Những điều thú vị ở miền Tây
Đặc trưng khí hậu và cảnh vật vùng sông nước, lối sống giao hòa với thiên nhiên đã hình thành và tạo nên những nét văn hóa vô cùng riêng biệt của đất và người Tây Nam bộ. Ở đây, có nhiều điều đặc biệt trong phong cách sống, ẩm thực, cũng như cách hưởng thụ cuộc sống của người dân, khiến miền đất chín rồng thật dễ chịu và đáng mến.
1. Mua rau, tự động có thêm rau gia vị
Đây có lẽ là điều đặc biệt dễ nhận biết nhất khi đi chợ ở miền Tây. Ở các sạp hàng rau, cho dù khách hàng mua bất kể loại rau, củ, quả nào, số lượng nhiều hay ít, thì chủ sạp sau khi cân đong, báo giá tiền, sẽ tự động cho thêm (miễn phí) một vài loại rau gia vị. Người bán kỹ lưỡng còn có thể căn cứ vào loại rau, củ mà người mua chọn để thêm rau gia vị cho phù hợp.
Ví như, nếu mua bí đỏ, khoai mỡ, đồ nấu canh chua thì sẽ được cho thêm hành, ngò gai (mùi tàu), rau ngổ; nếu là khoai tây, cà rốt, su hào… thì có hành, ngò gai; là đậu cove, đậu que, cà chua… thì sẽ là hành, ngò rí (mùi)… Ở đây, người mua có thể “thương lượng” để xin thêm vài trái ớt tươi, hoặc đổi loại rau gia vị mà mình cần. Tùy vào từng thời điểm và giá thành của rau gia vị mà chủ cửa hàng có thể cho nhiều hoặc ít, chứ hiếm khi họ bán mà không cho thêm rau gia vị. Nếu trong trường hợp không có rau gia vị để cho, thì người ta sẽ “bù” thêm bằng chính mặt hàng khách mua (mua cà chua thì thêm cà chua, tỉ dụ vậy).
Vợ chồng ông bà Năm có thâm niên bán hàng rau tại chợ An Thới (Cần Thơ) đã mấy chục năm nay. Bà Năm không chỉ nhìn vào loại rau củ hàng khách mua, mà còn nghĩ về món ăn sẽ chế biến để cho thêm rau gia vị, ớt cho phù hợp. Bà vui vẻ cho biết: “Cho thêm “đồ nêm” là thói quen truyền thống, một nét văn hóa đẹp trong giao thương buôn bán đã ăn sâu trong ý nghĩ và hành động của chúng tôi rồi. Dù người ta mua chỉ 2 ngàn giá đỗ cũng phải cho họ hành ngò đầy đủ. Có thể gọi đó là… nghệ thuật bán hàng của người miền Tây đấy!”
Ở các chợ miền Tây, có người bán tổng hợp các loại rau, có người lại chỉ bán các loại bông như: điên điển, so đũa, tỏi, hẹ, bông súng…; có người chuyên bán rau sống như xà lách, các loại rau thơm, bắp chuối, rau muống bào...; người thì lại chuyên mặt hàng củ… Dù là mặt hàng nào thì họ cũng bán và cho kèm thêm rau gia vị. Cái hay ở chỗ, nếu mua cùng một cửa hàng rau mà chọn 3, 4 loại khác nhau, thì số rau gia vị cũng được cho tăng lên. Vì thế, nếu đi một vòng chợ với khoảng 4, 5 sạp hàng, người mua đã có được một lượng rau gia vị kha khá đủ dùng, thậm chí còn có thể để dành dùng trong cả tuần liền.
2. Dừa là gia vị quen thuộc
Nếu như thói quen nấu ăn của người miền Bắc thường hay nêm bột canh, người miền Trung hay cho thêm muối, thì người miền Tây ăn vị ngọt với đường, dừa…
Có thể nói rằng, dừa là loại trái cây đóng vai trò rất quan trọng trong việc chế biến thức ăn, là “gia vị” chủ đạo trong rất nhiều món ăn ngon của người miền Tây. Là một vùng đất mới (300 năm) so với chiều dài lịch sử hơn ngàn năm của miền Bắc và hơn 700 năm của miền Trung, căn cứ trên sản vật địa phương, tính cách cũng như sự thích nghi với môi trường trong quá trình khai mở vùng đất này mà khẩu vị của người dân nơi đây có phần khác biệt. Hầu như tỉnh nào miền Tây cũng trồng dừa, đặc biệt nhiều là ở Bến Tre. Chính vì thế mà hầu hết các món ăn đều được chế biến, biến tấu và nấu chung với các nguyên liệu từ dừa như: nước dừa, nước cốt dừa, cơm dừa…
Nói về ẩm thực, các món liên quan đến dừa khá đa dạng, phong phú cách chế biến từ món mặn đến món ngọt, đồ kho/rim, canh, chè, bánh… Những món nổi tiếng có thể kể đến như: cơm dừa, thịt kho hột vịt nước dừa, bánh canh cá lóc…; ngoài ra còn có rất nhiều loại bánh ăn chung với nước cốt dừa như: bánh bò, bánh lá mít, bánh đúc lá dứa, bánh chuối bọc nếp nướng, bánh tằm bì… Ở đây có khi cả ngày người dân đều có thể ăn/uống những món có dừa. Ví như bữa sáng là tô bánh canh cá lóc, bữa trưa mâm cơm có món canh khổ qua (mướp đắng) hầm nước dừa Xiêm, thịt kho cơm dừa kèm nước dừa; xế chiều làm vài cái bánh bò, bữa tối cả nhà thủng thẳng đi ăn vài cái bánh xèo…, tất cả các món kể trên đều có sự hiện diện của dừa trong đó.
Trải nghiệm món ngon từ dừa, ta rất nên thử là món cơm dừa. Tuy nhiên, món ăn này không bán đại trà vì khâu chế biến khá công phu, chúng thường chỉ có ở những nhà hàng lớn, nếu đi tour muốn ăn thì khách phải đặt trước mới có. Phổ biến và bình dân thì có nhiều món, chẳng hạn như món bánh canh cá lóc. Món này có gốc gác từ miền Trung, nhưng khi vào đến miền Tây thì người dân đã nêm nếm gia vị, thay đổi một chút, đó là có thể thêm một ít nước cốt dừa vào, khiến tô bánh canh cá lóc có vị thơm, béo, ngọt tự nhiên. Hay như món bánh tằm bì “trứ danh”, ngoài nguyên liệu là sợi bánh to mềm làm từ bột gạo, bì cắt sợi nhỏ trộn thính gạo, thịt heo xào và rau sống, dưa leo, giá đỗ, thì khi ăn không thể thiếu nước cốt dừa chan bên trên. Để đánh giá bánh có ngon hay không, người ta sẽ xem xét phần chất lượng nước cốt dừa ngọt, thơm, béo ra sao. Những người lần đầu thưởng thức món ăn này sẽ có chút ngạc nhiên vì lạ, có nước cốt dừa ngọt, lại kèm cả nước mắm tỏi ớt. Sự hòa quyện các nguyên liệu mang đến một cảm giác khá thú vị và đáng nhớ.
Một món “thương hiệu” miền Tây khác là bánh xèo, cũng được chế biến theo phong cách rất riêng. Người ta thường hay cho một ít nước cốt dừa vào bột để bánh thêm vị ngọt và độ béo. Người làm bánh phải tính toán hòa trộn các gia vị như bột nghệ, muối, đường, bột ngọt, trứng gà,… nhất là nước cốt dừa, sao cho vừa đủ để vị bánh khi thành phẩm vừa miệng lại dễ tróc, dễ lấy.
3. Cà phê bình dân, thoải mái nghỉ ngơi
Ở miền Tây, cà phê được coi là một thức uống… giải khát. Thứ đồ uống này có giá cả khá bình dân, trong khoảng từ 8 - 15 ngàn đồng/ly. Người miền Tây ít gọi cà phê pha phin và chờ đợi dẫu có nhiều thời gian. Cách uống đơn giản là gọi pha sẵn, cà phê hơi ngọt và kèm khá nhiều đá lạnh.
Chị Thy Thơ, chủ nhân một quán cà phê ở TP. Long Xuyên (An Giang) chia sẻ: Người miền Tây thích thưởng thức cà phê thiên về hương hơn là vị, uống như một thứ nước giải khát nên không yêu cầu cà phê cao cấp hay nguyên chất. Căn cứ theo khẩu vị thì cà phê ở đây được pha ngọt, loãng (nhiều đá và ít cà phê), đến trẻ con cũng uống được.
Uống cà phê ở miền Tây, bạn được phục vụ trà đá miễn phí - đây không phải điều gì mới, vì phần đa các quán cà phê ở cả 3 miền đều có. Nhưng điều khác biệt chính là, dù bàn khách 1 người, hay bàn 5, 7 người, cũng đều nhận được một ấm trà như nhau. Khi uống hết cà phê, khách có thể rót trà vào cùng chiếc ly ấy để uống tráng miệng. Hết đá, hết trà thì gọi thêm, sẽ được chủ quán đổi ly đá mới, thay ấm trà khác. Khách hàng có thể ngồi ở quán cả buổi, thậm chí cả ngày nếu muốn, gọi thêm nhiều trà và ly đá, nhưng khi thanh toán chỉ phải trả tiền một ly cà phê có giá 10 - 15 ngàn đồng.
Rất nhiều quán cà phê ngoài không gian đặt bàn, ghế ngồi thông thường, sẽ thiết kế thêm một khoảng không gian để mắc võng phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi của khách. Tìm đến cà phê võng thường là người làm việc văn phòng (nghỉ qua trưa), khách đường xa, người lao động tự do (xe ôm, bán vé số, thợ xây dựng, …). Mọi người có thể tới đây vừa uống nước vừa tranh thủ chợp mắt. Việc ngủ ở quán cà phê là một điều hết sức bình thường, chẳng ai để ý hay khó chịu gì cả.
***
Phải nói rằng, người miền Tây đáng mến ở tính cách vô cùng thân thiện, lối sống phóng khoáng và hào hiệp. Không quan tâm bạn là ai, đến từ đâu, họ có thể trả lời tất cả những gì bạn thắc mắc, sẵn sàng “bỏ quên” việc cá nhân để dẫn bạn đến nơi cần đến nếu bạn bị lạc đường. Và nếu lỡ ghé thăm một gia đình miền Tây vào đúng bữa cơm, thì cũng đừng ngần ngại mà ngồi xuống cùng họ. Gia chủ sẽ sẵn sàng chiêu đãi bạn những món ngon nhất mà họ có, dù hoàn cảnh sống có khó khăn đến đâu.
Những điều đặc biệt trên, chỉ là một vài lát cắt nhỏ mà chúng tôi muốn kể về miền Tây. Hi vọng sẽ có thêm cơ hội để trải nghiệm nhiều hơn về tính cách con người, tập quán, phong cách ẩm thực thú vị của vùng đất này!.
Mai Đình
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...