Thứ bảy, ngày 21 tháng 09 năm 2024
13:41 (GMT +7)

Những điều cần hiểu khi đi chùa lễ Phật

VNTN - Phật giáo là tôn giáo du nhập vào nước ta rất sớm. Theo Thủy Kinh Chú thì vào khoảng thế kỷ thứ III TCN vua A Dục (Asoka) đã cho các pháp sư xứ Ấn Độ đến xây tháp dưới chân dãy núi Tam Đảo để truyền đạo. Tương truyền Chử Đồng Tử là người Phật tử đầu tiên đến đây tu học. Nhưng phải nói một điều rằng, từ xa xưa cư dân nông nghiệp Việt vốn theo Đạo thờ Mẫu nên khi Phật giáo đến đây chưa được mọi người thực sự đón nhận. Và mãi đến khi phong kiến phương Bắc đến xâm lược nước ta, lấy Nho giáo làm công cụ áp chế, cai trị hà khắc… thì cư dân Việt mới ý thức đến hệ tư tưởng Phật, họ dùng đạo Phật như một đối trọng tinh thần với Nho giáo… Đạo Phật đi vào đời sống nhân dân từ thuở ấy.

Trải qua mấy ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, đạo Phật luôn song hành cùng vận mệnh của dân tộc Việt. Nó có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống của người dân. Chùa chiền, tự viện xây dựng khắp nơi. Đó là nơi gửi gắm tâm linh, là nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần và cũng là nơi để kết nối tư tưởng tình cảm của người dân. Đi chùa là một phong tục đẹp. Nhưng đi chùa để làm gì, đi thế nào cho phải cách thì đó lại là một vấn đề!?

Theo quan niệm của nhà Phật, con đường đi từ đời đến đạo là đi từ “dã quan” qua “trung quan” để đến “không quan”. Dã quan là thế giới của muôn loài muôn vật, là thế giới của sinh diệt, mụ mê, đau khổ chìm nổi mà con người đang sống. Không quan là bản thể của vũ trụ hòa đồng, vì vạn vật có chung một bản thể, đó là thế giới của bình yên giải thoát. Nhưng muốn đi từ dã quan đến không quan thì phải đi qua trung quan. Trung quan chính là cửa chùa luôn luôn rộng mở, là sự hiểu biết về tư tưởng Phật, là trí tuệ sáng suốt, qua đó con người giác ngộ cho chính mình, để đi vào cõi Niết bàn thanh tịnh…Và người ta cho rằng phía trước cổng tam quan có hơn tám vạn tư con đường của cuộc đời trần tục, phía sau cổng tam quan là “nhất chính đạo”, là con đường duy nhất của trí tuệ để đi đến giải thoát. Vì không có trí tuệ thì mãi mãi sẽ u mê.

Hình ảnh phản cảm về các du khách tranh cướp lộc khi sư thầy phát lộc 

ở Chùa Hương ngày mùng 6 tết vừa qua.

Nguồn: news.zing.vn

Khi vào chùa không phải đi một cách tùy tiện, mà phải tuân thủ theo triết thuyết của nó. Tức phải đi vào cửa bên phải của mình tức là bên trái của chùa. Vì sao phải vậy? Vì đi vào bên phải của mình thì phải đi ra phía bên trái, đó là hướng xoay của chữ vạn ( 卍 ), đó là sự vận hành theo nguyên tắc của con đường giải thoát. Và các ngôi chùa xưa bao giờ cũng đặt tượng Đức Ông bên hướng đi vào này cho mọi người hành lễ đầu tiên. 

Đức Ông tức là ngài Cấp Cô Độc, tiếng Phạn là Anathapindika là một đệ tử tại gia của Đức Phật. Tên của ông là Tu - đạt - đa, do ông thường xuyên cung cấp thức ăn cho những người nghèo và vô gia cư nên được gọi là Cấp Cô Độc. Ông đã hiến tặng một khu vườn mua của Thái tử Kỳ - đà cho giáo đoàn của Đức Phật. Trong khu vườn đó ông đã rải một lớp gồm một triệu tám trăm miếng vàng. Sau khi qua đời, Cấp Cô Độc được sinh vào cõi trời Tusita, hay cõi của các vị Bồ-tát. Cấp Cô Độc được biết đến là đệ tử hào phóng nhất của Đức Phật. Chính vì có công đức rất lớn trong việc giúp giáo đoàn Phật giáo hoằng pháp nên ngài được Đức Phật thọ ký cho cai quản tất cả các cảnh chùa. Vào chùa lễ Đức Ông có ý nghĩa là xin được chứng giám cho lòng thành vào lễ Phật.

Như chúng ta đã biết, người Việt tu Phật không phải dựa vào triết thuyết hàn lâm rối rắm, mà tu theo lối thế gian. Tức là phải có tượng để thờ và để noi theo ý nghĩa biểu tượng học của nó. Cho nên vào chùa đừng bao giờ cúi gầm mặt xuống đất mà phải nhìn lên để chiêm bái và ngộ ra ý nghĩa để rồi tâm được thanh tĩnh, đó là cách ứng xử theo triết Phật. Vì tâm có tĩnh thì tuệ mới sinh… Cũng không cần phải quỳ lạy hay đọc to lời cầu khấn. Vì “tâm xuất quỷ thần tri”, có nghĩa là trong lòng muốn cái gì thì quỷ thần đều biết cả rồi. Quỳ lạy chỉ là sự vọng động, mà tâm vọng động thì không bao giờ đạt được sự phát triển của trí tuệ. Hai tay chắp trước ngực là cốt yếu khai mở luân xa Anahata. Anahata hay còn gọi là luân xa tim, nó liên quan đến những tình cảm cao hơn, lòng từ bi, tình yêu, sự cân bằng, và tình trạng hạnh phúc. Nó liên quan đến thymus, nằm trong ngực. Cơ quan này là một phần của hệ miễn dịch, cũng như là một phần của hệ nội tiết. Nó sản xuất ra những tế bào T chịu trách nhiệm đánh trả bệnh tật, và bị ảnh hưởng xấu bởi tâm trạng căng thẳng. Được hình tượng hóa bởi một hoa sen với 12 cánh màu xanh lá cây… Đó là một vấn đề hết sức khoa học của Phật giáo.

Người dân Việt vào chùa thì thường thắp hương. Nhưng thắp hương thế nào cho đúng! Chúng ta thấy cây hương cháy bao giờ cũng từ cao xuống thấp, nó tượng trưng cho dòng sinh lực của vũ trụ truyền từ trời cao xuống lòng đất mẹ để sinh trưởng muôn loài. Cư dân nông nghiệp chỉ mong điều đó. Và một cây hương đó được gọi là “tâm hương”, tức cây hương cháy trong lòng. Mà lòng gửi đến Phật tức phải hội tụ đủ năm thứ đó là: giới, định, tuệ, tri kiến và giải thoát. Người ta gọi là “ngũ hương” trong “ tâm hương” là vậy. Vì có giới được thì mới định được, định được thì trí tuệ mới phát sinh, trí tuệ phát sinh thì mới tri kiến hiểu biết. Và chỉ có hiểu biết thì mới mong được giải thoát mà thôi…Cũng có khi người ta đốt ba nén hương. Con số 3 là số lẻ, mà lẻ thì sẽ động, có động thì có chuyển. Tức là có sự vận động để phát triển từ một hình thức này sang một hình thức khác. Ba nén hương tượng trưng cho sự mong cầu để có điều tốt đẹp hơn ở tương lai. Điều đó còn tùy thuộc vào chính ta, niềm tin chỉ là phần củng cố thêm sức mạnh để tác động vào thực tiễn mà thôi.

Nếu có thắp hương thì tất phải nhìn lên bàn thờ Phật. Hình ảnh Tam Thế Phật là sự đại diện cho 3000 vị Phật từ quá khứ đến vị lai. Tất cả đều hướng tới cái thiện tâm. Nhìn vào Tam Thế Phật là cốt yếu để cho tâm từ bi phát triển rộng mở thêm, chứ không phải thế lực vô hình nào cả. Nếu gia đình ai có người vừa khuất thì lên chùa thường nhìn vào Di Đà Tam Tôn. Vì đây là các vị Phật tiếp dẫn, đón con người đi vào cõi Phật. Nhìn vào Di Đà Tam Tôn là mong cho linh hồn người thân được siêu thoát với tình cảm thiêng liêng…

Vào chùa để nương nhờ trí tuệ Phật thì chiêm bái Hoa Nghiêm Tam Thánh. Hoa Nghiêm Tam Thánh có ba pho tượng lớn, pho tượng lớn ngồi giữa là tượng Thích Ca Mâu Ni Phật, tức là Ứng thân hay là biến hóa thân, giáng sinh xuống trần thế, tu thành chính quả và thuyết pháp độ chúng. Pho tượng ở bên phải, hoặc đứng trên toà sen, hoặc ngồi trên con sư tử xanh là tượng Đức Văn Thù Bồ Tát. Pho tượng ở bên trái hoặc ngồi trên con voi trắng, tay cầm bông sen giơ lên là tượng Đức Phổ Hiền Bồ Tát… Đức Phổ Hiền cầm hoa sen giơ lên tượng trưng cho trí tuệ thiêng liêng. Vì con người đến chùa là đi tìm lại chính mình, tìm bản thể chân tâm của mình, xoa đi cái tiểu ngã nhân thân để về với cái đại ngã đại đồng. Tức là xóa đi cái chủ nghĩa cá nhân ích kỷ để hòa nhập vào cái pháp thân vi diệu. Có như thế thì mới tìm được hướng giải thoát. Vì vậy hình ảnh bông sen giơ lên mang ý nghĩa là hãy xóa đi cái đám mây mù u tối che lấp thân tâm để cho ánh sáng trí tuệ soi rọi vào. Có thế con người mới đảnh ngộ, dẹp bỏ dục vọng thấp hèn và biết thương người như thể thương thân… Đức Văn Thù cưỡi con sư tử, mà con sư tử cũng là linh vật tượng trưng cho trí tuệ. Tức là dùng trí tuệ để giáo hóa chúng sinh. Nó hiện thân cho chân lý tuyệt đối của nhà Phật. Và chân lý ấy cần phải kết hợp với sức mạnh trần thế, chính vì vậy mà bên kia Đức Phổ Hiền mới cưỡi con voi trắng. Sức mạnh của chân lý, của trí tuệ sẽ chiến thắng tiểu ngã dục vọng là vậy. Hai vị Bồ tát này hiệp cùng Đức Thích Ca ngồi trên tòa sen ở giữa tạo thành một ý nghĩa triết học thâm diệu. Lý và trí, phàm và thánh, âm và dương cùng một thể, cùng một cội nguồn mà ra. Hiểu điều đó cũng có nghĩa là chúng sinh lên chùa là đi tìm chính mình chứ hoàn toàn không phải là đi tìm ước vọng vật chất.

Như trên đã nói, cư dân Việt là cư dân nông nghiệp nên chùa Việt thường bao giờ cũng có tượng Thích Ca đản sinh. Pho tượng này mang ý nghĩa của cặp phạm trù âm dương đối đãi. Bảy bước đi trên bảy bông sen tượng trưng cho sự đem lại hạnh phúc của muôn loài muôn vật, chứ không riêng gì con người… Bên cạnh các tượng Phật còn có các tượng Hộ Pháp. Các tượng này với khuôn mặt dữ dằn, mình mặc giáp trụ, tay cầm binh khí. Có người thắc mắc trong chùa giết chóc ai mà còn mặc giáp và cầm binh khí. Thực ra đó cũng chỉ là biểu tượng mà thôi. Áo giáp ở đây là “nhẫn nhục giáp”, sự chịu đựng và tránh bị những mũi tên dục vọng xâm nhập vào, giữ gìn cho thân tâm trong sáng như kim cương. Chính vì vậy mà còn gọi là tượng Kim Cương. Mà chỉ có thân tâm trong sáng, diệt trừ xấu ác thì mới bảo hộ Phật pháp được. Vì vậy mới gọi là Hộ Pháp, họ tượng trưng cho khuyến thiện và trừ ác… Pháp là hệ thống giáo lý, Phật là người nắm vững và thực hành rốt ráo hệ thống giáo lý ấy để thành chính quả, Tăng là người đem giáo lý của Phật đi hoằng pháp để cứu độ chúng sinh. Ngôi Tam bảo là vậy. Đúng nghĩa Tăng là một vị thánh, nên mới gọi là thánh tăng.

Đạo Phật luôn đề cao trí tuệ: Trí - Tâm - Nhân - Công. Công lao xây chùa đắp tượng chỉ là hàng thứ tư, phải có trí tuệ sáng suốt thì mới phát huy tâm thanh tĩnh, tâm thanh tĩnh thì mới hiểu người yêu người. Đi chùa đừng bao giờ nghĩ là tích lũy công đức để mong cầu giàu sang chức vị. Mà đó là đi tìm chính mình, Phật không giáng tội hay ban phúc cho bất cứ ai. Phúc họa chỉ do mình mà ra cả. Cuộc sống là một chuỗi ngày dài, sáng suốt và biết yêu thương là điều quý báu nhất và chân chính nhất.

Đào Thái Sơn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy