“Nụ cười của Angkor”- một kỳ tích nghệ thuật
70 phút cho một nền văn hóa chói sáng
Siêm Riệp nằm ở phía Tây Bắc Campuchia, từng là kinh đô của vương triều Khmer. Sở hữu những di sản văn hóa nổi tiếng thế giới, Siêm Riệp đã và đang là thành phố du lịch hấp dẫn nhất của đất nước Campuchia. Đến Siêm Riệp, sau khi khám phá các quần thể kiến trúc vĩ đại Angkor Wat, Angkor Thom, thăm núi Núi Kulen linh thiêng cùng sông ngàn Linga huyền thoại, ngắm hoàng hôn trên Biển Hồ mênh mông, thì chúng tôi đã dành trọn vẹn một buổi tối ở Siêm Riệp cho việc thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc sắc không thể có ở bất cứ đâu trên thế giới này.
Được trình diễn tại Trung tâm Biểu diễn và Nghệ thuật Siêm Riệp, Nụ cười của Angkor (Smile of Angkor) - chương trình nghệ thuật sử thi, kết hợp nhuần nhuyễn giữa các loại hình nghệ thuật truyền thống bản địa với sự hỗ trợ của công nghệ cao, đã tái hiện sinh động lịch sử của một quốc gia với những giá trị văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo… hết sức nhân văn. Nụ cười của Angkor thực sự là một bất ngờ đối với những người hiểu biết quá ít về đất nước này trước khi đặt chân tới đây, như tôi và nhiều du khách Việt cùng đoàn.
Nguồn: Internet
Một bất ngờ không kém là khi biết đạo diễn chính là Trương Nghệ Mưu, nhà đạo diễn số một Trung Quốc, nổi tiếng thế giới với những bộ phim Đèn lồng đỏ treo cao, Phải sống, Thu Cúc đi kiện, Thập diện mai phục, Cao lương đỏ,… đặc biệt là màn khai mạc và bế mạc Thế vận hội Bắc Kinh 2008. Nghe nói khi Trương Nghệ Mưu ghé thăm Siêm Riệp, biết được lịch sử của thành phố cùng những phế tích nổi tiếng ở đây, ông đã dành 6 tháng để nghiên cứu, sau đó ở lại dàn dựng show Nụ cười của Angkor, trực tiếp huấn luyện và tài trợ cho chương trình. Nụ cười của Angkor là một món quà Trương Nghệ Mưu dành cho người dân Campuchia. Cùng với việc chương trình nhận được sự hỗ trợ của Bộ Văn hóa & Nghệ thuật Trung Quốc và Campuchia, rồi một công ty của Trung Quốc đứng ra hợp tác tổ chức và kinh doanh sự kiện này, Nụ cười của Angkor được xem là một trong những thành tựu hợp tác văn hóa giữa Campuchia và Trung Quốc.
Được dàn dựng dựa trên truyền thuyết và văn hóa Khmer, Nụ cười của Angkor kéo dài 70 phút gồm 6 phần “Đối thoại với Thần”, “Vương triều hưng thịnh”, “Sự hồi sinh của các vị thần”, “Khuấy biển sữa”, “Nguyện cầu cho sự sống” và “Nụ cười của Angkor“ như 6 vở kịch được kết nối một cách khéo léo với nhau, đã tái hiện một cách không thể tuyệt vời hơn về lịch sử vương quốc Khmer - một đế chế hùng mạnh từng sở hữu vùng đất rộng lớn nhất Đông Nam Á, lên đến 1 triệu km² (gấp 3 lần Việt Nam hiện nay), quá trình xây dựng các đền tháp Angkor vĩ đại, công cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, cuộc chiến giữa các vị thần và bầy ác quỷ thể hiện các quan niệm về vũ trụ và nhân sinh, và hơn hết thảy là một nền văn hóa vô cùng rực rỡ của dân tộc Campuchia.
Nguồn: Internet
300 diễn viên, nhạc công, trong đó có những nghệ sĩ bậc nhất của Hoàng cung Campuchia, của nền nghệ thuật Campuchia tham gia chương trình này. Rất nhiều trong số họ là trẻ mồ côi hoặc con em các nạn nhân bom mìn trong thời chiến tranh. Họ đem đến đây những điệu múa truyền thống cổ điển của Campuchia như shiva, apsara, múa quân nhân, múa công, múa khỉ, múa nến Hoàng cung, bokotor (kỹ thuật chiến đấu của người Campuchia). Sự chuyên nghiệp và điêu luyện của họ khiến khán phòng liên tục vang lên những tràng vỗ tay ngưỡng mộ của khán giả. Điều thú vị là tất cả các trang phục đã được sao chép từ các mẫu cổ khắc trên các bức vách đá của Angkor.
Nụ cười của Angkor cũng là một bữa tiệc âm nhạc đặc sắc với sự hiện diện của toàn bộ các loại hình âm nhạc truyền thống của Campuchia từ nhạc lễ hội dân gian đến nhạc cung đình, nhạc nghi lễ tôn giáo.
Không chỉ tái hiện lịch sử hùng mạnh của đế chế Khmer hay các truyền thuyết vốn là nền tảng tinh thần của người Khmer trong những cuộc đấu tranh sinh tồn, Nụ cười của Angkor còn mang lên sân khấu cả một đời sống lao động và sinh hoạt thường nhật của người dân Campuchia, như trồng trọt, bắt cá, chăn nuôi gia cầm... Khán giả đặc biệt thích thú khi trên sân khấu có mưa rơi, có lễ hội té nước, có màn gội đầu của các cô gái, có màn bắt cá và cá quẫy trên tay các chàng trai, có cả đàn ngỗng được những người nông dân lùa, chạy lạch bạch qua sàn diễn.
Nguồn: Internet
Một điều tôi ngưỡng mộ nữa, đó là thông điệp của chương trình gửi đến khán giả ở màn kết. Nụ cười Angkor đầy bao dung, độ lượng, trải qua những thăng trầm của lịch sử, qua khổ đau mất mát, vẫn an nhiên tự tại như một lẽ vô thường, gửi tình yêu thương đến tất cả mọi người, gửi khát vọng về cuộc sống hòa bình, tốt đẹp cho tất cả nhân loại. Đó là một trong những cách “giải mã” vô cùng nhân văn cho nụ cười bí ẩn của tượng thần 4 mặt ở đền Bayon - nơi có 54 bức tượng với 216 khuôn mặt, nhưng chỉ có một trong số đó mang khuôn mặt cười, và nụ cười bất tử ấy đã trở thành biểu trưng cho nền văn hóa, cho ngành du lịch của Campuchia.
Và những dấu ấn bên lề
Sân khấu được thiết kế đặc biệt với hệ thống âm thanh ba chiều, ánh sáng hiện đại, hệ thống các màn hình LED cực lớn và các sàn trượt, sàn quay, sàn nâng hạ, nước và lửa… khiến cho sân khấu liên tục biến đổi, mở ra những không gian nghệ thuật kỳ ảo vô cùng hấp dẫn, hỗ trợ cho việc thể hiện nội dung.
Phụ đề được chạy phía trên sân khấu với bốn ngôn ngữ: Anh - Trung - Hàn - Việt. Lý do là bởi ngoài tiếng Anh vốn thông dụng trên thế giới, ba quốc gia còn lại có số lượng khách du lịch tới Campuchia lớn nhất nên được ưu tiên.
6 năm với hơn 1500 buổi biểu diễn, Nụ cười của Angkor như một "cửa sổ hiển thị văn hóa Khmer cho toàn thế giới", ngoài giá trị nghệ thuật có một không hai, còn là một thành công về mặt thương mại. Khởi đầu với số vốn 5 triệu USD, đến nay con số thu về không được tiết lộ nhưng có lẽ là rất lớn, vì theo thông tin trên báo chí nước ngoài, cứ 10 người khách đến Siêm Riệp thì có 3 người đến xem Nụ cười của Angkor. Năm 2015, Siêm Riệp đón 2,1 triệu du khách.
Người ta đã dựng lên cả một nhà hát khoảng gần 1000 chỗ ngồi chỉ để biểu diễn tiết mục này hằng đêm. Giá vé không hề rẻ - 48 USD (hơn 1,1 triệu đồng Việt Nam) - cho ghế hạng A, 38 USD cho hạng B kèm theo một suất ăn tối buffet, 40 và 30 USD nếu không sử dụng bữa tối - nhưng liên tục từ buổi diễn đầu tiên tới nay đêm nào cũng đỏ đèn và hầu như kín chỗ.
Việc tổ chức kinh doanh rất chuyên nghiệp. Nụ cười của Angkor được quảng bá tràn ngập bằng nhiều ngôn ngữ trên mạng internet. Đặt chân đến Siêm Riệp, du khách sẽ chạm mắt vào các kiểu quảng cáo cho Nụ cười của Angkor, từ các pano lớn ở sân bay bằng 3 thứ tiếng Anh - Trung - Hàn, đến áp phích trên các nẻo đường của thành phố . Chương trình hướng đến khách du lịch theo tour nên tour nào cũng khéo léo sắp xếp lịch trình phù hợp và quảng bá để đưa được khách đến rạp với vé ưu đãi hơn so với giá niêm yết từ 20 - 25 %. Ở nơi biểu diễn, từ cách bài trí, thiết kế lối ra vào, nơi chụp ảnh lưu niệm, cách sắp xếp chỗ ngồi trong rạp… đều được tính toán và thực hiện rất hợp lý. Vé không in số ghế, chỉ có hạng A hoặc B. Vào rạp, người hướng dẫn sẽ sắp xếp chỗ ngồi đâu ra đó cho khách, nên rạp cả nghìn chỗ ngồi nhưng không hề có tình trạng lộn xộn, ồn ào vô lối. Trước khi vào xem, khách tha hồ chụp ảnh với các vũ công diễn viên nhưng phải trả 1 USD cho mỗi kiểu ảnh dù tự chụp; trong khi xem tuyệt đối không được quay phim chụp ảnh; xem xong và ra về thì nhân viên của rạp dàn hàng ngoài lối ra mời mua đĩa DVD chương trình, 5 USD/ đĩa. Tôi cũng mua một chiếc về để còn xem lại nhưng hóa ra trong đó chỉ có những trích đoạn ngắn chứ không phải toàn bộ chương trình. Muốn xem đầy đủ ư, hãy trở lại nơi này!
Nguồn: Internet
Ra về, tôi nghĩ mãi đến những chương trình được gọi là “nghệ thuật đặc biệt” trong các lễ hội hay các dịp lễ trọng ở nước mình, tiêu tốn hàng tỉ, thậm chí hàng chục tỉ đồng, chỉ diễn một đêm duy nhất nhưng đáng tiếc là không để lại cảm xúc cho người xem. Giá như những chương trình ấy được đầu tư kỹ lưỡng theo hướng tích hợp giữa nghệ thuật, quảng bá văn hóa lịch sử với làm kinh tế du lịch, trở thành sản phẩm du lịch thì có lợi cho người dân hơn.
Tôi nghĩ đến nhà viết kịch người Nhật Bản Shimizu Takahiko, Giám đốc Dự án Giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản (NPO), người đã dành toàn bộ tình cảm và tâm huyết viết tặng tỉnh Thái Nguyên vở opera Chuyện tình chàng Cốc, nàng Công, nhưng đến nay mới chỉ được một đơn vị dàn dựng ở mức… phong trào văn nghệ quần chúng. Giá như một ngày nào đó, Thái Nguyên của chúng ta dàn dựng được Chuyện tình chàng Cốc, nàng Công của Shimizu Takahiko một cách chuyên nghiệp, trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc góp phần thu hút và giữ chân du khách đến Thái Nguyên thì hay biết mấy.
Nguyễn Thúy Quỳnh
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...