Nhớ Tết bản xưa
Cứ sau rằm Trung thu, rồi đến Tết Cơm mới, thời gian như trôi nhanh hơn, vùn vụt như con ngựa chạy qua thung lũng, ai làm việc gì cũng nhanh nhanh chóng chóng chứ không dềnh dàng ngâm nga như mấy tháng trước. Tạm vãn việc ngoài đồng, người bản rủ nhau lên rừng kiếm củi về đun Tết. Sâm sẩm tối, từ cửa rừng, từng tốp người kĩu kịt gánh củi về bản, tiếng cười nói râm ran. Ở chợ thì những tiếng chào mời mua đồ về ăn Tết, hỏi han nhau đã sắm Tết đến đâu rồi, năm nay có nuôi được nhiều gà thiến, có thịt lợn Tết không, con cái ở xa có được về không, rồi hẹn nhau Tết nhớ đến chơi nhà: “Nèn mà liểu nớ!” … Vậy là Tết đã đến gần rồi!
Sang tháng Chạp âm đã nghe Tết đến sau lưng. Pa tôi hạ cái lồng gà to treo sau vách bếp xuống, rửa sạch phơi khô để nhốt bọn gà đã thiến từ tháng Bảy vào vỗ béo. Tôi được giao nhiệm vụ bung ngô, luộc bí đỏ cho bọn chúng ăn mỗi ngày. Mẹ tôi bỏ những cum thóc nếp “pì pết” - nếp mỡ vịt, loại nếp ngon nổi tiếng quê tôi, đem phơi cho khô khén để xay giã dần còn làm bánh chưng và các thứ bánh Tết.
Kể từ ngoài Rằm tháng Chạp, nhà ông ngoại tôi không lúc nào vắng khách đến nhờ viết hoành phi, câu đối. Ông ngoại tôi là “slấy” Tịnh, ông đồ dạy chữ nho (slư nam) nổi tiếng trong vùng, ấy là người bản nói thế. Khi tôi lớn hơn, nhớ được mọi chuyện, ông ngoại tôi không còn mở lớp nữa. Người trong vùng vẫn thường nhờ ông “khửn pét sì” (lập bản mệnh) cho trẻ mới sinh, xem ngày động thổ, cưới xin… Nhà tôi dựng kề nhà ông bà ngoại, sàn trước lát bằng cây vầu thông nhau, phơi được đến bốn “tẹm” thóc (cót đan bằng tre hoặc nứa). Sáng ra, mẹ tôi trải hai tấm tẹm, để ông ngoại tôi viết câu đối. Tôi mài mực cho ông trong chiếc nghiên rất đẹp bằng đá và đem phơi những câu đối vừa viết cho ráo mực. Chữ ông ngoại tôi đẹp lắm, nét thẳng, nét sổ, nét đậm, nét thanh bằng mực tàu đen nhánh trên giấy hồng điều, thật đẹp mắt. Tôi nhớ những chữ to như PHÚC - THỌ - KHANG - NINH ông ngoại tôi viết lên tờ giấy hình thoi để dán vị trí trang trọng nhất bên trên bát hương thờ tổ. Còn các câu đối đều mang ý nghĩa cầu bình an may mắn, thành công, làm ăn thuận lợi phát đạt, sung túc đủ đầy:
Tổ tông công đức thiên niên thịnh Tử hiếu tôn hiền vạn đại vinh
(Dịch nghĩa: Tổ tông công đức thì con cháu hiếu hiền, hưởng vinh hoa phú quý)
Mãi sau này, mỗi khi nhớ về Tết quê, trong tôi luôn hiện hữu hình ảnh hai ngôi nhà sàn kề nhau bên sườn núi Khau Luông hùng vĩ, sàn trước thênh thang có ông ngoại ngồi cúi mình bên “mực tàu, giấy đỏ” viết câu đối. Trên những cây sào bắc ngang đầu sàn, phơ phất những câu đối đỏ nổi bật bên sắc hoa mận trắng như tuyết, điểm trên nền lá xanh lộc biếc vào mùa trổ lá.
Trên quốc lộ chạy qua bản, thỉnh thoảng có những chiếc ô tô “coọc mu”, xe tải đóng gióng giống cũi lợn, chất ngất lá dong xanh ngắt chạy vun vút về xuôi. Còn xe ngược lên chở hàng hóa phục vụ Tết. Xe khách thì nêm chật cứng người. Nhà ai có người đi học hành, công tác xa luôn ngóng ra đường, hễ có xe dừng là bọn trẻ ùa ra xem người nhà ai về ăn Tết, người lớn cũng dõi theo xem người vừa xuống xe tay xách nách mang sẽ rẽ về lối nhà nào. Nhà ai có người về Tết là vui nhất bản!
Người quê thường ngày tằn tiện, cơm bữa có lúc phải độn thêm ngô, thêm sắn nhưng “đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết”. Nhà nhà rậm rịch làm “pẻng khua” (bánh cười), “khẩu sli” (bỏng gạo nếp rang), bánh khảo, chè lam... Các loại bánh khác thì tự làm, nhưng pẻng khua thì phải nhiều người giúp, giã bánh rồi xe bánh. Pẻng khua cũng làm các khâu như bánh dày, chỉ là khéo léo ở khâu ngâm nếp với một số loại lá rừng, thêm rau húng xoăn, mấy lát dọc mùng để bánh chao lên sẽ phồng, trong ruột xốp như thân cây dọc mùng. Nguyên liệu quan trọng là mài bột khoai sọ để khi giã gần xong thì cho vào giã tiếp cho thật mịn. Tiếng giã bánh thậm thịch lẫn tiếng chuyện trò râm ran vọng vào vách núi. Đó cũng là những âm thanh náo nức của bản làng quê tôi mỗi dịp gần Tết. Chị dâu tôi thì chao pẻng khua. Tôi rất thích nhìn từng mẻ bánh nở phồng lao xao trong chảo gang, chắc vì nghe như tiếng cười vui của con trẻ nên mới gọi “bánh cười” chăng? Những mẻ bánh nhỏ nở bằng quả vải, loại bánh to dài chừng ba đốt ngón tay, phồng to vàng ruộm, trong ruột bánh nở xốp như ruột cây dáy, cây dọc mùng vậy. Sau đó thắng đường phên đến độ keo kéo tơ thì đổ bánh vào trộn đều, những chiếc bánh mặc áo đường nâu đỏ, từng nhóm ngơ ngác ôm nhau trong “đổng” (nong nhỏ), nhìn thật yêu!
Rồi làm khẩu sli (bánh bỏng), khẩu sli người bản tôi làm cầu kỳ lắm, chọn gạo nếp ngon mười hạt như mười đồ thành xôi phơi se se, ướp chút rượu trắng, sau đó trộn cám gạo xay, giã cho từng hạt xôi dẹp trong suốt, giã rồi phơi, nhiều lần như vậy mới được khẩu sli đạt tiêu chuẩn, khi rang nở đều như những con nhộng tằm nhỏ, cuối cùng cũng là khâu thắng đường trộn đều đổ ra khuôn đóng và cắt miếng cho vào vò sành đậy kín. Khẩu sli bản tôi giòn rụm thơm thơm mùi rượu mà chắc, không xốp xộp như món bỏng nổ bằng máy họ vẫn bán ngoài chợ.
Nhà tôi năm nào cũng làm gần chục khuôn bánh khảo để đi Tết và để sau Tết anh tôi mang đi làm quà cho bạn bè. Bánh khảo có nhân bằng lạc vừng rang giã nhỏ trộn đường, có thêm mỡ phần đã luộc và ướp chút đường cho trong và giòn, đóng xong để mấy tiếng cho đông chắc rồi gói từng chiếc bằng giấy màu hoặc giấy bóng trắng từng chồng vuông thành sắc cạnh. Có nhà còn quấy chè lam, “thúc thec” (bỏng nếp trộn đường nắm tròn)… Thời đó khó khăn nên bánh ngọt các nhà tự làm, nhà nào có được cân bánh kẹo hay hộp mứt tết có hình cành đào là sang nhất bản. Các thứ bánh ngọt thường làm trước, nhà thịt lợn rồi mới gói bánh chưng, gói giò, làm lạp sườn, thịt lạp, thịt đông, bong bóng nhồi thịt…
***
Mới mờ sáng, sương trắng giăng giăng khắp núi đồi, lẫn với làn khói tỏa trên những mái ngói thâm nâu, ánh lửa sáng bập bùng lọt qua khe phên vách, tháng Chạp vùng núi rét lắm, gió lạnh ù ù, réo từng hồi làm tê tái chân tay, từ xa xa đã nghe tiếng lợn kêu eng éc, tiếng người cười nói râm ran, lũ trẻ chúng tôi đã được nghỉ Tết cũng đi theo bố mẹ xem mổ lợn, mặc kệ cái rét buốt như kim châm. Khi ấy quê tôi nghèo lắm, rét lại còn mang theo sương muối (lồng mươi), quần áo ít càng rét thêm. Lợn chọc tiết xong cho vào loỏng (như cái thuyền độc mộc sâu lòng vẫn dùng đập lúa) dội nước sôi làm lông, một lúc là con lợn to tướng đã sạch sẽ trắng phau được vật ra tấm tẹm có lót lá chuối để pha ra, chia các phần cho từng nhà mang về. Các bác, các chú mặt mũi đỏ ửng vì rét, mỡ lợn đông thành lớp, thành hột trên tay, trên mặt mọi người. Chia thịt xong còn bộ lòng thì để làm cỗ liên hoan bữa trưa.
Riêng cái bong bóng của con lợn được giữ lại, làm sạch bằng rượu và gừng thật trắng. Rồi thái thịt nạc lẫn mỡ to gần bằng bao diêm, trộn các gia vị như “khinh phia” (gừng núi đá), nước mắm, hạt tiêu, ngũ vị, quế hồi, thêm cả tiết, nhồi vào bong bóng, buộc chặt, cho vào nồi sâu, ninh lịch sịch cả tiếng đồng hồ cho chín nhừ, vớt ra cho bát gạo nếp lẫn tẻ, đỗ xanh vào nồi nước đó để nấu cháo. Cháo ngọt lừ, cho hành răm ăn cùng món thịt nhồi bong bóng trông như thịt nấu đông, có thịt mỡ màu trắng ngà xen màu hồng của thịt nạc lẫn tiết màu tim tím, thơm lừng ngọt ngào hương vị núi rừng bên bếp lửa hồng trong tiết trời giá buốt. Thật khó quên!
Ngày hai bảy, hai tám, các nhà rộn rịp gói bánh chưng. Đầu bản, ngoài mỏ nước lần bắc từ khe núi ra, lúc nào cũng đông vui, người gánh nước, người rửa lá dong, măng khô, đãi gạo, đãi đỗ… rộn tiếng nói cười. Mỏ nước mùa đông tỏa hơi mờ mờ nước ấm chứ không lạnh, nước đủ tưới cho cả khu ruộng bên dưới, đám ruộng ngay gần đấy bác tôi thả rau cải xoong lúc nào cũng xanh mơn mởn từng vồng, nhìn như có thể trải chiếu lên ngồi được. Cải xoong giòn ngọt ăn mát, Tết thả vào nồi canh gà thì không canh nào sánh bằng.
Chuẩn bị cho một cái Tết sao mà bận rộn, bao nhiêu việc cứ ùn ùn, xoay quanh việc làm đồ ăn thức uống ai cũng mệt nhoài nhưng đó cũng là những giờ phút vui nhất trong một năm. Việc gói bánh chưng quan trọng nhất, bà ngoại, mẹ tôi, chị dâu, chị gái cùng gói, xong cái nào tôi thả tỏm vào thùng nước. Bánh vuông, bánh dài, từng chiếc được cho “uống nước” rồi xếp vào “héc vài” (vạc lớn) đổ ngập nước đậy vung đan cật tre. Đến thời khắc quan trọng là mời ông tôi châm lửa. Mỗi năm chỉ một lần luộc bánh chưng nên rất hồi hộp và háo hức!
Việc tiếp theo là làm bún. Mẹ và chị tôi nhào bột cho vào túi để ráo từ hôm trước, rồi luộc chín, sau đó đem ra cối giã, luyện sao cho thành thỏi to gần bằng ruột phích Rạng Đông. Thỏi bột cho vào khuôn ép sợi thả nồi nước sôi, đợi chín trụng nước lạnh, rải từng con lên sàng thưa. Trời rét, bún để được hai ba ngày. Tôi lãnh nhiệm vụ đi mượn khuôn ép bún nhà hàng xóm cách một quả đồi. Đi men qua con đường mòn vòng quanh đồi chè, ven đường có những cây mơ, cây mận nở hoa trắng xóa, hoa đơm đầy cành như tuyết đậu mùa đông bên châu Âu mà tôi vẫn thấy trong họa báo Liên Xô cũ. Lòng tôi ngân nga câu hát then quen thuộc “biooc mặn phông nả táng pền khao”, nghĩa là hoa mận nở trắng xóa trước sân. Lúc mang khuôn ép bún về thế nào tôi cũng bẻ mấy cành hoa đẹp nhất cắm lọ bày trước ban thờ, mà hoa mận đẹp nhất là hoa cây mận đắng ít ai ăn, chứ hoa mận thép hay mận đường thì không ai nỡ bẻ, dù chỉ một nhánh nhỏ!
Ngày ba mươi Tết thì nhà nhà hối hả, chân không bén đất. Sáng sớm, pa và anh cả tôi lên rừng vầu chọn hai cây già đẹp và thẳng nhất chặt về dựng cây nêu cho nhà tôi và nhà ông bà ngoại. Mẹ tôi lấy ra hai chiếc bánh chưng nhỏ để treo cùng tờ phướn đỏ có chữ nho ông tôi viết, có treo cả hình con thú cầm tinh năm đó, buộc thêm chiếc khánh nhỏ bằng đồng, cắm hương rồi treo lên ngọn cây nêu dựng nơi đầu sàn, thỉnh thoảng gió đánh kêu lanh canh. Bà ngoại tôi bảo ma quỷ nghe tiếng sẽ không dám đến quấy nhiễu bản làng ngày Tết. Ông ngoại cùng chị em tôi cắt những vuông giấy đỏ nho nhỏ đi dán vào các cây cối quanh nhà, dán cả các đồ dùng như cối xay, cối giã, cày bừa, dao cuốc… Người Tày quê tôi quan niệm, cây cối cho quả quanh năm, cày bừa dao cuốc cùng người mùa tiếp vụ vất vả cùng người cũng phải được nghỉ ngơi ăn tết. Xong xuôi, ông tôi cùng các nhà trong bản mang lễ ra cúng thổ công nơi miếu nhỏ đầu bản. Lễ có con gà trống hoa luộc vàng ươm, các thứ bánh trái, hoa quả có nải “cuổi vài” (chuối trâu), “cuổi phan” (chuối Tây) hoặc quả bưởi, cam quýt. Mỗi nhà một mâm, không thể thiếu quần áo cắt bằng giấy màu, “chỉa chèn” (tiền giấy) cắt bằng giấy bản. Ông ngoại tôi mặc bộ quần áo chàm mới trịnh trọng thắp hương khấn khứa, sau đó dân bản lần lượt thắp hương vái tạ cảm ơn thần linh đã phù hộ cho làng bản một năm mưa thuận gió hòa, chăn nuôi được “pết cáy têm cai, mò vài têm lảng”, trâu bò đầy chuồng, lợn gà đầy sân, cuộc sống được bình yên no ấm. Các chú các anh trai bản còn đốt bánh pháo nổ giòn giã (thời kỳ đó chưa cấm đốt pháo), xác pháo đỏ tung bay! Tết đến rồi!
Sau lễ Thổ Công, các nhà bắt đầu chuẩn bị lễ cúng tổ tiên tất niên. Nhà nhà, bàn thờ mới tinh lượt trong cùng dán báo hoặc giấy trắng làm nền cho hoành phi, câu đối bằng giấy đỏ chữ viết mực tàu đen nhánh trong ánh đèn nến sáng trưng, có lọ cắm hoa giấy, hoa nhựa đẹp mắt, mọi thứ đều sạch bóng, vị trí giữa là con gà trống thiến béo vàng mọng, bên cạnh là các thứ bánh trái, chai rượu cũng bọc giấy đỏ, các món ăn cầu kỳ được mẹ và các chị tôi chuẩn bị suốt chiều. Hương thơm ngan ngát lan tỏa trong không gian, làng bản đì đùng pháo nổ đón thời khắc thiêng liêng giao hòa giữa năm cũ và năm mới.
Sáng mùng một là lễ cúng tổ tiên, mâm cơm Tết có đầy đủ các thức ngon lành dành dụm suốt năm, đó là bữa cơm đoàn viên của mỗi gia đình. Tết ở bản cũng không khác ngày thường là mấy, không có các cửa hàng cửa hiệu chăng biển xanh, đỏ, cổng chào kết hoa như phố thị. Có khác là dân bản mặc quần áo mới đi các nhà chúc Tết, thường là đàn ông, con trai đi để mang lại những điều may mắn cho gia chủ, đến ngõ là “cống hò phát sòi - bươn chiêng pi mâứ”, tay bắt mặt mừng, rượu rót tràn bát, chúc nhau những điều lành điều tốt, luôn khỏe chân mạnh tay, may mắn đến nhà, làm gì được nấy “khẩu têm các, mác têm sluôn”, thóc đầy gác, hoa quả đầy vườn, trồng trọt thì “bát bai slam ăn phước, bát cuốc slam ăn mằn”, năm mới mọi điều đều mới, bỏ qua những hiềm khích giận hờn không vui của năm cũ. Còn bọn trẻ chúng tôi và trai gái trong bản thì ra ngoài bãi rộng đầu bản chơi đánh yến, ném còn, đánh quay đánh đáo… nhà ai có xe đạp thì từng tốp đi chơi tận trên phố chợ.
Năm tháng đi qua, tôi sống xa quê, thỉnh thoảng mới về. Ông, bà, cha mẹ đã khuất, chỉ còn họ mạc. Bản cũng thay đổi nhiều, cuộc sống ngày càng khấm khá, nhà mới nhiều lên. Công nghệ phát triển, mọi thứ đã có máy làm thay người, không còn ai phải xay bột, ép bún kiểu đòn bẩy treo thêm thớt cối đá cho nặng như xưa. Nhưng trong tôi, vào những ngày giáp Tết lại nhớ khôn nguôi cái không khí rộn ràng của Tết bản xưa. Nhớ năm ngồi xay đến mấy dậu nếp rang cùng chị dâu để làm bột bánh khảo, cối đá nặng cần mẫn nghiền từng thìa gạo rang ra thứ bột mịn màng thơm phức, vừa xay tôi vừa đọc cho chị nghe gần hết cuốn tiểu thuyết Rừng thẳm tuyết dày của tác giả Trung Quốc Khúc Ba, lúc đó tôi mười hai tuổi, chị tôi giờ vẫn nhắc.
Bây giờ, phố chợ quê tôi dịch vụ, giao thương phát triển không kém gì ở dưới xuôi, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng cửa hiệu san sát đủ loại hàng hóa. Nhà có điều kiện chỉ cần ra chợ, lượn một vòng là đủ hết đồ cho Tết. Ở bản, nhiều nhà làm bánh khảo, khẩu sli, chè lam, pẻng khua để bán, nhắn gọi còn “ship” (giao) tận nhà thật tiện lợi. Quần áo mới đủ kiểu đủ màu, không thiếu thốn như xưa, Tết đến phải bán bớt đi đôi gà, hay ít thóc, ít ngô, ít đỗ để mua quần áo mới cho con trẻ mặc. Tết nay sung túc hơn, đủ đầy hơn bia lon, rượu nội, rượu ngoại cùng nhiều bánh kẹo cao cấp góp mặt trên bàn thờ. Nhưng nhà nhà trong bản vẫn không quên làm các thứ bánh như xưa cùng các món ăn cổ truyền để dâng cúng tổ tiên. Chính điều đó đã làm nên bản sắc riêng có của Tết Tày quê hương Việt Bắc.
Hà Nội, tháng 12/2020.
Hạnh Ngân
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...