Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
11:04 (GMT +7)

Nhớ cha bên ngọn lửa hồng

VNTN - Hình như những kỷ niệm thời ấu thơ bao giờ cũng neo đậu bền chặt nhất trong trái tim mỗi người. Trong những kỷ niệm ấy, nỗi nhớ về trẻ thơ vui Tết, với xôn xao tiếng pháo nổ, mong mỏi nồi bánh chưng sôi sùng sục đêm 30 Tết. Đợi chờ dù buồn ngủ đến díp cả hai mắt, cho đến khi những chiếc bánh chưng nhỏ xinh được gói riêng cho bọn trẻ được vớt ra, nóng bỏng tay được chia đều cho từng đứa.

Quê tôi là một xóm nghèo nằm bên dòng kênh đưa nước Hồ Núi Cốc về xuôi. Xóm toàn nhà tranh tre lợp lá cọ. Từ chiều 29 Tết, mấy anh em đã lễ mễ khênh chăn màn đi giặt và đem lá dong đi rửa ngoài kênh. Cuối năm nước kênh xanh trong và lạnh buốt. Những đám rong đuôi chó như những mái tóc dài xõa xượi, nhìn không thấy sợ mà chỉ thấy buồn. Nhà nhà ra kênh giặt giũ. Những chiếc lá dong được những bàn tay tím tái vì rét nâng niu, rửa thật sạch, vừa rửa bọn trẻ chúng tôi vừa mơ đến bánh chưng, đứa nào cũng mong Tết đến vì cả năm mới có một lần được ăn bánh chưng, thịt lợn thật no nê, lại được mặc quần áo mới.

Suốt cả mùa đông, cha chúng tôi đã lên các ngọn đồi gần nhà, đào những gốc cây về đốt lửa sưởi ấm qua những đêm đông giá rét. Nhà trên đỉnh một ngọn đồi cao, nhìn nó tôi hay liên tưởng đến một bà già, rách rưới đang co ro trước những gió mưa lùa về từ mọi hướng. Ngủ thì đã có những ổ rơm và lá chuối khô, bọn trẻ chui vào cười đùa rúc rích hoặc đánh nhau chí chóe. Rồi mùi thơm của rơm khô theo vào cả những giấc mơ con trẻ. Tôi mê đọc sách từ nhỏ, hay thức khuya thao thức, tưởng tượng mình là nhân vật trong trang sách vừa đọc lúc chiều. Tôi hay nằm cuộn tròn trong rơm thơm, hé mắt ngắm nhìn cha lặng lẽ đốt lửa giữa nhà, ngồi trầm tư nhìn bếp lửa tới gần sáng. Những gốc cây bền chắc, lửa đượm lắm, cháy liu riu, than hồng đỏ rực, nướng sắn lên thơm nức, xuýt xoa vừa ăn vừa thổi. Cha hay nướng sắn cho chúng tôi nhưng không ăn, chỉ pha ấm trà thật đặc, rít một hơi thuốc lào khiến điếu cày kêu giòn tan. Ông là một giáo viên tốt nghiệp xuất sắc tại khu học xá Quế Lâm, Trung Quốc, từng là một Hiệu trưởng trường THCS tại miền xuôi, xung phong lên công tác tại Thái Nguyên năm 1958. Nhưng trước đó ông là một người lính chống Pháp, tính cách thẳng thắn, quyết liệt, phân rõ trắng đen của một anh bộ đội Cụ Hồ hình như không hợp với thời bình. Vì thế có nhiều chông gai trên đường đời, tâm sự u uất gửi vào những bài thơ ông viết rồi lại đốt bỏ, vào những đêm dài ít ngủ, ngồi lặng câm bên bếp lửa…

Cha tôi đã đi xa rất lâu rồi, nhưng sao tôi hay nhớ về cha bên ngọn lửa hồng, trong những đêm đông giá rét. Những phẩm chất cao đẹp của một anh bộ đội Cụ Hồ, lòng yêu nghề và tài năng sư phạm của một thầy giáo hết lòng vì học sinh miền núi, phải chăng cũng như ngọn lửa rực cháy, bền bỉ và ấm áp kia, không giá rét nào dập tắt nổi, dù để lửa cháy lên thì thân gỗ cũng không còn? Có biết bao anh bộ đội Cụ Hồ như thế, bao thầy cô giáo như thế đã lặng thầm hy sinh và cống hiến để có được nước non tươi đẹp hôm nay?

Vào những ngày giáp Tết, bếp lửa hồng giữa nhà tôi cháy to hơn, ấm áp hơn. Cha chẻ lạt giang gói bánh chưng, thái và ướp thịt thủ lợn với riềng để gói giò xào, hướng dẫn chúng tôi quét dọn, lau sạch bàn thờ cho lễ cúng gia tiên vào đêm 30 Tết. Sau này, dù kinh tế đã khá giả, có thể mua giò xào ăn quanh năm, tôi vẫn khắc khoải nhớ mùi vị miếng giò xào do cha làm: có tương, riềng, mẻ, nước mắm, hạt tiêu, mộc nhĩ ướp kĩ, xào đến xoăn miếng thịt thủ thì gói bằng lá dong, nẹp bốn đoạn tre thật chặt, rồi cheo lủng liểng trên giàn bếp. Sau này, không ai gói giò xào như cha tôi. Có đặt làm giò, cho thật nhiều riềng, tôi vẫn không thấy có mùi vị như ngày xưa nữa. Hình như đấy không chỉ còn là mùi vị của giò xào, nó đã trở thành mùi vị của kỷ niệm tuổi thơ nghèo khó, thấm vào đó bóng dáng và ân nghĩa của cha già dành cho đàn con, là hương vị của ngày xưa trong trẻo, tuy thiếu thốn mà ấm áp vô cùng bởi còn có cha tần tảo, yêu thương, dạy dỗ bên mình.

Đêm 30 Tết tối đen như mực, rải rác tiếng pháo nổ gần xa, cha mặc bộ quần áo đẹp nhất, không có mảnh vá của mình, thắp hương trên bàn thờ gia tiên, nhắc chúng tôi đứng sắp hàng ngang chắp tay, thành kính tưởng nhớ anh linh tiên tổ. Đúng giao thừa, cha treo băng pháo lên hiên nhà, cho chúng tôi cầm nén hương cháy đỏ châm pháo. Tiếng pháo nổ giòn tan, cha bảo: - Nghe tiếng pháo nổ đón một năm mới nhiều niềm vui. Các con phải chăm học, chăm làm để sang năm nhà mình đón một cái Tết no ấm hơn… Ai giữ được chữ “Thiện” trong lòng sẽ đi được xa, bình an và hạnh phúc.

Nhiều năm tháng đã đi qua như bao con sóng dưới dòng kênh kia nối đuôi nhau ra sông lớn. Tôi hay trở về ngôi nhà cũ nay đã bán cho người khác, ngồi lặng lẽ nhìn khu vườn xưa, các loại cây trái cha trồng đã thành cổ thụ, nhìn nền nhà xưa cha thường đốt lửa rồi ngồi trắng đêm: Tết đã gần kề, cuộc sống đã ấm no gấp nhiều lần thủa ấy, sao tôi cứ rưng rưng thương nhớ mãi những cái Tết nghèo thủa ấu thơ nhưng ấm áp hơn vì còn có cha. Phải chăng tâm hồn trẻ thơ là mảnh đất màu mỡ, cha mẹ là người đầu tiên gieo hạt giống có tên lương thiện và nghĩa tình; thầy cô trong nhà trường vun trồng gieo tiếp những hạt giống có tên tri thức và sự tử tế; xã hội là bầu khí quyển thuận lợi cho những hạt giống ấy mọc thành cây, góp lại thành rừng, đơm hoa kết trái. Mỗi chúng ta đều có tuổi thơ và người thầy đầu tiên là cha mẹ mình. Dù tóc tôi giờ đây đã bạc trắng, những cái Tết nghèo đã trở thành kỉ niệm máu thịt, hình ảnh cha già bên ngọn lửa hồng đã trở thành bài học không lời, chỉ cho tôi con đường hướng thiện để đi tới hôm nay và ngày mai tốt đẹp. Tôi xin mang bóng cha và ngọn lửa ấy trao lại cho con cháu mình cùng một lời nhắn nhủ: - Sự nghèo khó về vật chất tuy làm ta đau khổ nhưng không đáng sợ, bởi ông bà ta đã dạy rằng “Có đức mặc sức mà ăn”, sự nghèo khó về tình nghĩa, lòng nhân ái, đức hi sinh trong tâm hồn mới là điều đáng sợ nhất, nó biến con người thành ích kỷ, tàn nhẫn và bạc bẽo.

Tết đã cận kề trước ngưỡng cửa mỗi nhà, xin thắp lên một ngọn lửa nhỏ trong trang viết này để gửi tới muôn nhà một niềm hy vọng: một mùa xuân mới bình an, hạnh phúc sẽ đến khi chữ “thiện” nở hoa trong tâm hồn triệu triệu người - trở thành cái gốc bền vững nhất cho đất nước thái bình, thịnh trị.

Tản văn. Hạnh Đức Thái Nguyên

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Vị chát trung du

Văn xuôi 6 ngày trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 1 tuần trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 1 tuần trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước

Đôi cánh mẹ cho

Văn xuôi 2 tuần trước