Chủ nhật, ngày 22 tháng 09 năm 2024
00:25 (GMT +7)

Những tín hiệu hôn nhân của thiếu phụ dân tộc thiểu số

VNTN - Hôn nhân là sự kiện tối quan trọng của đời người, nhất là với phụ nữ bởi nó mang đến những thay đổi cơ bản về mặt sinh lý, tâm lý và văn hóa. Chính vì thế, nhiều dân tộc trên thế giới có các hình thức khác nhau để “đánh dấu”, phân biệt những người đã và chưa trải qua hôn nhân. Thiếu phụ Ấn Độ đằm thắm với nốt ruồi son, quý bà phương Tây đeo nhẫn ở ngón áp út, các quốc gia sử dụng tiếng Anh phân biệt phụ nữ có chồng và chưa chồng qua từ xưng hô Mrs và Miss… Những “tín hiệu” ấy giúp người ngoài biết đó là “hoa có chủ” mà ứng xử cho phù hợp, đồng thời là cách để bản thân người phụ nữ ghi nhớ và nâng niu hạnh phúc của mình.

Ở Việt Nam, hình thức đánh dấu hôn nhân thường phổ biến ở nhiều dân tộc thiểu số. Một số ký hiệu hôn nhân trở thành biểu tượng văn hóa đặc trưng cho tộc người như chiếc tằng cẩu của người Thái, chiếc khăn đội đầu của phụ nữ Sila…

Tằng cẩu Thái - khát vọng về một cuộc hôn nhân vững bền

Nhắc đến trang phục và văn hóa hôn nhân các tộc người vùng Tây Bắc, phải nói tới tục tằng cẩu. Hơn cả ý nghĩa thông thường của phong tục, tập quán, tằng cẩu đã trở thành một luật tục bắt buộc, phổ biến và chặt chẽ trong cộng đồng người Thái đen.

Lễ tằng cẩu người Thái        Nguồn internet

Tằng cẩu là nghi lễ búi tóc lên đỉnh đầu cho cô dâu Thái, đánh dấu cột mốc quan trọng, từ nay, người con gái này đã có chồng, phải thủy chung với chồng, hiếu đễ với cha mẹ, anh em đằng nội. Lễ tằng cẩu diễn ra với những nghi thức thiêng liêng. Trước buổi lễ, nhà trai mang sang nhà gái nhiều lễ vật liên quan đến búi tóc và phục sức của cô dâu, bao gồm 1 sải khăn piêu, đôi vòng tay và hoa tai bạc, nhẫn vàng hoặc bạc, trâm cài tóc, gương, lược sừng và độn tóc. Đáng quý ở chỗ, độn tóc này được kết từ tóc của mẹ chồng sau bao năm gom nhặt, cất giữ chờ đến ngày con trai lấy vợ để tằng cẩu cho con dâu mới.

Người con gái được gội đầu bằng nước ngâm gạo nếp và những thứ lá thơm để rũ hết những vướng bận tình cảm trong quá khứ. Khi tằng cẩu, cô dâu phải ngồi quay mặt về hướng mặt trời mọc. Búi tóc cho cô dâu là người phụ nữ phúc hậu, đông con, khéo léo nhằm mang lại may mắn cho đôi vợ chồng trẻ. Lễ tằng cẩu kết thúc trong những lời hát dặn dò người vợ trẻ của nai tằng cẩu: Tóc đã cẩu là gái có chồng/Kể từ đây chấm dứt thời con gái để làm vợ/Mong con thành đôi như đôi vịt đôi gà/Nên vợ chồng từ lúc trẻ mãi đến già/Vợ chồng quấn quýt bên nhau như cây khoai, cây sắn, cây đỗ/Thấy măng mai măng vầu đừng chặt phá/Thấy con trai đừng cợt nhả với họ.

                    (Tư liệu của Trần Vân Hạc)

Bắt đầu từ đó, người phụ nữ Thái đen mang búi tóc trên đỉnh đầu cho đến hết cuộc đời. Khi người chồng qua đời, tằng cẩu được hạ thấp xuống một chút, lệch sang một bên. Sau 100 ngày, tóc lại được búi cao như cũ với ý nghĩa nhắc nhở góa phụ thủ tiết thờ chồng. Tằng cẩu trở thành biểu tượng cho người phụ nữ Thái đen, cho hạnh phúc hôn nhân của tộc người này.

Chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa Thái, song người Mảng lại có nguyên tắc riêng trong quy định để tóc cho người phụ nữ có chồng. Nét đặc biệt trong kiểu tóc của thiếu phụ người Mảng là họ cắt tóc ngắn, vuốt ngược lên đỉnh đầu tạo thành chỏm tóc (hình cây dừa) kèm theo những sợi tết tua rua nhiều màu sắc. Chỉ con gái chưa chồng mới được để đuôi tóc hở ra ngoài, còn phụ nữ đã kết hôn, bắt buộc phải giữ kín lọn tóc trong chỏm.

Chiếc khăn Si La - sự nối kết ruột thịt

Nếu như khăn Piêu được coi là biểu tượng cho đám cưới Thái thì chiếc khăn đội đầu của phụ nữ Si La cũng là một thứ biểu tượng tình yêu đầy ý nghĩa. Con gái Si La ai cũng đội khăn nhưng màu sắc, kiểu dáng thì không giống nhau. Phụ nữ có chồng thường là chiếc khăn màu đen được đội nhô về phía trước hình lưỡi trai, còn khăn của các cô gái trẻ thì có màu trắng, đính  hoa văn và các quả bông đủ màu sắc.

Trong ngôn ngữ Si La, khăn được gọi là dơ phù. Dơ phù có dáng vóc của một chiếc túi, do mẹ chồng kết từ những sợi tóc. Dù chỉ sử dụng trong một thời gian ngắn (từ khi về làm dâu cho đến khi sinh đứa con đầu tiên) nhưng dơ phù là thứ thiêng liêng nhất của người phụ nữ. Theo Tiến sĩ Ma Ngọc Dung, nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam thì phụ nữ Si La búi tóc trên trán, lồng túi vào đó, rồi quấn quanh búi tóc, tạo nên một cuốn tóc rất lớn nằm ngang. Nếu cuốn tóc này chưa đủ to thì phải độn thêm một vật dụng gì đó của chồng, như cái áo, cái mũ hoặc tóc.

Không chỉ là dấu hiệu hôn nhân, chiếc khăn của thiếu phụ Si La còn tiết lộ đặc điểm con cái. Nếu sinh con gái, búi tóc trước trán sẽ được quấn bằng chiếc khăn thẳng, không có túi để đựng tóc như khăn dơ phù. Nếu sinh con trai, người mẹ độn thêm một ít tóc rụng của mình vào búi tóc. Nếu không có đủ tóc rụng thì phải xin thêm tóc rụng của mẹ đẻ. Vì thế mà khi có chồng, những người phụ nữ Si La đều giữ lại tóc rụng của mình chờ sinh con trai sẽ quấn vào khăn.

Như vậy, chiếc khăn là sự gắn kết tình cảm của các thế hệ nhà chồng, mẹ chồng, người chồng, cô con dâu và những đứa trẻ.

Những thông điệp ngầm trên áo quần, trang sức

Bên cạnh kiểu tóc, ở một vài dân tộc, trang phục cũng được cho là tín hiệu phân biệt người phụ nữ đã hay chưa có chồng. Sán Dìu là một ví dụ. Nữ phục truyền thống của người Sán Dìu gồm khăn đội đầu, áo dài ngang đầu gối, áo ngắn mặc bên trong, ngực đeo yếm trắng, váy xẻ nhiều lớp dài đến ngang đầu gối, xà cạp trắng. Khi mặc áo, người Sán Dìu tuân theo nguyên tắc phân biệt giữa người có chồng và người chưa có chồng. Phụ nữ có chồng và người già thường mặc áo vạt trái vắt sang bên phải, còn phụ nữ chưa chồng thì vắt ngược lại. Tín hiệu này có thể ít được những người ngoại tộc biết tới nhưng lại là đặc điểm quan trọng mà mọi người đàn ông Sán Dìu đều thuộc lòng khi có ý định tìm hiểu cô gái nào đó.

Đồ trang sức là bộ phận không thể thiếu của người phụ nữ, nhất là phụ nữ các dân tộc thiểu số. Hệ thống đồ trang sức của các tộc người miền núi phía Bắc rất đa dạng, chủ yếu làm từ nhôm, sắt, đồng, bạc và do chính bàn tay người địa phương (thậm chí là chủ nhân) chế tác. Người Mông thích dùng trang sức bạc. Số vòng tay vòng cổ phụ thuộc vào tuổi tác và trình trạng hôn nhân. Bên cạnh đó, họ còn sử dụng nhẫn với ý nghĩa tương tự. Nhẫn tròn là loại dành cho người chưa kết hôn, nhẫn dẹt cho người đã có chồng, có vợ. Phụ nữ, đàn ông đã kết hôn thường đeo 2 nhẫn trên cùng một ngón tay.

Nhìn vào đồ trang sức, có thể biết cô gái người Lự đã kết hôn hay chưa. Nếu có chồng rồi thì tóc cô gái sẽ được búi lên đỉnh đầu mà không có trâm cài trang điểm. Ngược lại, nếu còn độc thân, thiếu nữ phải búi tóc lệch, cài trâm và đeo vòng tay theo số lẻ. Như vậy, không chỉ có vai trò làm đẹp, đồ trang sức còn giúp người mang nó ngầm thông báo về cuộc hôn nhân của mình.

Những năm 70 thế kỷ hai mươi, ở phương Tây diễn ra cuộc đấu tranh nữ quyền, đề xuất thay thế từ Mrs, Ms (phân biệt phụ nữ đã và chưa có gia đình) bằng từ chung Ms, tạo ra sự bình đẳng với các quý ông (chỉ dùng Mr). Tuy nhiên, ở một phương diện khác, những tín hiệu hôn nhân như tằng cẩu, dơ phù, chiếc nhẫn, chiếc trâm cài đầu của các dân tộc thiểu số Việt Nam lại mang giá trị đạo đức, thẩm mĩ riêng, được chính những người phụ nữ giữ gìn. Nó là biểu tượng cho hôn nhân, là sợi dây gắn kết các thành viên trong gia đình, là lời nhắc nhở để người trong cuộc nâng niu, trân trọng hạnh phúc thiêng liêng của chính mình.

 

Suối Linh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy