Thứ sáu, ngày 03 tháng 05 năm 2024
09:03 (GMT +7)

Nhớ mùi Tết xưa

Miền Bắc trời bắt đầu mưa lâm thâm, tuy gió nhè nhẹ nhưng cũng khiến làn da tê tái. Dòng người, xe cộ hối hả chạy thi với ánh sáng mỏng manh sót lại cuối ngày. Ai cũng mong sớm trở về ngôi nhà ấm áp của mình, nơi có bếp lửa khói tỏa nồng.

Tôi lặng lẽ trong ngôi nhà nhỏ, chậm rãi nhâm nhi chén trà thơm. Vị đậm chát lắng lại, đằm sâu. Năm nay, dịch dã hoành hành, tôi không được về quê. Trong tỉnh thức, tôi nhớ về tuổi thơ, nhớ quê. Quê đã xa, đã thật xa, mà sao, như vẫn còn phảng phất đâu đây gần gũi quá! Ngỡ nhắm mắt lại là có thể hít một hơi thật dài, thật sâu, mùi Tết tràn đầy tâm can, chảy râm ran huyết mạch.

Mùi đầu tiên gợi nhớ, là mùi thơm lừng của những lò mật tỏa ra quyện với cơn gió hiu hiu lạnh. Lũ nhóc chúng tôi gọi đó là mùi khai vị Tết.

Quê tôi, vào đầu tháng Chạp (âm lịch) trời rét đậm. Trong cái hanh heo mây khói u hoài của miền rừng núi, tiếng cót két kéo mía, tiếng họ trâu rộn lên trên bản, dưới làng. Mía xếp đống la liệt ở các thung, bãi. Máy ép mía làm bằng hai khúc gỗ tròn to, buộc chặt vào nhau, phía trên là khúc gỗ dài làm cần cho trâu kéo. Con trâu đi vòng tròn quanh trục, tức thì hai khúc gỗ quay ép vào nhau, người ngồi bên nhanh tay cho cây mía vào kẽ hai khúc gỗ, nước mía từ từ chảy ra. Sau vài lần ép, thân mía xác xơ, khô khốc, lũ nhóc chúng tôi lúc bốc mía vào, lúc ôm bã mía ra, vừa háo hức, vừa vui sướng. Khi nước mía đầy thùng, cha tôi đổ vào chiếc chảo to để đun, đây là khâu quan trọng quyết định chất lượng mật. Cha thức suốt đêm, luôn tay vớt bọt bẩn, vớt khi nào mật trong chảo tươi, sánh đặc. Tính ông cẩn trọng, vì thế mật nhà tôi luôn đắt khách.

Chợ quê ngày cuối năm

Mật có thể đưa ra chợ bán ngay lấy tiền sắm Tết, hoặc đổ vào chum chờ đến hè được giá mới bán, là tùy thuộc hoàn cảnh kinh tế của mỗi gia đình. Mẹ tôi, một người đàn bà cần kiệm và biết tính toán. Thường ngày bà nhặt nhạnh quả trái trong vườn, rồi củ sắn, củ khoai... tờ mờ sáng bà gánh xuống chợ bán, sắm sửa và tích cóp. Nên Tết về, năm nào chị em tôi cũng được xúng xính trong bộ quần áo mới, hớn hở cùng bạn bè tung tăng vui Tết. Nhờ đức tính này mà bảy đứa con của bà đều được học hành đến nơi đến chốn.

Phụ giúp kéo mía cùng người lớn quả là thích, nhưng mùi thơm ngọt của mía lùi cuốn hút khiến lũ nhóc chúng tôi không cưỡng được. Chúng tôi lẳng lặng đến ngồi bên lò nấu mật. Cha tôi đã vùi mấy khúc mía trong lớp than hồng. Những khúc mía sôi xèo xèo, mùi thơm phả ra ngọt đầu lưỡi, nước miếng tứa ra qua kẽ chân răng. Cha tôi khời, lóc gióng mía nóng hổi đưa cho chúng tôi: "Các con ăn đi". Chúng tôi cầm khúc mía ngả màu mật, vội cắn. Chao ôi, nó mới ngọt thơm làm sao! Nuốt vào đâu biết ngay tới đó, tỉnh táo, khỏe khoắn, mặt mày ửng đỏ, cả lũ cười phô cả những cái răng sún như chú nghé con. Tôi cứ thế gặm, gặm xong khúc mía thì chiếc răng lung lay cũng rơi đâu mất tiêu.

Mấy ngày áp Tết, công việc sửa sang nhà cửa, lau chùi, quét dọn và trang hoàng tranh ảnh thật bận rộn. Tết có thể thiếu thốn một tí, nhưng nhà cửa phải tươm tất, sáng sủa, gia đình đoàn viên thành nền nếp truyền thống chung cho mọi gia đình. Mảnh vườn quanh nhà được cha dọn dẹp, chặt tỉa cành lá và quét dọn sạch sẽ. Lớp lá chuối già cắt đi để lại thân cây trắng nõn, cây ổi, cây bưởi, cây mít... đều quét vôi trắng xóa. “Cha thay áo mới cho cây đón Tết”. Đứa em vừa chạy lũn cũn, vừa khoe rối rít.

Sáng Ba mươi, cha dậy thật sớm, ông nhóm lửa đun nước làm thịt lợn. Con lợn mẹ tôi thả ngót một năm, con lợn mà hôm nào đi chăn trâu tôi cũng cắp nách một bó rau về nấu với cám, khoai, sắn cho nó ăn. Khi pha thịt, cha dành một ít ủ vào bồ muối để sẵn bên bếp. Ra Giêng, lúc nhà có công việc mới lấy ra, miếng thịt vẫn tươi nguyên. Cha cho mật, nước mắm và gia vị ướp, rồi rim. Chao ôi miếng thịt mới ngon làm sao! Sau này, nhiều lần tôi làm theo công thức của cha hòng tìm lại mùi vị và cảm giác ấy, nhưng không thấy, chắc bởi cái thòm thèm đói khát thuở xưa, giờ đâu còn nữa.

Có món ăn mấy chục năm rồi tôi không được ăn lại, đó là món chả xương lợn. Sau tiếng eng éc thịt lợn, cả làng tôi rộn lên tiếng băm xương. Cha tôi dùng hai con dao chặt to, nặng và sắc, nhẫn nại ngồi băm xương. Băm đến khi sờ vào thấy nhuyễn, mịn cha mới đem ướp các gia vị. Chờ ngấm, ông trộn ít bột gạo lẫn bột sắn rồi vắt thành viên đem kho như kho thịt. Ra Giêng, trời mưa phùn đi làm hay đi học về bưng bát cơm có cái chả xương, chao ôi mới ngon làm sao!!!

Chiều Ba mươi, mâm cỗ với thịt kho, cá kho, gà luộc, bánh chưng và một số món cổ truyền khác được bày lên tươm tất. Chúng tôi chờ cha làm lễ cúng rước ông bà tổ tiên về ăn Tết, sau tuần hương mới hạ cỗ. Mấy đứa mắt hau háu giơ đũa, vẫn nhìn mẹ dò ý. Mẹ cười: Các con ăn cho thỏa đi. Đó là bữa cơm chúng tôi chờ đợi cả năm, thật vui vẻ và ấm áp. Tối, cả nhà lại quây quần chuẩn bị mâm cúng Giao thừa. Mẹ bảo, cúng Giao thừa phải cúng đồ ngọt cho trơn tru. Thường mẹ tôi làm 3 món: bánh ngào, chè đỗ xanh và chè con ong. Tôi chỉ mê món bánh ngào. Thứ bánh trộn hương vị cay nồng của gừng, ngọt đậm của mật mía, dẻo thơm của bột gạo nếp cùng với làn khói trắng mỏng manh tỏa lên. Món bánh ngào nấu trong đêm chờ đón Giao thừa, làm tan cái lạnh giá của đất trời và ấm lòng người thưởng thức.

Sáng mồng Một chúng tôi thức dậy, cha đã dọn mâm sẵn. Bánh chưng ăn với bánh ngào và chè. Đầu năm mới ăn đồ ngọt, cho ngọt ngào cả năm. Đó là ước nguyện muôn đời của những người nghèo khó. Hay cũng là ước nguyện chung cho mọi người trong thời khắc thiêng liêng của năm mới? Ăn xong, chúng tôi diện quần áo mới chạy tung tăng như con chim nhỏ hân hoan trong nắng sớm. Chúng tôi ào đến sân chơi nơi chật ních người chơi đu, chơi ném còn, chơi khăng và nhiều trò chơi khác. Tiếng cười, tiếng reo hò vang rộn cả một vùng quê.

Từ giã tuổi thơ, tôi rong ruổi trên mọi nẻo đường. Khi Xuân đến, Tết về, tôi ngồi lặng một mình, lòng bồi hồi nhớ tuổi thơ, nhớ cha, nhớ mẹ, nhớ mùi Tết quê. Nỗi nhớ vừa da diết, vừa quay quắt…

Nguyễn Thị Minh Thắng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Bàn chân tìm nhau

Văn xuôi 4 ngày trước

Rủ nhau đi hái măng rừng

Văn xuôi 5 ngày trước

Thong dong mây trắng…

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Sương

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Gió mây vần vũ

Xem tin nổi bật 3 tuần trước

Lời ru từ mặt đất

Xem tin nổi bật 3 tuần trước

Tháng Ba mùa hoa gạo

Xem tin nổi bật 4 tuần trước