Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
08:21 (GMT +7)

Nơi có “mỏ thơ”

VNTN - Tôi quen biết nhà thơ Nguyễn Đình Hưng từ ngày ông tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ Thơ Mùa Thu tỉnh Thái Nguyên. Thoạt đầu nhìn cung cách ông, tôi đoán ông nổi tiếng ở xóm giỏi ghép vần, thơ hô khẩu hiệu choang choang, các cụ ông, cụ bà vỗ tay sái cổ. Nhưng khi ông thể hiện bài thơ ra mắt thì tôi chỉ còn cách im phăng phắc mà thẩm thấu ngôn ngữ, ý tứ được chắt lọc đến độ sắc sảo mà ít người làm thơ nghiệp dư như chúng tôi có được.

Đến thăm nhà ông ở xóm Cao Sơn 2, Mỏ than Khánh Hòa; đón cái ôm chặt thân thiết, tôi buột miệng thốt lên: “Ôi! Chúng ta già quá rồi! Thời gian thật là tệ!”

Ông đưa tôi vào phòng khách rồi lập cập pha trà, lấy ra hai lon bia. Tôi cảm nhận sự trọng thị ông đang dành cho tôi như khách quý. Trong lúc chờ ấm trà ngấm, ông bật lon bia rồi thủng thẳng nói:

- Nhà giàu mời nhau rượu ngoại, ta nghèo dùng thứ nhạt toẹt này lấy cớ tâm sự thôi mà.

Và cứ thế, câu chuyện của hai chúng tôi bắt đầu nối mạch.

Nguyễn Đình Hưng xuất thân từ gia đình có nghề lương y, nhưng vì biến cố nạn đói năm 1945 mà trở nên thất tán. Ông và mẹ lạc xuống Hà Nội đi ở, làm thuê, buôn thúng bán bưng. Thủ đô giải phóng, ông được mẹ nuôi đi học hết lớp 7, rồi học trung cấp mỏ ở Quảng Ninh. Xa nhà, nỗi nhớ mẹ, bạn bè người thân, quê hương cứ day dứt không thể nói hết lời, tạo thành hoài niệm đầy nước mắt dồn nén đưa ông đến với thơ.

Học xong trung cấp, ông được điều động về Mỏ than Làng Cẩm. Từ ấy, cuộc sống và thơ theo ông đội đèn xuống các lò than sâu thăm thẳm. Khi những goòng than cuối cùng lên mặt đất cũng là lúc người thợ lò nở nụ cười rạng rỡ trên gương mặt màu than, chỉ thấy lấp lánh ánh mắt và hàm răng trắng toát. Lao động và cống hiến cho ngành than vèo một cái đã 50 năm, trong đó có 10 năm giữ cương vị Phó Giám đốc Mỏ than Khánh Hòa. Ông từng viết: “Một đời than, một đời thơ, một đời yêu đến dại khờ - vẫn yêu.” (Thơ Nguyễn Đình Hưng).

Đủ những trải nghiệm cuộc đời, những trang thơ chắt lọc đầy trí tuệ, nhân sinh, ông xin tham gia sinh hoạt tại Câu lạc bộ Thơ Mùa Thu để học tập, trải nghiệm và khẳng định độ “chín” của mình. Tập thơ đầu tay “Trái tim hát” đã giúp ông trở thành hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên. Có không gian rộng mở, môi trường phù hợp, trí tuệ dồi dào, ông làm thơ như một chiến binh xung trận, chỉ có tiến mà không hề biết lùi. Nguyễn Đình Hưng mở rộng kết nối bạn bè, thi hữu qua thơ không chỉ thành phố Thái Nguyên mà cả Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, thông qua những cuộc giao lưu, gặp gỡ.

Trong suy nghĩ của Nguyễn Đình Hưng thì nhà thơ không ai giàu có. Tôi thật không biết các nhà thơ đình đám có nghèo không, nhưng với Nguyễn Đình Hưng thì có phần chính xác. Nhìn cơ nghiệp ngoài ngôi nhà xây hai thò, một thụt từ năm 1987 đang xuống cấp và hai kệ sách đầy ắp, đủ các thể loại chính trị, kinh tế, kĩ thuật, văn học nghệ thuật... hàng ngày làm bạn với ông, thì biết rằng chúng chính là của chìm, của nổi mà ông có được, vì chúng mà ông đam mê, đắm đuối và đầu tư tinh thần vật chất cả một đời.

Năm 2013, một vụ tai nạn đã kẹp gãy một bên xương đùi của ông. Đôi chân một thuở bước mòn sỏi đá phải nằm yên một chỗ, nhưng những tế bào thần kinh nghiện thơ không ngừng rung lên, không ngừng chiết xuất. Cũng trong năm đó, ông cho ra mắt tập thơ thứ 7 “Em qua vườn anh; rồi “Góc khuất” (2014), “Chốn bình yên” (2015); “Cháy thầm”, “Nợ một đời thơ”, “Kiếp người” (2016); “Trái tim hát”, “Lời mê cung”, “Cười một mình” (2017). Mỗi tập thơ có dung lượng từ 60 - 75 bài, được thẩm định và xuất bản tại Nhà xuất bản Hội Nhà văn.

Chừng ấy “gia tài thơ” có được, tôi vội tưởng ông đã có đủ cho một đời người, một đời với thi ca khi muôn nỗi cay đắng, ngọt bùi, khóc cười, máu và nước mắt kết tụ thành tinh hoa cuộc sống. Nhưng tôi đã hết sức ngạc nhiên khi ông tiếp tục cho tôi xem 15 tập bản thảo và kế hoạch xuất bản đến năm 2022, mỗi năm 3 tập. Ông bảo chẳng sợ sức khỏe, tuổi già không cho phép, chỉ sợ đôi mắt không còn tinh anh mà nhìn thấy tác phẩm của mình thôi.

Tạm biệt Nguyễn Đình Hưng với quyển sách được ông trao tay, tôi lật từng trang, từng trang mà lòng dạ đầy phấn khích. Người xưa có câu “Quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, cả cái “tinh” và “đa” đều rất đáng trân trọng, nhưng nếu phần “đa” được “thơ” hơn thì những tác phẩm hẳn sẽ đi vào đời sống người yêu thơ như bát cơm, ly trà, ly rượu vậy.

Chúc mừng “mỏ” thơ của Nguyễn Đình Hưng. Chúc ông sức khỏe, dạt dào hạnh phúc, bút lực thăng hoa trong năm mới!

Nguyễn Thưởng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục