Thứ bảy, ngày 21 tháng 09 năm 2024
07:03 (GMT +7)

Những dấu ấn văn hóa làng Giã Trung

VNTN - Làng Giã Trung là một trong bảy làng cổ ở xã Tiên Phong, thị xã Phổ Yên. Nhân dân nơi đây còn gìn giữ được nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp. Làng còn bảo tồn được quần thể đình, chùa Giã Trung. Các công trình này tuy đã trải qua nhiều thời kỳ lịch sử nhưng luôn được tu tạo. Và đây chính là nơi duy trì sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, là nơi giáo dục con cháu hướng đến những điều tốt đẹp. Quần thể đình, chùa Giã Trung cũng đã được UBND tỉnh Thái Nguyên xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa năm 2014.

Đình Giã Trung nằm ở đầu làng, sát đê sông Cầu, chùa Giã Trung nằm ở giữa làng, là trung tâm sinh hoạt văn hóa của nhân dân. Đình có kiến trúc cổ truyền ba gian, hai chái, mái ngói cong mang hình ảnh đặc trưng làng quê Việt. Đình đã tu sửa nhiều lần nhờ đóng góp công đức của nhân dân địa phương và khách thập phương. Nhìn vào các hạng mục công trình đều là gỗ, từ nội thất đến các đồ thờ tự được các phường thợ mộc ở làng làm, lại càng thấy được truyền thống, giá trị văn hóa và tiềm năng kinh tế của một làng nghề ở địa phương. Hiện đồ thờ ở đình Giã Trung rất phong phú và cổ kính với 3 ngai thờ, sắc phong, bia đá… Đặc biệt là bộ quần áo thêu rồng phượng vàng óng ánh, độc đáo không mấy nơi còn lưu giữ được.

Các cụ cao tuổi ở Giã Trung trong ngày hội làng

Đình Giã Trung thờ thần Cao Sơn, Quý Minh - Dương Tự Minh và Diên Bình công chúa. Theo sử sách các vị thần đều là danh tướng có công lớn đánh giặc giữ nước được nhiều nơi thờ phụng. Danh tướng Dương Tự Minh, vốn là người làng Quan Triều, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên đã có công giúp vua Lý dẹp giặc Tống bảo vệ vùng biên cương phía Bắc nước Đại Việt ở thế kỷ XII. Do có những công lao đóng góp to lớn ông đã được vua nhà Lý hai lần gả công chúa. Sau khi ông mất, nhà vua đã lệnh cho nhân dân từ “Thượng Đu Đuổm, hạ Lục Đầu” thờ cúng tại các ngôi đình, đền, nghè, miếu.

Chùa Giã Trung thờ Phật và thờ Mẫu, nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân. Hiện ở chùa Giã Trung còn một tấm bia 2 mặt đã bị mờ phần nội dung, rất may thác bản còn được lưu tại Viện nghiên cứu Hán Nôm. Văn bia có tiêu đề là Hậu Phật bi ký/ Bản thôn tự sự (Bài ký bầu hậu Phật/ Bản thôn thờ phụng). Địa danh ghi trong văn bia lúc bấy giờ là thôn Trung xã Dã Thù huyện Hiệp Hòa phủ Bắc Hà (xứ Kinh Bắc), thời Pháp thuộc xã Dã Thù tổng Tiên Thù được cắt về phủ Phổ Yên tỉnh Thái Nguyên. Thác bản văn bia, gồm 35 dòng chữ Hán và Nôm, toàn văn ước khoảng 550 chữ, có hoa văn, không có chữ húy, niên đại Lê Chính Hòa năm thứ 16 (1695). Người viết văn bia họ Nguyễn quê ở xã Đại Mão, có chức vị Lệnh sử. Nội dung văn bia cho biết ngôi chùa của bản xã qua năm tháng bị hư hỏng nhưng không có tiền sửa chữa. Nay Trùm trưởng Ngô Văn Xuân người xã Dực Vi huyện Siêu Loại cùng vợ bà Nguyễn Thị Bắc người xã Dã Thù, đã bỏ ra 100 quan tiền hưng công tu sửa chùa, gồm 4 gian 2 chái. Sau lại mua 2 thửa ruộng và 1 cây gỗ lim để gửi giỗ cho bố mẹ. Quan viên, hương lão xã đã tôn ông bà làm Hậu Phật. Ghi lệ cúng giỗ Hậu Phật hàng năm và vị trí các thửa ruộng tiến cúng. Qua văn bia cho biết nhân dân địa phương đã xây dựng đình, chùa và hoàn chỉnh vào cuối thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII). Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử các di tích đã từng là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử gắn với quá trình phát triển phong trào cách mạng của nhân dân địa phương.

Một Sắc phong còn được lưu giữ ở đình Giã Trung

Tại chùa Giã Trung hàng năm có nhiều ngày lễ được diễn ra, trong số những ngày lễ trọng là Rằm tháng Giêng, Tết Thượng nguyên khai xuân, ngày mồng 8 tháng 4 là ngày vào hạ, ngày 8 tháng 7 là ngày ra hè, ngày 15 tháng 12 là Lễ tất niên. Ngoài ra vào ngày mồng một và ngày rằm âm lịch hàng tháng, nhân dân địa phương thường tới chùa thắp hương để cầu nguyện cho quốc thái dân an, mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu.

Tại đình Giã Trung hàng năm được duy trì lễ hội vào ngày 5 tháng giêng. Lễ hội ở đình Giã Trung là lễ hội lớn hơn cả ở địa phương, diễn ra trong một ngày với mục đích tưởng niệm danh nhân Dương Tự Minh, cùng với đó là tục ăn tết lại ở địa phương. Từ năm 2000, để thuận tiện cho việc sinh hoạt, nhân dân địa phương chuyển mở hội làng vào ngày mồng 5 tết và duy trì cho đến nay.

Tập tục ăn tết hiện nay diễn ra vào ngày mồng 6 tháng giêng âm lịch hàng năm. Ngày này cả làng Giã Trung thịt lợn, thịt gà, gói bánh chưng mời anh em, họ hàng từ làng khác, xã khác hoặc khách thập phương về cùng ăn tết lại.

Người Giã Trung thân thiện và hiếu khách. Ở Giã Trung cùng với việc giáo dục cho con cháu biết ăn ở có gia giáo, nề nếp, biết đối nhân xử thế có phép tắc gia đình thì việc dạy làm ăn phát triển kinh tế luôn được chú trọng. Trong làng hiện có nghề mộc với không ít các nghệ nhân tài hoa, có đôi bàn tay khéo léo, đã và đang chế tác ra những sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp.

Sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp của làng

Giữ gìn nét đẹp văn hóa trong phong tục tập quán ở làng Giã Trung thể hiện ở truyền thống trong cộng đồng, là một nét đẹp thuần hậu được duy trì thường xuyên. Qua mỗi lần lễ hội làng, truyền thống ấy được tôn vinh, ghi nhớ và bồi đắp. Thật đáng được trân trọng và phát huy.

Nguyễn Đình Hưng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy