
Góc biếm họa số 5 (2025)

Những ngày nằm trên giường bệnh, Ngàn chỉ có một ước muốn cuối cùng là các con anh tìm bằng được thầy giỏi nhất vùng về nối số cho mình sống thêm một, hai giáp. Anh không thể chết vào lúc này được. Ngôi nhà ba tầng làm lễ tân gia chưa được nửa năm, cái xe hơi mới mua chưa được ba tháng, chỗ ngồi chưa ấm hơi chủ. Các con chưa có đứa nào thành gia lập thất, bao nhiêu dự định chưa hoàn thành, Ngàn chưa thể đi lên thiên đàng với bố mẹ, ông bà.
Đời ông bà, bố mẹ sống một cuộc đời gian khó, Ngàn lớn lên bằng những bữa cơm độn ngô, sắn. Nhờ trời thương cho của quý bất ngờ, vợ chồng anh mới có được cuộc sống khấm khá hơn đời bố mẹ. Ngàn chỉ mới bắt đầu được hưởng thụ cuộc sống của người giàu ở làng mà sao ông trời lại bắt anh phải rời khỏi cuộc sống này. Bước chân Ngàn chưa đi được khắp ngôi nhà mới, cái xe chưa lái được bao lâu. Ngàn chưa thể ra đi. Trăm lần, ngàn lần chưa thể. Ở cái làng này nhiều người già hơn anh nhiều vẫn còn đang sống khỏe mạnh. Ngàn đang còn trẻ, dù đang mang trong người bao nhiêu cái bệnh, nhưng vợ con anh sẽ tìm được thuốc hay, thầy giỏi đuổi chúng ra khỏi người. Ngàn tin chắc như thế. Niềm lạc quan giúp tinh thần Ngàn trở nên thoải mái, nét mặt tươi cười khi có người đến thăm.
“Anh, chú cố gắng ăn uống, nhất định sẽ có ngày khỏi bệnh”. Mười người đến thăm thì cả mười đều động viên, tin Ngàn sẽ khỏi bệnh. Ngàn nhớ có ông thầy tướng số từng phán “anh có số trời phú, càng về già càng an nhàn bởi món quà trời cho”. Ngàn đã già đâu. Bốn chín vừa đi qua, năm ba chưa đến thì sao có thể gọi là già được. Phải đi tìm thuốc, tìm thầy về chữa trị. Giá như đôi chân Ngàn còn khỏe như thời ba mươi, ngày đi bốn lũng, chín núi cũng không thấy mỏi thì hay biết mấy. Giờ bước chân ra ngoài sân cũng phải nhờ đến cây gậy trúc, việc tìm thuốc thang, thầy giỏi phải trông cậy vào vợ con.
Dường như vợ con Ngàn tin tưởng tuyệt đối vào các bác sỹ bệnh viện K, tin anh sẽ không còn cơ hội sống tiếp trên đời. Thời gian của anh chỉ còn tính từng ngày. Bệnh trong người anh biết làm gì đã nghiêm trọng đến mức đấy. Lắm lúc anh phải gắt lên với vợ con “chúng mày muốn tao chết lắm phải không?”. Bao nhiêu người bị bệnh viện trả về, uống thuốc nam sống khỏe mạnh cả chục năm trời vẫn chưa chết. Người ta thương mình mách nước thì phải cất cái chân đi ngay, gặp thầy gặp thuốc sẽ khỏi bệnh. Vợ con mày tiếc tiền à? Tiền quý, nhưng tính mạng con người còn quý hơn vạn lần. Người làm ra tiền chứ có phải tiền làm ra người đâu? Mẹ con mày nên nhớ cái nhà này, xe này thằng Ngàn có nhiều đóng góp nhất. Mọi tính toán, chi phí đều một tay thằng này đảm nhận, mẹ con mày đừng tin bác sỹ tuyệt đối mà không tìm mấy thang thuốc về cho bố. Đời bố đã mất bao nhiêu bát gạo bói mà mẹ con mày không đi xem với thầy thiêng nhất? Nói đâu xa, ở cái làng này, mẹ con mày thấy đấy, anh Tu được xe bệnh viện trung ương đưa về nhà, bảo rút ô xy ra sẽ không sống được quá ba ngày. Vậy mà Tu chịu khó uống thuốc nam, đoạn tuyệt với rượu đã sống khỏe mạnh đến giờ. Ông Tu già hơn bố, ốm yếu hơn bố nhờ tìm được thầy, hợp thuốc đã khỏi bệnh. Bố các con sẽ khỏi bệnh khi tìm được đúng thầy, đúng thuốc. Ngàn nói lúc gay gắt, lúc mềm dẻo, đổi cách xưng hô với vợ con mong vợ con làm theo ý mình. Ngàn chỉ muốn vợ đem về cho chồng những thang thuốc nam có hiệu quả như những thang thuốc ông Tu từng sắc uống.
Thùy không nhớ đã đem về bao nhiêu thang thuốc, sắc cho chồng uống nhưng bệnh tình không mấy chuyển biến. Một bát cháo Ngàn ăn ba lần mới hết. Nhìn chồng nuốt thìa cháo khó nhọc Thùy thương lắm. Nhưng biết làm sao được, gánh nặng trên vai có thể san sẻ bớt, bệnh tật thân người nào người đấy gánh mang thôi. Thùy nhớ những đêm không trăng bốc hàng lậu nơi biên giới, vai vác một kiện, lưng đeo một kiện đi trên đường mòn lởm chởm đá răng mèo mà cô đi thoăn thoắt như con sóc, đâu có kém cạnh ai. Thùy ước cái bệnh của chồng như một kiện hàng, cô sẽ nhấc lấy san gánh nặng về mình, chồng sẽ mau khỏi bệnh.
Thùy biết chồng cô đang cố gắng ăn uống để át đi căn bệnh hiểm nghèo. Bởi anh tin một ngày nào đó mình sẽ khỏi bệnh, anh sẽ mạnh khỏe như mươi năm trước. Nhưng khi nhìn chồng vật lộn với những cơn đau xé ruột xé gan Thùy lại ước chồng có thể nhắm mắt ra đi. Sẽ có người nói cô có suy nghĩ ác. Người ta mong cho người thân sống khỏe, sống lâu, chứ ai lại đi mong chồng mình chết sớm bao giờ? Nhưng đi sớm có thể giải thoát được xác phàm bị hành hạ mỗi ngày. Thùy thương thân xác của chồng mỗi khi lên cơn đau. Thùy không biết chồng đau như thế nào. Nhìn chồng nghiến răng, cố không kêu la để vợ con lo lắng, những giọt mồ hôi rịn ra trên trán, đôi mắt đờ đẫn đi thì cô hiểu chồng phải chịu cơn đau độ nào rồi. Đêm, mỗi khi chợp mắt được một lát chồng thầm khấn trời, khấn phật, các vị thần linh mách lối, chỉ đường để tìm được phương thuốc điều trị hữu hiệu, để cất cái bệnh đi lên núi cao cho đá núi gánh bệnh thay.
Thùy không hiểu chồng. Một người không tin có ma quỷ, thần linh trên đời khi bệnh nặng lại tin vào bói toán, số mệnh. Anh bảo Thùy tìm cho được quyển diễn cầm thất thế về cho xem. Quyển diễn cầm tam thế còn khó tìm nói gì đến quyển diễn cầm thất thế? Thùy mỗi ngày, sắc thuốc cho chồng uống. Khi có người mách có bà bụt nào ở đâu xem chuẩn là cô đem một bát gạo trong chum, cầm theo cái áo cho vào túi nải, đem theo tiền đến nhà bụt xem chồng còn sống được bao lâu nữa. Trước khi rời nhà cô còn đem bát gạo đặt trên cái sá (gác bếp) nín thở lắc cái sá ba cái rồi đưa bát gạo đặt lên bàn thờ để tổ tiên đi theo. Người ta mách với cô như thế, bà bụt sẽ thông qua bát gạo mà biết được nhà cửa, phúc phận của gia đình, đoán được số mệnh của từng người. Bước chân phải ra khỏi cửa, Thùy không có nhiều hy vọng vào bụt, tào. Các bác sỹ giỏi còn lắc đầu bó tay trước căn bệnh của chồng thì bụt, tào có thể làm gì hơn. Thế kỷ này là thế kỷ của khoa học công nghệ, ai còn đi tin vào mấy chuyện bói toán nữa. Có người nói với Thùy như thế. Chồng cô sẽ khỏi bệnh, người chữa khỏi bệnh cho chồng cô nằm ở phía mặt trời lặn. Bụt dặn cô phải tìm thầy, tìm thuốc ở hướng đó. Những thang thuốc đã bốc với các thầy ở phía mặt trời lên phải bỏ đi. Ở phía mặt trời lặn liệu có thuốc thần hiệu đang chờ Thùy đến bốc? Số phận của chồng cô, giờ có khác gì cái cây bám vào gờ đá có thể chết héo bất cứ lúc nào.
