Nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết 23
Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” nhấn mạnh: Văn học, nghệ thuật (VHNT) là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hoá; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam.
Nhằm đánh giá lại một chặng đường khá dài các văn nghệ sĩ tỉnh nhà đã đi, ngày 11/4, Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức buổi Toạ đàm “Nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW”. Đây cũng là hoạt động nhằm kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương Văn hóa Việt Nam (1943 – 2023).
Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương (khoá VIII) của Đảng ta cũng đã nêu lên mục tiêu và những nhiệm vụ xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó khẳng định VHNT là một bộ phận rất quan trọng. Trong thời kỳ mới đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, cùng với cả nước, VHNT Thái Nguyên cũng đứng trước những thời cơ, vận hội lớn, cùng với đó là những thách thức mới gay gắt.
Thành tựu trên hành trình 15 năm
Phát huy vai trò, sứ mệnh cao quý của VHNT và của đội ngũ văn nghệ sĩ nói chung, trong suốt chặng đường qua hoạt động của Hội VHNT tỉnh và các văn, nghệ sĩ Thái Nguyên đã đóng góp vào đời sống VHNT những dấu ấn nổi bật mang tính thành tựu trong quá trình thực hiện Nghị quyết.
Xin được minh chứng bằng 5 dấu ấn đáng tự hào mà Chủ tịch Hội VHNT tỉnh – Nhà thơ Nguyễn Thuý Quỳnh đã điểm danh trong bài tham luận của mình với tựa đề “Những dấu ấn nổi bật trên hành trình mười lăm năm”.
Đó là những sự kiện, hoạt động VHNT lớn có tiếng vang trong khu vực và cả nước đã được Hội tổ chức thực hiện. Tiêu biểu như: Lễ hội Thơ Nguyên tiêu hàng năm từ 2012 đến nay; Gặp mặt tác giả trẻ Việt Bắc (năm 2015); trại sáng tác văn học trẻ hàng năm từ 2019 đến nay; đăng cai 3 Liên hoan ảnh nghệ thuật và 1 cuộc Triển lãm Mỹ thuật khu vực III (Tây Bắc - Việt Bắc)...
Cùng với các sự kiện là các cuộc thi, các cuộc vận động sáng tác và quảng bá tác phẩm VHNT. Hội đã tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức 3 giải thưởng VHNT Thái Nguyên (từ 2007 đến 2021); phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về giải thưởng văn học nghệ thuật; chủ trì tổ chức 14 cuộc thi sáng tác văn học, nghệ thuật (gồm 6 cuộc thi văn học, 8 cuộc thi nghệ thuật trong đó nhiếp ảnh 5 cuộc, âm nhạc 1, mỹ thuật 2).
Trong hoàn cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Hội vẫn tổ chức được các cuộc thi thu hút hàng chục nghìn lượt quan tâm theo dõi, hàng trăm lượt hưởng ứng tham gia, như Cuộc thi “Đọc từ trái tim”, cuộc thi viết “Tôi và Thái Nguyên”, các Cuộc thi Thơ online trong khuôn khổ Ngày Thơ Việt Nam tại Thái Nguyên.
Hội vận động văn nghệ sĩ hưởng ứng Cuộc thi sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"; Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại, Giải thưởng báo chí “Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống”... Trong 15 năm qua, hơn 120 văn nghệ sĩ, cán bộ phóng viên, cộng tác viên đã đoạt giải ở trung ương và tỉnh. Tổ chức thành công Cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật về Đại đội TNXP 915 anh hùng (năm 2018).
Các dấu ấn tiếp theo phải kể đến là việc phát triển báo/tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên. Dù ở “hình hài” là báo trước đây hay tạp chí hiện nay, Hội VHNT tỉnh vẫn luôn nỗ lực đổi mới nội dung, hình thức, từng bước đưa báo/tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên phát triển mạnh (trở thành một trong 3 tuần báo văn nghệ địa phương của cả nước, có uy tín cao trong hệ thống báo chí văn nghệ).
Xây dựng và phát triển tổ chức Hội cũng là điểm khá mạnh của tỉnh Thái Nguyên trong thực hiện Nghị quyết 23. Trong 15 năm, Hội VHNT tỉnh đã tham mưu, chủ động đề xuất và giúp đỡ các cấp ủy, chính quyền địa phương thành lập được 8/9 Hội cấp huyện, thành, thị. Từ năm 2008 đến 2022 Hội đã tăng thêm 1 chi hội chuyên ngành (Điện ảnh và Phát thanh truyền hình), kết nạp được gần 150 hội viên mới. Nhiều hội viên được kết nạp vào các hội chuyên ngành trung ương. Đồng thời, Hội đã tiếp nhận và hỗ trợ 5 câu lạc bộ (khoảng 500 thành viên) hoạt động tích cực; hỗ trợ về chuyên môn đối với các Hội VHNT cấp huyện.
Hội VHNT Thái Nguyên được giới văn nghệ sĩ cả nước ghi nhận là Hội đi đầu trong việc ứng dụng chuyển đổi số vào tổ chức các hoạt động VHNT. Tiếp cận sớm với kỹ thuật số trong tổ chức xuất bản báo chí, từ năm 2012 Hội VHNT Thái Nguyên đã xây dựng được trang thông tin điện tử, đã từng bước số hóa các ấn phẩm của báo Văn nghệ Thái Nguyên để lưu trữ và quảng bá trên website.
Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU của Tỉnh ủy về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, Hội đã tổ chức nhiều hoạt động chuyên môn như các cuộc thi sáng tác, triển lãm, trại sáng tác, bồi dưỡng nghiệp vụ... trên các ứng dụng số; thực hiện số hóa tác phẩm phục vụ quảng bá, phát hành ra thị trường và lưu trữ trên các nền tảng kỹ thuật số, làm cho các giá trị của VHNT được lan tỏa rộng rãi hơn.
Trong điều kiện không mấy thuận lợi về cơ chế chính sách, nhất là chính sách tài chính (có một thời gian khá dài Hội VHNT không được cấp kinh phí cho việc tổ chức trại sáng tác văn học thiếu nhi), nhưng Hội VHNT tỉnh vẫn chủ động chú trọng chăm lo bồi dưỡng các tài năng trẻ. Nhờ vậy, đội ngũ văn nghệ sĩ được thường xuyên bổ sung những nhân tố mới.
Buổi toạ đàm đã có 13 tham luận chính thức. Đó là 13 ý kiến ở 13 góc nhìn, lĩnh vực khác nhau có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với hoạt động của Hội VHNT tỉnh nhà trong 15 năm qua cũng như trong thời gian tới.
Các ý kiến tham luận đã nhìn nhận đánh giá một cách công tâm, khách quan và toàn diện quá trình hoạt động, lao động sáng tạo của VHNT tỉnh, của văn nghệ sĩ Thái Nguyên sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị. Sự nhìn nhận này bao quát cả hoạt động của Hội VHNT tỉnh và Hội VHNT các địa phương. Đồng thời cũng đã chỉ ra những hạn chế cần tiếp tục đổi mới để hoạt động VHNT hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Làm rõ và dày thêm những thành tựu trong hành trình sáng tạo 15 năm qua của văn, nghệ sĩ Thái Nguyên, Nhà văn Hồ Thủy Giang nhìn nhận: Nghị quyết 23 như một kim chỉ nam cho văn học trong thời kì hiện đại hóa, thời kì hòa nhập mạnh mẽ với toàn cầu. Sau sự ra đời của Nghị quyết 23, nhiều cây bút Thái Nguyên dường như đã có thay đổi về chất. Bằng tài năng và tâm huyết của mình, khoảng thời gian 15 năm qua, các tác giả ở Thái Nguyên đã xuất bản hàng trăm cuốn sách được phát hành toàn quốc, đoạt vài chục giải thưởng văn học ở trung ương, đánh dấu một thời kì sôi nổi và đầy hứa hẹn.
Vẫn còn bộc lộ những hạn chế
Cùng với nhiều thành tựu đáng được ghi nhận khác, hoạt động VHNT trên địa bàn tỉnh 15 năm qua cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế. Trong đó đặt ra nhiều vấn đề trong quá trình xây dựng cơ chế, chính sách đối với lĩnh vực này. Tham luận của TS. Hứa Thị Kiều Hoa, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy điểm lại: Thực hiện Nghị quyết 23, đến nay Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành gần 50 văn bản để cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tạo hành lang pháp lý quan trọng giúp VHNT có điều kiện, môi trường thuận lợi để phát triển.
