Thứ năm, ngày 05 tháng 12 năm 2024
01:48 (GMT +7)

Nhà thơ Y Phương: Nếu kiếp sau tái sinh tôi vẫn cứ làm thơ

VNTN - Miệng ông cười. Mắt ông cười. Mũi ông cũng cười. Râu ông cũng cười. Có ai thấu, bên trong con người nhẹ bẫng mây bay ấy là những nỗi niềm đau đáu nặng trĩu núi đè. Lạ lắm - nhà thơ Y Phương.


Đọc những tản văn trong Tháng giêng tháng giêng một vòng dao quắm, Kungfu người Co Xàu, tôi có cảm giác ông đang kể về một ngôi làng nhỏ ở tận cùng thế giới, nhưng lạ thay, nó lại nói về thế giới mà tất cả chúng ta đang sống. 

Nhà thơ Y Phương: Nếu kiếp sau tái sinh tôi vẫn cứ làm thơ
Nhà thơ Y Phương

Nhà thơ Y Phương: Đúng vậy. Chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng. Cả nhân loại là cư dân của một cái làng cực kỳ khổng lồ. Tất cả mọi quốc gia, mọi dân tộc trên thế giới sẵn sàng hiện lên ngay trước mắt chúng ta hằng ngày. Chỉ cần bạn có một chiếc máy tính, thậm chí một chiếc smartphone be bé, cũng có thể cập nhật thông tin toàn cầu từng giây từng phút. Chúng ta đang ở trong một bầu khí quyển đầy ắp sóng điện truyền thông. Mọi người gọi nó là in- tơ -nét. Cái điều mà mấy ngàn năm trước đây cổ nhân chúng ta, chắc không hề nghĩ sẽ có một ngày như thế. Và kể cả chúng ta, cũng chưa hề nghĩ có một ngày kì diệu như thế. Cái lối sống làng quê với mô hình bờ tre giếng nước chỉ còn trong tiềm thức, mặc dù nó vẫn hiện hữu hàng ngày. Mọi quan hệ trong họ ngoài làng đâu còn mấy ai bận tâm. Tư duy tiểu nông khóm chuối đụn rạ tưởng như lạc hậu, dần dần mất hết. Cảnh tối lửa tắt đèn không còn quan tâm nữa. Hình như các mối tương quan kính già yêu trẻ hôm nay không còn phù hợp. Chúng tôi cảm thấy nguy cơ đánh mất truyền thống văn hóa làng xã ngay nhãn tiền, chứ không xa xôi lắm đâu. Chúng tôi thấy cần phải giữ nó lại bằng mọi cách, văn học nghệ thuật chỉ là một cách. Văn học nghệ thuật với tính đặc thù của nó ăn sâu vào trong trái tim người đọc, may ra... Sau này con cháu sẽ hỏi ngày xưa các cụ yêu nhau, cưới xin như thế nào, ăn mặc như thế nào, xưng hô ra làm sao, v.v và v.v. Cái làng bé nhỏ hẻo lánh của chúng tôi chỉ còn trong phương diện cơ học. Nó đã không hề bé trong xã hội hiện đại. Thế giới có gì, người làng có cái đó. Tuy có muộn hơn. Nhưng sớm muộn chả nói lên điều gì cả. Thế giới có gì người làng tôi có nấy. Đó là một sự kì diệu. Bên cạnh sự kì diệu là nỗi lo canh cánh mất mát dần phong tục tập quán có từ ngàn đời.

Vậy là, tuy rằng có địa danh, nhưng hình như ông không đơn thuần nói về nơi chốn. Đây còn là câu chuyện cội rễ, câu chuyện kết nối quá khứ, đối diện lịch sử.

Nhà thơ Y Phương: Địa danh trong văn chương hình như nó chỉ mang giá trị ảo. Mặc dù có nhắc đến tên thật. Tên xóm làng đi vào văn chương chắc cũng chỉ mang tính ước lệ. Cái làng XYZ nào đó. Có lề thói, nếp sống, cư xử như thế này này. Có những con người tử tế, chăm chỉ lam làm, hay có người bốc phét một tấc đến giời như thế này này, v.v và v.v. Từ khi lập làng đến nay, hầu như chưa có gì thay đổi về bản chất lối sống của con người nơi đó. Làng không chỉ là một đơn vị hành chính nhỏ nhất, mà còn là tổ hợp những tính cách con người điển hình. Thậm chí mỗi làng có một giọng điệu lời ăn tiếng nói khác nhau. Mỗi làng có một nét phong tục khác nhau. Cái làng Vũ Đại ngày xưa nổi tiếng bởi cặp đôi Chí Phèo - Thị Nở trong văn chương Nam Cao. Nay nó còn nổi tiếng hơn, bởi cá trắm đen kho đóng hộp gửi bán sang Pháp, sang Mỹ, sang Nhật.... Cá kho làng Đại Hoàng gắn với tên nhà văn Nam Cao thành một thương hiệu văn hóa làng độc đáo. Cái làng Hiếu Lễ của tôi tưởng chả ai biết. Thế mà nhắc đến cải xoong, củ niễng... nhiều người nhớ đến cái làng biên giới xa tít mù tắp, có những thứ rau thủy canh ngon giòn như thế nào. Ai cũng có một cái làng truyền thống từ đời cụ kỵ, dù rằng ngày nay có người không sinh sống ở quê nữa. Nhưng nó gắn bó cả một đời với họ như người ruột thịt. Cái làng ấy làm bệ phóng cho rất nhiều thế hệ người sinh ra và lớn lên rồi già đi. Cái làng ấy làm đường băng cho "cỗ máy bay" văn chương lấy đà cất cánh. Cái làng ấy làm xuất phát điểm cho tâm hồn người nghệ sỹ thăng hoa. Từ cái làng này, thể xác thì ra đi kiếm ăn nơi tận cùng trời cuối đất, nhưng tâm hồn vẫn còn lưu lại. Mỗi khi có người nhà gửi xuống một bó rau cải xoong, một mớ rau phjăc bon, một túm hạt dẻ, một bao tải khoai lang tím ...là người tôi nổi hết da gà. Văn hóa nó lạ thế. Từ những vật vô tri vô giác bỗng trở nên hồn vía thân thiết như người. Tôi đã không dám đụng đũa. Chỉ để đấy mà nhìn. Nhìn vào bên trong để thấy lại những ngày xưa thân ái. Vật chất chỉ vật chất khi nó nằm trong không gian thị trường, giữa quan hệ con người với con người bằng tiền bạc. Sự lạnh lùng lên đến mức cò cưa mớ rau con cá nâng lên hạ xuống. Nhưng nó đi từ trái tim người thân, vật chất bỗng có số phận cười khóc. Văn hóa làng xã ở Việt Nam rất khác với những quốc gia khác trên thế giới. Ngoài yếu tố tinh thần và vật chất, làng xã của ta còn là một pháo đài chống giặc ngoại xâm. Nhất là trong thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp. Rào làng chống giặc là một phong trào điển hình. Làng xã Việt Nam còn là nơi xử kiện, với đầy đủ các quy định hương ước ngặt nghèo. Ở quê tôi cũng vậy. Nhưng ở làng người Tày, một người đau cả làng cùng biết, cùng đến thăm nom, cùng thuốc thang. Chứ không "cháy nhà hàng xóm bình chân như vại". Một nhà vui, cả làng đều vui. Đêm nay nhà này cưới con gái, thế là cả làng đều thức. Trẻ già gái trai nghe nam nữ thi nhau hát lượn. Cây bưởi ngon của nhà kia, sáng nay đến cữ ngọt, cả làng hò nhau cùng hưởng. Có một điếu thuốc thơm quà của người đi xa vừa về, đàn ông cả làng cùng xúm nhau mà hút...Ôi! Cái đầy ắp tinh thần yêu thương đùm bọc. Tôi không thấy đâu ấm áp như làng Tày của tôi. Thế đấy! Cái làng mẹ sinh ra tôi. Cái làng mà tôi đặt bước chân đầu tiên trên mặt đất. Giọt nước mà tôi được tắm lần đầu là nguồn nước thiêng, cho đến tận bây giờ vẫn chưa hết mát.

Nguồn nước thiêng ấy đã ngấm sâu trong con người ông, chảy tràn trong tác phẩm. Đọc tác phẩm của Y Phương, cả thơ và tản văn, tôi thường được ngạc nhiên sửng sốt bởi sự chính xác bất ngờ của chữ. Ông đã làm thế nào mà tìm thấy chúng, những con chữ biết đi đứng biết nói cười ấy? 

Nhà thơ Y Phương: Nói đến chữ, buộc tôi phải thưa thật. Tôi là người Tày, cả cuộc đời tôi lại sáng tác bằng tiếng Việt. Tại sao ư? Tiếng Việt trở thành tiếng phổ thông, ai ai cũng dùng. Còn tiếng mẹ đẻ dường như chỉ để thờ trong khuôn viên hẹp. Vì thế, với tôi, chả khác gì vịt nói tiếng gà. Chim sẻ nói tiếng hạc. Tôi nói thật tình lần nữa, trình độ tiếng Việt của tôi chỉ ngang học sinh trung học. Tôi biết mình non kém, nên lúc nào cũng trau dồi vốn liếng. Nhặn nhạnh mỗi ngày một tý. Mỗi nơi một chút. Chữ nghĩa người đời đánh rơi như vàng. Tôi chỉ việc chịu khó thu gom, mang về lau chùi đánh bóng để dành, lúc nào cần thì lấy ra dùng. Chứ chả có bí quyết nào hết. Người nhiều chữ, thường không quan tâm, thậm chí họ còn bỏ quên vô số. Khi có bồ chữ đầy ặp đến tràn miệng, cho tôi vay hoặc xin một vài đấu, họ không mấy bận tâm. Trong khi tôi đói kinh niên, đói đến lả người, dùng chữ nào tôi xót chữ đó. Chúng tôi không dám dùng nhiều, sợ tốn chữ. Vậy nên, vì sao mọi người cứ thấy thơ tôi kiệm chữ ít lời đến vậy, là do cái thằng tôi ki bo kiệt xỉ, dè xẻn đến từng dấu phẩy.

Xin thú thật với ông, dù nhanh chóng mê tản văn Y Phương, nhưng tôi cũng không tránh khỏi cảm giác hụt hẫng khi nhà thơ Y Phương “chuyển sang” viết văn xuôi. Lẩn thẩn tôi nghĩ, chín muồi hình như cũng là một sự già đi chăng… 

Nhà thơ Y Phương: Xin thưa với các bạn, chúng tôi không bao giờ chuyển đổi từ thơ sang văn xuôi. Thơ là "vợ", ăn nằm với nhau đã mấy mụn con. Văn xuôi là "người tình". Người tình thì chỉ nên thi thoảng. Chúng tôi "cơi nới" văn xuôi chứ không phá bỏ thơ. Thú thật, khi mới bắt đầu tập tọng làm thơ viết văn, tôi đã từng thử xông vào truyện ngắn. Tôi đã viết xong bản thảo mang tên "Mặt trái bức thổ cẩm" bằng bút bi trên giấy xi măng, vàng như da bò. Tôi cũng từng viết tiểu thuyết "Mùa lá bấn" được ngót trăm trang thì bỏ. Bởi sau khi đọc lại, tự thấy mình nóng mặt. Xấu hổ một cách triệt để. Tự mình thấy truyện không ra truyện. Tiểu thuyết không ra tiểu thuyết. Nhân vật lu lu mờ mờ như trăng đêm 30. Thậm chí tôi dám "liều mình như chẳng có" khi viết vở kịch ngắn "Người Núi Hoa". Vở kịch đã được đoàn nghệ thuật tỉnh Cao Bằng dàn dựng và mang ra biểu diễn trước công chúng khán giả, chừng đâu được nửa năm thì ngóm. Cuối cùng, tóm lại, chúng tôi vẫn chốt một chữ THƠ tròn trĩnh. Mặc dù thơ ngày nay bị mọi người đối xử như thế nào, ai ai cũng đều đã biết. Nhuận bút thơ như thế nào? Ai ai cũng đã rõ. Nay xin miễn nói lại. Nhai cái điều bất công ấy đau lòng lắm. Nhưng thơ với tôi đã trở thành một thứ ma túy. Khi đã ăn sâu vào máu, nếu kiếp sau tái sinh, tôi vẫn cứ làm thơ. Và chỉ một hai cơn gió mùa đông bắc nữa thổi đến, chúng tôi chính thức bước vào tuổi "xưa nay hiếm". "Hiếm" chứ không nói già. Chúng tôi kiêng chữ ý. Kiêng chứ không phải sợ. Và cũng xin nói thật lần nữa. Người nào sợ già thì già mau lắm. "Sợ của nào trời trao" của ấy mà. Chúng tôi không sợ già. Chúng tôi vẫn quần bò áo phông. Nếu khi nào thấy tiện, chúng tôi sẵn sàng cạo đầu trọc. Xem ai thanh niên hơn ai. Có phải không nào.

Vâng, giờ thì tôi biết mình sai, thật… tuyệt! Vậy mà, nghĩ về điều đó, tôi cứ nghĩ đến việc có nhà thơ trước khi ngừng bút đã viết rằng, mình “không còn điều gì quan trọng muốn nói nữa”.

Nhà thơ Y Phương: Theo quan niệm của chúng tôi, mỗi người có cách nghĩ khác nhau. Chả ai giống ai. Cũng không ít nhà văn nhà thơ cho rằng “không còn điều gì quan trọng muốn nói nữa”. Công việc đến đây là hoàn tất. Nhưng với riêng tôi, sáng tác là chuyện cả đời. Khi nào cắt đầu gối không còn giọt máu nữa, mới thôi. Khi nào không còn tình yêu nơi con người mình nữa thì hãy gác bút. Sáng tác văn chương là nhu cầu tự thân. Tùy vào từng tạng người, không thể áp cho người này người kia dừng bút, cai thơ. Tôi còn ham sống và ham yêu. Điều đó thúc đẩy tôi không ngừng ngồi vào bàn viết lách. Chưa bao giờ tôi nghĩ mình viết thế này là đủ rồi. Học đến thế là đủ rồi. Càng viết càng thấy mình hỏng nhiều. Càng viết càng thấy mình non bấy nhạt nhòa nhàu nát cũ kỹ. Càng học càng thấy mình ngu đủ mọi thứ.  Nói như thế liệu có tham lam lắm không. Nói như thế liệu có bất cần "tri bỉ tri kỉ" như người đời vẫn làm?
Đúng là tham lam. Tôi nghe các cụ nói, càng về già thì nhu cầu càng ít đi mà. Không biết với “ông lão” Y Phương, giờ đây điều gì là quan trọng? Nhà thơ Y Phương: Cổ nhân dạy: "Thất thập nhi tòng tâm sở dục, bất du củ" - Quan trọng đối với chúng tôi lúc này, hãy chơi cho thật thỏa thích, miễn đừng phạm luật. Nhu cầu đối với người phàm thường không có giới hạn. Với người chín chắn mọi bề sẽ tự mình tiết chế, sao cho hợp lí với ngoại cảnh nhiều người. Với riêng cá nhân tôi, từ nhỏ không đã có nhu cầu gì thái quá. Tất cả đều vừa phải, hợp với sức mình. Chúng tôi sinh ra và lớn lên trong một môi trường làng quê trong sạch đến mức "vô trùng". Xã hội người thiểu số nói chung, người Tày nói riêng đều đi theo phương châm "Táng chắc lẻ thôi", tự biết mình là chính. Chúng tôi không tranh đua nên không thấy thiệt thòi về nhu cầu. Chúng tôi không tị nạnh nên không có tâm lý đố kị. Chúng tôi không coi điều gì quan trọng, ngoại trừ tình yêu với con người, với quê hương, với đất nước. Chúng tôi chỉ có độc mỗi một nhu cầu là sự hiểu biết. Bởi ngày chúng tôi khoác ba lô ra đi, thua kém bạn bè về tri thức. Học hành tôi lỗ mỗ như quạ vặt lông gà. Kiến văn tôi mỏng tang như tờ giấy. Nhìn bên này thấy bên kia mờ mờ đùng đục, toàn một màu thiếu hụt. Vì thế chúng tôi luôn khao khát sự học. Khao khát sự hiểu biết. Và khao khát tình yêu nơi con người. Còn về đường sinh hoạt, chúng tôi đã có thừa ...không khí an lành. Không khí ấy dùng để thở, để nhớ và để yêu.

Tôi hiểu rằng, khao khát chưa bao giờ vơi đi trong ông. Kính mừng ông vì điều đó. Xin cảm ơn ông với những chia sẻ nhiệt thành.

Nhà thơ Y Phương tên thật là  Hứa Vĩnh Sước. Sinh năm 1948. Dân tộc: Tày, tại Trùng Khánh - Cao Bằng.

- Tốt nghiệp trường Điện ảnh Việt Nam, Trường Viết văn Nguyễn Du.

-Có thơ in từ năm 1973. Đã xuất bản: 8 tập thơ, 2 tập trường ca, 2 tập tản văn, 1 kịch nói.

-Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Nhà nước đợt 2 năm 2007 với các tác phẩm: Tiếng Hát tháng Giêng (thơ), Lời chúc (thơ), Chín tháng (trường ca).

Phạm Văn Vũ (thực hiện)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy