Chủ nhật, ngày 02 tháng 02 năm 2025
11:52 (GMT +7)

Nỗi nhớ tre làng

Làng mở hội xuân. Tôi cùng con trai rảo bước trên đường làng mưa phùn như rắc bụi trên đầu. Có lẽ tới gần hai mươi năm, tôi mới về quê du xuân vào dịp hội làng như thế này. Làng tôi đã đổi thay nhiều. Thôn xóm giờ đã trở thành phường, phố. Những mái rạ đã thay bằng mái ngói, những tấm lợp xanh đỏ chen nhau lô nhô bên những cột điện cao chọc trời…

Nỗi nhớ tre làng

Nhìn con trai tung tăng háo hức, tôi cũng vui lây. Nó giống như tôi ngày bé với tính cách hiếu động, muốn khám phá tất cả những gì lạ lẫm. Chuyến về quê lần này đối với nó như được mở ra một chân trời mới.

- Mẹ ơi. Mẹ vẫn kể làng mẹ có những bờ tre đẹp lắm, sao con không thấy? Tiếng con trai làm tôi giật mình. Lúc này, tôi mới vội nhìn rộng ra xung quanh. Đúng rồi. Những bờ tre làng xưa không còn nữa. Màu xanh tre dịu dàng xưa đâu rồi? Tôi bỗng thấy hẫng hụt xen nỗi buồn xa xăm. Không trả lời con, tôi cúi đầu bước trên con đường nhựa phẳng lì.

…Làng tôi xưa, ngoài tên thật, dân trong vùng còn gọi là làng Tre, vì quanh làng có hàng trăm lũy tre bao bọc. Đầu làng, cuối xóm, nơi nào cũng có tre xanh. Sớm sớm, chiều chiều tiếng rì rào của tre ngân nga trong gió. Tiếng tre hòa vào lời ru của mẹ ngấm vào giấc ngủ, ngấm vào tuổi thơ tôi. Rời quê từ thời còn trẻ nhưng tâm hồn tôi vẫn mang tiếng tre ngân đến đến tận góc bể, chân trời. Dưới những lũy tre làng mát rượi, tôi từng có biết bao kỉ niệm vui, buồn. Những buổi trưa trong vắt, lũ trẻ trong xóm tôi thường trốn ngủ trưa, chạy vội ra những bãi cỏ rộng dưới lũy tre để nghe tiếng tre ru võng, nghe tiếng chào mào lánh lỏi và bày ra đủ thứ trò vui. Nào chơi khăng, đánh cù, nhảy dây, bịt mắt bắt dê, ô ăn quan, thả đỉa ba ba… Thuở trước làm gì có đồ chơi. Vậy là cành tre, gốc tre, lá tre, nõn tre… đã trở thành bao thứ đồ chơi được tuổi thơ chúng tôi sáng tạo ra. Ngày ấy, lũ chúng tôi, xa tre một ngày đã nhớ, như nhớ một người bạn tâm giao. Không phải chỉ có lũ trẻ chúng tôi mà tre còn gắn bó với tất cả mọi người. Trong cuộc sống thường ngày, người và tre thân thiết không thể rời nhau. Tre làm vật liệu dựng nhà, dựng bếp; các dụng cụ sản xuất như quang gánh, cày bừa, thúng mủng… các tiện nghi trong gia đình như: giường tre, chõng tre, nôi tre, bàn ghế tre, kể cả những vật dụng nhỏ nhất như cái rổ, cái rá, cái đũa, cái tăm… cũng từ tre. Lên nhà, ra sân, xuống bếp, mỗi bước chân của con người đều đụng vào tre. Tre đâu còn là những vật vô tri vô giác mà như có hồn vía, đã trở thành một sinh linh trong cuộc đời của mỗi con người.