Hàng năm, Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên được cấp kinh phí từ nguồn đầu tư sáng tạo VHNT của Chính phủ từ 250 – 550 triệu. Hội đã sử dụng hợp lý, có hiệu quả trong việc hỗ trợ sáng tạo các tác phẩm văn học nghệ thuật có chất lượng tốt. Ngoài kênh đầu tư của Nhà nước cho hoạt động sáng tác văn học, nghệ thuật thông qua các hội chuyên ngành, lực lượng quân đội, công an cũng có những chương trình đầu tư theo mô hình đặt hàng, xét duyệt tác phẩm theo chủ đề. Tỉnh Thái Nguyên cũng đã tổ chức Giải thưởng Văn học nghệ thuật tỉnh 5 năm/1 lần và nhiều giải thưởng, hoạt động khác nhằm hỗ trợ cho các tổ chức hội, chi hội văn học nghệ thuật trên địa bàn.
Tuy nhiên tham luận cũng chỉ rõ, việc đầu tư, hỗ trợ cho các hoạt động VHNT trên địa bàn tỉnh thực tế chưa thật sự bao quát, rộng khắp được đến mọi lĩnh vực, đối tượng. Ngoài ra, vì ngân sách đầu tư có hạn nên sự hỗ trợ, tài trợ mới chủ yếu mang tính động viên. Do đó, việc huy động các nguồn lực góp phần giúp VHNT phát triển và phát huy vai trò trong xã hội đang đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi mới, cần sự định hướng, giải pháp phù hợp.
Một điểm hạn chế khác được tham luận của đại diện Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đề cập: Bên cạnh những kết quả đạt được, trong công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các tác phẩm VHNT đến với công chúng thời gian qua, chất lượng tác phẩm nghệ thuật có chất lượng cao chưa nhiều, tác phẩm đoạt giải còn ít, còn thiếu những tác phẩm có chiều sâu, có giá trị; tác phẩm về đề tài lịch sử, dân tộc còn hạn chế. Đồng thời, tham luận cũng đề xuất một số giải pháp nhằm tăng thêm các tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật có chất lượng cao, kịp thời quảng bá giới thiệu tới công chúng…
Các tham luận khác cùng với các ý kiến thảo luận tại buổi toạ đàm đều tập trung vào các nội dung như: Trong thời gian tới, cần phải phấn đấu để có những tác phẩm VHNT có chất lượng nghệ thuật cao, xứng tầm với vai trò, vị trí, tiềm năng về VHNT của tỉnh Thái Nguyên, trong tất cả các lĩnh vực, các ngành nghệ thuật. Muốn làm được điều đó, phải xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển về VHNT theo đường lối lãnh đạo của Đảng từ năm 2023 – 2030. Trong đó yêu cầu văn, nghệ sĩ phải đổi mới thực sự về thi pháp sáng tác, tư duy nghệ thuật. Đồng thời chú trọng công tác trẻ hoá đội ngũ văn nghệ sĩ, thông qua việc đào tạo bồi dưỡng các cây bút trẻ, đảm bảo sự tiếp nối các thế hệ văn nghệ sĩ tỉnh nhà trong giai đoạn mới.
Nhiều ý kiến cũng đã đề xuất cách thức khai thác các nguồn lực phục vụ phát triển VHNT. Đặc biệt là vấn đề phát triển công nghiệp văn hoá, gợi mở nhiều chính sách văn hoá quan trọng của đất nước với 12 lĩnh vực cụ thể, để văn hoá thực sự trở thành một trong ba trụ cột và được xác định là ngành kinh tế quan trọng của đất nước trong thời hội nhập.
Một vấn đề quan trọng khác đó là xây dựng cơ chế chính sách đối với lĩnh vực VHNT trên địa bàn tỉnh. Thực sự phải coi trọng VHNT, phải đầu tư chiều sâu, có những sự hỗ trợ hiệu quả cho văn nghệ sĩ sáng tạo, sáng tác nói riêng, cho các hoạt động VHNT của tỉnh nói chung trong thời kỳ mới của đất nước.
Đặc biệt, trong định hướng phát triển của VHNT trong thời gian tới của tỉnh cần đưa chương trình đào tạo, bổ sung kiến thức VHNT vào các trường Đảng để đào tạo cho các cán bộ làm công tác văn hoá. Hoạt động sáng tác VHNT cần nhấn mạnh bảo tồn phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc thiểu số trong đời sống VHNT trên các lĩnh vực nghệ thuật. Cùng với đó là viết về đề tài lịch sử của Thái Nguyên, viết về quá trình hiện đại hoá, hội nhập quốc tế mạnh mẽ của tỉnh nhà. Từ đó, từng bước hội nhập với đời sống văn học nghệ thuật của cả nước một cách sâu sắc, bản lĩnh và có dấu ấn riêng.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...