Thứ bảy, ngày 21 tháng 09 năm 2024
21:09 (GMT +7)

Nỗ lực khơi gợi văn hóa đọc với người trẻ

VNTN - So với những năm trước, Ngày hội Sách và văn hóa đọc tại Thái Nguyên năm nay đã diễn ra một cách bài bản hơn cả về nội dung và hình thức. Những cố gắng đó, thật hay, khi được “dành tặng” cho... các bạn trẻ - những người “cần sách” và “cần đọc” hơn ai hết.


Từ ý tưởng của Thư viện tỉnh… 

Ngày hội Sách và văn hóa đọc tỉnh Thái Nguyên lần thứ III - 2016 do Thư viện tỉnh tổ chức vừa qua (ngày 21/4) đã khép lại khá ấn tượng.

Nếu 2 năm trước, địa điểm tổ chức là Thư viện và Rạp chiếu phim tỉnh, thì năm nay, không gian chính Ngày hội sách chọn là trường học - Trường Cao đẳng Kinh tế tài chính Thái Nguyên. Ông Đỗ Bình Nguyên - Giám đốc Thư viện tỉnh lý giải: “Năm nay, chúng tôi tập trung hướng đến một đối tượng nhất định để tuyên truyền, đó là các bạn học sinh, sinh viên; chủ đề được chọn là Sách nâng tầm tri thức - vì ngày mai lập nghiệp. Thực tế cuộc sống hiện đại cho thấy, giới trẻ đang chịu tác động khá lớn từ sức hút của các phương tiện nghe nhìn, mạng xã hội. Nếu không quan tâm chú trọng đến văn hóa đọc thì hiểu biết của các em sẽ không được toàn diện, không có sự chuẩn bị tốt để bước vào đời”.

Các bạn trẻ hào hứng với phần trò chuyện - giao lưu

Với số lượng gần 1.000 học sinh, sinh viên tham gia có thể nói là thành công với một hoạt động văn hóa. Tại đây các bạn đã được tự tay trang trí, sắp xếp các cuốn sách thành một mô hình nghệ thuật; lựa chọn để bình giá - giới thiệu tới độc giả những cuốn sách hay. Không chỉ có vậy, buổi nói chuyện, giao lưu với nhà thơ, nhà báo Vương Trọng là một “món quà” thú vị khác mà Ban tổ chức dành cho người tham dự. Nhiều câu hỏi hồn nhiên, chân thực về tình yêu, cuộc sống, về thơ ca cũng như việc viết, việc đọc mà các bạn trẻ đưa ra đã được vị khách mời nhiệt tình, thẳng thắn trao đổi. Đặc biệt, bằng việc đọc những bài thơ do chính mình sáng tác, diễn giả đã tạo được một không khí thân gần, lắng đọng cho người nghe. Với những trăn trở của một người lính, một người viết, ông đã chia sẻ những suy tư trước sự thay đổi, khác biệt giữa thế hệ trẻ hôm nay với thế hệ ngày trước. Những so sánh về tâm thế của con người trước sách, trước việc đọc giữa xưa và nay trong phần nói chuyện dường như đã đem lại cho nhiều bạn trẻ những giây phút “sống chậm” hơn, thấm thía hơn.

…Đến sự rộn ràng của các nhà trường

Với sự chủ động, nỗ lực của các trường, sự sát sao từ phía Sở Giáo dục và Đào tạo, đến nay, khoảng 90% các trường THCS, THPT trong tỉnh đã tổ chức Ngày hội Sách và văn hóa đọc năm học 2015 - 2016. Từ đầu năm học, Sở đã có công văn hướng dẫn cụ thể, bài bản kế hoạch tổ chức Ngày hội; các nhà trường xây dựng ý tưởng - hình thức; học sinh là đối tượng trực tiếp chuẩn bị, tham gia. Sự nỗ lực từ nhiều phía như vậy đã đem lại những kết quả rõ rệt.

Tại Trường THPT Ngô Quyền, Ngày hội Sách và văn hóa đọc đã được tổ chức theo mô hình điểm cho các trường THPT trong tỉnh. Một chuỗi các hoạt động phong phú, thể hiện sự đầu tư kỹ lưỡng về tâm sức, thời gian đã diễn ra: trưng bày sản phẩm của các Nhà xuất bản và Nhà sách; triển lãm tranh và tập san dự thi “Viết về cuốn sách em yêu thích” và “Vẽ tranh theo sách” của học sinh; trò chơi đuổi hình bắt chữ; thi tìm hiểu, tuyên truyền về sách.v.v...

Với Trường THPT Lương Phú (Phú Bình) - đơn vị tổ chức điểm Ngày hội Sách và văn hóa đọc cho các trường THPT trên địa bàn huyện, đây là lần đầu tiên nhà trường tổ chức hoạt động này. Các em học sinh ở đây không chỉ chuyển thể các tác phẩm trong chương trình sách giáo khoa thành tiểu phẩm sân khấu, mà còn tìm tòi, giới thiệu cho bạn bè nhiều cuốn sách mới, ý nghĩa, phù hợp với giới trẻ như Cà phê cùng Tony của tác giả Tony Buổi Sáng, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, Những tấm lòng cao cả của nhà văn Edmondo De Amicis.v.v... Cô giáo Đào Thúy - giáo viên môn Ngữ Văn, người tham gia tổ chức hoạt động cho biết: “Vì là hoạt động mới lạ, nên học sinh rất thích thú, tập trung, đến cuối chương trình rồi các em vẫn luyến tiếc. Chưa bao giờ thấy các em đi đủ mà lại trật tự và nghiêm túc đến thế”.

Mô hình sách chủ đề “Việt Bắc” của học sinh  trường THPT Lương Phú (Phú Bình)

Cũng trong tinh thần đó, Trường THPT Lương Ngọc Quyến lại tổ chức theo hình thức sân khấu hóa. Những câu hỏi trong cuộc thi đã giúp các em có dịp tìm hiểu thêm nhiều kiến thức, hiểu biết về sách. Thật thú vị khi phần quà, phần thưởng không chỉ là những cuốn sách, mà còn là những chiếc thẻ thư viện do Thư viện tỉnh trao tặng. Cách làm sáng tạo này đã tạo điều kiện thuận lợi, trao cơ hội và khích lệ các em trong việc rèn luyện thói quen đọc sách.

Là người phụ trách và trực tiếp tham dự hoạt động này, thầy Lê Quang Sơn, chuyên viên Phòng Giáo dục trung học - Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng năm nay giáo viên và học sinh trong tỉnh đã tham gia ngày hội sách tích cực và nhiệt tình hơn, đồng thời sự tham dự của các đơn vị liên quan như thư viện, công ty phát hành sách, nhà xuất bản… cũng đã góp phần tạo nên thành công cho ngày hội.

Như vậy có thể nhận thấy, ở quy mô trường học, các đơn vị đã có sự đầu tư khá công phu, và bước đầu thu được hiệu quả trong việc khơi gợi hứng thú, qua đó giúp các em nhận thức tốt hơn về giá trị của sách và lợi ích từ việc đọc sách.

Đôi điều góp thêm

Những cố gắng, nỗ lực của những người tổ chức là rất đáng trân trọng và khuyến khích, nhưng khách quan nhìn nhận, hoạt động này dường như vẫn mang tính phong trào nhiều hơn. Cần một cách làm đi vào chiều sâu, “người thật việc thật” hơn nữa.

Trước hết, cần gia tăng các hoạt động liên quan đến sách và việc “đọc”. Muốn vậy, cần mở rộng quy mô sự kiện này, từ thời gian, không gian tổ chức đến số lượng, chất lượng sách được trưng bày, giới thiệu.

Cũng nên đẩy mạnh công tác tuyên truyền hơn nữa để thu hút đông đảo công chúng đến với ngày hội. Số lượng gần 1000 học sinh, sinh viên tham dự tuy không nhỏ nhưng vẫn là khiêm tốn với số sinh viên, học sinh tại “trung tâm đào tạo nguồn nhân lực lớn thứ 3 của cả nước” như tỉnh ta (chỉ tính riêng lượng sinh viên đã vào khoảng 150.000 người).

 Với hoạt động “xếp sách nghệ thuật”, có lẽ không nên giới hạn trong những mô hình mang tính kinh điển, khuôn mẫu, lặp lại nhiều năm (như mô hình nhà sàn, lăng Bác Hồ, bản đồ hình chữ S…) mà cần mở rộng, sáng tạo những mô hình phù hợp hơn với lứa tuổi của các em. Còn trong phần nói chuyện - giao lưu, chính các thầy cô sẽ trực tiếp hướng dẫn học sinh cách lựa chọn sách và phương pháp đọc. Cách làm này khiến các em sẽ thấy dễ dàng tiếp thu, hiệu quả mang lại vì thế cũng sẽ bền vững hơn.

Trước thực trạng không mấy sáng sủa xung quanh câu chuyện “văn hóa đọc” ở nước ta hiện nay, thật đáng khuyến khích và cổ vũ biết bao đối với những nỗ lực và cách làm của các thầy cô giáo, các thư viện, những người tổ chức. Những việc làm ấy tuy bình dị nhưng ẩn chứa trong đó là cả một tinh thần trách nhiệm, một niềm tin bền bỉ về sự “hồi sinh” của sách và văn hóa đọc. Với tinh thần đó, hy vọng những năm tiếp theo lại có thêm những hoạt động mới lạ bổ ích từ Ngày hội này.

Thanh Tâm

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy