gì nhỉ?”. “Bà nghĩ kĩ xem”. “Tôi chịu, có bấy nhiêu thôi”. “Cái trò từ hồi chúng ta lên năm lên sáu ấy”. “Ông nói đi xem nào, gớm gần sáu chục năm rồi, sao tôi nhớ được”. “Bà đoán nhé, bắt đầu bằng chữ N”. “Ông có nhầm không, chữ L thì mới đúng. Lộn cầu vồng, nước trong nước chảy, có cô mười bảy, có chị mười ba, đi hái lá đa, về ta lộn cầu vồng”. “Không phải, chữ N cơ mà”. “Thôi ông nói luôn đi”. “Nu na nu nống”. Bà phì cười. “Nu nống cái gì, chân ông có nên hồn chân đâu mà nu với nống”. “Kệ tôi”. “Thế ông phải duỗi ra chứ”. “Ừ, duỗi ra còn khó hơn gấp vào, bà giúp tôi với”. Bà khẽ khàng duỗi chân ông ra. Hai cái chân thật để cạnh hai cái chân giả. Bốn cái chân xếp một hàng ngay ngắn trên chiếu cói. Nu na nu nống, đánh trống phất cờ, mở hội thi đua, chân ai sạch sẽ, gót đỏ hồng hào, không bẩn tí nào, được vào đánh trống. Chữ “trống” rơi vào chân trái của bà. Bà co chân ấy lại. Nu na nu nống… Lần này chữ “trống” lại rơi vào chân phải của bà. Chỉ còn lại hai cái chân nhựa của ông. Bà tiếp tục vỗ, chia đều từng tiếng lòng trìu mến vào hai cái chân ấy. Bà nu… đến lúc hai cái chân giả ấy như cũng hồng hào cả lên.
Mẹ Nhuận thuở xưa là ả đào trong chiếu hát văn của tri phủ Dĩnh. Sợ cái thói lẳng lơ phường hát nhiễm vào con thơ, nhất lại là con hoang, nên từ bé Nhuận được nhà ngoại chăm sóc. Sau này mẹ thất sủng bị đuổi về, thấy con đã biết cầm chổi, thổi cơm thì mới đem về nuôi. Nhưng mà bữa đói nhiều hơn bữa no và nhiều khi không có bữa nào. Biết thằng con thương binh để ý đến đứa gái nghèo hèn lại thêm cái bệnh đãng trí vì bị đòn roi quá nhiều từ những ông chồng hờ của mẹ, gia đình Lượng phản đối kịch liệt. Nhuận vào nhà Lượng bằng cửa sau, có nghĩa là không có trầu cau, cưới xin gì cả. Lúc nào ông cũng nói. Tôi nợ bà một đám cưới.
“Đi không đi, đứng không đứng, suốt ngày nằm đến thối thịt ra còn đeo chân đeo tay vào làm gì cho vướng. Ông điên rồi anh ạ”. Anh con trai duy nhất của ông bà nghe vợ nói thế thì bỗng thấy bứt rứt khó chịu. Đúng là bực thật. Lúc nào nhìn lên giường cũng thấy một đống chân tay giả, trông chết khiếp. Anh cũng kìm hãm lại cái bực tức mà phân trần với bố. “Thôi, bố cứ để con với mẹ tháo ra bố ạ”. Lúc ấy ông Lượng đồng ý cho tháo. Nhưng đêm đến ông ú ớ, thất thanh. “Chân tôi đâu? Tay tôi đâu?”. Lại lịch kịch đeo vào. Có lẽ ông không tự tin lắm, ngay cả trong giấc ngủ, với một thân thể bị hao khuyết quá nhiều. Có người hỏi ông. “Sao không gỡ những cái chân nhựa ra cho thoáng, đằng nào ông cũng có ngồi dậy đâu?”. Ông cật lực cãi. “Ông xem cái đồi chè kia và bốn sào ao, một mẫu ruộng, khi xưa tôi không làm mà tốt tươi được thế sao? Tôi mới chỉ nằm có một năm nay thôi mà”.
Riêng với bà, ông thì thầm. “Để chân cho chúng ta chơi nu na nu nống bà nhỉ”. Bà biết, ông rất thích trò chơi ấy. Vì đó là trò chơi duy nhất của con trẻ mà chúng không phải chạy, không phải nhảy, không phải hò hét bở hơi tai, không bị bố mẹ mắng chửi vì bẩn thỉu đất cát, không bêu đầu dưới nắng, không bươu đầu mẻ trán. Và chỉ cần một người cầm cái là được. Cái kết của trò chơi ấy là vô cùng hậu hĩnh. Không có ai thua cuộc cả. Không trước thì sau, ai cũng là người chiến thắng.
Ông Lượng liệt giường, liệt chiếu. Hậu sự chuẩn bị cả rồi. Khách khứa đến thăm thưa dần, đường sữa, phong bì thưa dần vì cái sự dai dẳng bền bỉ. “Thôi đi, mẹ đừng nu nữa”. Đứa con dâu sốt ruột gắt lên. Như thể bà còn nu na nu nống thì ông còn chưa đành lòng đi. Kẻ đánh người xoa. Anh con trai độ lượng hơn. “Mẹ mở nhạc to lên mà nu, người ngoài nghe thấy họ cười cho, ốm sắp chết rồi còn chơi trò của con nít”. Bà cứ cần mẫn nu. Bà nu thế nào mà hai cái chân giả của ông lần nào cũng dành phần thắng trước. Họ nu quên ăn, nu quên ngủ, nu quên cái chết đang từ từ tiến lên từ khung xương chậu. Cái chết đã qua bụng, gần đến ngực. Bà mải miết nu. Cơn nu của bà đã đẫm nước mắt li biệt. Nu na nu nống, đánh trống phất cờ, mở hội thi đua. Chân ai sạch sẽ, gót đỏ hồng hào, không bẩn tí nào, được vào đánh trống. Ông mỉm cười ra đi, trong tâm thế của người phất cờ chiến thắng…
Bà không thoát khỏi cơn mê nu na nu nống. Cả khi con cháu đã làm cơm cúng ba ngày cho ông. Chiếc máy phát đoạn băng cầu siêu của hội Phật giáo, với đủ cung bậc thăng trầm đời người gói trong sáu tiếng “Nam mô a di đà Phật” đang tự động ngân nga ở gian giữa nhà ngoài. Trong buồng, bà vẫn ngồi duỗi chân trên giường và nu na nu nống. Bà cầu siêu cho ông bằng một bài vè nhuần nhuyễn, thênh nhẹ. Bà nu na nu nống với hai cái chân giả của ông vì người ta bảo sau này sẽ mua chuyên cơ mà hóa cho ông cưỡi, không cần phải đem theo hai cái chân nhựa xuống mồ.
Đang đêm, bà bật cười lẩm bẩm. “Ông lại thắng rồi”. Thằng con không chịu được nữa gầm lên. “Một là mẹ vào bệnh viện tâm thần, hai là con đốt hai cái chân giả ấy đi”. Nói vậy nhưng anh cũng không nỡ đưa mẹ mình vào bệnh viện tâm thần. Xử lí hai cái chân vô tri kia quá dễ. Nó có phải là xương thịt của bố anh đâu.
Chân giả đốt rồi, một đêm, vẫn thấy tiếng nu na nu nống. Hai vợ chồng anh con trai chạy bổ vào giường mẹ. Trên giường bà là hai đoạn gốc tre được đẽo gọt cẩn thận, nhìn xa, có vẻ chúng cũng giống đôi chân người. Lần này thì bà Nhuận phải vào bệnh viện thật.
Sau nhiều đêm ngủ ngon vì không bị cái tiếng nu na nu nống của mẹ làm phiền, vợ anh buột miệng. “Sớm biết thế này đã đưa cả ông lẫn bà vào bệnh viện tâm thần từ năm ngoái. Ở đó, toàn hâm chập, gàn dở, tha hồ mà nu na nu nống”.
Một hôm, vào bệnh viên thăm mẹ. Từ đầu khoa, không khí yên ắng kì lạ, khác hẳn với sự ồn ã, nhốn nháo, gào thét, khóc cười của những lần trước. Vợ chồng anh bỗng hoang mang, bước thật chậm. Và kia, dưới bóng bằng lăng, trên những chiếc ghế đá, tốp năm, tốp ba, chẳng kể già trẻ, trai gái, quần vén cao, duỗi chân, thi nhau nu na nu nống. Tiếng nu đều đặn, ngây thơ… .
Phú Thọ, tháng 12 năm 2012
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...