Nhãn lồng Hưng Yên
VNTN - Ngày xưa, mỗi lần nói về chuyện ăn chuyện uống, mẹ tôi xuýt xoa kể đi kể lại ấn tượng của bà về một gia đình nhà nọ, giàu lắm, sướng lắm, nhãn lồng Hưng Yên cắn ngập răng, con cái ăn thoải mái. Trong suy nghĩ của mẹ tôi, thước đo sự sang trọng là một loại quả, thì quả đó ắt không thể tầm thường. Rồi tôi lớn lên, thấy nhãn Hưng Yên bán đầy chợ Thái. Thứ quả vua chúa mới được thưởng thức ngày xưa, nỗi khát thèm của người nghèo như mẹ tôi giờ có giá bình dân, tôi mua ăn cũng thấy nó… bình thường. Cho đến một ngày được thỏa thuê ngụp lặn trong vùng nhãn huyền thoại Hưng Yên, tôi mới “ngộ” ra một điều rằng: Muốn công nhận hay phủ nhận bất cứ cái gì cũng cần tìm hiểu cho tường tận.
Tiệc búp - phê trong vườn nhãn
Hiếm nơi nào mà chỉ riêng truyền thuyết về nhãn có thể viết một cuốn sách dày như ở Hưng Yên. Cây nhãn tổ sừng sững trước Chùa Phố Hiến minh chứng cho ít nhất 300 năm cây quý bén rễ đất thiêng. Lịch sử còn ghi, quả của cây nhãn tổ này thơm ngon đến nỗi chỉ để dành thắp hương đình chùa và dâng biếu nhà vua, còn thì thường dân mỗi người chỉ được chia vài ba quả ăn lấy lộc.
Đứng bên gốc nhãn rêu phong thời cuộc, tôi mường tượng cảnh hàng trăm năm trước, dưới gốc cây này, các quan từ tỉnh đến huyện xã, xúng xính lễ phục, thành kính thắp hương khấn vái rồi thận trọng đỡ từng chùm quả mọng ngọt đưa xuống từ cây nhãn khổng lồ.
Nói đến Hưng Yên là nói đến Phố Hiến: Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến. So với Kinh kì (Thăng Long, thủ đô Hà Nội nay) - trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa lớn nhất nước, thì Phố Hiến là xếp thứ nhì, nơi chính quyền Lê - Trịnh ngự trị, kinh tế phát triển cực thịnh từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 18.
Chắc cũng như nhiều người đến nơi này, tôi thắc mắc cái tên “nhãn lồng”, liệu có phải như câu thơ (khuyết danh): Hỡi cô cắt cỏ bên sông/ Có muốn ăn nhãn thì lồng sang đây? Hỏi những người dân quanh vùng, tôi được họ giải thích: Nhãn khi chín có mùi thơm nên thường bị chim, chuột và dơi… phá hoại, nên các vị thành hoàng cùng người dân trong làng từ xa xưa đã dùng tre tươi đan thành lồng bao quanh chùm nhãn để bảo vệ quả, từ đó mà sinh ra tên nhãn lồng. Lại có tài liệu truyền rằng, để kịp mang sản vật tươi rói lên dâng vua, người dân đã phải quất ngựa lồng lên để phi thật nhanh. Lại cũng có cách giải thích khác, do nhãn Hưng Yên cùi rất dày và các múi xếp lồng lên nhau, có thể bóc từng lớp một để ăn, vì thế nên gọi nhãn lồng.
Nhờ bí quyết giữ lửa căng, đều nên long nhãn nhà anh Hân luôn tròn xoe, đẹp mắt
Thật thú vị, chuyến về đất nhãn của tôi đúng vào kỳ nhãn chính vụ. Hầu hết các mái nhà ở Phố Hiến, phường Hồng Châu (TP Hưng Yên) đều chìm trong tán nhãn. Mắt tôi chạm đến đâu là ở đó có nhãn. Xe trên đường chở nhãn, người trong nhà cắt xếp nhãn, không khí ngan ngát mùi nhãn, cả những con ong bay ngang mũi cũng đẫm mật nhãn.
Tôi không kìm được tiếng reo khi bạn Minh Huệ, phóng viên Báo Hưng Yên dẫn tôi vào vườn nhãn nhà anh Tiệp, nhân vật trong nhiều phóng sự của Huệ. Người đàn ông tầm thước, áo quần xuề xòa nhanh nhẹn mời tôi: “Chị cứ ăn thoải mái, vườn nhà đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”. Chao ôi là cây và quả. Tôi băng đến cây nhãn gần nhất, chùm quả nặng trĩu với những quả nhãn to mọng chìa vào mặt tôi mời gọi. Ngắt cầm trên tay, tôi “tha” chùm nhãn đi khắp vườn. Nhưng càng đi, tôi càng thấy mình… dại vì còn vô vàn chùm nhãn khác ngon hơn. Bài học đầu tiên của lần ăn búp-phê hoa quả được tôi nhanh chóng rút ra: Chỉ nên ăn ở mỗi cây một quả khi thưởng thức cả vườn nhãn lớn như thế này.
Nhãn ngon không chỉ dành Vua
Như mọi người ở Phố Hiến này, anh Tiệp đang tất bật thu hoạch nhãn chính vụ. Năm nay, vùng nhãn thất thu đến 60% sản lượng do cơn bão số 1. Cây nhãn nhiều cành đâm ngang, rễ chùm đường bệ, cũng không chống lại sức bão tàn phá. Vậy mà nhãn vẫn ăm ắp trong nhà, trên cây, trong các vựa sấy long. Khác với cây chè Thái Nguyên có tuổi đời vài chục năm là già cỗi phải thay thế, cây nhãn càng già càng giá trị, vì quả càng ngon ngọt, bán càng được giá. Điển hình là cây nhãn tổ đã hơn 300 năm tuổi vẫn cho vài tạ quả mỗi mùa. Minh Huệ bảo: Ít người may mắn được ăn quả của cây nhãn tổ, vì chỉ đủ mang cúng ở đình chùa và… đối ngoại. Thôi thì, được đứng dưới tán của cụ cây mà chụp ảnh đã là hạnh phúc rồi.
Càng đi vào “lõi” vườn, nhãn càng ngọt. Anh Tiệp săm sắn dẫn chúng tôi đến bên một cây nhãn khác lạ, chỉ còn lơ thơ vài quả. Anh trịnh trọng giới thiệu:
- Vườn nhà tôi có 120 cây nhãn, thì có 9 cây giống đặc biệt, đây là 1 trong 9 cây đó.
- Đặc biệt thế nào ạ? Tôi háo hức.
- Chị ăn sẽ biết - anh trèo lên cây tìm hồi lâu được chùm nhãn đưa tôi.
Quả bé và mã không đẹp, tôi vừa nghĩ vừa bóc vỏ. Nhưng khi đưa quả nhãn vào miệng, tôi đã hiểu ngay sự khác biệt ấy là gì.
- Đây là giống nhãn Đường phèn, được tôn làm vua của nhãn Hưng Yên - Anh Tiệp tự hào.
Chao, cái tên thật đúng với quả. Ngọt và mát như đường phèn. Đã ăn thứ nhãn này rồi, quay ra ăn quả nhãn tôi “dại dột” bẻ lúc mới vào vườn thấy khác biệt một trời một vực. Tôi lại ngộ ra lời dạy đúng của các cụ: Thứ của đầy nồi là của không ngon.
Dường như Đường phèn hiểu được giá trị của mình nên khá “sang chảnh”, một năm ra quả thì ba năm nuôi cành. Minh Huệ thủ thỉ kể “tội” giống nhãn này cho tôi nghe như chuyên gia trồng trọt chính hiệu. Theo Huệ thì giá bán nhãn đặc sản Đường phèn là 70 đến 80.000đ/kg, gấp 3 đến 5 lần loại nhãn quả to, dày cùi tôi đang cầm trên tay. Muốn mua nhãn Đường phèn không dễ, ngay như người Phố Hiến cũng phải “xếp hàng” đăng ký từ khi nhãn chưa chín, may ra mới mua được nhãn ngon tặng bạn quý.
- Sao anh không trồng nhiều mà chỉ có 9 cây? Tôi hỏi anh Tiệp.
- Đâu phải cứ muốn là được chị ơi. Phải có cách chăm sóc riêng đấy. Cây ngon thì thường khó tính.
Cây khó tính thế nào anh Tiệp không đủ thời gian để giải thích cho tôi, vì anh còn bận rộn với những chiếc xe tải đang chờ xếp nhãn chuyển đi. Chỉ biết trong 3.000 ha đất chuyên nhãn của cả tỉnh Hưng Yên thì đã có 80% áp dụng ghép giống nhãn Đường phèn, Tiêu phèn, Hương chi vào cây nhãn thường. Cách làm của họ rất độc đáo. Họ ghép cành, ghép mắt giống nhãn đặc sản vào cành cao, còn cành thấp vẫn thu quả bình thường. Qua chục năm ghép thì cây nhãn thường “biến” thành cây đặc sản.
- Nếu cả vùng này là nhãn đặc sản thì có sợ bão hòa không anh? Có ai đó hỏi anh Tiệp.
- Đó là điều chúng tôi mong muốn - anh Tiệp điềm đạm - khi ấy, nói đến nhãn Hưng Yên là nói đến nhãn đặc sản, không lẫn loại bình thường đâu cũng trồng được như bây giờ. Giá bán chắc sẽ giảm so với hiện nay nhưng ai đến đây cũng mua được thứ nhãn tiến Vua ngày nào.
Lửa căng thì long tròn
Đến vùng nhãn mà không vào chỗ làm long nhãn thì quả là thiệt thòi. Đây là nghề dành cho trẻ em và phụ nữ. Mùa nhãn trùng vào dịp học sinh nghỉ hè, nên trẻ em là lực lượng chính đi “khoáy” long, có em sau vụ nhãn, kiếm được 3 - 4 triệu đồng thoải mái mua sách vở.
Đón thanh sắt nhỏ có một đầu khoằm từ tay chị đang “khoáy” long, tôi mắm môi mắm lợi mãi mới lôi được hạt ra khỏi quả nhãn. Thế mà mỗi ngày, một người ở cơ sở sản xuất long nhãn nhà anh Vũ Đức Hân “khoáy” được 30-50 cân nhãn tươi. Mỗi vụ, người chăm chỉ có thể kiếm được chục triệu đồng từ việc “khoáy” long.
Chúng tôi háo hức ăn thử những hạt long nhãn dẻo quánh, ngọt lịm, nóng hổi vừa kéo từ lò sấy ra. Anh Hân không phải là người có nhiều lò sấy nhất vùng, nhưng là người bán buôn long nhãn khô nhiều nhất. Khách của anh chủ yếu ở miền Nam, mỗi tháng anh xuất khoảng 2 tấn long nhãn. Nếu tính trung bình 10 cân quả tươi được 1 cân long nhãn khô, cơ sở nhà anh Hân mỗi tháng “ngốn” 20 tấn quả. Một trong những biệt tài của anh Hân là sấy ra loại long hạt tròn xoe, trong như ngọc. Anh bảo: Bí quyết là giữ được ngọn lửa thật căng và đều thì hạt long mới tròn xoe như vậy.
Vùng nhãn không chỉ sinh ra nhãn mà còn sinh ra đặc sản mật ong. Theo thông tin các đồng nghiệp ở Báo Hưng Yên cung cấp thì tháng 6 vừa rồi, mật ong hoa nhãn Hưng Yên được Cục Sở hữu trí tuệ trao Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Công ty Ong Hưng Yên và Cơ sở mật ong Mai Cừ (thành phố Hưng Yên) là 2 đơn vị được Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh cho phép sử dụng nhãn hiệu “Mật ong hoa nhãn Hưng Yên” trên sản phẩm mật ong.
Tác giả bên cây nhãn tổ
Bên mâm cơm không thể thiếu đĩa nhãn Đường phèn tráng miệng, anh Chu Ngọc Hoàng, Tổng Biên tập Báo Hưng Yên lại nói với chúng tôi một câu chuyện khác. Đó là nỗi lo lâu nay của người trồng nhãn quê anh. Dù đã kết nối với thị trường Mỹ, Pháp, Nhật Bản nhưng lượng nhãn xuất khẩu mới được 1% sản lượng, còn thì vẫn do thị trường bán lẻ trong nước quyết định. Nghịch lý “được mùa mất giá, được giá mất mùa” thành nỗi thấp thỏm trong mỗi gia đình trồng nhãn. Ngay như anh Tiệp, một trong những “vua” nhãn Hưng Yên vẫn phải phòng thân bằng một khoảnh đất trồng cây đào bán tết.
Hạt nhãn lồng Hưng Yên đen nhánh như đôi mắt mở to mong đợi của người trồng nhãn nơi này
Minh Hằng
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...