Ngoài tre, quê tôi nhà nào trong vườn cũng có mấy luống chè xanh, nhà ít cũng dăm ba cây chè cao vút. Chiếc ấm tích trong chiếc giỏ tre dùng để hãm chè xanh (còn gọi là chè tươi), kỷ vật của cha tôi hiện vẫn còn lưu giữ trong nhà thờ tổ. Ông trưởng tộc họ Cồ mỗi dịp giỗ lạt, Tết nhất không bao giờ quên ủ một ấm chè xanh dâng lên ban thờ. Ngày ấy, bố tôi thường bảo "Ở đâu không biết chứ ở làng ta thì chè và tre rất khăng khít bên nhau. Những buổi trưa hè nóng nực, được ngồi thư thả, uống bát nước chè xanh dưới bờ tre kẽo kẹt, ríu rít tiếng chim thì không có cái thú nào hơn". Bố tôi cho biết thêm, lá tre còn là một vị thuốc giải cảm, giải say chè xanh rất hữu hiệu. Cứ cho một nắm lá tre vào nồi nước chè xanh thì uống thả cửa cũng không bị say, tận lúc đi làm đồng, hương vị chè vẫn ngọt hậu ở đầu lưỡi". Tôi nghe nói, dù hiện nay thị trường có đủ các loại chè búp thơm ngon, đậm đà nhưng quê tôi nhiều nhà vẫn không bỏ loại chè xanh truyền thống.

Bây giờ trong ngày Tết Nguyên đán, ở thành phố không mấy ai trồng cây nêu trước cửa. Riêng tôi thì vẫn chưa quên cứ vào những ngày hai ba tháng Chạp, ngày ông Công, ông Táo về trời, bố tôi lại ra bờ tre chọn một cây cao nhất, thẳng nhất, đẹp nhất mang về dựng cây nêu ở sân nhà. Bố tôi bảo, dựng cây nêu ngày Tết là để xua đuổi ma quỷ và những điều bất hạnh của năm cũ, cầu mong một năm mới tốt lành. Trong cuộc sống tâm linh, Tre và người cũng thân thiết bên nhau như thế.

Nhưng có lẽ những kỷ niệm sâu sắc, cảm động nhất trong tâm khảm tôi là những buổi xóm làng tiễn tân binh ra trận trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Những lũy tre làng tôi như rào rạt cùng nụ cười, nước mắt. Không trung rộn vang trong những ca khúc hào hùng:

Có những ngày vui sao

Cả nước lên đường

Xao xuyến bờ tre

Từng hồi trống giục

Tôi cứ nghĩ, hình như bài hát ấy, nhạc sĩ sáng tác riêng cho làng tôi. Trong giờ phút chia tay, những chiếc lá tre làng lưu luyến rơi rơi trên vai người ra trận. Các anh đi mang theo màu xanh tre, mang theo tiếng gió thoảng bờ tre, tiếng kẽo kẹt tre làng.

 

Làng Tre quê tôi là thế. Cùng bao nhiêu ngôi làng khác ở nông thôn Việt Nam đã làm nên một thương hiệu sáng rỡ muôn đời: cây Tre Việt Nam.  Trở về quê lần này, tôi thoáng chút ân hận vì quá bận rộn trong cuộc sống mưu sinh mà đã không đưa con trai về quê sớm hơn. Nền kinh tế thị trường hôm nay, cuộc sống vật chất đã được cải thiện hơn rất nhiều, nhưng nếu ta quên lãng và không biết giữ gìn những giá trị tinh thần quý giá mà cha ông đã phải tốn bao mồ hôi, nước mắt mới có được thì vô tình sẽ để lại một khoảng trống tâm hồn cho bao thế hệ mai sau.

Trong bao niềm vui đổi mới của quê hương hôm nay, tôi không tránh khỏi ngậm ngùi về nỗi nhớ tre làng.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Làng ôm tôi vào lòng

Văn xuôi 16 giờ trước

Rubic Tết

Xem tin nổi bật 21 giờ trước

Tiếng đàn bên sông Cầu

Văn xuôi 1 ngày trước

Nỗi nhớ mùa Xuân

Văn xuôi 6 ngày trước

Ngày Tết của tuổi thơ

Văn xuôi 1 tuần trước

Xao xác phận người

Văn xuôi 1 tuần trước

DÀNH CHO CÁC EM

Văn xuôi 1 tuần trước