Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
05:10 (GMT +7)

Nhận diện và những giải pháp

HỘI THẢO “VĂN HỌC NGHỆ THUẬT THÁI NGUYÊN THAM GIA XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA CƠ SỞ”: NHẬN DIỆN VÀ NHỮNG GIẢI PHÁP

VNTN - Những giải pháp thiết thực, hữu hiệu được đặt ra tại Hội thảo “Văn học nghệ thuật Thái Nguyên tham gia xây dựng đời sống văn hóa cơ sở” (do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên tổ chức ngày 26/10 vừa qua) đã góp phần khắc phục những hạn chế, khó khăn đang tồn tại, từ đó gợi mở và định hình một hướng đi cụ thể, hiệu quả trong phương thức hoạt động của các hội văn học nghệ thuật địa phương, mà ở đó, tham gia xây dựng đời sống văn hóa cơ sở được xác định như một nhiệm vụ trọng tâm. 

1. Trong những năm qua, hoạt động đưa văn học nghệ thuật (VHNT) tham gia xây dựng đời sống văn hóa cơ sở trên địa bàn tỉnh đã thu được nhiều kết quả khả quan. Minh chứng cho điều này, có thể nhắc đến một số hoạt động nổi bật của một số Hội VHNT cấp huyện thành thị như Định Hóa, Phú Lương, Phổ Yên…

 

Một tiết mục văn nghệ tại Hội thảo

Hội VHNT huyện Định Hóa là một trong những điểm sáng đầu tiên phải kể đến. Với việc thí điểm triển khai chuyên đề: “Đưa VHNT về cơ sở, xã hội hóa công tác Hội”, Hội đã tổ chức được 27 lượt thi quảng bá tác phẩm ở 5 cụm thi đua, 7 chương trình giới thiệu tác giả và quảng bá tác phẩm của hội viên, 23 chương trình giao lưu văn nghệ dân gian tại 13/23 xã, thị trấn trong huyện… Song song với đó, việc sưu tầm và bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc ở địa phương, như: nghi lễ Then cổ, múa Chầu Then cổ, hát Ví, hát Văn, hát Lượn Cọi, múa Tắc Xình, hát Sấng Cọ, Hát ru, Tái hiện Lễ hội Lồng tồng ATK Định Hóa…. luôn được Hội chú trọng thực hiện và thu được những kết quả rất đáng tự hào.

Việc phát huy vai trò nòng cốt trong công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn cũng được Hội VHNT huyện Phú Lương triển khai hiệu quả. Từ năm 2014 đến nay, Hội đã phối hợp tham gia hoàn chỉnh hồ sơ khoa học trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố 5 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Múa Tắc Xình, Hát Sấng Cọ, Nghệ thuật trình diễn Khèn Mông, Lễ hội Đền Đuổm, Lễ hội Cầu mùa của người Sán Chay (ở các xã: Tức Tranh, Phú Đô, Yên Lạc, Yên Đổ, Yên Ninh).

Đối với Hội VHNT thị xã Phổ Yên, thành quả nổi bật nhất của Hội là hoạt động xuất bản sách. Trong 15 năm qua, Hội đã có 18 đầu sách tập thể, với nội dung phản ánh sự phát triển kinh tế của thị xã cùng việc phát hiện và xây dựng con người văn hóa. Nhiều hội viên cũng đã thành công với đề tài về văn hóa địa phương, như cố nhà giáo - nhà sưu tầm văn hóa dân gian Nguyễn Hữu Khánh (sưu tầm nghiên cứu về quê hương của vua Lý Nam Đế), tác giả Trần Bình Dưỡng (sưu tầm và biên dịch tác phẩm dân ca Sán Dìu), tác giả Phan Thức (xuất bản tiểu thuyết lịch sử về Thượng thư Đỗ Cận)…

Đây là những thành quả rất đáng tự hào và trân trọng. Tuy nhiên, trên bình diện tổng thể, phải thừa nhận rằng, những điểm sáng như trên vẫn còn khiêm tốn. Các hội địa phương tuy đã có nhiều cố gắng, nỗ lực để ổn định tổ chức, đưa các hoạt động đi vào nền nếp, song việc chủ động tham gia xây dựng đời sống văn hóa cơ sở nhìn chung vẫn còn mờ nhạt, lẻ tẻ. Vai trò, chức năng, vị thế của tổ chức vì thế chưa thực sự được khẳng định rõ nét.

Thẳng thắn nhìn nhận, vấn đề tham gia xây dựng đời sống văn hóa cơ sở - một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong chiến lược xây dựng văn hóa, lối sống và con người Việt Nam - từ trước đến nay chưa thực sự được các cấp Hội quan tâm, triển khai. Về phía tổ chức, Hội VHNT tỉnh cũng chưa xác định được rõ mình phải làm gì, mình có thể làm được gì. Về phía hội viên, các hoạt động chủ yếu là tự phát theo nhu cầu của cộng đồng, chưa tự giác tham gia theo tư cách chủ thể xây dựng giá trị cho đời sống văn hóa cơ sở. Với các Hội VHTN địa phương thì những khó khăn - cả từ chủ quan và khách quan, chưa thể giải quyết một sớm một chiều - đã gây ra sự lúng túng trong việc xác định đường hướng và triển khai hoạt động của đơn vị. Thực trạng này chính là lý do để Hội thảo được tổ chức, nhằm góp phần tìm “lời giải” cho “bài toán” khó ấy.

2. Quan sát và đánh giá thực tiễn hoạt động tại các Hội thời gian qua, có thể nhận thấy: việc tham gia gắn bó xây dựng và là nòng cốt trong hoạt động văn hóa cơ sở là lối đi cần thiết, phù hợp với đặc thù của các tổ chức Hội VHNT. Đồng thời, đây cũng là nhiệm vụ quan trọng để VHNT phát huy được chức năng, nhiệm vụ của mình trong việc thực hiện Kết luận 76 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Đó là: “Đổi mới phương thức hoạt động của các hội văn học, nghệ thuật, nâng cao tính chuyên nghiệp; đồng thời phát triển sâu rộng văn học, nghệ thuật quần chúng”.

Trước hết, qua Hội thảo, vấn đề này đã được các đại biểu đánh giá lại một cách kỹ lưỡng hơn và cùng thống nhất, đồng tình cao trong nhận thức.

Đây cũng chính là yêu cầu đầu tiên, quan trọng hơn cả, bởi nếu chúng ta không thay đổi tư duy trong tổ chức hoạt động thì không thể tồn tại và tiếp tục phát triển. Từ Hội tỉnh đến các Hội cấp huyện, sẽ hoạt động song song theo 2 hướng, xây dựng nền VHNT chuyên nghiệp và tham gia xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Như nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên đã nhấn mạnh: “Chúng ta cùng nhau thay đổi từ tư duy đến hành động, coi việc tham gia xây dựng đời sống văn hóa cơ sở là nhiệm vụ quan trọng của mình, từ đó xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ trong giai đoạn tới, làm thế nào để phát huy tốt nhất năng lực sáng tạo và cống hiến của toàn thể đội ngũ văn nghệ sĩ và những người làm công tác VHNT ở Thái Nguyên để họ tham gia tốt nhất trong việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở”.

Cùng với đó, Hội thảo tập trung đặt ra những giải pháp để có thể thực hiện tốt được nhiệm vụ này, xuất phát từ chính thực trạng, tình hình thực tế.

Thứ nhất, VHNT phải bám sát các chủ trương nghị quyết của cấp ủy, chính quyền các cấp. Từ đó các tổ chức Hội chủ động xây dựng kế hoạch, chủ động phối hợp với các ngành hữu quan (như văn hóa, giáo dục…) để thực hiện nhiệm vụ của tổ chức mình. Đồng thời cũng cần biết khai thác hiệu quả cơ chế Nhà nước đặt hàng, nhằm vừa có nhiều sản phẩm văn hóa ý nghĩa, vừa đảm bảo nguồn lực để duy trì và đẩy mạnh hoạt động.

Thứ hai, mỗi tổ chức Hội nên chủ động phát huy tiềm năng và lợi thế, đặc thù của từng địa phương để xây dựng chương trình nội dung hoạt động cụ thể và phù hợp.

Về 2 vấn đề này, Hội VHNT huyện Định Hóa là đơn vị hiểu rất rõ và thực hiện rất hiệu quả. “Xuất phát từ cái gốc bản sắc văn hóa đặc sắc của các dân tộc huyện Định Hóa nên Hội VHNT huyện nhà có điểm tựa vững chắc để vươn lên và tự khẳng định mình, đặc biệt là việc tham gia xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục chủ động và tích cực thực hiện Đề án Tiếp tục bảo tồn và phát huy những giá trị tinh hoa văn hóa, lịch sử truyền thống các dân tộc huyện Định Hóa gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020 của UBND huyện, góp phần đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, đưa VHNT về cơ sở” - bà Nguyễn Thị Gái - Chủ tịch Hội VHNT huyện Định Hóa cho biết.

Thứ ba, cần đặc biệt quan tâm việc củng cố nguồn nhân lực, bao gồm nhiệm vụ phát hiện, tập hợp, đào tạo, bồi dưỡng các nhân tố tích cực, có năng khiếu. Giải pháp này được ông Dương Văn Ký, Chủ tịch Hội VHNT huyện Phú Bình tham góp: “Đề nghị Hội VHNT tỉnh cung cấp tài liệu nghiệp vụ giúp cho cán bộ hội viên học tập, nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn để sáng tác, xây dựng tác phẩm VHNT có chất lượng cao hơn tham gia có hiệu quả vào xây dựng đời sống văn hóa, phục vụ đời sống tinh thần nhân dân được tốt hơn”. Tiếp thu ý kiến này, Hội VHNT tỉnh sẽ giữ trách nhiệm giới thiệu, kết nối các văn nghệ sĩ tâm huyết và tài năng của tỉnh cho các hội địa phương, để góp phần nâng cao chất lượng, phong trào VHNT tại địa phương.

Thứ tư, cần tăng cường xã hội hóa trong tổ chức hoạt động, vừa làm giàu đời sống văn hóa tinh thần của mình đồng thời cũng vừa đáp ứng những giá trị mà cộng đồng đón đợi. Bàn về nội dung này, ông Bùi Quang Sơn, Chủ tịch Hội VHNT huyện Phú Lương chia sẻ: “Trong thời gian tới, Hội VHNT huyện Phú Lương sẽ tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật. Huy động ngày càng đông đảo các ngành, các cấp, các cơ quan đơn vị và các tầng lớp nhân dân tham gia hoạt động sáng tạo và hưởng thụ VHNT, làm cho VHNT ngày càng lan tỏa và thấm sâu vào đời sống xã hội”.

3. Với những vấn đề và góc nhìn được đặt ra, có thể nhận thấy, Hội thảo đã đánh dấu và mở ra một hướng đi thực sự cần thiết và có ý nghĩa. Không chỉ khơi gợi được cảm hứng thay đổi trong đội ngũ lãnh đạo, quản lý ở các tổ chức Hội VHNT, thúc đẩy mạnh mẽ việc cụ thể hóa các giải pháp thành hành động, mà quan trọng hơn, từ Hội thảo này, một phương thức hoạt động thiết thực, rõ ràng, chuyên nghiệp hơn đối với phần lớn các Hội địa phương được gợi mở và định hình. Đó là phương thức bám sát, “lặn” sâu vào cuộc sống nhân dân, vào việc tham gia xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Và khi đã tìm được con đường, phương hướng cho mình thì việc còn lại là tự tin và nỗ lực dấn bước.

Thanh Tâm

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy