Những con sóng dồn đuổi
VNTN - Vợ chồng hắn cùng mấy người nữa chui vào cái hộp sắt vuông vuông, trùng trình, trùng trình một lúc, mở cửa ra đã thấy bầu trời khoáng đạt. Bước ra hành lang, mọi người lại lúc cúc theo lễ tân đi nhận phòng. Trước khi vợ chồng hắn bước vào phòng, lễ tân còn cheo chéo nhắc: “Nhớ dùng giấy tự hoại các ông, các bà nhé. Rửa sạch chân lau khô trước khi thượng lên giường. Toàn đất đỏ thế kia mà bám vào ga nệm khó giặt lắm”. Khi trong phòng chỉ còn hai vợ chồng, vợ hắn nói:
- Anh tắm trước... em chờ.
- Tôi không quen... tắm chậu - hắn xẵng.
Nghe vậy vợ hắn đứng tần ngần một lúc rồi vừa soạn đồ vừa tấm tức.
- Anh Thành, đến nước này mà anh còn... Anh... anh vừa vừa thôi chứ.
Nói xong, vợ hắn vơ vội đống quần áo lủi nhanh vào nhà tắm, xả nước xoe xóe. Còn lại một mình trong phòng, quên ngay lời lễ tân, không cần cởi giày lấm bụi đường, hắn ngả người thượng lên giường. Vừa giang chân giang tay cho thoải mái, hắn vừa lẩm bẩm: sỹ. Thân phận tôi đòi cả mà sỹ. Ông mày có tiền thì mày phải phục vụ. Ông cứ làm bẩn đấy, ông ngủ cả giày quen rồi. Oắt con mới lớn không biết chứ ông mày đã từng mang giày ướt cả tháng. Có đôi giày chỉ được cởi ra một lần duy nhất khi nó rách không còn được gọi là giày nữa. Cha mày, có những thằng đi không kịp cởi giày chúng mày bây giờ mới có cái nhà to như thế này mà làm thuê chứ. Lủm bủm một mình xong, hắn lại nghĩ. Sư bố nó, ga này, nệm này... giả thử nhà nào cũng có ga, có nệm này thì dân số tăng vùn vụt, tha hồ mà xây nhà trẻ. Dù đi đường vất vả, xe lèn, xe chét nhưng nghĩ đến đó người hắn bỗng dưng thấy rạo rực. Cái rạo rực tưởng đã mất vĩnh viễn trong hắn. Hắn đợi vợ ra. Hắn sẽ nhắm mắt làm liều. Biết đâu đây là lần cuối cùng hắn được ngủ với vợ, lần cuối cùng ngủ trong căn phòng như thế này kể cũng đáng. Hắn đã nhiều lần làm thử theo lời các cụ xưa: “Bướm vàng đậu cánh mù u/ Vợ chồng lục đục, con c... làm lành” và quả là hiệu nghiệm. Ba tháng nay thì khác, hắn không thể áp dụng bài đó được nữa. Nhưng hôm nay, hôm nay không làm lành thì vợ chồng hắn vĩnh viễn mất nhau. Điều mà cả hắn và vợ đều không muốn. Hắn đang miên man nghĩ thì vợ đẩy cửa bước ra. Hắn choáng, vợ hắn mong manh trong bộ đồ ngủ phơn phớt hồng. Tiếng máy lạnh chạy xè xè, bóng đèn màu lung linh, hắn lâng lâng, chẳng lẽ cuộc đời lại có những lúc thật như thế này sao? Có những đôi vợ chồng giàu có luôn được hưởng như thế này sao? Họ là ai vậy? Họ khác vợ chồng hắn ở điểm nào mà để đến bây giờ, lần đầu tiên hắn mới ngỡ ngàng được biết có một cuộc sống vợ chồng đầy lãng mạn, tiên cảnh thế này. Máu nóng dồn hết lên mặt. Hắn ngồi bật dậy nhìn vợ chăm chắm như lạ, như quen. Chẳng lẽ đây là vợ hắn sao? Người này đã từng cùng hắn đầu ấp tay kề sao? Và cũng đã từng cùng... Trời ơi! Ý nghĩ đó sao lại đến vào lúc này? Hắn lắc đầu như muốn xua đi hình ảnh ám ảnh, dằn vặt hắn cả mấy tháng nay. Hắn lại lắc đầu và lom lom nhìn vợ. Vợ hắn thẹn, khi thẹn thị lại càng xinh. Sau mấy tháng ăn chậu, ngủ sàn, tắm nước thị thành da vợ hắn từ nâu đã chuyển sang màu ghi. Hắn vẫn trân trối nhìn. Vợ hắn đến bên hắn nhỏ nhẹ: “Họ cho ứng trước, sang bên đó trừ...”. Không để vợ nói hết câu, hắn kéo vợ ngã sấp xuống người mình, hắn cuống cuồng lần tìm, lần tìm. Vợ hắn hơi ngạc nhiên, đã mấy tháng nay, hắn lánh vợ như lánh hủi, sao hôm nay...? Nghĩ vậy thị mừng, thị tủi, rồi thị khóc. Phải chăng hắn đã nghĩ lại, đã tha thứ. Ừ, cuống cuồng thế này chỉ duy nhất có một lần. Đó là đêm chia tay để ngày mai hắn nhập ngũ, bên cây rơm, cạnh chuồng trâu nhà thị, hắn cũng không nói không rằng, kéo thị ngã, đè nghiến lên... Từ cái đêm đó rồi thị đợi, thị đợi đến mãi năm năm sau hắn mới về. Năm năm đợi chờ và hơn mười năm chồng vợ thị thèm được một lần hắn cuống cuồng, vồ vập và thô bạo cũng được nhưng đã bao đêm thị phải ém tiếng thở dài cho hắn đỡ thất vọng. Nhưng đêm nay, đêm vợ chồng bên bờ vực của sự tan vỡ... Người thị được hắn hâm nóng, thị cũng cuống cuồng hưởng ứng hành động của hắn, thị muốn chớp lấy cơ hội mà kích lên, khơi lại trong hắn cái bản lĩnh đàn ông có thể hắn đã đánh mất trên những dặm dài con đường hành quân. Thị muốn được bùng cháy một lần nữa trước khi thị phải xa hắn. Tuy nghĩ vậy nhưng miệng thị vẫn nũng nịu: “Mình... mình mới đi đường còn mệt, tắm rửa cho nó... mát”. Hắn không trả lời vợ. Hắn đã quen không nói gì mỗi khi làm việc ấy. Nhưng đến khi những mảnh vải cuối cùng trên người vợ được ném xuống sàn, hắn rùng mình, hình ảnh kia lại trở về ám ảnh hắn. Hắn lắc lắc đầu, lắc lắc đầu, muốn hình ảnh đó ra khỏi đầu hắn nhưng không thể. Hắn lại thấy vợ không một mảnh vải che thân, tóc tai rũ rượi ôm đống áo xống chạy trong chiều bạt gió. Phía sau là một người đàn ông nồng nỗng cũng ôm áo xống chạy theo. Và sau cùng là một đàn bò đực đang đuổi theo một con bò cái trong ngày động dục. Không chịu được nữa, cái đầu hắn máu dồn lên, nóng hầm hập như muốn nổ tung mà lửa ái ân trong lòng hắn lại lạnh ngắt. Hắn lắc đầu và gầm lên: “Không...”. Hắn nhảy ra khỏi giường, mở cửa lao lên sân thượng. Vợ hắn cũng vội vã mặc quần áo rồi chạy theo. Hắn quay lại nghiến răng rít khẽ: “Cô còn chạy theo, tôi nhảy xuống đường”. Sợ hắn làm thật, vợ hắn không dám chạy theo, sụt sùi, ôm mặt quay trở lại phòng.
Sau một lúc như con thú điên trên sân thượng, hắn ra đứng dựa lan can ngửa mặt đớp khí trời. Trăng đã lên tự lúc nào. Trăng gầy giơ xương như cái gạc hươu già phẩy lên nền trời một dấu hỏi. Và mây, mây từ phương Nam đuổi nhau chạy ù ù về phía hắn. Hắn dõi mắt nhìn về phương Nam, phía đó lớp lớp mây cao đang đùn lên thành núi và hắn như thấy hiển hiện chùa Tịnh Cốc. Ừ, sao hõm mây ấy giống chùa Tịnh Cốc quá. Cái chùa mà mỗi khi trời đẹp mây cao, cha hắn thường leo lên nóc nhà để nhìn. Nhớ đến cha, hắn lại nhớ câu trăng trối của người: “Muốn hết khổ phải đi qua nó, không được né tránh. Tránh một lần, khổ cả đời con ạ!”. Nghe đâu câu nói này là của vị sư già sống trên chùa Tịnh Cốc nói với ông nội hắn. Chuyện ông bà nội hắn, hắn đã được nghe nhiều lần nhưng cứ hư hư thực thực như chuyện cổ tích. Không lẽ cứ muốn có hạnh phúc là phải đấu tranh?
***
...Ông bà nội con - một lần cha hắn kể - đều là đứa ở, là đầy tớ của chủ đất Kim hét. Ông nội con được giao chăn một bầy trâu cả trăm con, còn bà nội thì phục dịch mọi người trong nhà. Một hôm, có đám giỗ bên ngoại, mọi người trong nhà đi ăn giỗ hết, chỉ còn ông chủ với cô đầy tớ gái ở nhà. Đêm, khi cô đầy tớ đưa nước nóng vô cho ông chủ ngâm chân trước khi đi ngủ. Ông chủ ấm chân dậm dật. Không thể chống cự lại được, cô đầy tớ hét lên. May lúc đó chàng chăn trâu vừa về đến đầu ngõ. Nghe tiếng hét của người yêu trong phòng ông chủ, chàng vội vàng lao vào, trên tay đang sẵn chiếc roi trâu to như ngón chân cái, chàng phang tới tấp vào ông chủ và sau đó cõng người yêu chạy đi. Chạy mãi, chạy mãi cùng đường may nhờ gặp Tịnh Cốc trên đỉnh núi đang sáng đèn bèn lên đó nghỉ nhờ. Vị sư già đã nói với hai người:
- Muốn vượt cái khổ phải dũng cảm mà đi qua nó. Còn không thì lánh đời đi tu. Đi tu chỉ cứu được một mình mình, còn tìm con đường đi qua cái khổ giúp nhiều người. Bần tăng biết vậy nhưng vẫn chọn con đường tu vì căn tu quá lớn. Bần tăng muốn các thí chủ đừng như bần tăng.
- Thưa sư ông, đi bằng cách nào?
- Thí chủ cứ theo hướng bắc mà đi, hướng đó có rất nhiều người đang muốn tìm đường đi qua cái khổ, cứ tìm ắt sẽ có đường.
Sáng hôm sau, chàng trai gửi người thương lại Tịnh Cốc cho sư ông cùng mấy bà vãi già rồi ra đi. Cô gái tiễn chàng đến đầu núi khi đằng tây đang dần ém dấu đi ánh tịch dương. Khi gần xuống núi, chàng quay lại nói với người yêu: “Hãy ở lại chờ anh, ngày anh trở về là ngày hạnh phúc, anh sẽ đưa em về đồng bằng mà không sợ phải làm kiếp tôi đòi. Con chúng ta, cháu chúng ta, mãi là những người làm chủ...”. Rồi chàng ra đi. Từ đó chiều nào cô gái cũng ra đứng nơi mỏm núi đón đợi. Năm năm, mười năm rồi mười lăm năm không thấy chàng quay về. Vị sư già đã mấy lần giục cô gái xuống núi, nhưng cô một mực van xin:
- Con xin sư thầy cho con ở lại chờ người ấy, con đã quá sợ kiếp tôi đòi. Ông con, cha con đã vậy, con sợ lắm. Con sợ trở về rồi đây con con, cháu con...
- Nhưng người con gái có thuở, có thì. Ta chỉ sợ khi người ấy về, con và người ấy chỉ là hai nắm xương khô...
- Con chờ và con chấp nhận...
- Hạnh phúc vợ chồng là có những đứa con...
- Nhưng bất hạnh cũng là lúc nhìn những đứa con mình phải đi ở đợ, phải đi phục dịch người khác.
- Thôi, con đã nói vậy thì tùy con quyết. Cửa chùa rộng mở, đến ở tùy duyên. Con ở lại thì ta hiến phương thuốc này, nhờ nó có thể kéo dài được tuổi xuân mà chờ người ấy. Hai người sẽ được cháy bùng lên một lần cuối trước khi thuận theo quy luật muôn đời. Cuộc sống là ngụp lặn trong bể khổ trên hành trình đi tìm hạnh phúc. Cuộc sống cũng chính là những bước đi hối hả đến cái chết.
- Con biết và con chờ...
Tổng cộng thời gian cô gái chờ gần ba mươi năm chàng trai mới quay về. Vị sư già đã viên tịch. Đúng là họ bùng cháy lên được một lần cuối, khi đứa con trai ra đời trên bàn tay không ngón của người cha dạn dày trận mạc cũng là lúc người vợ đợi chờ trút hơi thở cuối cùng. Tuy ước mơ được xuống đồng bằng của vợ chồng bà chưa thành, nhưng bà yên lòng vì bà tin, gần ba mươi năm chờ đợi, chồng bà hy sinh một phần thân thể thì con trai bà, con dâu bà sẽ thoát khỏi cảnh tôi đòi, từ đây mọi người sẽ có một cuộc sống khác cuộc sống của vợ chồng bà xưa.
- Nhưng không phải vậy con ạ, mẹ con lại vẫn phải chờ ta gần ba mươi năm - Cha hắn nói - Nhưng bây giờ thì ta đã tin, vợ chồng con và con cháu con sẽ không còn phải chờ đợi nữa, không phải sống kiếp tôi đòi, ta tin thế. Con hãy luôn nhớ: Muốn vượt qua cái khổ thì không được phép đi vòng qua nó. Hạnh phúc là phải đấu tranh con ạ... Đó là những lời nói sau cùng của cha trước khi người về với mẹ hắn cùng những huân huy chương đỏ chói trên ngực. Cha hắn tin và cha hắn như ông bà hắn mãn nguyện khi ra đi.
***
Vậy mà bây giờ vợ chồng hắn đang ở đây. Ngày mai vợ hắn sẽ lên máy bay sang bên đó. Hắn đã đồng ý, vợ hắn đã tình nguyện đi làm con ở. Hắn không thể cầm được nước mắt khi thằng con trai mới lên ba của hắn mếu máo:
- Con ứ cho mẹ đi một mình đâu, mẹ phải cho con theo.
- Nhưng mẹ đi ở cho người ta, con theo sao được... con ngoan nào. Rồi mẹ về, mẹ có nhiều quà.
- Con ứ thèm quà, con cũng đi ở được.
Bao đêm hắn đã khóc vì câu nói hồn nhiên của con trai. Câu nói cứ ám ảnh hắn, để nhiều khi hắn phải rên lên: “Tại sao không mơ làm thầy người ta con ơi? Không làm thầy thì chí ít cũng làm thợ...”. Hắn cứ nghĩ miên man, không biết rằng đã từ lâu vợ hắn cũng đã lên sân thượng. Thị đứng quay lưng lại với hắn, mặt hướng về phía bắc. Chắc thị đang cố hình dung cuộc sống của thị ngày mai. Thị đang ôn lại trong đầu những động tác dìu, bồng, cuốn ga, đổ bô, thông tiểu... Và miệng thị đang cố nhẩm cho thuộc những câu như: “Tôi nhận lỗi; Tôi ngu như con chó; Tôi sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu của ông (bà) chủ...” bằng một thứ tiếng không phải tiếng mẹ đẻ. Rồi Start là bắt đầu, Off là đóng, On là mở, Ok là đồng ý... Thị rùng mình nhớ lại vòng tay trắng nhũn nhẽo của người làm mẫu quàng lên cổ thị để thị dìu lên giường và ánh mắt bạc nhược nhưng tận đáy vẫn lóe lên tia khát dục của một con đực cuối mùa chinh chiến. Thị nghĩ và thị lại khóc, thị nhớ con quá, mới có mấy ngày mà thị đã nhớ con đến quay quắt, liệu ba năm thì sao? Trong hợp đồng người ta còn ghi rõ: “Nếu làm việc tốt thì có thể kéo dài thời hạn đã ghi trong hợp đồng”. Làm tốt có nghĩa là cung cúc tận tụy, sẵn sàng làm và làm tốt những gì chủ yêu cầu. Nghĩ đến đó không ghìm được, thị nấc lên một tiếng. Tiếng khóc giữa đêm khuya sao mà nghe xa xót, đắng cay. Nghe tiếng nấc, hắn từ từ quay lại rồi như vô thức, hắn đi về phía vợ, nhẹ nhàng nói:
- Khuya rồi, sương xuống lạnh, mình về ngủ lấy sức mai còn bay.
- Anh Thành, em nhớ con quá, anh tha cho em. Đằng nào cũng không thoát phận tôi đòi, em muốn là kẻ hầu người hạ cho chồng, cho con, em không muốn...
- Thì tôi có bắt mình đi đâu, về hay ở tùy mình...
- Nhưng về thì còn một đống... nợ.
Hắn trả lời vợ bằng một tiếng thở dài. Tại sao vây quanh hắn, vợ chồng hắn lại toàn là nợ với nần. Ngay cả hắn, hắn cũng là một con nợ khổng lồ của vợ. Hắn đã nợ thị hơn năm năm chờ đợi. Bao nhiêu đêm nằm trên đất bạn là bấy nhiêu đêm hắn mơ thấy ngày về, mơ được ôm người yêu trong tay. Đó là hạnh phúc, là tình yêu - hắn nghĩ vậy - sao bây giờ. Vẫn người con gái ấy, người vợ đã sinh cho hắn một đứa con trai. Người ấy ngày mai được hắn thả lỏng vòng tay để bay sang một miền đất lạ, đi phục dịch những người đàn ông không phải là chồng mình. Tội lỗi của vợ hắn gây ra có nguyên nhân sâu xa từ hắn. Nguyên nhân từ những trận sốt rét rừng. Sức trẻ, năng lực đàn ông của hắn đã rải khắp dặm dài con đường hành quân. Sự đợi chờ của vợ với những gáo nước nhỏ lẻ của hắn không đủ để cho bột thành hồ. Những cơn mưa lích rích không đủ nước tràn đầy con sông quê. Gắng gượng mãi, tám năm sau ngày chồng vợ, vợ chồng hắn mới có người gọi bằng cha, bằng mẹ. Và vợ chồng hắn tưởng đã an phận với hạnh phúc nho nhỏ đó. Sẽ không có bi kịch ngày hôm nay nếu hắn không liều gan vay tiền ngân hàng mua bốn con bò cái Hà Lan. Bất hạnh đã gõ cửa nhà hắn cùng với tiếng rống đòi đực của bò và những cái giấy báo nợ của ngân hàng. Tại hắn cả - hắn biết - nhưng sao tha thứ cho vợ lại khó khăn đến vậy.
Vợ hắn đã thôi không khóc nữa, hắn vẫn đứng ôm vợ từ phía sau, từ mái tóc thị mùi hương bồ kết len vào hắn. Hắn cúi xuống mái tóc dày của vợ hít một hơi thật sâu. Không, hắn không thể để mất thị, hắn vẫn yêu và cần thị như tình yêu của những ngày đầu. Hắn không muốn để thị đi. Hắn không muốn thực hiện theo những gì thị và hắn đã cam kết: “Khi thị về, trả xong nợ, thị và hắn sẽ chia tay”. Không, không thể như thế được. Hắn yêu thị và cu Cò không thể mất mẹ hay mất cha. Hắn phải giữ thị ở lại, hắn sẽ tha thứ cho thị tất cả, vợ chồng hắn sẽ làm lại từ đầu, sẽ có tiền trả nợ. Hắn không thể để một mình thị phải gánh chịu, phải nai lưng chịu khổ, chịu nhục để trả nợ được. Càng nghĩ hắn càng thấy thương vợ nhiều hơn. Hắn lại cúi xuống đặt một nụ hôn dài lên tóc vợ. Nhưng sao thế này, mùi bồ kết từ tóc vợ nồng quá, ké cả mũi. Hắn rùng mình, đã từ lâu làng hắn còn có cây bồ kết nào nữa đâu. Chỉ một túi nhỏ năm trăm đồng Sân-siu thay được cả nắm bồ kết sao? Hắn nghe lợm giọng, thấy buồn nôn. Mùi tóc vợ sao mà hắc quá, chẳng còn thoang thoảng hương chanh, hương bưởi, hương bồ kết e ấp như xưa... Bỗng phía dưới đường hắt lên những tiếng hú hét man dại của người, tiếng nổ như khoan ré của động cơ xe gắn máy. Hắn nhìn xuống, từng chiếc xe máy cặp đôi, cặp ba, những cánh tay trần của gái tơ cầm áo, cầm mũ huơ vòng tròn, những tấm lưng cúi rạp trên yên xe trông như đàn bò cuồng loạn đua đuổi nhau kêu rống ré, rạch rách màn đêm yên tĩnh. Trước mắt hắn lại quay về cảnh của chiều mấy tháng trước.
***
Chiều đó hắn sốt, những cơn sốt cứ tưởng đã tha cho hắn giờ lại quay về từng đợt, từng đợt dềnh lên nhấn chìm hắn vào trong miên man. Cu Cò sang chơi nhà bà ngoại. Vợ hắn tất tưởi lên trạm thú y mời người về phối giống. Hắn nằm một mình trong nhà nghe tiếng rống của đàn bò động đực mà như ai đang lấy muối xát vào ruột. Lần này nữa là lần thứ tư, vợ chồng hắn đã mất không biết bao nhiêu là tiền mà bụng của mấy con bò nái vẫn khép lẹp như bụng cá rô đực. Ngân hàng đưa giấy thúc nợ đến mấy lần mà bò nhà hắn vẫn không chịu đẻ. Bò không đẻ nhưng nợ ngân hàng thì lãi mẹ đẻ lãi con. Bò không được đẻ thì bò rống, bò đòi quyền được đẻ. Lúc sáng vợ hắn đã phải giật nóng mấy trăm ngàn để lên lót tay cho cán bộ thú y. Vợ chồng hắn đã cãi nhau vì chuyện mời người này hay mời người kia về phối giống cho bò. Vợ hắn thì vẫn muốn mời ông trạm trưởng Hựu. Dù gì ông ấy cũng đã quen đàn bò nhà mình - vợ hắn lập luận vậy. Còn hắn thì thấy không ổn, mấy lần trước cũng ông trạm trưởng Hựu đó thôi, cũng tiền công, tiền lót tay vậy mà có được gì đâu. Hắn thấy ở ông Hựu một điều gì đó không ổn. Mấy lần trước hắn đã như muốn phát điên lên khi thấy ông Hựu tay xoa xoa, nắn nắn, bóp bóp, tay thuồn thuồn cọng dây dài như vô tận vào sau đít bò. Mắt bò thì lim dim tận hưởng nhưng mắt ông Hựu lại cứ nhìn vợ hắn chằm chằm, ướt rượt, có đuôi. Thỉnh thoảng ông ấy lại kêu vợ hắn lại gần, khi thì nhờ nâng hộ đoạn dây, khi thì cầm cái xi-lanh to như cổ tay để cho ông ta bơm, thụt. Bao giờ cũng vậy, khi xong một ca, người ông Hựu như chồm hẳn lên người vợ hắn. Hắn điên lắm, nhưng vì đàn bò, vì những đồng tiền nợ ngân hàng nên hắn đành cắn răng chịu. Lần này vợ nói mời ông Hựu, hắn đã nghe máu nóng dồn lên mặt. Nhưng biết làm sao bây giờ, nghe nói ông ấy là người mát tay, ông ấy là người có quyền quyết định xuất tinh tốt hay xấu. Thôi thì liều lần nữa, thì cũng có mất gì đâu. Hắn đành cắn răng để cho vợ đi kêu ông Hựu. Khi vợ khuất lưng, điên tiết hắn chửi đổng: “Cha nó, làm đàn ông không kiếm nghề gì mà làm, đi làm nghề sờ l... bò”. Vợ hắn nghe nhầm, tưởng hắn dặn: “Đi rồi về sơm sớm cho”, nên nói với: “Dạ, em về liền”. Cái về liền của vợ hắn làm hắn đợi mãi. Đàn bò vẫn gào, vẫn phá chuồng và đái như máng xối xuống nền chuồng. Xung quanh vườn nhà hắn thậm thịch tiếng chạy của đàn bò đực ré trong làng. Chúng cứ đuổi nhau chạy vòng quanh chuồng, con sau húc con trước, con trước húc con trước nữa. Có con bị húc bắn vào gióng chuồng kêu rống lên như bị chọc tiết. Nằm trong nhà hắn cảm tưởng chuồng bò nhà hắn đang rung lên bần bật bởi cơn hứng tình của lũ bò. Tiếng bò cái rống sao mà đĩ vậy không biết? Mấy chú bò đực cũng cố lấy giọng rặn được mấy tiếng ọ kép. Mẹ kiếp, cứ cố vào coi chừng sút cả phân nhão ra bây giờ - hắn lẩm nhẩm. Lại một cơn sốt mới dâng lên, người hắn run bần bật. Quay người cắn chặt lấy thành giường cho bớt run, bỗng hắn nghe rầm một cái, bản năng tự vệ được luyện từ ngày còn ở lính hất hắn văng ra khỏi giường, hắn lao ra chuồng bò. Chuồng đã sập, bốn con bò cái Hà Lan của nhà hắn to lừng lững cong đuôi chạy trước, phía sau là lốc nhốc một đàn bò đực ré chạy theo. Thỉnh thoảng trên đường chạy, một con bò cái đứng lại, lập tức một chú bò đực bắc thang. Khốn khổ cái giống đực nhỏ con không thể nào chiếm lĩnh được đỉnh sướng muôn đời của giống bò ngoại. Một số con biết điều đã sớm tụt xuống để bớt xấu hổ khi phơi ra giữa thanh thiên bạch nhật cái yếu kém của giống đực. Nhưng cũng có con không biết thẹn cố rướn, cố rướn bắt những con khác phải chờ lâu liền bị húc cho một phát thật lực vào mạng sườn ngã quay lơ, chân chới với, phân lỏng phọt bết đuôi, rớt rãi đầy miệng rống khan giữa trời chiều. Đàn bò lại tiếp tục chạy, chúng kéo nhau lên đồi sim. Ôi! Thương thay những chú bò đực ré, đã được các nàng bò ngoại ưu tiên cho một bậc đất mé chân đồi vậy mà cũng không nước non gì. Ôi cái sự nhiệt tình mà không đi đôi với thực lực thì đôi khi trở thành kẻ chọc phá, khuấy nửa chừng rồi bỏ đó. Thương thay lọ mỡ thì sâu mà đuôi chuột lại quá ngắn. Không thể kiên trì hơn được nữa, bốn con bò cái đồng loạt chĩa sừng về phía đàn bò đực húc mạnh, tếp tục những chú bò đực ngã chỏng vó trên con đường đi tìm tình yêu, trên con đường hám đồ ngoại. Hóa ra khi nàng Bạch Tuyết nổi cơn điên đực cái thì cũng chả nương tay gì với lũ chú lùn. Húc chán không vợi được cái bức xúc trong lòng, mấy ả bò ngoại lại cong đuôi chạy, chạy như tế cờ, chạy cho nguôi bớt những con sóng lòng. Hắn đứng nhìn theo và bỗng thất sắc, đàn bò đang chạy ra hướng thị trấn. Chúng đuổi nhau mà làm sập nhà người ta thì đúng là vợ chồng hắn đi ăn mày. Cơn sốt như được ghìm xuống, hắn hớt hải chạy theo. Đàn bò đã vượt qua cánh đồng mía, húc đổ một chòi canh, người bên đường thấy vậy chạy dạt ra. Chết, chúng đuổi nhau gần đến đường quốc lộ, sát trạm thú y. Bỗng không còn tin vào mắt mình, đối diện với đàn bò là một chiếc xe ben đang phóng nhanh. Không còn kịp nữa rồi, chiếc xe lao thẳng vào đàn bò, mất lái, xe đâm đổ sập trạm thú y. Hắn đứng á khẩu. Không! Không thể như thế, chỉ là một giấc mơ... vợ hắn trần truồng ôm quần áo chạy ra khỏi ngôi nhà sập... rồi lão Hựu... mấy con bò sống sót... chúng đuổi nhau... chúng hú hét, chúng rống, chúng nhảy chồm lên lưng nhau thành những cơn sóng, chúng cởi áo quay tròn trên đầu... những cánh tay trần... chúng đang điên loạn... Bỗng tiếng còi hụ từ xe cảnh sát, cảnh rượt đuổi, mấy chiếc xe đua bị ép vào lề đường... mấy đứa choai choai bị đẩy lên xe hòm, vừa nhếch nhác đi chúng vừa lắc, vừa nhảy, chúng say sưa, uốn éo trong vũ điệu hồng phiến. Mấy đứa khác vứt xe chỏng chơ giữa đường lủi nhanh vào ngõ. Hắn riết mạnh vợ vào lòng, răng nghiến ken két, rồi buột miệng hét lên: Loạn! Vợ hắn giật mình, quay lại nhìn hắn. Thị lại nức nở:
- Anh Thành! Đã ngàn lần em nhận em có lỗi... vợ chồng mình cũng... cũng đã thống nhất. Anh không thể tha thứ được cho em thì cũng đừng làm khổ mình thêm... Em đi, còn con... anh thương lấy nó...
Hắn như sực tỉnh, nước mắt vợ đã thấm ướt tay áo hắn. Hắn đổi giọng nói với vợ.
- Hương! Anh cũng có lỗi - lần đầu tiên hắn nhận mình có lỗi - anh không muốn mất em. Cò cần có em... và cả anh nữa...
- Nhưng em có lỗi với cha con anh nhiều quá, không còn mặt mũi nào. Có thể anh tha thứ nhưng còn bàn dân thiên hạ...
- Hương! Sao vợ chồng mình lại khổ thế này. Thôi không đi đâu nữa, cứ về, về rồi tính sau...
- Còn tính được gì nữa anh, chỉ tháng sau không trả được đợt đầu, họ đã niêm phong nhà chờ đấu giá...
- Kệ! Còn mảnh đất và túp lều sau chùa Tịnh Cốc... mình ở, làm rẫy...
- Lại tiếp tục phải lên rừng hả anh. Khó khăn lắm mới tiến được xuống đồng bằng... Em không sợ khổ... chỉ thương anh... thương cu Cò...
- Thôi, không bàn nữa, anh không cho em đi đâu. Xuống, xuống ngủ nốt một đêm khách sạn hạng sang. Sớm mai em bắt xe về trước với con, anh ghé thăm mấy thằng bạn lính, biết đâu, mượn được một ít vốn làm ăn.
- Nhưng... đi thì vẫn nhanh trả được nợ hơn, đàn bà làng mình họ cũng đi nhiều, có sao...
- Anh đã bảo thôi mà, ai đi mặc họ... anh không muốn... không, không thể trượt dài...
Vợ chồng hắn về phòng. Hắn âu yếm dìu vợ lên giường. Nước mắt của hai vợ chồng hòa quện vào nhau trước khi hai thân thể nhập làm một. Sau đó thì hắn ngủ, ngủ một giấc thanh thản sau mấy tháng qua. Sáng, hắn quờ tay hốt hoảng giật mình khi không thấy vợ nằm bên. Hắn nhìn quanh quất rồi lao vào nhà tắm vẫn không thấy vợ đâu. Trên mắc áo nhà tắm còn treo đó bộ quần áo ngủ mềm mại màu hồng mốt Đài Loan tối qua vợ hắn đã mặc. Hắn cuống cuồng chạy ra cầu thang, hấp tấp nhảy bốn bậc một. Phải một lúc lâu hắn mới xuống được tầng trệt. Hắn chưa kịp hỏi thì bà chủ đường dây đưa người đi lao động Đài Loan đã quát như xổ vào mặt hắn:
- Vừa vừa phải phải thôi chứ, đú đởn cho lắm vào rồi ngủ quên. Máy bay chứ đâu phải là xe bò, xe trâu nhà các vị đâu mà chờ. Trễ chuyến bay tôi không chịu trách nhiệm đâu đó.
- Thế vợ tôi đâu - Hắn hét.
- Không thấy, hay chị ấy sợ anh không cho đi đã ra sân bay trước - Có ai đó nói.
Hắn đứng chết lặng. Không lẽ... bộ quần áo vẫn đang trên phòng... Thế vợ hắn đâu. Hắn nhìn khắp lượt các cô gái chuẩn bị bay sang xứ lạ, ai cũng giống mà ai cũng khác vợ hắn. Liệu sang đó họ có phải đánh dấu bằng số La Mã cho khỏi nhầm? Hắn lẩm nhẩm rồi thất thểu đi ra đường. Hắn cất tiếng gọi: Vợ ơi...! Hương ơi...! Vợ...ơ...i... Vợ... ơi... Tiếng gọi của hắn lọt thỏm giữa dòng người cuồn cuộn đua đuổi nhau chảy miết. Và hắn cứ đi, cứ gọi, cứ đi cô đơn giữa biển người. Trước hắn, sau hắn những đợt sóng cứ dồn đuổi nhau, đuổi nhau đến mải miết.
Truyện ngắn. Nguyễn Thế Hùng
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...