Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
13:25 (GMT +7)

Những bông hoa núi

(Trích tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Hồ Thủy Giang)

LTS: Tiểu thuyết “Những bông hoa núi” của nhà văn Hồ Thuỷ Giang viết dựa vào một số tình tiết, những câu chuyện, những con người có thật của Đại đội Thanh niên xung phong 915, Đội 91 tỉnh Bắc Thái trong những năm chống Mỹ cứu nước.

Đây là cuốn tiểu thuyết lịch sử đồng thời cũng là một tác phẩm về đề tài chiến tranh cách mạng. Qua cuốn sách, độc giả có thể hình dung được khá trọn vẹn tinh thần lao động, phục vụ chiến đấu và hi sinh của các liệt sĩ. Chỉ với độ dày ngót 200 trang nhưng tác giả đã đem đến cho người đọc một bức tranh khá sinh động về tâm hồn người miền núi. Những cô gái, chàng trai Tày, Nùng, Dao… trình độ học vấn thấp, chưa có điều kiện tiếp xúc với văn minh đô thị, sống trong môi trường quân ngũ nghiêm khắc nhưng ở họ toát lên một tinh thần văn hóa vô cùng phong phú và đặc sắc của dân tộc mình. Đó cũng là nét nổi bật của nội dung cuốn tiểu thuyết.

VNTN xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc chương 3 trong cuốn tiểu thuyết mới xuất bản của nhà văn Hồ Thủy Giang.

Bầu trời Linh Sơn đầy gió. Trên đỉnh một quả đồi thoai thoải, mấm mộ của Sa được đắp cao, phủ đầy hoa rừng trắng muốt. Một vòng hoa có tấm băng ghi dòng chữ KÍNH VIẾNG LINH HỒN ĐỘI VIÊN HOÀNG THỊ SA ĐỘI VIÊN ĐẠI ĐỘI TNXP 915 đặt nghiêng một bên mộ.

Đài hí húi cắm mấy bông hoa rừng vào mộ. Chiếc áo len được gấp gọn, mấy khúc cơm lam đặt trên một phiến lá rừng rộng bản. Xong xuôi, Đài chắp tay:

- Sa ơi, mày sống khôn chết thiêng, hồn vía hãy về cùng với tiểu đội, đừng đi lang thang, đừng buồn, đừng khóc. Chúng tao hứa sẽ quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ để trả thù cho mày.

                                    1-1690426973.jpg
Minh họa: Đào Tuấn

Đài ngừng lời, nước mắt giàn giụa. Một lát sau, Đài tiếp tục khấn:

- Ngày mày còn sống, tao bắt mày không được nhớ mé, không được khóc thì mới dạy mày hát lượn. Tao sai rồi. Tao ân hận lắm Sa ơi - nghẹn ngào một lúc lâu - Bây giờ tao không còn dạy mày lượn được nữa rồi. Nhưng tao sẽ lượn cho mày nghe. Những lúc rảnh rỗi tao sẽ đến đây lượn cho mày vui. Sa ơi, mày có nghe thấy tao nói không?

Đài gạt nước mắt, đứng dậy, đăm đăm nhìn ngôi mộ. Sa ơi, mày cứ nằm yên lắng nghe tao lượn nhá.

Đài nghiêng mình, xoay một vòng rồi cất tiếng lượn:

Mèng xiên mừa phạc ngan tím va

Ý như bạn sloong là nam bắc

Slương căn kết tốc nắc pừa thai

Giờ nẩy pjac bạn mài tầư đảy

Rặt cò thai ti nảy định tươn

Noọng pjạc mừa slíp bươn cẩu khuốp

Slậy pjạc pây táng luộc đan thân

Oóc tổng teo phân vân bạn pậu

Mừa rườn bấu tươn khẩu pjầu ngài

Chin phjắc bặng chin dài lồng toọng

Chin khẩu bặng chin nguộn lồng cò

Bấu chắc hết rừ lo giờ nảy

Đài ngừng lượn, chắp tay:

- Sa ơi, bây giờ tao lượn bằng tiếng Kinh cho mày nghe nhé. Đài uốn tay:

Ong bay về núi ngàn tìm hoa

Như hai ta người nam kẻ bắc

Dẫu yêu sâu kết nặng trọn đời

Giờ đây rẽ mỗi người một chốn

Toan thắt cổ để được quyên sinh

Tôi chia tay chín tháng mười ngày

Bạn ra về rừng sâu đơn chiếc

Ra đồng thấy rộn rã bạn người

Về nhà không màng cơm sớm tối

Ăn cơm như nuốt cát vào lòng

Ăn rau như lá ngón vào bụng

Biết làm sao bây giờ.

Hát xong, Đài chắp tay vái 3 vái. Vẻ mặt buồn ngơ ngác.

Từ sườn đồi, Nhình rẽ đám cỏ, bước đến gần ngôi mộ. Đài quay lại, ngạc nhiên:

- Mày cũng ra mộ cái Sa hả Nhình?

Nhình sụt sùi:

- Ừ, tao ra để tạ tội với nó.

Đài khẽ gật đầu:

- Về cái chuyện mày phê bình nó trước chi đoàn đại đội à?

Nhình tránh cái nhìn của Đài:

- Tao ân hận lắm, suốt đêm qua không ngủ được. Sao lúc ấy tao ngu thế. Sao lúc ấy tao lại phê bình nó cơ chứ.

Đài an ủi:

- Mày không sai lố. Cái nội qui của Đội đã đề ra là không được có quan hệ nam nữ mà.

Nhình ấp úng cố tìm lời giải thích để bạn hiểu rõ lòng mình:

- Lúc ấy, tao thề là cái bụng tao không ghét cái Sa, nhưng nó vi phạm nội qui của Đội thì tao phê bình thôi. Nhưng bây giờ nghĩ lại, tao thương nó, tao có tội với nó. Lẽ ra lúc ấy, tao không nên phê bình cái Sa.

- Ừ, chỉ buồn là vì nó đã hi sinh, chẳng có dịp sửa chữa cái khuyết điểm nữa.

- Hôm nay tao ra để tạ tội với nó rồi viết đơn lên chỉ huy đại đội rút cái ý kiến phê bình của tao hôm họp chi đoàn.

Đài khẽ lắc đầu:

- Không được rồi mà. Sáng nay ban chỉ huy đại đội đã gửi cái nghị quyết lên ban chỉ huy Đội rồi.

Mặt Nhình buồn thiu:

- Nhưng nó đã chết rồi mà…

Đài khẽ nhắc:

- Đừng nói là chết. Phải nói là hi sinh. Những cái chết anh dũng vì Tổ quốc thì phải gọi là hi sinh. Chị Xuân vẫn dạy chúng mình thế mà.

Nhình nói với vẻ kiên quyết:

- Tao nhớ rồi. Vậy chiều nay tao sẽ lên gặp thủ trưởng Đạo để xin cho cái Sa.

Đài xua tay:

- Không được đâu lố. Mày không biết Đội trưởng Đạo là người nghiêm khắc lắm hay sao?

 Nước mắt Nhình rưng rưng:

- Vậy là tao hết cách rồi Sa ơi - chắp tay về phía mộ Sa - Tao xin tạ tội với mày. Hôm ấy chỉ vì phải theo cái nội qui của Đội mà tao trót lỡ lời phê bình mày, chứ bụng tao không nghĩ xấu về mày đâu - lấy ống tay áo quệt nước mắt - Xin mày phù hộ cho đơn vị lấp được nhiều cái hố bom để xe bộ đội chở hàng ra tiền tuyến, trả thù cho mày. Chúng tao lúc nào cũng nhớ mày đấy Sa à.

 * * *

Trong khi Nhình và Đài đang đứng bên mộ Sa trong một tâm trạng buồn đau và ân hận thì ở trong lán chỉ huy của Đội 91, Đội trưởng Đạo và Đội phó Cường cũng đang tranh luận quyết liệt về trường hợp của Sa.

Đạo đưa nắm tay to như hộ pháp đấm nhẹ xuống mặt bàn ken bằng những mảnh nứa làm bốn chân bàn rung lên bần bật. Đạo cau mày, nhìn thẳng vào Đội phó Cường đang ngồi đối diện trên chiếc ghế gỗ xỉn màu:

- Đành rằng sự hi sinh của đồng chí Sa là vô cùng cao cả, đáng để toàn đơn vị học tập, nhưng khuyết điểm trong quan hệ của đồng chí ấy cũng là có thật.

Đạo mở xà cột, rút ra một mảnh giấy vàng xỉn, đặt tờ giấy trước mặt Cường:

- Đồng chí đọc đi! Biên bản của C915 vừa gửi cho tôi sáng nay, trong đó có vấn đề kiểm điểm đồng chí Sa.

Cường đờ đẫn cầm tờ giấy.

- Nhưng đồng chí Sa không còn nữa anh Đạo ạ…

Đạo nghiêm giọng:

- Đây không phải là chuyện kiểm điểm cá nhân đồng chí Sa mà là công tác tư tưởng cho toàn đơn vị. Chiến tranh thì mỗi ngày một dữ dội, phải lấy kỉ luật làm trọng thì mới mong có ngày toàn thắng, đồng chí Đội phó ạ.

Cường khẽ thở dài:

- Nhưng tôi cứ thấy áy náy thế nào ấy. Mà… một cái hôn để có thể nhớ nhau mãi mãi trước lúc vào chiến trường thì có tai hại gì đâu.

Đạo đưa nắm tay chắc nịch lên cao:

- Đồng chí hữu khuynh quá, chúng ta là đơn vị vũ trang phục vụ chiến đấu, nói đúng hơn cũng chính là đơn vị chiến đấu. Chỉ một phút sa đà là có thể nguy hại cho cả một chiến dịch. Đại đội 915 vừa mới thành lập. Phải để các đội viên quen với kỉ luật thời chiến chứ. Lẽ nào đồng chí không hiểu, kỉ luật thép là một yếu tố quan trọng để chiến thắng kẻ thù.

Giọng Cường cũng trở nên căng thẳng:

- Nhưng Đội trưởng cũng nên hiểu, tình yêu nhiều khi lại là động lực lớn để chiến thắng kẻ thù…

Đạo nhăn nhó:

- Sách vở quá! Nói ra thì hơi thô thiển, nhưng tôi xin hỏi, nếu cứ thả lỏng rồi có ngày đơn vị xảy ra chuyện hoang thai thì ta ăn nói thế nào với tỉnh? Rồi còn mặt mũi nào nhìn ai?

Cường khẽ nhún vai:

- Đừng nghĩ quá lên như vậy. Đội viên của chúng ta tuy còn rất trẻ nhưng là những chiến sĩ đầy bản lĩnh và vô cùng trong sáng. Đồng chí nói vậy thì hóa ra trong chiến tranh không thể có tình yêu hay sao? Tôi nghĩ, chúng ta không nên ngăn cấm tình yêu mà phải giáo dục họ để sao tình yêu cũng trở thành một động lực trong chiến đấu.

Giọng Đạo dứt khoát:

- Đợi ngày chấm dứt chiến tranh tha hồ mà tỏ tình, lúc đó không ai cấm.

Cường ngẫm nghĩ một lúc lâu rồi quay sang Đạo:

- Đồng chí Đạo ạ. Tôi đọc các tác phẩm văn học, thấy trong chiến tranh đã từng có nhiều đôi lứa cầm tay nhau vượt qua bom đạn. Từ tác phẩm “Chiến tranh và hòa bình” của Lep - Tôn - xtôi cho đến những nhà văn trong kháng chiến chống Pháp của ta cũng đều đề cao tình yêu trong chiến tranh…

Đạo ngắt lời Cường:

- Xa vời quá! Cậu nói tiếng Tây tiếng Tầu đâu đâu vậy? Cái ông Lép lép gì gì ấy là ai cơ?

- À, đó là Lep - Tôn - xtôi, một nhà văn nổi tiếng của Nga, cũng có nghĩa là Liên Xô bây giờ.

Như muốn uốn nắn tư tưởng có phần lệch lạc cho thuộc cấp của mình, Đạo căn vặn:

- Nhà văn này có phải là đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô không?

Cường cố nhịn cười:

- Trời! Ông ấy sinh ra ở đầu thế kỉ 19, mà đến tận năm 1918 mới có Đảng Cộng sản Nga thì làm sao là đảng viên được. Vậy tôi xin nói gần hơn, ví như cuộc khởi nghĩa Hoàng Hoa Thám, Cuộc Khởi nghĩa Thái Nguyên của tỉnh ta đây, chính nhờ có những người phụ nữ sát cánh bên cạnh mà cụ Đề và ông Đội Cấn đã lập được những chiến công vang dội.

Đạo bóc gói thuốc Nhị Thanh, rút một điếu rồi đẩy bao thuốc sang phía Cường:

- Hút một điếu cho tỉnh táo, đồng chí! Đừng so sánh với cụ Đề Thám hay ông Đội Cấn. Nhưng mà tôi cũng nói thật. Tin làm sao được mấy ông nhà văn. Chuyện đã qua hơn nửa thế kỉ rồi, các ông ấy muốn viết thế nào mà chả được.

Đạo châm thuốc, thả một hơi khói lên trần nhà, ánh mắt lơ mơ nhìn Cường:

- Những người có học như các cậu đúng là rất lãng mạn.

* * *

Cái xóm Bến Đò trông có phần hơi xơ xác bởi những mái nhà tranh nghèo liêu xiêu, những mảnh vườn hoang sơ, những con đường mòn chênh vênh… nhưng Thượng đế lại ban cho những người dân nơi đây một dòng sông tuyệt đẹp. Khúc sông đi qua xóm Bến Đò không quá lớn nhưng hai bên bờ có hai bến tắm vô cùng thơ mộng. Nước bốn mùa trong văn vắt. Những bụi tre ngà, những khóm trúc vàng óng khẽ nghiêng mình soi bóng xuống lòng sông, cứ chiều chiều lại ánh lên trong nắng. Đây chính là bến tắm của các tiểu đội thanh niên xung phong thuộc Đại đội 915 sau mỗi ngày lao động vất vả, mệt mỏi. Các đội viên nam ý tứ dành cho các đội viên nữ bến tắm bên bờ phía đông nước không quá sâu, lại có vẻ kín đáo hơn. Mỗi khi chiều về, các chàng trai, các cô gái trút bỏ áo ngoài, thoải mái thả mình xuống dòng sông.

Buổi chiều hôm nay, Nga cùng một tốp nữ thanh niên xung phong đang đằm mình dưới sông. Cả bọn vừa tắm vừa té nước trêu đùa nhau. Những tấm lưng thon, những bờ vai tròn trịa tuổi mười tám, đôi mươi được dịp phô ra dưới nắng mặt trời. Những ai đó nếu bất chợt gặp họ tắm sông trong lúc này thì tâm trí không thể không liên tưởng đến những nàng tiên ở chốn bồng lai. Đối với các đội viên thanh niên xung phong, sau những buổi lao động nhọc nhằn, nguy hiểm, sau những khó khăn, thiếu thốn về vật chất, những nỗi nhớ nhà, nhớ mé đến thắt ruột gan… thì bến sông này chính là nơi có thể làm họ vơi đi tất cả, làm cho tâm hồn họ trong trẻo trở lại. Lúc đầu, cũng có vài lời phản ánh lên chính quyền xã và ban chỉ huy Đại đội về chuyện các nữ đội viên ra tắm ở đây, cho đó là một việc làm có phần không tế nhị. Nhưng rồi bàn đi tính lại, thấy cũng không thể có cách nào tốt hơn để giúp các đội viên thanh niên xung phong trong công tác vệ sinh và thư giãn để xua tan không khí chiến tranh có phần nặng nề. Với lại, vốn dĩ họ là những cô gái người dân tộc rất vô tư trong sáng, ngay từ thuở nhỏ đã có thói quen tắm suối, đầy vẻ hồn nhiên, lãng mạn của người miền núi. Rồi sau, dần dần thành quen mắt, chẳng có ai buông lời dị nghị về việc này nữa, mà coi đó như một vẻ đẹp thần tiên chỉ ở cái xóm Bến Đò, nơi đóng quân của các nữ đội viên thanh niên xung phong xinh đẹp của Đại đội 915 mới có. Bây giờ, những người đi đường, mỗi dịp qua bến tắm, không thể không ghé nhanh mắt nhìn xuống dòng sông để chiêm ngưỡng các “nàng tiên” 915 vùng vẫy trên mặt nước biếc xanh. Và chắc cũng chẳng hiếm những chàng trai ở cái xóm Bến Đò này vô tình được một lần nhìn xuống bến tắm để về nhà ôm mãi những tương tư, mộng tưởng.

Những tiếng cười đùa, tiếng đập nước vang động cả bến sông.

Một tiếng nói đâu đó:

- Ô! Sao hôm nay cái “Đài không pin” không ra tắm nhỉ? Thiếu nó mất vui lố.

Nga nhanh nhảu:

- Chiều nay cái Đài cùng chị Xuân đi đắp cao phần mộ của cái Sa rồi.

Nhiều tiếng cùng cất lên:

- Thương cái Sa quá. Tiên sư cái thằng Mỹ ác độc.

- Này, nhưng cái biên bản về chuyện cái Sa và anh Khôi hôn nhau chắc là phải bỏ chứ nhỉ?

Giọng Nga ỉu xìu: 

- Chị Xuân bảo sáng nay đưa cái biên bản lên chỉ huy Đội rồi. Không kỉ luật nhưng phải đưa ra trước đơn vị để rút kinh nghiệm.

                                    2dt-1690427994.jpg
Minh họa: Đào Tuấn

- Cũng đành phải thế. Khổ thân cái Sa. Nhưng thôi, chúng ta không nghĩ sai về nó là được.

Một nữ đội viên vuốt vuốt má Nga, cười khúc khích:

- Mà hôn nhau một cái thì có mất gì đâu mà sợ nhỉ. Chỉ được cái luôn nhớ về nhau thôi mà.

Nga rụt cổ:

- Cái con này sai rồi lố. Không mất gì nhưng mất cái quan điểm.

Nữ đội viên kia không chịu:

- Thế mày đã được hôn bao giờ chưa mà biết mất cái quan điểm?

Nga nghiêm mặt:

- Tao chưa được hôn. Tao còn thương cái Sa hơn mày, nhưng chúng ta cần phải làm đúng cái nội quy. Mày nói thế, tao không đồng ý lố.

Nữ đội viên cười rúc rích:

- Tao cũng nói bừa vậy thôi. Xin lỗi mày nhé! Mà tao cũng đã có ai yêu đâu mà biết hôn nó như thế nào.

Thăng, một chàng trai cao gầy cùng một tốp nam thanh niên xung phong đi xuống bến tắm phía tây. Một nam đội viên xòe rộng bàn tay che mặt nhưng mắt vẫn thao láo qua kẽ tay, nhìn về phía bên kia sông, nói to:

- Các em ơi. Các anh che mặt rồi, không nhìn thấy gì đâu lố.

Các nữ đội viên giật mình nhìn sang vội dìm người xuống nước, đồng loạt kêu ré lên:

- Các anh liều quá lố! Phải chờ chúng em lên bờ rồi mới được xuống tắm chứ.

Một nam đội viên phân trần:

- Các em thông cảm, trời oi quá, không chịu nổi nữa rồi. Mà hồi ở nhà, gái bản vẫn cùng bọn anh ra suối tắm tiên, có sao đâu.

Nga nói vọng sang:

- Các anh nói sai rồi lố. Hồi ở nhà khác. Bây giờ đã là đội viên thanh niên xung phong rồi. Phải biết cái tế nhị mà.

Tốp đội viên nam mặc kệ những lời phàn đối, ào xuống sông.

Một tiếng nói vọng sang bờ đông:

- Các em yên tâm nhé. Các anh đã hạ quyết tâm là tắm ở đâu chỉ biết ở đó thôi, không xâm phạm biên giới.

Tiếng một nữ đội viên:

- Các anh không vượt biên giới nhưng cái mắt các anh vượt biên giới hết rồi kia kìa.

Tiếng bờ tây vọng sang:

- Các em cứ yên tâm đi. Nhìn các em đẹp như tiên nữ trên mường trời rơi xuống là các anh cũng vui mà, có mất gì đâu. Này, các em Na Rì, Chợ Đồn ơi, ta lượn đối đáp vài câu cho khuây khỏa nhỉ.

Tiếng một cô gái bay sang bờ tây:

- Gớm, anh nào mà bạo miệng thế? Chắc nhìn không thấy cái Đài ở đây mới dám lên giọng đấy nhỉ.

- Ồ! Em nói đúng đấy. Hôm nay em Đài đi đâu mà không ra tắm?

Tiếng Nga vời vợi trên sông:

- Phải lòng em Đài rồi hả? Không có cái Đài nhưng chúng em cũng chẳng sợ các anh đâu. Các anh ra lời trước đi.

Tiếng nam đội viên:

- Được. Vậy anh ra lời trước nhé.

Sau một tiếng hắng giọng rất to, một lời lượn cất cao:

Nà bươn hả bấu hấy tôm can

Nà bươn slíp bấu tan le đỏi

Bjoóc mùa xuân bấu rọi le ruồi

Bjoóc slíp pét bấu chơi le hén

Tha đảy hăn pạng tẻn bốc dầu

Tin tển nhằng đảy tâu tin mấư

Dầu bốc tả pạng pjấu không pha

 Khuyên mừa bạn tàng xa lượn khoái

(Ruộng tháng năm không cấy, đất khô

Ruộng tháng mười không gặt, lúa rũ

Hoa mùa xuân không hái, hoa tàn

Gái mười tám không chơi, hèn kém

Thấy ngọn đèn đĩa dầu dần cạn

Bấc ngắn còn nối bấc dài thêm

Dầu cạn đèn vứt nơi xó tối

Xin bạn đường xa hãy lượn)

Phía bờ đông, các nữ đội viên chụm đầu vào nhau bàn tán:

- Họ hát thế, ta phải đối đáp thế nào lố?

- Không có cái Đài ở đây là chết bọn mình thật rồi.

Nga chen vào, tươi cười:

- Không sợ đâu. Để tao hát đối đáp cho.

Nga khẽ rướn người, nghểnh nhìn về bên kia sông, cất lời:

Tao mjầu tốc cốc cà khổn tháng

Vằn nảy noọng oóc háng dự khai

Cầư chắc bạn nam giai mà vọng

Lượn noọng bấu mjặc mjoọng au mà

Lượn noọng khảu nam hoa pây tím

Bấu chắc pi mà hỉn đào hoa

Chắc pện noọng cung pà mà đuổi

Ca này hết rừ chổi pi làng

Au lăng pjá táng tàng bạn đảy

(Dao cau rơi bãi cỏ gianh khó tìm

Hôm nay em ra chợ mua bán

Ai ngờ bạn nam nhi đến hát

Lượn, em không mang giọng đi theo

Lượn, em xin vào vườn hoa tìm kiếm

Không biết là anh đến vườn hoa

Biết thế em mang giọng đi theo

Bây giờ biết làm sao từ chối

Lấy gì để đáp lại bạn đường xa)

Những tiếng vỗ tay bên bờ đông ran lên.

Bờ phía tây im thít.

Bờ phía đông lại đáo để cất tiếng:

- Các anh hết đường hát rồi hả? Xin hàng đi.

Thăng ghé tai một đội viên đứng bên cạnh:

- Đoạn hát này hồi ở nhà tớ đã được nghe trong hội lồng tồng, vẫn còn nhớ. Để tớ ra mặt cho.

Thăng đứng hẳn trên một tảng đá nhô lên mặt sông. Anh “e hèm”, hướng sang bến tắm bên kia sông:

- Chưa hết đường đâu. Lắng nghe anh lượn mà đối lại nhé.

Thăng lượn với vẻ đầy tự tin:

- Đảy nhìn hanh noọng á khao bang

Hanh noọng mà nhằng van hơn ngoang

Pền mác slau khảu thông pây dom

Pền sléc củ khảu hóm văn thư

Cằm lồm bấu ngỏ rừ pắt đảy.

(Nghe em hát giọng sao trong trẻo

Giọng ngân nga hơn cả ve rừng

Giá giọng như con chim, anh giăng bẫy mang về

Giá như giọng là quả, anh bỏ túi để ngắm

Giọng em mà như sách, anh cất vào hòm

Nhưng giọng hát gió bay, anh không thể bắt được)

Tốp nam huơ chân huơ tay, vẻ thích chí:

- Các em nghe rõ chưa? Anh Thăng muốn cất giọng hát của em Nga vào túi đấy.

- Có gì thì đối đáp mau mau lên, các anh chờ.

Bến tắm phía đông, mấy nữ đội viên túm lấy Nga.

- Bây giờ phải làm sao? Mày tìm câu lượn đi, Nga. Không ngờ bọn họ thuộc nhiều bài lượn thế.

Mắt Nga sáng lên, đầy cảm hứng:

- Yên tâm. Tao không chịu đâu.

Nga leo lên mũi chiếc thuyền đắm, nửa chìm nửa nổi trên bến. Bàn tay Nga uốn theo lời lượn.

- Thai thai noọng Bấu pjói pi mừa

Pjói pi bặng pjói cưa lồng nặm

Pjói cưa nhằng dẩy chẳng lộn dài

Pjói pi bặng Pjói hai slíp hả

Pjói hai nhằng hăn nả bươn pày

Pjói pi pây tàng quây cách chổn

Pền nộc noọng bên lộn thâng rườn

Bên mừa chắp chang sluôn nả táng

Khửn rườn them lồng lang đảy hăn

(Dù có chết em không thả anh về

Thả anh như bỏ muối xuống nước

Muối xuống nước còn lẫn vào với cát

Thả anh đi như thả trăng rằm

Thả trăng, mỗi tháng thấy một lần

Thả anh đi đường xa cách trở

Giá là chim, em bay đến thăm nhà

Bay đến vườn, đậu cành cây trước cửa

Anh ra vào được thấy rõ anh)

Những tiếng vỗ tay vang dội. Những tiếng cười hỉ hả của tốp đội viên nữ. Tốp đội viên nam, người giả vờ bơi ra xa để lảng tránh, người lúng túng lặn xuống nước mất tăm như trốn chạy. Một lúc, Thăng nhô lên mặt nước, lắc lắc mạnh đầu cho nước bắn tung tóe, thú nhận:

- Các anh cạn lời rồi, các anh xin thua em Nga - vẫy vẫy tay sang bờ đông - Ngày mai bọn anh trèo hái cho mỗi em mười quả thị. Phạt thế được chưa?

- Được rồi. Nhưng các anh nói lời phải giữ lấy lời chứ đừng như câu lượn giữa trời gió bay đấy lố.

Thăng lấy tay bắc loa nói vọng sang:

- Các anh xin giữ lời. Cây thị làng Phan cao như ngọn tre, các anh cũng phải hái cho các em.

Bờ phía đông vang vọng tiếng vỗ tay sảng khoái. Một nữ đội viên quay sang Nga:

- Nga, sao mày giỏi thế? Hồi mới đến đơn vị, mày có biết lượn đâu?

Nga cười thích chí:

- Cái Đài dạy tao đấy. Tao thuộc được nhiều cái bài lượn của nó rồi - vẻ mặt chợt thoắt buồn - Chỉ buồn là nó chưa dạy cho cái Sa. Cái Sa cũng thích lượn lắm nhưng cái Đài bắt nó không được nhớ mé, không được khóc nhè thì mới dạy. Vậy mà…

Nga lén lấy tay lau nước mắt. Những vẻ mặt buồn thiu.

Mặt trời vàng ối phía tây.

Nhìn từ rên cao, dòng sông như một dải lụa mềm uốn lượn quanh những cánh rừng xanh mướt. Một đàn vẹt từ núi Linh Sơn bay về sà xuống lũy tre bên bờ, trông như một dải mây ngũ sắc từ đỉnh trời rơi xuống.

Cả hai tốp nam, nữ thanh niên xung phong rời bến tắm.

Hồ Thủy Giang

1 đã tặng

1

0

0

0

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Vị chát trung du

Văn xuôi 4 ngày trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 5 ngày trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 5 ngày trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 1 tuần trước

Đôi cánh mẹ cho

Văn xuôi 2 tuần trước