Thứ sáu, ngày 11 tháng 10 năm 2024
15:21 (GMT +7)

Nhà trình tường – nét văn hóa đặc sắc của người Hà Nhì

Trời cao lồng lộng, mây che phủ vùng núi non hiểm trở, đất đai màu mỡ. Những triền dốc bao quanh ôm lấy bản làng, nơi đó, người Hà Nhì làm ruộng bậc thang. Người Hà Nhì ở những ngôi nhà trình tường nằm giữa núi non bốn mùa mây phủ.

Không gian xung quanh nhà trình tường của người Hà Nhì
Không gian xung quanh nhà trình tường của người Hà Nhì

Dân tộc Hà Nhì di cư đến Việt Nam cách đây khoảng 300 năm, trải qua một thời gian du canh du cư khắp các vùng, vào nhiều thời điểm khác nhau cuối cùng họ chọn vùng núi non hiểm trở, đất đai tươi tốt, phì nhiêu ở Tây Bắc để sinh sống tập trung và tạo nên một nền văn hoá độc đáo riêng của mình.

Bản “P’hu” của người Hà Nhì thường nằm ở lưng chừng núi, cư trú biệt lập, ít khi đan xen với các dân tộc khác, trong bản chủ yếu là người Hà Nhì. Việc lập bản phải đảm bảo ba yếu tố cần và đủ cho cuộc sống của đồng bào: rừng để khai thác phục vụ đời sống, thổ cư để ở, nguồn nước gồm suối hoặc sông để kiếm cá, lấy nước sinh hoạt và nước mạch để uống, nấu ăn.

Ngôi nhà “Lạ kho”, của người Hà Nhì có 3 kiểu chính: Nhà trình tường nền đất; nhà vách đất, vách tre và nhà sàn. Nhưng kiểu nhà mang nét văn hoá truyền thống đặc sắc lâu đời, độc đáo và khác biệt nhất là nhà trình tường, lợp mái cỏ gianh. Do trước đây người Hà Nhì luôn sống trong cảnh chiến tranh, cướp bóc, ở vùng khí hậu lạnh nên kiểu nhà làm theo kiến trúc hình nấm độc đáo, không có cửa sổ, nhà mang tính chất phòng thủ, như một pháo đài nơi vùng cao biên giới.

Người Hà Nhì quan niệm làm nhà là một việc làm hết sức quan trọng, liên quan đến sự sinh tồn, phát triển của một gia đình. Nếu chọn được đất tốt gia đình làm ăn sẽ phát tài, nếu đất không tốt gia đình sẽ lụi bại, ốm đau. Thời điểm làm nhà thường tập trung vào những tháng cuối năm sau khi gặt hái xong, cũng là khi mùa mưa đã chấm dứt và bắt đầu mùa khô khoảng từ tháng 8 đến tháng 12 âm lịch mới có thể thi công. Nhà dựng theo hướng lưng tựa vào núi, cửa quay ra thung lũng, sông suối hoặc nhìn ra một đỉnh núi phía xa.

Bản người Hà Nhì đen, thôn Kin Chu Phìn, xã Nậm Pung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai
Bản người Hà Nhì đen, thôn Kin Chu Phìn, xã Nậm Pung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai

Khi đã chọn được mảnh đất ưng ý, chủ nhà tự mình chọn ngày lành tháng tốt, đến mảnh đất đó, lấy gót chân xoay tròn tạo thành một cái hố, chọn ba hạt gạo đầy đặn, không bị sứt mẻ, ngầm định: hạt thứ nhất là con người, hạt thứ hai tượng trưng cho vật nuôi, hạt thứ ba là lương thực. Cho ba hạt gạo chụm đầu vào nhau theo thế chân kiềng vào trong hố, úp bát lại rồi làm các thủ tục khấn gọi tổ tiên và thần linh, để qua một đêm. Nếu qua đêm thấy ba hạt gạo còn nguyên là tốt, có nghĩa là tổ tiên và thần linh cho phép họ dựng nhà ở chỗ đó. Nếu một trong ba hạt bị kiến ăn nghĩa là đất đó sẽ hại một trong ba đối tượng đã được ngầm định, họ phải đi tìm chỗ đất mới để làm nhà. Sau khi chọn được đất lành, đất tốt, người ta tiến hành san nền, đây là công việc vô cùng nặng nhọc, khó khăn vì họ phải chuẩn bị một mặt bằng rộng, đào một khối lượng đất đá lớn để tạo một diện tích lớn hơn diện tích ngôi nhà được dựng lên.

Nền nhà được tôn cao hơn mặt đất từ 30 đến 40cm. Một số ngôi nhà xung quanh đồng bào thường tận dụng những tảng đá lớn xếp chồng nhau kè làm chân móng, sau đó tiến hành trình tường nhà. Công việc trình tường nhà được bà con dân tộc Hà Nhì tiến hành khá công phu, nếu việc san nền vất vả một thì việc trình tường vất vả mười.

Khi san nền, người Hà Nhì đã tận dụng lại phần đất sạch, loại bỏ rễ cây, đá to, cỏ rác, thường là đất sét vàng dồn về một bên, cho nước vào để đất ngấm, dẫm đi dẫm lại, dùng chân nhào cho thật ngấu và ngâm ủ trong ba ngày ba đêm. Sau đó, đồng bào tìm thêm đất mối đùn pha vào đất sét trình tường theo một tỉ lệ nhất định, điều này giúp tường nhà thêm mịn màng, vững chắc, có thêm độ kết dính nhờ các thành phần có trong đất mối. Anh em, bạn bè sẽ hỗ trợ gia đình dựng khuôn trình tường bằng gỗ có chiều dài 2m, rộng 0,45 - 0,5cm, cao 50cm.

Trước khi tiến hành trình tường, để mọi việc diễn ra suôn sẻ, người Hà Nhì chuẩn bị một mâm lễ vật gồm: con gà, chai rượu, thịt lợn, cơm rau,.. để cúng thần linh, thổ công và tổ tiên ông bà chứng giám cho con cháu trong ngày trình tường. Cúng xong, gia chủ là người cho đất vào khuôn để trình tường.

Gia chủ huy động những thanh niên trai tráng trong bản đến giúp đỡ trong quá trình trình tường. Họ sử dụng đất đã được trộn, ngâm ngấu đổ đầy khuôn gỗ, dùng những chiếc vồ nền chặt đất; cứ như vậy khuôn nọ nối tiếp khuôn kia. Ngoài việc đổ đất, người Hà Nhì còn ken thêm những tảng đá cuội dày 30 - 40cm làm cho các bức tường vững chắc hơn. Việc trình tường được thực hiện đều trên cả 4 mặt tường và các bức vách chia ngăn (gian), thứ tự lần lượt từ dưới lên trên cho đến khi cao tới 3 - 4 mét là được.

Đường vào nhà người Hà Nhì đen
Đường vào nhà người Hà Nhì đen

Ngôi nhà trình tường của người Hà Nhì khác biệt so với ngôi nhà của các dân tộc khác đó chính là phần mái nhà. Mái nhà có hình chóp cụt, nhìn xa xa từ trên cao xuống giống như một rừng nấm lớn với làn khói lam mỗi buổi chiều tà. Nguyên liệu dùng làm khung mái nhà của người Hà Nhì là gỗ chò, gỗ nghiến… Đây là loại gỗ vừa chắc, lại có tuổi thọ cao. Trước đây, mái nhà của đồng bào lợp bằng cỏ gianh, thân dài và cứng, họ lợp dày khoảng 1 mét từ hiên lợp dần đến nóc, nên nhiều ngôi nhà sau nhiều năm mới phải lợp lại. Lợp mái trước xong mới lợp đến mái sau. Lợp đến nóc thì đánh nóc trước khi lợp hai bên hồi nhà, gia chủ phải lấy một túm gianh thả từ trên nóc xuống giữa nhà, mục đích là mong cho ngôi nhà của mình vững vàng trong mưa bão. Khi làm nhà, gia chủ tránh để hồi nhà mình đâm vào nhà khác.

Phía dưới, người Hà Nhì có làm thêm một lớp trần bằng tre có trát bùn nhão ở trên. Lớp trần này vừa có tác dụng làm kho chứa đồ, lương thực, vừa có tác dụng chống nóng và hỏa hoạn, bởi nếu gặp hỏa hoạn, mái cỏ tranh khô bén lửa thì lớp bùn nhão khô trát trên lớp trần sẽ ngăn không cho lửa cháy lan xuống dưới. Trong khoảng thời gian từ 4 đến 5 năm đồng bào mới phải sửa mái nhà một lần, thay những phên gianh hỏng bằng những phên mới. Trong những năm trở lại đây, nền kinh tế phát triển, khi gỗ trên rừng ngày càng ít do sự khai thác, thu hẹp diện tích người dân phải tìm các nguyên liệu khác để thay thế như tấm lợp phi pro - xi măng, tôn. Hình ảnh ngôi nhà truyền thống bằng chất liệu gỗ, mái lợp cỏ gianh đã không còn nhiều ở các làng bản.

Gian bếp chính của gia đình bà Lý Tà Mẩy, dân tộc Hà Nhì đen xã Nậm Pung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai
Gian bếp chính của gia đình bà Lý Tà Mẩy, dân tộc Hà Nhì đen xã Nậm Pung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai

Ngôi nhà của người Hà Nhì chỉ có một cửa ra vào. Gần mái trong gian chính có từ 1 - 2 khung nhỏ 40x40cm, vừa để thông gió, vừa để lấy ánh sáng bên ngoài. Không gian sinh hoạt bên trong ngôi nhà được chia làm hai phần. Từ cửa chính vào là không gian ngoài, rộng 2m, làm một bức tường chắn khỏang 1,2 - 1.5m che lại, khoảng trống này là nơi để khung dệt vải, hoặc cối giã gạo, để các bà các chị ngồi thêu thùa và để mọi người từ các buồng sang thăm nhau. Phía bên trái sát tường có giường và bếp sưởi là buồng ngủ, nghỉ ngơi của khách. Một nửa phần lưng nhà tựa vào đồi là buồng ngủ của gia đình. Số gian buồng của không gian này tùy thuộc vào số người trong nhà ít hay nhiều. Các gia đình người Hà Nhì xưa đặt bếp nấu phía bên phải trong ngôi nhà, ngay cạnh buồng ngủ của gia chủ. Mặc dù bếp lò có ống khói thông hơi, nhưng trong nhà vẫn đen kịt màu bồ hóng, vì họ đun nấu trong nhà là để ngôi nhà ấm áp, nhất là về mùa đông giá rét.

hn1
Chuẩn bị lợp mái cho nhà trình tường

Trong đời sống hàng ngày, người Hà Nhì rất coi trọng nước và lửa. Theo quan niệm truyền thống từ xa xưa, nếu nước là nguồn sống thì lửa là sức mạnh duy trì nguồn sống đó. Bởi vậy, khi ngôi nhà trình trường được làm xong, việc đầu tiên người Hà Nhì làm là rước thần lửa về nhà. Điều này được thể hiện qua phong tục thờ hòn đá thiêng đặc biệt “Phu Chu Ma” - thần bếp, chủ bếp, vị thần trông coi sự ấm êm trong đời sống gia đình. Trước khi về nhà mới, đồng bào lên núi cao chọn một hòn đá ở nơi con người chưa dẫm chân hoặc bước qua. Khi chọn được hòn đá ưng ý, đồng bào mang về đặt ngay bên cạnh bếp để cúng thần. Theo quan niệm của đồng bào, hòn đá thiêng này chính là nơi trú ngụ của vị thần lửa, thần bếp, thần thổ địa trong nhà. Vào các ngày lễ tết, người ta cúng viên đá ấy chính là cúng thần bếp, thần thổ địa và tổ tiên. Đồng bào luôn tin tưởng vị thần này sẽ giữ cho ngọn lửa không bao giờ tắt và mang lại nhiều may mắn, ấm no và hạnh phúc cho gia đình.

Ông Lý A Vù, người Hà Nhì Đen, thôn Kin Chu Pìn, xã Nậm Pung, huyện Bát Xát tỉnh Lào Cai dưới chè gừng lên hòn đá thiêng
Ông Lý A Vù, người Hà Nhì Đen, thôn Kin Chu Pìn, xã Nậm Pung, huyện Bát Xát tỉnh Lào Cai dưới chè gừng lên hòn đá thiêng

Người Hà Nhì thường chọn ngày Thìn (ngày con Rồng) để làm lễ vào nhà mới. Theo quan niệm của đồng bào, đây là ngày tốt, ngày may mắn, giúp cho gia đình phát triển. Trước đó, gia chủ có nhờ một người có cuộc sống may mắn nhất trong bản đóng vai thần thổ địa, tới ngày lành tháng tốt sẽ nấp vào trong nhà mới làm xong. Khi đến giờ lành, chủ nhà mang quả bí xanh đến đầu hồi ném vào nhà đánh động thần thổ địa. Sau đó, ông chủ đi đầu mang theo ban thờ, một cái nỏ vào nhà, tiếp đến bà chủ mang theo ba ông đầu rau, chăn màn, các thành viên còn lại mang các vật dụng khác đến đứng trước cửa nhà. Nhìn thấy cả gia đình, người sắm vai thần thổ địa hỏi chủ nhà đi đâu, cho đến khi hài lòng với câu trả lời sẽ cho gia đình chủ nhà vào.

Bà chủ nhà vào nhà đặt bếp, nhóm lửa, mổ gà, nấu cơm cúng. Ông chủ đặt bàn thờ báo cho ông bà tổ tiên biết đây là nhà mình, ông bà tổ tiên ngự ở nơi thờ mới để con cháu đời đời thờ cúng. Mâm cúng nhà mới của người Hà Nhì không thể thiếu xôi nếp, bên cạnh đó còn có một bát thịt, một bát rượu cái, một bát nước chè gừng. Tất cả được chủ nhà trịnh trọng đặt vào thớt thờ dâng lên ban thờ tổ tiên. Các thành viên khác trong gia đình, anh em trong dòng họ, con cháu có mặt ngay lúc đó hoặc về sau đều đến trước bàn thờ, hướng về bàn thờ quỳ lạy, thể hiện lòng thành kính của con cháu đối với ông bà tổ tiên.

Khi lễ cúng kết thúc, chủ nhà hạ lễ, bát nước gừng và rượu mang đổ lên trên hòn đá thiêng và hai bên cạnh bếp lò. Đây là việc dâng lễ cho thần chủ bếp, thần bếp lò thụ hưởng. Bát nước gừng còn lại được chủ nhà mang đến mời người già trong gia đình. Bát thịt, xôi cũng được mang chia cho hòn đá thiêng trước khi được chia cho người già trong gia đình, sau đó đến các thành viên khác. Các phần còn lại được bà chủ nhà mang đi chia, phát lộc cho tất cả mọi người tới dự, mỗi người một chút lộc. Kể cả người thân của gia đình đi vắng vẫn có thịt lộc để phần.

Vào ngày này, gia chủ mời bà con dân bản đến chung vui với gia đình. Khi đi, họ mang theo gạo, rượu hoặc đôi gà đến mừng nhà mới. Anh em hàng xóm giúp mổ lợn, chế biến món ăn, ăn cơm, uống rượu, hát mừng mừng lên nhà mới.

Ngày nay, cuộc sống của người Hà Nhì có nhiều thay đổi, không còn phải sống trong điều kiện du canh du cư, đồng bào sống định canh định cư với nhiều nóc nhà hơn. Đời sống vật chất cũng chịu ảnh hưởng bởi nền kinh tế thị trường, nhưng đồng bào nơi đây vẫn cố gắng duy trì những nét văn hoá truyền thống của dân tộc mình. Họ hướng tới làm du lịch cộng đồng để truyền tải được những nét văn hoá bản sắc đặc trưng riêng đến với du khách tham quan khi tới thăm bản làng của người Hà Nhì trên cơ sở gìn giữ nguyên vẹn giá trị văn hoá dân tộc.

Kim Thoa

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy