Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
04:19 (GMT +7)

Nhớ về một người anh – anh Ngô Văn Hòe

Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên và gia đình vô cùng thương tiếc báo tin:

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ngô Văn Hòe, sinh ngày 19 tháng 5 năm 1969. Quê quán: Thôn Lý Viên, xã Bắc Lý, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Cư trú tại tổ 15, phường Hoàng Văn Thụ, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu - sưu tầm, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, sinh hoạt tại Chi hội Văn nghệ Dân gian. Đã đột ngột từ trần vào hồi 02 giờ 57 phút ngày 01 tháng 2 năm 2019 (Tức ngày 27 tháng chạp năm Mậu Tuất). Hưởng thọ 51 tuổi. Với những công lao cống hiến trong quá trình công tác của mình, đồng chí đã vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp Bảo tồn phát huy vốn di sản văn hóa dân tộc và trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Văn hóa, Thể thao và Du lịch”. Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên, Báo Văn nghệ Thái Nguyên kính báo và gửi lời chia buồn sâu sắc cùng toàn thể gia đình hội viên Ngô Văn Hòe.

Đã gần hai tuần kể từ khi anh mất, với bản thân tôi và rất nhiều người, vẫn chưa tin điều đó là sự thật, cảm giác anh vẫn ở đâu đây. Anh ra đi quá đột ngột với nhiều công việc còn đang dang dở, nhiều dự định chưa thành. Qua tết, cơ quan đi chúc mừng năm mới, đi ăn, anh em vẫn nhớ đến anh, để riêng cho anh chén rượu, chiếc bát và đôi đũa như anh vẫn còn. Không khí trầm buồn khác hẳn mọi hôm, thiếu cả những lời chúc tụng thường thấy. Nhắc về anh, gạt qua những nỗi buồn là sự thiếu vắng của một người anh, một trưởng phòng trách nhiệm và mẫu mực, có tầm nhìn và phục chúng. Có lẽ, ít người để lại dấu ấn sâu đậm, thậm chí ảnh hưởng đến cả tính cách người khác như anh. Ít ra, với tôi là vậy. Hồi mới về phòng sưu tầm năm 2003. Ấn tượng lớn nhất và ban đầu về anh là dáng người nhỏ, ăn nói cũng bất cần, không theo khuôn mẫu, cũng chả kiêng dè song có tình có lý và cũng minh triết, uống rượu thì cũng là số một số hai lúc đó. Về tập sự, lúc đó không chỉ riêng tôi mà với nhiều người còn khó khăn lắm, lương thì ít, nhà đi thuê, lại sống xa nhà. Anh chỉ động viên và bảo “cố gắng, hồi xưa tao còn khổ hơn mày nhiều, vào làm bảo vệ, lương thì ít, rảnh còn phải đạp xe đi giao từng chai nước ngọt, từng chai mắm kia kìa…”. Lời nói tuy đơn giản nhưng cũng đã động viên tôi rất nhiều. Những bài viết đầu tay của tôi cũng nhờ anh xem và sửa giúp, “chú thêm cái này, bỏ đoạn kia đi”, “chỗ này mày viết dài dòng quá…”. Anh cũng là một trong những người đầu tiên kèm cặp tôi trong công tác sưu tầm và nghiên cứu văn hóa dân tộc. Nhớ đợt đi khảo sát tại lòng hồ thủy điện Na Hang, lúc mấy anh em vào vùng dân tộc Tày. Mới ra trường, trong đầu toàn là một mớ lý thuyết, còn đang ù ù cạc cạc điền dã thực tế, cũng là anh hướng dẫn cho tôi cách “nhìn” hiện vật, cách khai thác thông tin, những giấy tờ gì cần làm, lấy ở đâu, nhìn nhà nào là có thể hỏi han được, sưu tầm được hiện vật… Nghe thì có vẻ đơn giản song “cái này cũng phải có kỹ năng đấy chú ạ”. Rất nhiều ý kiến của anh trong công tác nghiên cứu, sưu tầm giờ vẫn được anh em trong phòng áp dụng và đem lại hiệu quả như cách viết biên bản sưu tầm, ghép cả bộ hiện vật chứ không để riêng từng thành phần hay kỹ thuật quay, chụp thực địa. Đến giờ, anh vẫn là người quay và chụp chắc tay nhất phòng. Với anh em trong phòng, anh là một người anh, một trưởng phòng mẫu mực, có tính quyết đáp và trách nhiệm. Anh luôn nhiệt tình, giúp mọi người, cũng không nề hà việc lớn việc bé gì cả. Trong việc phòng, anh là người có trách nhiệm, quán xuyến bảo ban anh em trong phòng thực hiện tốt các công việc được giao, luôn duy trì sự đoàn kết, thống nhất trong phòng như anh em một nhà. Điếu văn hôm đám tang của anh có đoạn: Đối với các đơn vị bạn, đối tác, đồng nghiệp, đồng chí luôn trung thực, chân thành, thẳng thắn, trọn nghĩa vẹn tình, chia ngọt, sẻ bùi, đơn giản hóa những việc phức tạp, hóa giải mọi điều uẩn khúc của cuộc sống bằng sự đồng cảm, chí cốt, chí tình. Mỗi khi đồng chí, đồng nghiệp, bạn bè, anh em bệnh tật, đau mỏi vai gáy, đồng chí còn là thầy lang, với đôi bàn tay biết xoa dịu cái đau của người khác. Vì thế, anh em cơ quan còn gọi đồng chí với biệt danh yêu quý là “Cụ lang Hòe”. Vĩnh biệt anh, một trưởng phòng tận tụy và mẫu mực, một người anh cả của phòng. Hãy yên nghỉ, anh nhé! Mọi người luôn nhớ về anh!

Nguyễn Cảnh Phương

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục