Nói về nỗi sợ hãi những con số
VNTN - Dù bây giờ đã là thế kỷ 21 nhưng với nhiều người, với nhiều dân tộc, sự mê tín về một số con số vẫn làm cho họ sợ hãi. Nỗi sợ hãi đó hình thành từ khá nhiều nguyên nhân: Sự trùng hợp của một vài con số với những tai nạn khủng khiếp mà người sống sót đã trải qua hoặc với người khác chỉ là nghe đồn thổi. Trước những hiện tượng thiên nhiên chưa thể giải thích, con người đã tưởng tượng ra các loài ma quỷ và gán cho nó những con số tượng trưng cho sự xui xẻo, kém may mắn. Hoặc vì những lý do đơn giản đến nực cười...
Vài con số được cho là xấu, là đen đủi
Số 13
Thần thoại Na-uy kể rằng: Tại thiên đường Valhalla, 12 vị thần đang dự tiệc thì thần Tinh quái, chết chóc và hỗn loạn Loki xuất hiện, dù không được mời. Loki đã xúi giục thần Bóng tối Hoder bắn một mũi tên tẩm thuốc độc để giết chết thần Hạnh phúc Bander khiến cả trái đất chìm trong bóng tối và chết chóc. Loki được cho là con số 13 xui xẻo.
Được nhiều người biết đến hơn là con số 13 của Judas: Xuất phát từ câu chuyện về chúa Jesus và các tông đồ trong bữa Tiệc ly, được kể lại trong sách Phúc âm của Thiên chúa giáo. Trong bữa tiệc đó, Jesus nói với 12 tông đồ rằng: “Trong số các con có kẻ sẽ phản bội ta”. Sau đó, tông đồ Judas đã dẫn đường cho nhà cầm quyền đến bắt Jesus. 12 tông đồ cộng với chúa Jesus là 13 người có mặt trong bữa tiệc ly đó và một trong số họ đã là kẻ phản bội, mang lại khổ đau cho những người khác.
Mê tín về con số 13 đã khiến nhiều nước phương Tây có những kiêng kỵ phiền toái. Tại Anh, Canada hay Australia, Mỹ, Đức... không thể tìm được ngôi nhà, tầng nhà, xe buýt, số ghế máy bay... mang số 13. Đặc biệt kiêng kỵ nếu những ngày 13 lại trùng vào thứ 6, là ngày bị coi là xui xẻo, khi mà các hiệp sĩ dòng Đền đồng loạt bị vua Pháp Philipp IV bắt giữ vào thứ 6 ngày 13/10/1307 và đưa ra xét xử trong nhiều năm sau đó. Để né tránh, người ta nghĩ ra nhiều cách: Ghi thành các số 12-A, 12+1 hoặc bỏ qua để nhảy số từ 12 lên 14... và đặc biệt, nhiều người đã không dám ra khỏi nhà, không làm việc, giao dịch, mua bán trong thứ 6 ngày 13.
Những người không mê tín con số 13 hay thứ 6 ngày 13 thì đả phá, chế nhạo niềm tin mù quáng đó. Đã có 13 người ở Mỹ lập ra “Câu lạc bộ 13”, khai trương vào thứ 6 ngày 13 với hội phí 13 USD và khẳng định: Chẳng có điều gì khủng khiếp xảy ra với họ cả. Vẫn ở châu Âu thì người Italia lại kiêng số 17 chứ không phải số 13. Khác với các quốc gia phương Tây, văn hóa của người châu Á không kiêng số 13. Trong Dịch học, quẻ 13 là “Thiên Hỏa Đồng Nhân”: Trên Càn dưới Ly, ý nghĩa là “Đồng tâm hiệp lực, chiến hữu cộng tác”. Ở Việt Nam, tập đoàn FPT rất kết con số 13. Lý do là tập đoàn FPT thành lập ngày 13/9/1988, gồm có 13 sáng lập viên và sau này, ngày thành lập những trụ sở, chi nhánh của FPT đều vào ngày 13. Gắn liền với con số 13 nhưng FPT mỗi ngày mỗi lớn mạnh trong thương trường, cả ở trong nước lẫn trên thế giới. Trong bóng đá châu Âu, nhiều cầu thủ đã thành danh với số áo 13: Michael Ballack (người Đức) luôn dùng số áo 13 trong mọi câu lạc bộ mà anh thi đấu. Park Ji - Sung (Hàn Quốc) mang áo số 13 tại MU, Maicon (Braxin) được đánh giá là số 13 đáng giá nhất thế giới...
Ngàn năm trước và cả bây giờ, người Việt vẫn sử dụng Âm Dương lịch mà con số 13 nói ở trên lại thuộc về Dương lịch. Trong thần thoại, trong truyền thuyết của các dân tộc Việt Nam, không có câu chuyện bất hạnh nào được gán cho con số 13 cả. Vậy thì tại sao người Việt lại mê tín con số này làm gì ?
Số 4
Người Trung Quốc và người Nhật Bản đặc biệt kiêng số 4 vì có âm đọc gần giống với chữ “tử” (chết) trong ngôn ngữ của họ. Nhưng trong tiếng Trung Quốc, các chữ Tư, các chữ Tự và chữ Tứ đều có âm đọc là “Sì”, giống với âm đọc chữ Tử (“Sì”). Người Việt Nam đọc số 4 là “bốn” thì đâu có giống hay gần giống gì với từ “Chết, Tử” mà lại kiêng nhỉ?...
Những con số được cho là Đẹp, là may mắn
Số 6 và số 8
Khá nhiều đại gia Việt Nam có xe ô tô và số điện thoại đắt tiền mang hai con số: 6 và 8. Xuất xứ của sự mê tín này cũng là do ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc, vì cách đọc hai con số này gần giống với cách đọc theo phiên âm chữ Lộc và Phát (Lục và Bát). Chỉ vì vậy mà có người phải tốn nhiều triệu, thậm chí hàng trăm triệu đồng để tậu biển số xe, sim điện thoại mang hai con số này. Nếu phiên âm tiếng Trung sang tiếng Ta để đọc và tin rằng dãy số 6868 là “Lộc Phát, Lộc Phát” thì bạn sẽ nghĩ sao khi tiếng Anh đọc dãy số này “Six Eighth, Six Eighth” và được phiên âm là “Xích Hết, Xích Hết”?...
Bức tranh "Bữa tối cuối cùng”
Những kiêng kỵ, tin tới mức sợ hãi như vậy được gọi là mê tín. Mê tín là việc tin một cách mê muội, không phân biệt được đúng sai, phải trái của sự việc, sự vật. Vì thực ra, không có con số nào là số xấu hay số đẹp cả. Sự yêu thích hay ghét bỏ một con số được nhóm người này hay nhóm người khác mê tín dựa vào sự trùng lặp ngẫu nhiên trong tự nhiên, trong xã hội hoặc do ảnh hưởng theo cách lý giải của các tôn giáo. Cùng là con số 3 nhưng người phương Tây rất coi trọng và dùng để đánh giá kết quả hoạt động theo 3 cấp độ (Lạc quan, trung bình, bi quan). Người Trung Quốc thì nói: “Ba với ba là mãi mãi” với hy vọng sự tốt lành là bất tận, vĩnh cửu. Nhưng cũng người Trung Quốc lại nói: “Tam nhân bất đồng hành”, tức là coi số 3 là con số của sự tranh cãi, bất hòa, không thống nhất.
Như vậy, ở mỗi quốc gia, mỗi dân tộc khác nhau trên thế giới, thậm chí trong cùng một dân tộc, một cộng đồng, người ta lại có những quan niệm khác nhau về ý nghĩa của cùng một con số. Mỗi quan niệm đó được coi là một “Đoan” (“đầu dây” hay “quan niệm”) và nếu một người cho rằng quan niệm của mình là “chính đoan” thì người này sẽ coi quan niệm khác với mình của người khác là “dị đoan”. Và từ đó đã nảy sinh ra nhiều cuộc chiến tranh để xâm chiếm lãnh thổ, đồng hóa dân tộc, tiêu diệt dị đoan, dị giáo. Trong một thế giới phẳng như ngày nay, việc bắt buộc người khác phải nghĩ, phải làm theo ý mình là không thể. Mỗi cá nhân đều có thể có quan niệm, có niềm tin riêng của mình về một vấn đề, một sự việc. Tuy nhiên, niềm tin đó cần phải được hình thành từ sự hiểu biết, có phân tích, có đánh giá, có văn hóa. Không nên tin một điều gì đó theo tâm lý đám đông hay khi bị hù dọa, lôi kéo theo kiểu: “Hình này rất linh, ai thấy mà không để lại chữ M... thì sẽ bị tai vạ” như vẫn thường thấy trên các trang mạng xã hội bây giờ.
Vậy thì nên Tín, chứ đừng Mê tín.
Lê Nguyên Hợp (Tổng hợp)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...