Nông Quốc Chấn - con chim đầu đàn của Văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam
LTS: Nhà thơ Nông Quốc Chấn, dân tộc Tày, sinh ngày 18 tháng 11 năm 1923 ở thôn Nà Cọt, xã Cốc Đán, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn. Vừa qua, nhân dịp 100 năm ngày sinh của ông, tỉnh Bắc Kạn đã phối hợp với Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) các dân tộc thiểu số Việt Nam long trọng tổ chức Hội thảo “Nhà thơ Nông Quốc Chấn với quá trình phát triển văn hoá, văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số trong những năm qua”. Bài viết dưới đây của tác giả Vi Hồng Nhân, nguyên Vụ trưởng Vụ Văn hóa Dân tộc, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch; Phó Chủ tịch Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam là một trong 15 tham luận được trình bày tại Hội thảo. Bài viết là góc nhìn thấu đáo, toàn diện về nhà thơ, nhà văn hóa Tày Nông Quốc Chấn. VNTN xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Nhà thơ Nông Quốc Chấn đã thành người thiên cổ hơn 20 năm, nhưng ông vẫn để lại tiếng thơm, là tấm gương sáng về tinh thần lao động say sưa, quên mình, về lối làm việc, tác phong và nhân cách sống đối với nhiều người làm công tác văn hóa.
Tôi biết đến nhà thơ Nông Quốc Chấn từ những năm sáu mươi của thế kỷ trước, đầu tiên là qua thơ ông, khi tôi làm giáo viên văn học giảng một số bài thơ ông có trong chương trình như: Dọn về làng, Bộ đội Ông Cụ, Việt Bắc - Tây Nguyên... Sau đó được tiếp xúc trực tiếp trong dịp ông đến giảng bài cho Trại sáng tác văn học nghệ thuật tỉnh Lạng Sơn (1965 - 1966) và dự Đại hội Hội Văn nghệ Khu Việt Bắc tại địa điểm sơ tán trong hang đá ở khu rừng huyện Võ Nhai tỉnh Thái Nguyên. Khi đó ông là Giám đốc Ty Văn hóa kiêm Chủ tịch Hội Văn nghệ Khu Việt Bắc (1968). Đến khi tôi làm Giám đốc Sở Văn hóa kiêm Chủ tịch Hội Văn nghệ Lạng Sơn (1982 – 1986), có lần ông đến làm việc, gặp gỡ anh em văn nghệ sĩ, nghe ông đọc thơ tiếng Tày và tiếng Việt với giọng nhẹ nhàng, truyền cảm của người Bắc Kạn đã làm tôi và nhiều người xúc động thật sự. Từ đấy tôi yêu thích và tập làm thơ song ngữ Tày – Việt. Với thái độ vui vẻ, chân tình, ông thường chủ động gần gũi, nhỏ nhẹ, thân tình hỏi chuyện và chia sẻ kinh nghiệm viết với các học viên, nhiều tuổi cũng như ít tuổi. Ông đã thực sự gây ấn tượng cho tôi từ những lần gặp đầu tiên.
Nói Nông Quốc Chấn là người cán bộ, đảng viên mẫu mực, nhà văn hóa tầm cỡ, nhà thơ nổi tiếng, là con chim đầu đàn trên lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số thời hiện đại, cũng không hề quá lời. Ông đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong cuộc đời công tác của mình. Sau này, tôi có một số năm được làm việc dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông, càng hiểu và kính trọng ông bởi đức tính, năng lực, tinh thần làm việc và tình cảm của ông với văn hóa, văn học Việt Nam, trong đó đặc biệt với văn hóa, văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số.
Trong lĩnh vực hoạt động chính trị, có thể nói ông là nhà hoạt động cách mạng từ sớm, trong Cách mạng Tháng Tám 1945 ông tham gia tổ chức Mặt trận Việt Minh từ cơ sở; khi cách mạng thành công và sau hòa bình lập lại ở miền Bắc, ông tham gia cấp ủy từ cơ sở đến tỉnh, Khu Việt Bắc, rồi ông là một trong số không nhiều những văn nghệ sĩ, nhân sĩ trí thức tham gia tổ chức đoàn thể chính trị ở cấp trung ương (Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại biểu Quốc hội).
