Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
21:38 (GMT +7)

Nỗ lực bảo tồn Soọng cô

VNTN - Soọng cô (có người còn gọi là “hát Soọng cô”) là một loại hình sinh hoạt văn hóa cộng đồng của dân tộc Sán Dìu, rất phát triển trong những năm sáu mươi của thế kỷ XX trở về trước. Sau một thời gian dài do đất nước tập trung vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và những năm tháng vật lộn với cái đói nghèo sau chiến tranh, nên lối hát này đã bị mai một, lãng quên trong mấy thế hệ người Sán Dìu. Phải đến những năm gần đây, do điều kiện kinh tế đời sống của cộng đồng đã nâng cao cùng vấn đề xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, được Đảng và Nhà nước chú trọng thì người Sán Dìu mới từng bước khôi phục lại lối sinh hoạt truyền thống này.

Năm 2015, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã ra quyết định công nhận hát Soọng cô là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Từ ngày đó người Sán Dìu ở các địa phương lại càng phấn khởi hơn, họ đã tổ chức ra nhiều hoạt động nhằm gìn giữ và phát triển vốn văn hóa cổ truyền của dân tộc mình. Tháng 10/2016, Trung tâm Bảo tồn Văn hóa dân tộc Sán Dìu đã ra đời tại Hà Nội, cũng theo đó là sự ra đời của các Ban liên lạc, các Câu lạc bộ Soọng cô ở các tỉnh từ Quảng Ninh đến Bắc Giang, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc. Ở mỗi tỉnh đã tổ chức được nhiều Câu lạc bộ Soọng cô, nhiều cuộc sinh hoạt, buổi hát Soọng cô tại các xóm, xã.

Năm 2018, Trung tâm Bảo tồn Văn hóa dân tộc Sán Dìu đã tổ chức được các hoạt động lớn như: Tọa đàm về sử dụng bộ chữ La tinh để biên soạn tiếng Sán Dìu; tổ chức sưu tầm, biên soạn bộ sách Dân ca Sán Dìu. Trong dịp này, đại diện của 5 tỉnh có đông đồng bào dân tộc Sán Dìu sinh sống đã bước đầu tổng hợp được trên 600 bài hát Soọng cô để tiếp tục biên dịch tiến tới xuất bản tổng tập, để dùng trong các buổi hát giao lưu của dân tộc và phục vụ cho nghiên cứu về sau này.

Các thành viên Soọng Cô xã Phúc Thuận đủ mọi lứa tuổi, trong đó có các cụ đã gần 80 tuổi

Là một tỉnh có đông đồng bào dân tộc Sán Dìu nhất trong cả nước, (khoảng năm vạn người) Đảng bộ và chính quyền tỉnh Thái Nguyên đã tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc Sán Dìu vừa phát triển kinh tế vừa được hưởng thụ và phát triển đời sống văn hóa. Song song với các hoạt động của quốc gia, Thái Nguyên cũng đã tổ chức được nhiều hoạt động, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa Sán Dìu tại địa phương. Năm 2015 tỉnh đã làm thủ tục trình và được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận hát Soọng cô huyện Đồng Hỷ tỉnh Thái Nguyên là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trong quyết định số 3465/QĐ, ngày 13/10/2015. Từ đó đến nay đồng bào dân tộc Sán Dìu trong tỉnh đều được cấp ủy, chính quyền các huyện có dân tộc Sán Dìu sinh sống tổ chức các Lễ hội văn hóa dân tộc, qua đây các dân tộc ít người trong tỉnh được giao lưu, trình diễn các loại hình văn hóa của dân tộc mình như: người Sán Dìu giao lưu Soọng cô, người Tày, Nùng, Dao… thì trình diễn các điệu nhảy cấp sắc, bắn nỏ, đi cà kheo, kéo co, trưng bày các món ẩm thực dân tộc...

Năm 2018 Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức một cuộc liên hoan văn nghệ các dân tộc ít người của 9 huyện, thành thị trong tỉnh. Trong dịp này, đại diện dân tộc Sán Dìu của Thị xã Phổ Yên đã tham dự với những tiết mục mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc mình và được Ban giám khảo và khán giả đánh rất giá cao. Trong tháng 11, đại diện dân tộc Sán Dìu của Thị xã Phổ Yên và nòng cốt là các nghệ nhân đến từ câu lạc bộ Soọng cô xã Phúc Thuận đã đem theo các tiết mục dân ca Sán Dìu đặc sắc đi giao lưu, trình diễn ở Làng Văn hóa các dân tộc tại Đồng Mô, Ba Vì, Hà Nội. Những phụ nữ dân tộc Sán Dìu trong bộ váy áo chàm truyền thống hòa với sắc màu trang phục của các dân tộc khác như: Tày Nùng, Dao, Mông, cùng các dân tộc đến từ các tỉnh Tây Nguyên tạo thành vườn hoa rực rỡ muôn màu sắc. Tại đây, họ đã trình diễn say sưa các tiết mục hát Soọng cô của dân tộc mình, nhảy điệu khai sáng trong Lễ cấp sắc của người Sán Dìu được Ban tổ chức và du khách rất chú ý…

Người Sán Dìu ở Thái Nguyên ngày càng ý thức rằng chính mình phải góp công bảo tồn và phát huy các giá trị vốn có của dân tộc để làm phong phú hơn đời sống văn hóa của cộng đồng. Với nhận thức đó, qua tổ chức các Câu lạc bộ Soọng cô ở các làng xã, đồng bào Sán Dìu đã từng bước sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị của Soọng cô trong đời sống tinh thần. Hiện toàn tỉnh đã có 19 câu lạc bộ với trên 400 thành viên, đã bầu ra Ban liên lạc đại diện cho các câu lạc bộ làm nhiệm vụ liên kết, hướng dẫn các hoạt động của câu lạc bộ được thống nhất theo đúng chính sách pháp luật của Nhà nước, từ đó không ngừng nâng cao giá trị của loại hình văn hóa cộng đồng người Sán Dìu trên địa bàn.

Một sự kiện mới và lớn nhất trong cộng đồng người Sán Dìu tỉnh là cuộc giao lưu của đại biểu dân tộc Sán Dìu 5 tỉnh do Trung tâm Bảo tồn Văn hóa Sán Dìu tổ chức tại Khu bảo tồn nhà sàn Thái Hải thuộc xã Thịnh Đức thành phố Thái Nguyên cuối tháng 11 năm 2018 vừa qua.

Cuộc giao lưu đã diễn ra với chuỗi sự kiện quan trọng và bổ ích như: tổ chức tham quan Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam; giao lưu Soọng cô giữa các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc... Và đặc biệt đã tổ chức Hội nghị khoa học “Không gian truyền thống dân tộc Sán Dìu”. Với hội nghị này các đại biểu đã trao đổi, tham luận về kinh nghiệm bảo tồn di sản văn hóa, tổ chức các hoạt động giao lưu Soọng cô ở các địa phương và kiến nghị những giải pháp để duy trì hoạt động của các Ban liên lạc câu lạc bộ Soọng cô của tỉnh, từ đó cũng mong muốn có được một Không gian văn hóa Sán Dìu ở mỗi tỉnh để bảo tồn các hiện vật, bảo tồn không gian nhà ở, làm nơi giao lưu, hoạt động của cộng đồng.

Tuy nhiên, để đạt tới mong muốn đó thì các Câu lạc bộ và Ban liên lạc đang rất cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Trung tâm Bảo tồn Văn hóa dân tộc Sán Dìu cùng sự phối hợp giữa Trung tâm và cơ quan quản lý văn hóa nhà nước của các địa phương, để từ đó có sự đầu tư về cơ sở vật chất, cùng chính sách đãi ngộ các nghệ nhân. Có như vậy thì việc nghiên cứu, sưu tầm biên dịch và quảng bá các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể mới thuận lợi để phát triển hài hòa trong sự nghiệp phát triển văn hóa của đất nước

Trần Bình Dưỡng

 

 

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy