Những kẻ viết thuê…
VNTN - Túc đang mê man trong cái nắng ngoài gần 400 thì tiếng chuông điện thoại rúc lên như từng hồi tàu lúc vào ga. Cái tên “Phong Dai ca” nhấp nháy trên màn hình đủ sức nóng khiến Túc bật dậy tỉnh ngủ ngay tức khắc.
-Lại có vụ gì hả anh?
-Ờ. Vụ mới. Có vẻ ngon. Ông này là lão thành cách mạng. Thấy bảo có cả kho ký ức chiến tranh để kể. Cứ gọi là lợi đơn lợi kép. Vừa được tiền rủng rỉnh mà biết đâu lại có thêm chút vốn liếng kinh nghiệm viết tiểu thuyết.
-Lão này còn minh mẫn không? Đừng như mấy “anh” trước đãng trí nói liên thiên báo hại tụi mình gỡ băng ghi âm phát mệt.
-Ngon lành cành đào lắm. Cứ yên tâm.
Yên tâm? Cái nghề viết thuê này yên tâm hay không cũng vẫn cứ vậy thôi. Bảo sướng thì đúng là sướng thật. Chỉ cần vài ba buổi gặp gỡ nhân vật, về gỡ băng ghi âm và dùng chút thủ thuật của nghề thế là cầm trong tay vài chục triệu chia chác cho nhau. Nhưng bảo là cực thì lại thấy đúng là cực thật. Những kẻ có tiền thêm cái tật huyễn hoặc bản thân cứ ngỡ đời mình là cả trăm trang sách. Trong khi đó chẳng có gì nổi bật, chẳng công to việc trọng toàn chuyện vợ lớn vợ bé và mánh khóe làm ăn cũng bày đặt tìm đến chữ nghĩa văn chương. Gặp người ngoài giới thiệu rõ oai “đây là nhà văn X, nhà văn Y viết hồi ký cho tôi. Toàn tuổi trẻ tài cao cả đấy. Ông/ bà đã đọc tác phẩm nào của họ chưa? Chưa đúng không? Tiếc thật. Nên đọc. Nên đọc”. Kỳ thực sau lưng thì chả coi ra đếch gì. Bọn viết thuê ấy mà. Tác phẩm của các cô cậu ấy à? Thời gian đâu mà đọc.
Kẻ yếu bóng vía sẽ tưởng mấy vị này đông tây kim cổ đều tường tận. Phong dặn bọn này toàn lũ lắm tiền ưa nịnh. Hỉn cho vài câu là êm. Đừng hơn thua mệt xác. Vỹ không nói gì hoặc là sẽ tếu táo vài câu. Hà bảo nhạc nào cũng nhảy sợ quái gì, cốt là có tiền đổi sang Iphone X. Những cuộc “hội nghị bàn tròn” như thế thường kết thúc bằng tiếng vợ giục Phong về trông con. Tiếng sếp giục Hà mau nộp bài để lên trang. Tiếng đám bạn thơ văn nào đó giục Vỹ chạy gấp đến quán bia ôm nếu không sẽ cạn sạch mồi. Không có ai giục Túc ngoài cái lối để xe bé tí tẹo của xóm trọ tồi tàn. Nếu về muộn sẽ chẳng có chỗ nào mà nhích. Trong lúc trôi về nhà đầu óc Túc còn mải nghĩ chiều nay sẽ ăn gì.
Túc căn 7h tối gọi điện thoại về nhà nói chuyện với mẹ. Ngày nào cũng gọi mà vẫn có nhiều chuyện để nói. Giống như nhiều người ngày nào cũng cần nói chuyện với Chúa. Nhưng Túc thì không bao giờ xưng tội hoặc than thở với mẹ. Bởi mẹ không có cách nào làm tiêu tan bay biến nỗi buồn bằng một thứ niềm tin mơ hồ. Đắng cay đời mẹ đóng cặn thành đá sỏi nên Túc chẳng đời nào muốn chất chồng thêm. Trái lại mẹ cần than thở với Túc về con bò bị ốm, đàn gà mười con mất bốn, một tuần có đến ba đám cỗ. Cỗ gì mà nhiều thế mẹ? Thì cỗ đầy cữ, cỗ cưới, cỗ giỗ nói chung là ăn đủ một vòng đời. Bố lại say rượu ạ? Cái đề tài muôn thuở ấy được mẹ kể mỗi ngày. Một ngày ở nhà Túc không có vài trận đụng độ bằng mồm thì có khi trời đất sắp sụp đến nơi. Những con người mệnh hỏa, tính như lửa phun ra để đốt nhau. Chuyện bé xíu cũng có thể thành cơn hỏa hoạn. Không ai muốn châm muốn dập, lửa sẽ tự tắt tự bùng. Sống như thế mà không ai phát điên cũng đủ thấy sức chịu đựng của con người là vô hạn. Nhà Túc nợ nần nhiều chứ không túng quẫn. Chỉ có ngôn từ khiến mỗi người tự tạo ra mặc cảm túng quẫn cho mình. Túc đã nghĩ đời sống phức tạp ấy có lẽ đã biến Túc thành một nhà văn chứ chẳng phải tài năng thiên bẩm gì sất.
* * *
Trước khi đến gặp nhân vật mới đại ca gọi điện bảo:
-Ông này làm cách mạng. Tính cũng tự cao tự đại lắm. Nên nếu có đến viết đừng nhắc gì đến chuyện tiền nong. Cái đó sẽ bàn riêng với anh con trai. Đến đó chỉ việc nói làm sao cho ông ấy sướng lỗ tai để cung cấp tài liệu nhiệt tình cho anh em mình là đủ.
-Lại cái điệp khúc vì chúng cháu là dân viết trẻ nên rất thiếu vốn sống đúng không?
Đại ca cười hi hí. Khen Túc thuộc bài nhanh phết. Chuyện. Có mỗi cái câu ấy sao mà chả thuộc. Còn tùy vào mỗi trường hợp mà mô đi phê cho nó phê hơn. Giả dụ nhân vật là một bà cụ lẩn thẩn muốn viết về mối tình huyền thoại của mình. Thì tụi Túc sẽ bảo “chúng cháu là dân viết trẻ đang thiếu vốn sống. Câu chuyện của bà nghe sơ qua đã thấy vô cùng cảm động. Chúng cháu ngưỡng mộ tình yêu của bà và muốn chấp bút để kể lại cho người đời đọc”. Vỹ tất nhiên sẽ thêm bớt “giữa thời đại yêu đương bát nháo đầy mùi thực dụng này thì quả thật câu chuyện của bà giống như cổ tích”. Người già thường rất dễ tin, không hoài nghi nên cũng chẳng phải mất công kiểm chứng. Túc thấy ngượng mồm nhưng Hà bảo nịnh như nịnh bà ở nhà thôi mà, có chết ai đâu. Đúng là chẳng chết ai thật, vui vẻ đôi bên. Túc không ngại nói dối bà cụ mà ngại là đã nói dối chính mình. Đại ca như thấu hiểu tâm tư, huých nhẹ vai bảo “kệ mẹ đi, lương tâm của mình nó cũng phải tự thích nghi mà thông cảm cho mình chứ”. Mấy mà nó cũng chai sạn luôn đi. Chẳng tha thiết kiếm tìm ý tưởng nào tốt đẹp. Cứ nhai đi nhai lại qua ngày thứ rơm khô.
Trên đường tìm đến nhà người lão thành cách mạng Túc đã nghĩ ít ra cũng có vài câu chuyện thời chiến đáng để nghe. Túc vốn thích được sống lại không khí thời chiến bằng ký ức chân thật và sinh động của những người từng vượt qua lằn ranh sinh tử. Túc sẽ thấy bớt áy náy khi phải dọn ra một bữa tiệc ngôn từ. Để người đọc nào đó bị bắt buộc phải thưởng thức cũng không oán trách những kẻ viết thuê. Bởi không phải bữa tiệc nào cũng hấp dẫn. Có đôi khi Túc loay hoay không kiếm được thứ gia vị nào cứu vớt nổi món ăn. Đại ca bảo “kệ đi, chúng nó ăn chứ mình ăn đâu mà sợ”. Nhưng ngửi hơi thôi cũng đủ chết chán rồi. Nói vậy chứ chẳng nên than thở quá nhiều. Có ai ép Túc phải làm công việc này đâu. Ngoài tiền. Những đồng tiền lạnh tanh không một lời hô hoán nhưng đủ uy quyền khiến bao người như Túc phải bán não của mình. Rẻ rúm đến mức đã có lúc Túc nghĩ chắc não mình cũng chỉ đáng giá vậy thôi. Đại ca nói lần này bán não được một món hời hơn. Ông lão lần này hình như có điều gì oan ức nên cậu con trai đã lén lút bỏ một món tiền không nhỏ để thuê.
Tòa nhà 40 tầng hút Túc trôi xuống hầm gửi xe sâu lắt léo. Ở đây muốn đi lại phải có thẻ. Nên Túc phải đi cầu thang bộ qua mấy lớp cửa mới lên đến tầng lễ tân nhờ họ bấm giùm thang máy. Loài người đang dần tự xây ô bít kín trong những tòa nhà ngột ngạt như loài dế bị cầm tù rồi lẫn lộn gọi đó là một phần văn minh đô thị. Hành lang không có ai, họ co cụm sau cánh cửa đóng chặt và chắc hẳn đang mơ đến những điều tuyệt diệu ở ngoài kia. Túc không giàu bằng họ nhưng biết chắc sẽ chết ngạt nếu nhốt mình ở đây. Đại ca bảo “chuẩn bị tinh thần đi, sẽ phải ngồi đây ít nhất bốn tiếng một ngày cho đến khi xong việc”. Cánh cửa duy nhất khép hờ, có vẻ như đang chờ đợi Túc. Đại ca đẩy cửa bước vào rất tự nhiên, chỉ cho Túc chỗ bỏ dép và giới thiệu luôn nhân vật chính đang ngồi trên chiếc ghế giữa nhà. Ông cụ như bừng tỉnh khỏi đống giấy tờ tài liệu, ngẩng lên cười với đôi mắt sáng. Ông hói đầu, không có râu nhưng lông mày thì trắng như sợi cước. Trên bàn đã pha sẵn bốn cốc nước, chắc là có cả phần của Hà và Vỹ. Nhưng bọn hắn còn bận đi chạy show đâu đó nên hẹn lịch làm việc với ông vào buổi khác. Một đứa chuyên kiếm thêm bằng nghề làm MC đám cưới. Kéo theo một đứa biết đánh đàn ngon lành mà hát thì thể loại gì cũng nuột. Nhà báo làm MC người ta càng quý, bởi ít ra cái thứ văn chọc cười trong đám cưới cũng thâm thúy hơn và đỡ phần tục tĩu. Vỹ bảo vừa cơm no rượu say vừa được vỗ tay lại nhận thù lao bằng mấy bài đăng báo. Tội gì. Ừ, tội gì, Túc mà có thêm tài lẻ cũng lăn vào kiếm ăn. Nhưng khổ nỗi ngoài nghề viết văn thì chẳng biết làm gì. Trong lúc mải nghĩ ngợi thì ông cụ đã biến khỏi tầm mắt Túc lúc nào không hay. Lẫn đâu đó trong những giá sách lớn nhỏ trông như một thư viện. Túc cũng muốn lẫn vào trong đó.
Ông cụ lấy ra vài quyển sách. Nhìn lướt qua bìa thì thấy đó đều là sách dịch dành cho nghề viết. Những cuốn sách đó Túc đều đã đọc và đã quên. Chẳng cuốn sách nào đọng lại trong đầu Túc quá lâu dù có hay đến đâu chăng nữa. Ông cụ bảo:
-Đây là quà tặng khách đến nhà. Tôi nhìn người nhìn nghề mà chọn sách. Các cậu xem tôi chọn có đúng không?
Đại ca cười hề hề khen ông cụ vẫn còn minh mẫn lắm. Túc cầm lên một cuốn sách, tuy không còn mùi giấy mới nhưng lại có thứ mùi hương rất dịu. Thả lỏng người dựa lưng vào thành ghế Túc mới thấy mình đã gồng cứng cảm xúc và cơ thể quá lâu. Trò chuyện được một lúc thì đứa cháu nhỏ chạy về. Nó đặt ở giữa bàn uống nước mấy bông hoa ngọc lan được gói trong khăn tay. Nó đi chơi lần nào cũng hái hoa về làm quà cho ông như thế. Chân ông đau không đi được đâu nên quanh quẩn trong căn phòng toàn sách. Thế giới của ông là bầu trời trên tầng thứ 40. Nhìn lên cao thấy gần mây thích hơn là nhìn xuống kia thấy xa mặt đất. Ông cụ bảo cách nhanh nhất để chạm vào thành phố có lẽ là buông mình rơi xuống. Túc thấy thương ông cụ khi biết rằng con người ấy từng có tuổi ấu thơ lớn lên ở đồng cỏ quê nhà. Từ nãy giờ dường như ông ngập ngừng như muốn nói điều gì. Phải đến khi bọn Túc chủ động bàn về cuốn hồi ký thì ông mới hỏi:
-Viết thế này có mất nhiều tiền không? Hay là thôi các cậu đừng có viết. Tôi chẳng muốn tiêu tiền của các con đâu. Thằng con trai cứ nghĩ chắc bố nó oan ức và thiệt thòi nhiều lắm. Nên cứ nung nấu nhờ người viết hồi ký giúp tôi. Chứ thực ra tôi chẳng oan ức gì, lối sống đó là do tôi chọn. Mà đời tôi cũng chẳng có gì để viết. Nên nếu rảnh chỉ dám mời cô cậu đến chơi nhà trò chuyện cho vui.
-Tụi cháu quen anh Kha con trai cả của ông. Anh ấy cũng giúp đỡ tụi cháu trong công việc rất nhiều. Chút việc nhỏ này thì có đáng gì mà chúng cháu dám nghĩ chuyện tiền nong. Đến hầu chuyện ông lại còn có thêm bao kinh nghiệm sống đáng quý.
-Kinh nghiệm đáng quý nhất trong đời tôi chính là thấm thía một điều, người ta chẳng cho không ai cái gì các cô cậu à.
Túc ngó nhìn Phong. Mấy lời của ông cụ đã làm Túc cứng họng nhưng Phong thì không. Anh bảo nghề quái nào mà không cần mánh khóe huống hồ là cái nghề buôn chữ. Rất chuyên nghiệp, quả đáng mặt đại ca của nhóm. Không có Phong thì bọn chữ nghĩa hay tự ái như Túc chỉ có mà chết đói. “Nếu sĩ diện thì đừng làm mà đã làm thì vứt mẹ cái sĩ diễn đi”, Phong đã nói như vậy rất nhiều lần. Giờ Túc thêm một lần nhìn Phong cởi sĩ diện như cởi cái áo khoác vắt trên ghế.
-Thì tụi cháu cũng đâu có cho không. Kinh nghiệm sống của ông bấy lâu chẳng nhẽ không đáng giá hơn tiền?
-Nhưng mấy câu chuyện đời tôi thì có thể giúp gì cho cô cậu?
-Ông hỏi vậy là không hiểu hết về nghề viết của chúng cháu rồi.
Ông cụ cười. Tiếng cười sang sảng chỉ có ở những người tâm trong trí sáng. Trên tường treo bức ảnh đen trắng đã ố màu thời gian, chụp một thanh niên mũi dọc dừa, miệng cười tươi và đôi mắt sáng ngời. Túc bỗng tò mò về một thời trai trẻ của ông. Người già này mang khuôn mặt của lịch sử và màu của thời gian. Túc đọc được niềm vui trong mắt Phong. Lừa một ông già đúng là dễ hơn những người trẻ khác. Nhưng hình như ông cụ vẫn còn băn khoăn lắm.
-Nhỡ các cô cậu lấy tài liệu của tôi dùng vào mục đích chính trị thì sao? Có ối chuyện liên quan đến các cán bộ cấp cao mà nếu động đến thì cái thân già này e cũng không sống ổn.
Giá như bọn Túc có thể nói lý do họ đến đây vì tiền thì có lẽ ông cụ sẽ thấy mình lo lắng bằng thừa. Chính trị ư? Nó quá là xa xỉ với những người như Túc. Bọn Túc hèn vì cơm áo lâu rồi. Không viết nổi một áng văn cho ra hồn thì nói gì đến chuyện nuôi lý tưởng. Những người trẻ như Túc khác với thời trai trẻ của ông. Nhỏ bé, đớn hèn và chết chìm trong cái vòng luẩn quẩn mưu sinh. Làm nô nệ cho cuộc chiến cơm áo gạo tiền. Không một tiếng súng nào vang lên nhưng cả nghìn linh hồn ngã xuống.
-Tôi cần các cô cậu viết một cái cam kết sẽ không dùng tài liệu của tôi vào mục đích gì khác ngoài viết một cuốn hồi ký gia đình.
-Ông cứ hay lo xa. Cam kết thì cam kết. Chúng cháu thì biết gì mà chính trị, chính em.
-Thông cảm cho tôi. Tôi không thích cái gì nửa vời. Tôi cần có cơ sở để đặt niềm tin tuyệt đối.
Túc bỗng nhiên bật cười. Khả năng phán đoán của ông cụ có lẽ đã già theo tuổi. Phòng bị thì chu đáo thật đấy nhưng phán đoán sai hướng. Túc nhìn ra ngoài trời, Hà Nội đang những ngày nắng nóng đỉnh điểm. Rồi chẳng bao lâu thiên nhiên sẽ hút đến cạn kiệt sức lực con người. Trả lại con người đúng cái giá mà họ đã bóc thiên nhiên thành từng lớp vỏ lợi nhuận đem đút túi. Túc và bao nhiêu người khác đang phải hứng chịu hậu quả mà mình không gây ra. Những người như ông cụ hẳn phải đau đớn hơn khi gần nửa cuộc đời không tiếc mồ hôi xương máu bảo vệ từng tấc đất, gốc cây.
-Đất nước còn biết bao việc cần làm mà tôi cứ tủn mủn thế này. Thứ lỗi cho tôi các cô cậu nhé.
Không lẽ Túc lại nói ra cái ý nghĩ vừa nảy lên trong đầu cô. Rằng từ lâu Túc chẳng biết phải làm gì cho đất nước. Chỉ lo vun vén cuộc sống của riêng mình cũng đã quá chật vật. Đằng sau Túc còn có cả gia đình đang vất vả mưu sinh. Mẹ Túc đau ốm triền miên mà đêm đến còn phải vắt tay lên trán lo công nợ. Bố Túc đã già yếu vẫn phải đi phụ hồ kiếm từng đồng trang trải gia đình. Chờ được sự đổi thay chắc cũng hết đời người. Ông cụ còn loay hoay gì với cái tuổi đã gần chín mươi? Để cho vai Túc bỗng nhiên trũng xuống.
* * *
Bằng một cuộc điện thoại, Phong đàm phán với con trai ông cụ để cầm trong tay một nửa số tiền nhuận bút. Chia chác nhau xong, số lẻ mang đi nhậu nhẹt. Túc không thích mấy cuộc rượu bia, mỗi lần đi viết thuê là một lần đuội sức. Chỉ thèm lết xác về căn phòng trọ nằm bẹp dí một chỗ như xác chết. Nghĩ xem với số tiền vừa có được phải chi tiêu thế nào cho hợp lý. Nhất là khi đám cưới đã cận kề. Túc cần tiền để trang trải từ đôi guốc dưới chân cho đến những mâm cỗ mời họ hàng, bà con chòm xóm. Túc không muốn bố mẹ phải gánh vác phần đời của cô thêm nữa. Một đám cưới chẳng làm đổi thay gì cuộc đời của Túc. Khác với những gì cô dự liệu. Rằng kiếm lấy một anh thật giàu rồi sống đời bình yên bếp núc. Như cô nhà văn xinh đẹp nào đó từng nói “tiền hãy để đàn ông lo liệu, phụ nữ chỉ nên ở nhà vào bếp và viết văn”. Nhưng Túc lại lấy một người quá nghèo, nghèo đến mức chưa bao giờ dám nghĩ đến việc tựa lưng vào. Cái vòng luẩn quẩn mưu sinh bám riết lấy Túc. Hả hê nhìn Túc vắt kiệt mình. Còn Túc thì nhìn những ngôn từ chết dần trong đầu, mỗi sáng quét xác chúng vun thành đống. Ngôn từ chết đến đâu tóc rụng đến đó. Có sáng vơ tóc quanh chăn gối Túc khóc. Cảm tưởng như đến một ngày nào đó khi đã rụng hết tóc thì Túc cũng chết. Khi ấy đầu Túc chắc chắn sẽ nhẹ bẫng như một cái sọ dừa.
-Cha tôi ngày xưa đi theo cụ Đề Thám, cuối đời sống chui sống lủi rồi chết trẻ. Tôi được thừa hưởng máu của ông cha. Mà máu của ông cha chưa chắc đã ổn. Được chữ “dũng” nhưng mất chữ “khôn”. Cuộc đời tôi cầm câu này đi xuyên qua hai cuộc chiến tranh “Kiến ngãi bất vi vô dũng dã”. Nên cả đời vì tình mà tự dấn thân vào khó khăn, vất vả. Có bị vùi dập nhiều lần e cũng là điều dễ hiểu đúng không cô?
-Ở thời nào cũng vậy thôi ông nhỉ? Những người đấu tranh cho lẽ phải thì thường chịu thiệt thòi.
Ông cụ cười, ngồi ngả người ra ghế thong dong ngâm Kiều:
“…Thúy Kiều sắc sảo khôn ngoan
Vô duyên là phận hồng nhan đã đành
Lại mang vào một chữ tình
Khư khư mình buộc lấy mình vào trong
Vậy nên những chốn thong dong
Ở không yên ổn, ngồi không vững vàng
Ma đưa lối quỉ dẫn đường
Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi…”
Ông đang ngâm nửa chừng thì cụ bà đi chợ về. Bà thở dài, tiếng thở làm lung lay cả mấy cánh hoa ngọc lan khô để trên bàn. Có lúc bà lẳng lặng gọt cà rốt, bóc hạt sen ninh cháo. Có khi lại đi lại quanh nhà, tiếng chân bước mạnh như từng dấu chấm ngắt quãng trong câu chuyện của ông. Túc không làm sao tập trung được vào mạch chuyện. Người đàn bà này có bao nhiêu tâm trạng đều phô bày trên khuôn mặt. Sự hời hợt ấy chỉ càng làm nền cho nét sống thâm thúy của ông. Ngôi nhà này hẳn nhiên chứa đựng nhiều mâu thuẫn. Giữa một người chồng cả đời sống vì lý tưởng và người vợ từng có thời phải xoay xở đến từng bữa cơm rau. Cụ ông từng là một cán bộ an ninh cấp cao nhưng không bao giờ tơ hào một đồng của nhân dân cũng không nhận bổng lộc gì từ tập thể. Cả một đời không biết sống cúi đầu, cho đến lúc về già tâm vẫn bền trí vẫn vững. Nghĩa khí của ông hẳn không thể thay thế cơm ăn và áo mặc. Bà cười chua chát bảo:
-Ông thanh cao lắm, chỉ có bà cả đời cắm mặt mưu sinh.
-Ối dào. Bà ấy lại trách tôi không biết sống thực dụng ấy mà. Bà nó ơi, tôi đã nói cả trăm lần rồi đó thôi. Rằng nếu tôi dễ lung lay đến thế thì đã ngả đầu vào lòng những người đàn bà khác lâu rồi. Tôi nhiều người thương lắm bà ơi…
Ông lại cười sang sảng, bà lắc đầu mang áo ra khâu vá. Ông lại ngồi tiếp tục kể chuyện coi tù binh, chuyện cứu người trong đám cháy, chuyện bè phái và sinh mệnh cách mạng. Từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn, vẫn một màu than hồng nhiệt huyết. Trong khi ngoài trời nắng đã sắp vượt ngưỡng sức chịu đựng của con người. Túc có lúc thấy mình đang được sống giữa không khí gấp rút, hừng hực trong cuộc chiến. Lúc lại thấy mình trôi vào tận cùng những lo toan thường nhật. Ông cụ kể cứ kể, Túc mải nghĩ cứ nghĩ. Bao nhiêu tiền một chiếc quạt hơi nước để mua cho bố mẹ ở quê? Còn bao nhiêu ngày thì phải đóng tiền nhà? Những báo nào còn chưa chịu thanh toán tiền nhuận bút? Thứ bảy này nên đi tàu chuyến sáng hay chiều? Có nên bảo với ông chồng tương lai rằng từ từ hãy sinh em bé? Túc cứ nghĩ, nghĩ mãi, cho đến khi mùi xào nấu thức ăn từ căn bếp của bà bám vào đến từng cánh hoa lan. Túc uể oải ra về…
Hai tháng sau cuốn hồi ký được hoàn thành. Túc thở phào nhẹ nhõm tự hứa với lòng mình nốt lần này rồi thôi. Túc sẽ không bao giờ đi viết thuê thêm nữa. Nhưng lần nào đại ca gọi Túc cũng vội vàng nghe máy. Chết tiệt thật, người ta dễ nguôi ngoai cảm giác chán ngán này đến thế sao? Biết đâu một ngày Túc khước từ những lo toan để sống đúng với những gì mình muốn. Mà lâu lắm rồi Túc không biết mình thực sự muốn gì. Cứ tồn tại từng ngày như quán tính. Hễ cứ lúc nào định giày vò lương tâm như thế là thể nào Phong cũng gọi. Lần này Phong gọi cả bọn đến gặp nhân vật buổi cuối cùng để bàn giao lại toàn bộ bản thảo cuốn hồi ký. Có hẹn nhau cuối buổi đừng vội về, sẽ chia nốt tiền thù lao ở dưới hầm để xe. Túc đã tính xong đâu vào đấy, số tiền này dùng làm cỗ ăn hỏi thiết đãi anh em. Nếu còn thừa thì chung tiền với người yêu mua nhẫn cưới. Làm gì có để dư.
Ông cụ mở sẵn cửa đón khách. Trong nhà còn nồng mùi thức ăn. Cụ bà xua đuổi chúng bằng hai chiếc quạt thổi thốc ra ngoài hành lang. Những cánh hoa ngọc lan tội nghiệp đen đủi vì nóng, hôi hám vì mùi dầu mỡ. Vẫn điệu cười sang sảng, ông cụ bảo:
-Hôm nay tôi mời các cô cậu đến dùng với tôi một bữa cơm rau.
-Ông chu đáo quá bọn con thêm ái ngại.
-Có gì để mà ái ngại nào. Cô cậu giúp tôi bao công sức mà tôi thì… chỉ trả công được một bữa cơm canh đạm bạc.
Túc ngồi im, chưa ăn đã nghẹn. Bữa cơm được cụ bà dọn ra. Một đĩa thịt gà rang muối có rắc thêm chút lá chanh thái nhỏ. Ông cụ bảo gà từ quê gửi xuống sạch và thơm thịt lắm, đã để dành trong ngăn đá cả tuần, đợi hôm nay mang ra đãi khách. Một đĩa rau tàu bay luộc, chắc cũng là quà quê. Màu rau xanh và mùi vị của nó gợi cho Túc nhớ những ngày đói kém ấu thơ. Từng cùng mẹ đi hái loại rau này về luộc ăn trừ bữa. Ăn đến đâu mát ruột gan đến đó. Trên mâm cơm tươm tất còn có thêm mấy món ăn vùng miền. Ông bảo “gạo cũng là gạo mới còn đồ ăn thì toàn là bạn chiến đấu gửi xe ra biếu”. Bữa ăn này giống bữa ăn cuối cùng của tử tù. Ngon đến mức người ta không nuốt nổi vì phút giây hành quyết cận kề. Phút hành quyết của lương tâm đã điểm. Túc đọc được trong mắt ông cụ lòng thương hại. Liệu có phải ánh mắt ông từng dành cho những tên giặc lái bị nhốt ở Cao Bằng năm 1971? Bữa cơm nhân đạo này Túc làm sao có thể nâng cốc hả hê? Những tiếng cụng ly lách cách vang vọng trong đầu Túc. Mọi người mải mê ăn uống, chỉ có ánh mắt của ông cụ là thỉnh thoảng hướng về phía Túc.
Hồn nhiên như Vỹ vậy mà cũng có lần từng nói “nghề viết thuê là cái nghề chuyên đi ăn não người”. Những món não ô tạp, hôi hám bụi bặm thường nồng mùi tanh tưởi. Và dù có kiếm được bộ não của người ăn chay thì cơ bản bọn Túc vẫn chỉ là những kẻ đi ăn não người mà thôi. Cả đời sống ký sinh vật vờ vô nghĩa. Có chăng chỉ hơn kẻ khác ở chỗ, nếu sau này lỡ nổi hứng muốn viết hồi ký cho mình, thì chẳng phải tốn vài chục triệu đi thuê. Mà nghĩ cho cùng đời Túc không có gì đáng nhớ ngoài cái nghề viết thuê. Nên khi ăn não của chính mình hẳn là sẽ khó nuốt vô cùng…
Truyện ngắn. Vũ Thị Huyền Trang
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...