Nụ cười của oan hồn
CÁC TÁC PHẨM TỪ TRẠI SÁNG VĂN HỌC NĂM 2019
VNTN - Hàng loạt trái bom trút xuống nhà máy, lửa bốc lên ngùn ngụt. Cơ thể tôi bị xé toang, các mảnh xương thịt vung vãi văng theo khói bụi. Tôi bám sợi nắng, cố quẫy đạp thoát quầng lửa nóng rực. Một đám mây sà ngang, mây cũng đen màu khói. Tôi ngụp lặn sặc sụa trong khét lẹt. Tiếng bom đạn, tiếng máy bay gầm rú tạo thành thứ âm thanh khủng khiếp hỗn tạp. Chung quanh, màn tia sáng từ pháo cao xạ bung lên trời vàng như hoa cải. Nhiều trái bom xuyên qua tôi lao xuống mặt đất. Đợt oanh tạc khốc liệt kéo dài vô hồi kỳ trận. Lý trí mách bảo phải tránh xa nơi này. Truồi qua lớp mây đen, tôi bay vút lên và tan vào nắng.
* * *
Tôi biết mình đã chết, một cái chết đau đớn. Thời khắc trái bom phát nổ, cũng là lúc dòng hợp kim được rót vào khuôn đúc. Trong chớp mắt sức công phá thổi bay tất cả. Giữa quầng lửa bom mọi thứ không tồn tại. Nhiều lần tôi lang thang tìm xương thịt mình, nhưng hoàn toàn vô vọng. Vốn được mệnh danh là trái tim của Công ty Á Đông, lớp thợ trẻ chúng tôi đã lao động quên mình cho sự hình thành và phát triển nhà máy… Chỉ phút chốc, tất cả đã bị chôn vùi trong đống đổ nát. Khu nhà xưởng đồ sộ nham nhở hố bom. Cơ thể của tôi lẫn lộn trong đám đất đá bị cày xới. Những người thợ trong ca sản xuất lẽ nào cũng chịu chung số phận? Ngồi trên nóc toa tầu cháy đen, tôi chỉ có thể gào tên mọi người trong đau khổ cùng cực… Bất chợt, đoàn xe bóng loáng nhằm thẳng tôi lao tới. Hoảng, tôi nhảy bừa vào lùm cây bên đường. “Cậu làm gì như tên ăn trộm thế hả?”. Tiếng gắt làm tôi giật nảy. Thì ra tôi đang ngồi trên ngực ai đó. Hấp tấp xin lỗi, tôi kéo anh ngồi dậy, chỉ về phía đoàn xe như những vật thể lạ lướt qua. Anh cười ha hả: “Hôm nay họ khởi công dự án. Kệ họ. Tý nữa mình tới xem văn nghệ. Nghe nói toàn ca sỹ nổi tiếng…”. Trò chuyện một lúc, tôi mới biết anh là Hòa, công nhân lái tầu, cùng trúng bom với tôi hôm máy bay hủy diệt nhà máy. Hòa nói sau chiến tranh, các nhà máy của công ty đã khôi phục sản xuất, anh đã trở lại nơi này nhiều lần tìm bè bạn, nhưng không gặp ai. Chả rõ gia đình đón họ về quê, hay lưu lạc ở phương trời nào đó.
Tôi bất ngờ khi Hòa bảo bây giờ đang trong thế kỷ hai mốt, nghĩa là thời gian đã lùi xa tới mấy chục năm. Vậy thì bao năm qua tôi ở đâu? Tôi còn nhớ lúc đó, tôi đã đào thoát khỏi khu vực bị ném bom tàn khốc, sau đó còn quay về tìm lại cơ thể mình...! Hòa vỗ vai tôi an ủi: “Chúng ta đều bạt vía. Khi không còn là mình, linh hồn lang thang cũng chẳng có gì lạ. Chiến tranh, người sống bao nhiêu việc phải lo, chết rồi ai biết đâu mà lần”. Tôi chìm đắm trong nỗi buồn se thắt, hoang mang cực độ, miệng khô đắng như ngậm mùi khói bom. Cơn đói ập đến cồn cào thốc ngược lên cổ rồi lại quặn xuống giằng xé. Thấy tôi vật vã khổ sở vì đói, Hòa níu bông hoa, hít hà rồi đặt môi lên giọt sương: “Cậu ăn một chút như tôi đi. Mấy chục năm hồn xiêu phách lạc, đói khát là phải”. Tôi vội vàng làm theo Hòa và ngất ngư trong cảm giác lân rân thật lạ. Lần đầu tiên tôi được nếm trải năng lượng sống từ một thế giới khác, thế giới khuất sau vạn vật hiện hữu. Tôi bất giác chợt hiểu tại sao những người chết chỉ ăn hương ăn hoa. Chờ tôi hoàn toàn tỉnh táo, Hòa nhỏ nhẹ: “Tôi lạc vào nghĩa trang liệt sỹ. Không có nơi trú ngụ, tôi ở lại đó. Bên họ tôi được chia sẻ ngọt bùi...”. Tôi ngạc nhiên: “Chúng ta không phải liệt sỹ sao?”. Hòa nhăn mặt: “Cậu lạc hậu bỏ mẹ. Họ chiến đấu vì dân vì nước. Bọn ta chỉ là dân, liệt sỹ với ai? Những người chết của nhà máy, họ chôn cất ngoài cánh đồng. Tôi với cậu nếu còn xác cũng được chôn ở đó. Nghe nói trận bom ấy, chả mấy người còn xác. Tôi đã đi tìm, nhưng chẳng ngôi mộ nào thấy tên”. Tôi bắt đầu lo lắng. Hài cốt mình không còn cũng chẳng có gì lạ. Nhưng Hòa chết vẫn an nhiên vô sự, sao tôi hồn vía ly tán vất vưởng phương trời nào? Không để tôi kịp hỏi, Hòa nháy mắt: “Không phải ai cũng là chính mình. Vô lo bất nghĩ đi. Một năm cõi âm khác với phàm trần”. Tôi cố vớt vát: “Sao anh ở trong lùm cây này?”. “Đây là khu họ trồng cây cảnh. Ngày xưa nơi này tôi gặp cô bạn gái. Tôi trở lại để sống với kỷ niệm. Mình chết rồi, ở chỗ nào chẳng được. Ta đi nghe hát hò cho nhẹ đầu”. Thấy tôi lưỡng lự không muốn đi nghe hát, Hòa lôi vụt tôi như tha theo mớ giẻ lau máy. Khu vực chúng tôi đến đã đông nghịt người, cờ phướn phấp phới. Trên sân khấu, màn hát múa đã bắt đầu, các vũ công ăn mặc thiếu vải uốn éo nhảy nhót giật đùng đùng như lên cơn điên. Hòa chỉ người bệ vệ mặc com lê, ca vát ngồi chính giữa thì thào: “Ông ấy là Khán, tổng giám đốc, chủ đầu tư, sếp của công ty này”. Không còn chỗ ngồi, tôi leo lên ngồi trên đầu sếp chờ nghe những bài hát sôi động bạn bè tôi vẫn hát. Ngày ấy sau ca làm việc, trong buổi sinh hoạt đoàn, giai điệu và ca từ các bài hát đã thổi bùng lên ngọn lửa tin yêu cuộc sống, thôi thúc chúng tôi quên mình vì những điều cao cả. Tiếng âm thanh đinh tai nhức óc làm tôi không thể trò chuyện. Nhiều vũ điệu tôi buộc phải nhắm tịt mắt. Các vũ công như muốn ném mọi thứ trên người vào mặt khán giả bằng những pha rung lắc mông ngực dữ dội.
Chán, tôi bỏ ra ngoài, mặc kệ Hòa lắc lư trên đầu một khách VIP.
* * *
Tôi dễ dàng nhận ra nhà máy tôi làm việc với dãy nhà xưởng đồ sộ và ống khói cao vút. Sau chiến tranh, nhà máy được khôi phục nguyên trạng. Tiếng máy reo giòn, gương mặt bao người thợ đỏ bừng, mồ hôi nhễ nhại. Nơi tôi làm việc, cỗ máy đang quay đều, đèn tín hiệu nhấp nháy sáng. Những ngày tháng vận hành, tôi và đồng nghiệp yêu cỗ máy như chính bản thân mình, chăm chút kiểm tu bảo dưỡng để năng xuất cao, đảm bảo chất lượng, hạ giá thành. Đất nước còn nghèo, nhà máy là mồ hôi công sức của bao nhiêu người chắt chiu dành dụm. Bất chợt, người thợ điều khiển hệ thống nạp liệu lặng lẽ bỏ ra ngoài. Tôi sững người ngạc nhiên. Nạp phối liệu là khâu quan trọng quyết định chất lượng sản phẩm, người thợ phải thao tác và giám sát tỷ mỷ, thời gian tính bằng giây, không thể làm việc chớt chát như vậy. Tôi chạy tới, chưa kịp nhắc anh đã cằn nhằn với người đối diện: “Nhà máy cũ rích, kêu thiếu kinh phí sửa chữa lớn, lại ném cả đống tiền đầu tư. Mình nai lưng làm cho vài thằng nó đớp”. “Mày ăn với nói. Họ có lý của họ, ta làm công ăn lương, biết quái gì”. “Chứ không à? Có đầu tư mới có phần trăm. Ma ăn cỗ tao cũng biết”. Tôi giật thột, lẩn nhanh. Tôi đã chết, giờ chỉ là hồn ma. Mấy chục năm qua chưa từng được ăn, nói gì đến cỗ. Ngộ nhỡ….
Suốt ngày tôi hoang hoải lang thang. Có lúc cảm nhận rõ muôn sự, có lúc lễnh loãng rối bời như sắp tan vào mây trắng. Đời khi còn sống là vô thường, khi chết là gì thì tôi chịu. Ai đó nói: Con người ta sinh ra từ cát bụi, khi nhắm mắt xuôi tay lại trở về cát bụi. Tôi tan nát hình hài trong chớp bom oan nghiệt, làm sao còn nhắm mắt? Nếu không là cát bụi, cõi niết bàn với niềm vui thiên đường bao giờ tôi có thể tới? Thời gian tôi làm thợ, lãnh đạo nhà máy cho phép mọi công nhân làm chủ. Tôi không biết thợ thuyền thì làm chủ cái gì, nhưng luôn thể hiện được trách nhiệm của mình. Tại sao người thợ làm thay vị trí của tôi lại có thái độ như vậy? Không thể tìm được Hòa, tôi đơn côi lủi thủi. Ngồi trên ống khói nhà máy, tôi nhớ nhà da diết. Hình ảnh mẹ lưng còng như dấu hỏi làm mắt tôi cay sè. Tôi muốn về nhà, nhưng không thể nhớ đường về quê. Chập tối tôi lê bước vô định trên mái phố, hoa mắt vì sự náo nhiệt. Nếu không có các biển hiệu quảng cáo, tôi đã nghĩ mình lạc vào một quốc gia nào khác. Thời tôi sống chưa có một đường phố nào như thế, kể cả ở thành phố thủ đô, nơi tôi và mấy người bạn từng xếp hàng mua kem que. Đêm khuya, dòng xe cộ thưa thớt dần, nhác thấy tòa nhà sang trọng gần đó, tôi lẻn vào bên trong. Đang lơ ngơ giữa phòng khách sáng choang, Hòa đâm sầm vào tôi, mặt tái nhợt. Hấp tấp kéo tôi ra ngoài, anh nói trong hơi thở gấp: “Tôi lên xe của tổng giám đốc. Không ngờ sếp vào đây…”. Tôi ngớ người nghi hoặc: “Anh dám ngồi xe của sếp! Đây là đâu?”. Hòa nhìn tôi tròn mắt: “Ô! Thế ông không nhìn biển hiệu kia à? Khách sạn. Bố khỉ. Sếp vào với gái”. Chưa từng có người yêu, tôi cũng lờ mờ thấy ông sếp có điều gì đó... Hiểu ý, Hòa ngập ngừng: “Nếu thực tâm muốn nhà máy tồn tại, ông để ý mọi việc sẽ rõ. Thế nhé! Hẹn gặp sau”. Bỏ mặc tôi ngỡ ngàng đứng như trời trồng, Hòa lướt nhẹ như cánh bướm.
* * *
Tôi không đủ trí khôn để tư duy theo kịp thời cuộc, bởi sự phát triển nhanh chóng cõi phàm trần. Thái độ lạ lùng của Hòa làm tôi rối bời. Tôi đã góp phần xây dựng nhà máy, đã bám trụ đến cùng trong trận bom hủy diệt, không muốn nhà máy tồn tại họa có là thằng điên. Sau nhiều ngày đêm vắt kiệt sức suy nghĩ, tôi quyết định hành động. Với tâm thế của một kẻ đã chết, tôi tiếp xúc với đủ tầng lớp cán bộ công nhân, tham gia tất cả các cuộc họp từ tổ sản xuất đến ban điều hành, theo sát từng bước đi của tổng giám đốc… Khác với vẻ hào nhoáng của phòng họp, phòng truyền thống và các ngôn từ bóng bẩy, những sự thật phũ phàng hé lộ làm tôi choáng váng. Nhiều khi cái đen tối được che đậy tinh vi bằng vỏ bọc tốt đẹp. Tôi không nghĩ đằng sau sự phát triển và những đổi thay nhanh chóng về kinh tế xã hội, còn quá nhiều vấn đề mới nảy sinh rất khó kiểm soát. Dường như ở đời, không hẳn người tốt, người có trình độ năng lực đã được trọng dụng. Những người ăn nói bỗ bã, ít nhẫn nhịn bị ai đó chỉ trích đã là người xấu. Người được đào tạo bài bản, có quá trình cống hiến như tổng giám đốc không hẳn đã giữ được mình trước mọi cám dỗ. Phần lớn sự thoái hóa, biến chất dẫn tới suy đồi đều bắt nguồn từ lòng tham. Để mưu lợi cho mình, Khán không từ thủ đoạn nào lợi dụng quyền lực chà đạp bất cứ ai. Nhiều lần bám theo tổng giám đốc giao dịch với các đối tác, tôi ngỡ ngàng không tin vào mắt mình trước món lại quả sếp được nhận. Sau mỗi lần đặt bút ký, sếp lặng lẽ vơ nhẹ những tập tiền đô mới cáu cạnh, những thỏi vàng nguyên khối... Chắc hiếm ai có thể hình dung người như sếp lại có thể cò kè bớt một thêm hai tỷ lệ phần trăm trong các thương vụ. Dường như công việc chính của sếp chỉ là họp, ăn nhậu, chơi gái và ngồi đếm tiền vàng. Chỉ cần kiên nhẫn ngồi trên máy lạnh ngửi mùi rượu thịt trong cuộc tiệc, tôi dễ dàng nắm được mọi thủ đoạn và mánh khóe vơ vét của tổng giám đốc. Nhấp cạn ly rượu mạnh, Khán rành rẽ:
“Công ty tôi nhà nước vẫn giữ phần vốn chi phối, không biết chùi mép là toi. Bọn cứng đầu tôi đã cơ bản “dọn” sạch, nhưng có thể chưa hết những thằng hay kèn cựa, trâu buộc ghét trâu ăn. Việc mua bán tôi cho chào giá cạnh tranh, đấu thầu minh bạch, các cậu phải thực hiện đúng quy định, tạo điều kiện một thằng trúng rồi chia nhau mà làm. Mọi việc phải hết sức thận trọng, nó móc họng là khốn. Biết bảo nhau mới có cái đút vào mồm, đạp đổ nồi cơm của nhau là vứt”. “Sếp yên tâm. Mỗi thằng em một mảng, chó má với nhau làm gì”. “Tôi cứ nhắc thêm thế”. Người ngồi đối diện lấp lửng: “Em có mấy công ty làm quân xanh. Sếp chỉ hô một tiếng là ô kê ”.
Dù chẳng khó khăn gì, tôi cũng không dám bám theo tổng giám đốc vào phòng cùng những ả gái non. Mùi son phấn trộn mùi bia rượu tạo nên thứ hỗn hợp sặc tính dâm loạn làm tôi khiếp. Một lần lẻn vào trong ca táp tìm đọc cuốn sổ ghi chép tiền lại quả của các hợp đồng, tôi được sếp xách vào phòng khách sạn. Cặp vừa mở, tôi tá hỏa: Trên giường một ả đã nồng nỗng chờ sẵn, da thịt trắng nhởn. Sếp vừa lẳng cho ả tập tiền mới xanh lét, ả đã hộc lên như lợn bị chọc tiết. Thần hồn nát thần tính, tôi bung cửa sổ chuồn. Ngày còn bé mẹ tôi dạy: Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, không được nhìn vào mâm cơm người khác. Tuy vậy, muốn tìm hiểu thực trạng đời sống người thợ, tôi đã tới nhiều gia đình. Tận mắt thấy mâm cơm của họ, tôi thực sự xót xa. Giá như sếp bớt những cuộc tiệc thừa mứa, chắc họ sẽ ít đi bữa cơm đạm bạc như thế. Ngày tháng trôi, không thể tìm gặp Hòa chia sẻ bao điều mắt thấy tai nghe, tôi như kẻ thất tình vục mặt vào bóng đêm rã rượi. Lẽ nào sự đời lại tồn tại sự vô lý đến vậy! Người như Khán chèo lái, liệu công ty này sẽ đi về đâu? Chán, chẳng thiết lượn lờ ngắm “cánh đồng người” tất bật trên đường nhựa, tôi chui vào lùm cây cảnh. Không rõ tôi lịm trong nhựa đắng bao lâu. Hòa tới từ lúc nào, sẵng giọng trách: “Con người còn bao việc phải lo. Cậu định yên giấc ngàn thu cho rảnh nợ hả?”. Tôi cũng tỏ thái độ bực dọc không kém: “Anh biến con mẹ thằng lươn. Tôi nghe anh, chỉ phí sức chứ làm được cái gì?”. Hòa nhìn tôi hồi lâu, trầm tư: “Đúng. Chết là hết, chúng ta không thể làm gì được cho cõi phàm trần. Điều cơ bản là mình phân biệt được đúng sai. Phù trợ lũ súc sinh cũng là gieo mầm ác. Lần theo dự án đầu tư xây dựng nhà máy, tôi phát hiện quá nhiều bất cập. Nếu dự án tiếp tục triển khai, hệ lụy mai sau sẽ khôn lường…”. Bằng giọng nói hết sức rành rọt, Hòa kể lại chi tiết quá trình điều tra sự việc. Thì ra tổng giám đốc và những kẻ có quyền lực đã liên kết lập dự án, mục đích để bòn rút ngân khố quốc gia. Nhiều tỷ đồng đã chảy vào túi bọn chúng…Với dây chuyền thiết bị lạc hậu, chỉ tương đương nhà máy hiện có, khi đi vào sản xuất chắc chắn không thể cạnh tranh với sản phẩm cùng loại. Nhà máy sẽ trở thành đống sắt vụn là tất yếu. Lúc đó trên cương vị công tác khác, có vô vàn lý do để biện minh cho việc phá sản, từ quản lý yếu kém của ban điều hành mới, suy thoái kinh tế thế giới, hoặc vân vân gì đó…!
Tôi lặng người chua xót: “Họ có cả một quy trình về công tác cán bộ. Người sống biết mười mươi còn không làm gì được, huống hồ thây ma!”. Hòa bặm môi: “Tội ác của chúng phải bị trả giá. Linh hồn nào cũng phải có trái tim. Kẻ đã chết còn một thứ duy nhất đó là quyền năng. Chúng ta chết trong oan nghiệt, không thể để người sống chịu ẩn ức nghiệt ngã…”. Chưa nói hết câu, Hòa đã tan vào nắng. Có thể gồng mình tìm hiểu bản chất sự việc, linh khí của anh đã cạn kiệt. Gặp anh sẽ còn rất lâu…
* * *
Đau đáu với lời Hòa, càng nghĩ tôi càng thấy mình mạnh mẽ. Ở đời, con người ta sống bằng niềm tin, có niềm tin là có tất cả. Thác về nơi suối vàng, những hồn ma nhiều khi cũng bị lung lạc bởi quỷ dữ. Thần thánh ngự trong mỗi linh hồn, miền tăm tối phiêu linh luôn được thắp lửa từ đức tin. Dù ở cõi nào, chân lý vẫn luôn tồn tại. Không thể để tổng giám đốc và những kẻ thất đức nhởn nhơ phè phỡn, tôi luôn bám sát nhất cử nhất động của họ. Lần đầu tiên, tôi mạo hiểm chui vào xe về ngôi nhà của Khán. Gọi là nhà, nhưng thực chất đó là tòa lâu đài kiến trúc kiểu tân kỳ, nếu bằng tiền lương, tôi dám chắc Khán phải dành dụm cả nghìn năm mới có. Bằng sức mạnh của lý trí, tôi vượt qua lớp vệ sỹ của Ngưu ma vương ông thầy Khán thuê mời về hộ giá. Đợi Khán say giấc, vận hết công khí, tôi chui vào bộ não chằng chịt các nơ ron thần kinh teo tóp của một kẻ ngu học. Đang hớn hở trong giấc mơ đẹp bên các ả chân dài, thấy tôi Khán quắc mắt: “Mày là thẳng thổ tả nào?”. Tôi không biết thổ tả là loại người gì, nhưng chả sao. Giữ thái độ điềm tĩnh, tôi nhã nhặn: “Xin lỗi! Tôi là thằng thổ tả nào, điều đó không quan trọng. Tôi chỉ là một trong số những người đã chết tại nhà máy”. “Mày cần gì?”. “Người đã chết thì không cần gì cả. Tôi chỉ đòi quyền sống tử tế cho những người chưa chết”. “Tao có giết chúng đâu mà không sống?”. “Họ chưa chết nhưng sống không bằng chết. Tất cả đều do ông và những người cùng vây cánh. Việc ông làm có thể che mắt cấp trên, nhưng không che được mắt thiên hạ. Hãy dừng lại trước khi quá muộn”. “Bố láo! Mặc mẹ tao…”. “Tôi không dỗi hơi vì ông, mà vì hàng nghìn người lao động của công ty. Nhân thế không chỉ có luật đời. Ác nhân ắt phải bị nghiêm trị”. Khán trợn trừng mắt, sùi bọt mép hét lớn: “Bay đâu? Giết…!”. Lũ đồ tể từ lá bùa yểm lao tới. Tôi nhanh chóng leo tót lên ban thờ. Tôi không nhớ mình đã chui vào bộ não của Khán và những kẻ đồng phạm bao nhiêu lần. Dù đôi chút áy náy khi sếp giãy giụa mê sảng trong giấc mộng kỳ quái, nhưng nghĩ đến những việc hắn gây ra, tôi biết mình không quá tàn nhẫn. Không rõ bằng cách nào, các cơ quan chức năng phát hiện những việc làm bất minh và vào cuộc kiểm tra…
* * *
Những khuất tất của công ty dần sáng tỏ làm cho những người thợ có thêm niềm tin và năng lượng sáng tạo. Một không khí lao động mới tràn ngập nhà máy. Bao tấm áo bạc ướt đẫm mồ hôi cùng nụ cười rạng rỡ tạo cho tôi cảm xúc thật khác lạ. Có lẽ cũng như tôi ngày ấy, họ hiểu rằng chỉ có lao động tốt, họ mới có cuộc sống tốt hơn cho mình và gia đình. Lạc vào cuộc họp của ban lãnh đạo nhà máy, tôi thực sự ấn trượng với lời một vị giám đốc trẻ: “Chúng ta phải biết chăm lo phát huy nhân tố con người, coi con người là động lực cho quá trình phát triển. Người lao động gắn bó với nhà máy của mình, không chỉ để có việc làm và thu nhập, mà còn bằng tình cảm và trách nhiệm”.
Trên khu khuôn viên hoa đã bắt đầu khoe sắc, những bông hoa như nói thay lời tin yêu của cuộc đời.
Ngồi trên nóc nhà máy, tôi thấy mình thật thanh thản nhẹ nhõm. Rất có thể chỉ ít phút nữa tôi sẽ tan vào nắng và vĩnh viễn không trở lại. Kẻ đã chết không được phép gây xáo động cuộc sống của con người. Tôi không còn hài cốt, cũng chẳng có nơi nào trú ngụ. Thân xác tôi gửi lại nhà máy, có lẽ linh hồn thoát xác của tôi cũng vẫn sẽ an yên với màu mây nơi này. Soi mình vào nắng, tôi gặp nụ cười. Trời ơi! Đó là nụ cười của chính tôi ngày nào… Sau những giông gió thăng trầm của công ty, tôi tin loại sâu mọt như Khán sẽ bị loại bỏ và không thể làm vẩn đục những ngày nắng đẹp huy hoàng.
Truyện ngắn. Phan Thái
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...