Trong lĩnh vực hoạt động văn hóa, trước tiên phải nói ông là một nhà văn hóa, nhà văn hóa đúng nghĩa, từ sự am hiểu về văn hóa truyền thống của dân tộc đến văn hóa chung của nước ta và nhân loại, cách ứng xử nhân ái, nhân văn, trân trọng mọi người đối thoại với mình ở mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp; từ cung cách làm việc, lối sống giản dị, chân thật, chân thành, đặc biệt là thái độ trân trọng, trăn trở về sự gìn giữ, phát huy, phát triển văn hóa dân tộc mình và các dân tộc thiểu số Việt Nam trong xu thế chung của đất nước. Từ đó ông suy tính, chia sẻ, đề xuất những chủ trương, biện pháp, cơ chế, chính sách, tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ làm văn hóa vùng miền núi, dân tộc thiểu số suốt từ khi là Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội Văn nghệ Việt Bắc, đặc biệt là khi làm Thứ trưởng Bộ Văn hóa qua mấy đời Bộ trưởng.
Ông còn là nhà tổ chức đã có công xây dựng, gìn giữ, phát huy bộ máy tổ chức làm văn hóa, văn học nghệ thuật ở miền núi và vùng các dân tộc thiểu số. Ông đã có công lớn giữ và điều chỉnh, phát triển một số thiết chế làm văn hóa dân tộc thiểu số khi bỏ cấp Khu, như: Bảo tàng Tổng hợp Khu Việt Bắc thuộc Khu chuyển thành Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam thuộc Bộ, Đoàn Văn công Việt Bắc thuộc Khu chuyển thành Đoàn Ca múa Dân gian Việt Bắc thuộc Bộ (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Dân gian Việt Bắc), trường Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc thuộc Khu đưa về thuộc Bộ, Nhà Xuất bản Việt Bắc đưa về nhập vào Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin của Bộ Văn hóa, sau một thời gian ông lại đề nghị tách ra lập thành Nhà Xuất bản Văn hóa dân tộc trực thuộc Bộ Văn hóa (nay là Công ty Một thành viên NXB Văn hóa dân tộc).
Ông cũng là người lập ra Vụ Văn hóa dân tộc và miền núi là cơ quan tham mưu của Bộ, trực tiếp quản lý mảng văn hóa dân tộc và miền núi (nay là Vụ Văn hóa dân tộc), rồi lập Khoa Văn hóa dân tộc thuộc trường Đại học Văn hóa Hà Nội (nay là Khoa Quản lý văn hóa dân tộc), Hội Những người hoạt động văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam (gọi tắt là Hội Văn hoá các dân tộc thiểu số Việt Nam, nay là Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam), Tạp chí Văn hóa các dân tộc (thuộc Hội Những người hoạt động văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam (nay là Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam).
Ông cũng là tác giả của một số cuốn sách viết về công tác văn hóa, trong đó ông rất quan tâm đến mảng văn hóa các dân tộc thiểu số. Ông từng giữ các cương vị quản lý văn hóa, văn học nghệ thuật từ địa phương đến trung ương: Trưởng Ty Văn hóa Bắc Kạn, Giám đốc Sở Văn hóa kiêm Chủ tịch Hội Văn nghệ Khu Việt Bắc, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Hiệu trưởng Trường Viết văn Nguyễn Du, Phó Chủ tịch Liên hiệp Các Hội Văn học nghệ thuật toàn quốc, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, người sáng lập và là Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam.
Còn nhớ những ngày được cùng ông thành lập Hội Những người hoạt động văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam, tôi học được ở ông nhiều phương pháp làm việc và ứng xử với đồng nghiệp.
Dù đã được nhà nước cho nghỉ sau quá trình cống hiến hơn 50 năm, mặc dù tuổi đã cao sức khỏe hạn chế, ông vẫn đau đáu với sự nghiệp văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam; ông nêu ý tưởng với tôi và một số cán bộ người dân tộc thiểu số và người Kinh tâm huyết với văn hóa các dân tộc đang công tác trong và ngoài Bộ Văn hóa về việc thành lập Hội những người hoạt động văn hóa các dân tộc thiểu số; được sự ủng hộ của nhiều người, ông giao cho Vụ Văn hóa dân tộc do tôi phụ trách làm nòng cốt, chuẩn bị các thủ tục hành chính để thông qua ông ký, gửi các cơ quan của trung ương (Ủy ban Dân tộc của Chính phủ, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, Ban Tổ chức Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ), Văn phòng Chính phủ, Thông tấn xã Việt Nam...); ông còn viết thư riêng gửi một số vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Sau khi được ý kiến phản hồi của các cơ quan và một số vị lãnh đạo; ông giao chúng tôi chuẩn bị tiến hành Đại hội thành lập Hội. Khi Hội được thành lập, phải hoạt động trong điều kiện “3 không” (không kinh phí, không địa điểm làm việc và không biên chế cán bộ), tất cả phải dựa vào Vụ Văn hóa Dân tộc của Bộ Văn hóa; ông lại gặp Ủy ban Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật trung ương và các cơ quan của Chính phủ trao đổi để được làm thành viên của Liên hiệp Các Hội Văn học nghệ thuật để có kinh phí như các hội chuyên ngành khác với điều kiện phải thay đổi tên đổi họ từ “Hội Những người hoạt động văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam” trực thuộc Ban Tư tưởng Văn hóa và Bộ Nội Vụ thành “Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam trực thuộc Ủy ban Liên hiệp Các Hội Văn học Nghệ thuật trung ương như hiện nay.
Trong lĩnh vực văn học, ông là thi sĩ nổi tiếng của Việt Nam nổi bật trong và sau cách mạng, kháng chiến chống Pháp, thường xuyên sáng tác và luôn giữ được phong độ trong sáng tạo, nổi tiếng từ bài thơ “Dọn về làng” mà ông trực tiếp đọc khi là thành viên Đoàn đại biểu thanh niên - sinh viên Việt Nam dự Festival Thanh niên - Sinh viên thế giới tại Berlin, thủ đô nước Cộng hòa Dân chủ Đức, năm 1951 (Giải thưởng Đại hội Thanh niên - Sinh viên thế giới) và với các tập thơ lần lượt được xuất bản “Tiếng ca người Việt Bắc” (1959), “Người núi Hoa” (1961), “Đèo Gió” (1968), “Bài thơ Pác Bó” (1971), “Suối và biển” (1984); đặc biệt là những tác phẩm viết bằng tiếng Tày của ông được những người làm văn hóa, văn học nghệ thuật và nhân dân các tỉnh trong Khu Việt Bắc yêu thích, như “Việt Bắc tức slấc”, “Tiểng lượn cần Việt Bắc”, “Cần Phja Boóc”, “Dám kha Pác Bó”...
Thơ ông viết về những đề tài mang tính cụ thể mà bao quát, thời sự mà lâu dài tầm thời đại, những sự việc, con người gần gũi, bình dị, từ người du kích dân tộc quê hương ông, người chiến sĩ vệ quốc đoàn trong đội quân của Cụ Hồ “Bộ đội Ông Cụ”, “Việt Bắc tức slấc” (Việt Bắc đánh giặc), “Cần Phja Bjóc” (Người Núi Hoa), “Đèo Gió”... và những người dân Việt Bắc luôn hướng về và chi viện cho tiền tuyến “Khi nghe gió thổi qua Phja Bjóc/ em biết mùa Đông đã đến rồi...” để gửi ra tiền tuyến cho người chiến sĩ giải phóng quân khăn áo và tình cảm nồng ấm là nguồn động viên to lớn làm nên sức mạnh tinh thần và vật chất của đội quân giải phóng làm nên chến thắng Việt Bắc, Đông Khê, Phủ Thông và kháng chiến thắng lợi. Thơ ông mang hơi thở của cuộc sống đấu tranh cách mạng giải phóng quê hương Việt Bắc. Ông dành tình cảm tốt đẹp cho lãnh tụ “Cụ Hồ” và những chiến sĩ của Cụ trong “Bộ đội Cụ Hồ”, những người dân một lòng theo Đảng, Bác làm cách mạng trong “Tiếng ca người Việt Bắc”, cho cái đẹp, cho văn hóa “Tiếng lượn Pác Bó”, hay tiếng tính lời then của người nghệ sĩ khiếm thị một thời làm rung động bao con tim người Việt Bắc. Thơ ông đã từ đại ngàn Việt Bắc bay vượt không gian vào với đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ, nơi kết nghĩa với Việt Bắc trong khi đất nước còn chia cắt “Tôi biết quê anh cũng có rừng/ Có nương màu mỡ, đàn t'rưng/ Có voi chở lúa đi ngang núi/ Có những người con thật anh hùng” (Việt Bắc - Tây Nguyên). Rồi bằng phương pháp tu từ trong thơ, ông chia sẻ tình cảm, hình ảnh Việt Bắc quê hương ông đang thay da đổi thịt trong xây dựng Chủ nghĩa xã hội với nền công nghiệp non trẻ. Từ khu Gang thép Thái Nguyên, đứa con đầu lòng của nền công nghiệp miền Bắc với đồng bào Tây Nguyên như anh em nói chuyện tâm tình “Anh biết Thái Nguyên cạnh sông Cầu/ Núi ngồi núi đứng xếp hàng nhau/ Ngày nay lại mọc thêm nhiều núi/ Mái ngói đỏ tươi nhuộm một màu”, hoặc về quê hương cách mạng Cao Bằng với công trình thủy điện đầu tiên của miền Bắc “Cao Bằng Tĩnh Túc với Tà Sa/ Tiếng máy tiếng cười lẫn tiếng ca/ Cô thợ người Nùng ngồi vặn máy/ Nhìn cô và máy ngỡ nhìn hoa” (Việt Bắc - Tây Nguyên).
Những vần thơ mộc mạc, chân thành ấy như sợi dây kết nối, như cây cầu tình nghĩa nối liền Việt Bắc với Tây Nguyên, toát lên lòng mong đợi và tin tưởng ở truyền thống văn hóa đại ngàn Việt Bắc, Tây Nguyên sẽ chiến thắng, Nam Bắc sẽ sum họp một nhà cùng nhau xây dựng quê hương tươi đẹp phát triển trong tương lai. Thơ Nông Quốc Chấn luôn có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa yếu tố truyền thống và hiện đại, dân tộc và đại chúng; ông là người dân tộc thiểu số đầu tiên mang hơi thở cuộc sống núi rừng Việt Bắc vào thơ hiện đại, xứng đáng là cánh chim đầu đàn của những người dân tộc thiểu số cầm bút phục vụ kháng chiến và cuộc sống đồng bào các dân tộc. Thơ ông đã có nhạc sĩ phổ nhạc thành công, tiêu biểu như bài “Khâu áo” do nhạc sĩ Hoàng Vân phổ nhạc…
Trong lĩnh vực dịch thuật, vốn là nhà trí thức người Tày, lại biết chữ Nho, ông đã dịch một số tác phẩm văn học Trung Quốc tiếng Việt (Bát trận đồ của Đỗ Phủ), đồng thời ông cũng dịch một số bài thơ hay của các thi sĩ nổi tiếng của nước ta ra tiếng Tày. Là thi sĩ, ông cũng có tâm hồn nhạc sĩ, tôi chưa thấy ông hát nhưng ông đã dịch lời hoặc đặt lời Tày cho một số ca khúc của các nhạc sĩ nổi tiếng viết về Bác Hồ với Việt Bắc, Việt Bắc với Bác Hồ thành công, tiêu biểu có “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, “Việt Bắc nhớ Bác Hồ” của nhạc sĩ Phạm Tuyên... được các ca sĩ biểu diễn bằng lời Việt và lời Tày, được nhiều người thích nghe, thích hát, nhất là người Tày Việt Bắc.
Trong lĩnh vực nghiên cứu, lý luận phê bình, ông là nhà thơ, vừa là nhà quản lý văn hóa, văn học nghệ thuật có nhiều kinh nghiệm; từ thực tiễn hoạt động phong phú đã từng trải, ông đúc rút thành kinh nghiệm và nâng lên thành lý luận để cho lớp sau chiêm nghiệm, vận dụng trong thực tiễn. Ông đã cho ra đời các tập tiểu luận, lý luận phê bình đáng nể như: “Đường ta đi” (1971), “Một vườn hoa nhiều hương sắc” (1977), “Chặng đường mới” (1985), “Dân tộc và văn hóa” (1993), “Hành trang sang thế kỷ XXI” (2000).
Trong lĩnh vực đào tạo, Nông Quốc Chấn là người tổ chức các lớp bồi dưỡng, đào tạo cán bộ làm văn hóa, văn học từ khi làm lãnh đạo ngành văn hóa, văn nghệ ở địa phương cho đến trung ương, ông đã làm lãnh đạo một số đơn vị đào tạo của ngành văn hóa như Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hoá Hà Nội, Hiệu trưởng Trường Viết văn Nguyễn Du, từng trực tiếp giảng dạy một số bài, chuyên đề của các khoa, các khóa của Trường Đại học Văn hóa, các Trại Sáng tác văn học; đặc biệt ông là tác giả của Khoa Văn hóa dân tộc thuộc Trường Đại học Văn hóa (nay là Khoa Quản lý Văn hóa dân tộc) từ khâu tổ chức, xây dựng chương trình đầu những năm 90 của thế kỷ trước, đến nay đã đào tạo ra hàng hàng nghìn cán bộ quản lý văn hóa là người các dân tộc thiểu số hiện nay đang phát huy ở các cơ quan văn hóa của địa phương và Bộ. Với những việc làm và công lao ấy, ông xứng đáng được gọi là Nhà giáo, người Thầy theo đúng nghĩa.
Trong lĩnh vực hoạt động báo chí, Nông Quốc Chấn từng có nhiều bài báo, tham luận đăng trên các báo và tạp chí văn hóa, văn nghệ trung ương và địa phương. Đặc biệt ông còn là tác giả của một số cơ quan tạp chí sau khi ông đã nghỉ hưu như Tạp chí Toàn cảnh - Sự kiện và Dư luận của Bộ Văn hóa mà ông trực tiếp làm Tổng Biên tập một số năm. Ông cũng là người lập ra Tạp chí Văn hóa các dân tộc sau khi thành lập Hội Những người hoạt động văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam.
Trong cuộc sống đời thường, dù đã là người nổi tiếng, lại làm lãnh đạo nhưng ông sống giản dị, sinh hoạt nền nếp, đúng giờ, luôn nhẹ nhàng, vui vẻ thân tình với mọi người khi tiếp xúc nên rất dễ gần. Với tôi và những cán bộ cấp dưới của ông chỉ bằng tuổi con, khi làm việc ông vẫn gọi bằng anh và tôn trọng, bình tĩnh nghe trình bày, xong ông nhẹ nhàng trao đổi. Có lần được cùng ông đi công tác vùng Tây Nguyên, nghe tin Liên Xô tan rã, ông trầm ngâm suy nghĩ vẻ rất buồn và chia sẻ với tôi những cảm xúc của ông. Nghỉ ở nhà nghỉ của tỉnh, khi căng màn, thấy ông loay hoay, tôi bảo anh để em giúp, ông bảo tôi tự làm được, rồi ông chia sẻ kinh nghiệm khi đi công tác địa phương phải chuẩn bị ít dây phòng khi căng màn thiếu hoặc đứt dây còn có mà dùng, giữa đêm hôm biết gọi ai. Ông là con người có nhân cách sống rất nhân văn, nhân ái, với tôi và nhiều người từng cộng tác với ông, Nông Quốc Chấn là một tấm gương rất đáng học tập ở nhiều mặt, vì ông là hình mẫu về tinh thần học và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh.
Công lao và thành quả lao động sáng tạo suốt cuộc đời của ông, với cái tâm, cái tầm, cái đức ông để lại, lớp chúng tôi và những lớp sau hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số, coi ông là người anh, người cha, người thầy, người quản lý xuất sắc, người thủ trưởng mẫu mực. Cán bộ văn hóa, văn nghệ sĩ người dân tộc thiểu số tự hào về ông, tỉnh Bắc Kạn cũng tự hào về người con tiêu biểu của quê hương mình. Thiết nghĩ, tỉnh Bắc Kạn nên có một công trình văn hóa, một nhà lưu niệm mang tên Nông Quốc Chấn ở quê hương ông.
Hà Nội, kỷ niệm những ngày nhớ xa xôi.
(*) Tên bài do Toà soạn đặt
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...