Nắng tháng Chạp đắt như thịt lợn ngày tết. Sáng ra mở cửa, sương mù bước ùa vào nhà. Nếu không nhìn vào đồng hồ thì chẳng ai có thể biết được thời gian đang trôi. Ngàn nằm trên giường, mắt nhìn ra cửa sổ thấy bầu trời đầy sao. Đã lâu lắm không nhìn thấy sao trên trời vi bị sương mù che khuất. Ngàn đã không nhìn thấy trăng tròn đã ba mùa trăng rồi. Đêm hôm qua bầu trời vẫn một màu đùng đục sương khói, nhưng đêm nay sương mù đã bị trời thu lại để những ngôi sao sáng lấp lánh trên nền trời xanh bao la. Ngày mai nhất định sẽ có một ngày nắng đẹp. Cũng sắp tết rồi, nắng đẹp để con người vào rừng hái lá dong, người vào rừng lấy củi đun nồi bánh chưng, người lên núi lấy củi đem ra chợ bán để có tiền mua vài cân thịt lợn. Mong trời nắng mấy ngày để mọi người đều có được một cái tết đầm ấm. Ngày mai Ngàn sẽ ra ghế đá trong sân vườn ngồi sưởi ấm. Mong cơn đau đừng đến để Ngàn có được một giấc ngủ ngon lành, để ngày mai anh cùng mấy người bạn trong làng ngồi uống nước chè trên bộ bàn đá trong sân vườn. Ngàn không phải thầy, không biết trong số hàng triệu, hàng tỷ ngôi sao đang sáng lấp lánh trên trời cao kia đâu là ngôi sao tướng tinh của mình? Thỉnh thoảng Ngàn vào kênh Khoa học và khám phá, Thiên hà TV, Top thú vị... để tìm hiểu, có những ngôi sao cách nơi con người đang sinh sống hàng nghìn năm ánh sáng. Ngước mắt nhìn lên trời ngắm những ngôi sao xa xôi, ánh sáng mất rất nhiều thời gian mới về đến mặt đất. Vũ trụ thật bao la, con người thì thật nhỏ bé, hiểu biết của con người về vũ trụ còn quá ít. Ánh sáng của ngôi sao sáng xanh trên bầu trời đi vào trong mắt, Ngàn nhắm mắt lại để giữ ánh sáng của ngôi sao cùng đi vào giấc ngủ. Tối nay Ngàn ăn được lưng bát cơm, cơn đau cũng không kéo đên sầm sập như những ngày trước. Cứ như vậy thì hay, Ngàn sẽ được ăn một cái tết an lành, người nhà của anh cũng sẽ được ăn một cái tết đoàn viên mà không phải lo nghĩ gì nhiều. Các cụ bảo nhà nào có người mất vào ba mươi, mùng một tết thì nhà phúc vận kém lắm. Làng này đã có người chết vào sáng ba mươi tết thì buổi chiều phải đưa ra đồng chôn luôn, qua tết mới làm ma khô cho người xấu số. Không ai để người chết gối từ năm này sang năm khác bao giờ.
Ngàn tỉnh giấc khi ba cái loa phóng thanh trên nóc nhà sinh hoạt cộng đồng kêu tót tót sáu giờ sáng. Phía đông áng mây hồng hừng lên. Những tia nắng mỏng manh đi vào cửa sổ. Gió lay cành cây nhè nhẹ, tiếng chim sâu lính nhích trên cành cây trong vườn. Những âm thanh quen thuộc vang vọng bên tai mà hằng ngày cơn đau hành hạ Ngàn đã không để ý tới. Cuộc sống này thật vui tươi và bình dị, thường ngày anh đã bỏ qua. Lúc khỏe người ta lao vào công việc kiếm tiền làm gì có thời gian để ý tới cảnh vật xung quanh, làm gì có thời gian ngắm cảnh, ngắm trăng sao trên trời? Nếu không bị bệnh thì Ngàn cũng không có thời gian vào mạng để đọc tin tức, tìm hiểu về thế giới, về vũ trụ bao la vời vợi. Để rồi khi anh nói ngôi sao xa xôi kia có người đã bĩu môi. “Ai lấy thước về đo đâu mà biết nó cách chúng ta hàng tỷ cây số, hàng bao nhiêu năm ánh sáng?”. Ngàn cũng không biết phải giải thích ra sao để cho họ hiểu. Nhưng nói như ông Phù thì đối với những người không hiểu biết, những người lý sự cùn thì tốt nhất đừng nên giải thích làm gì cho mệt. Dù có nói thế nào thì họ cũng sẽ không bao giờ tin và chấp nhận điều đó cả.
Ăn sáng xong, thấy bố lần dò đi ra sân, Lý định dìu bố ra vườn. Thấy con chạy lại định dìu mình Ngàn đã gạt đi. Anh cầm cây gậy chống thật chắc, nhấc từng bước chân hướng về bàn đá. Mùa này chẳng mấy ai ở nhà, người ra đồng chăm thuốc lá, người đi rừng, người đem máy cưa vào lũng cắt củi sấy thuốc lá. Tìm được người bạn để chuyện trò cũng khó. Chỉ có người bệnh yếu, người già, trẻ nhỏ ở nhà. Chè tam rượu tứ, chẳng ai lại uống chè, uống rượu một mình cả. Ngắm bầu trời trong xanh, thi thoảng lại có bầy chim bay ngang trời, Ngàn nghĩ đến thân mình đang ốm đau bệnh tật, cái đầu muốn đi lên núi, vào rừng nhưng cái chân không còn nghe lời nữa rồi. Tia nắng vàng ấm áp sưởi những cành lá khẳng khiu, chỉ vài bữa nữa thôi khi nàng xuân đến đánh thức, từ đầu cành lại nhú ra những chồi non. Cây cối sẽ lại rợp bóng khi hè đến. Ngàn nghĩ về vòng tuần hoàn của cây rồi nghĩ đến mình không biết có còn cơ hội khỏe mạnh như xưa? Ngày đến bữa Ngàn vẫn cố ăn, mong sẽ có ngày khỏe lại. Ngàn dựa vào ghế đá nghĩ đến những gì đã qua. Có hai thứ mà con người ta không bao giờ có thể lấy lại được. Thời gian là thứ chỉ có một chiều đi, sức khỏe hồi trẻ là thứ mà khi về già nhiều người mơ ước. Bố Ngàn nói thời gian là thứ nghiệt ngã nhất trần đời. Thời gian lấy đi mọi thứ của con người.
Hồi trẻ Ngàn chỉ mong nhanh đến tết, được bố mẹ mua cho quần áo mới, được ăn bánh chưng, mứt tết. Nhưng khi lấy vợ, sinh con rồi Ngàn lại mong thời gian kéo dài hơn. Quanh đi ngoảnh lại đã hết năm mà bao nhiêu dự định chưa thực hiện được. Ngàn nhớ đến hội tung còn ngày xuân, những câu lượn đối đáp “Mặt trời lặn rồi mặt trời lại mọc, nhưng con người thì ngày già tìm ngày trẻ không bao giờ thấy được. Khi còn trẻ phải biết vui chơi, ham học hỏi, để về già không khỏi nuối tiếc…”. Những câu lượn đã ăn vào máu, ngấm vào da thịt của anh, hồi còn khỏe ngày hội xuân nào Ngàn cũng đến để góp vui vài tiết mục. Những bài phong slư tự sáng tác khi ngân lên nghe mượt mà đằm thắm, cái giọng ngọt như mác kham của anh một thời làm bao trái tim cô gái xao xuyến, nhớ nhung đêm ngày. Nhưng Ngàn thích những câu lượn kết, nghe nó da diết, thống thiết, mê say hơn cả người uống rượu. Nhiều đôi trai gái đến với nhau bằng những câu lượn đi vào trái tim rung cảm.
Từ ngày đổ bệnh Ngàn không còn lượn nữa. Mỗi ngày chỉ nghe cái đau hành hạ, đã khiến anh không còn tâm trạng nào nghĩ đến những bài phong slư mới. Nhìn Ngàn bệnh chẳng ai dám mở lời nhờ anh án (sáng tác) bài phong slư, bài lượn mỗi khi đến ngày hội đoàn kết, hội xuân. Năm nay hội làng làm to lắm, sẽ có nhiều du khách đến dự, sẽ có nhiều đoàn lượn hát các nơi về đây tề tựu… trời cho anh khỏe, nhất định sẽ không bao giờ bỏ qua. Ngàn nghĩ đến ngày hội xuân, chợt bên tai nghe thấy tiếng chim họa mi hót rất vui tai vọng từ trên cành cây hồng. Từ ngày cấm săn bắt nhiều loài chim đã được hồi sinh, chúng coi con người như những người bạn, không còn tỏ ra sợ hãi khi thấy bóng dáng con người nữa.
Ngồi lâu trên ghế đá anh cảm thấy mỏi lưng. Ngàn cầm cây gậy đứng dậy đi vào nhà. Ngàn muốn lên tầng, đến cái phòng trước đây anh từng nằm. Ngàn muốn xem lại quyển sổ tay ghi chép những bài phong slư, những bài lượn tự sáng tác. Mọi khi muốn lên tầng hai Ngàn phải nhờ thằng Lý, con Na dìu lên. Nhưng hôm nay anh thấy trong người khỏe ra lên tầng ba mà chỉ nghỉ lấy sức hai lần. Mở cửa sổ phòng ra, toàn cảnh khu vườn hiện ra trước mắt. Đứng hồi lâu bên cửa sổ nhìn những cái cây trụi lá, vỏ săn lại để chống chọi với những đợt rét hại khắc nghiệt, anh cảm thấy khâm phục những cái cây lắm. Chúng biết cách để vượt qua mùa đông giá lạnh mà không cần phải mặc áo, sưởi ấm như con người. Mắt anh dừng lại trên cây đào thẫm cao nhất ở góc vườn, những nụ hoa đào đầu tiên đã hé mở. Ngàn thấy lòng vui lắm, năm nay trong khu vườn sẽ thắm đỏ bởi hoa đào.
Lòng Ngàn vui, chân đi về phía tủ. Tay nhẹ nhàng kéo cái tủ ngang ra. Những quyển sổ tay, ghi chép những bài lượn tứ quý, những bài phong slư mừng đám cưới, mừng nhà mới được anh ghi chép lại một cách tỉ mỉ. Bây giờ lũ trẻ lao vào việc kiếm tiền, không mấy để ý đến di sản của cha ông, nhưng anh tin đến một ngày nào đó bọn trẻ sẽ tìm đến nó. Bởi đó là nguồn cội, là gốc rễ của làng, là truyền thống của người làng. Ngàn cẩn thận lật từng trang sách, những bài lượn trước mắt, đưa tâm hồn anh đến những ngày hội xuân, những buổi tung còn thuở nào. Tay lật từng trang giấy theo vô thức, chợt tờ giấy to bằng ba ngón tay rơi ra từ trong vở. Ngàn nhặt lên và khẽ giật mình. Đây là tờ giấy ghi ngày vào nhà mới của thầy Sường cho anh. Nhìn tờ giấy Ngàn nhớ đến lời nói của thầy. Ngàn đã không làm theo lời thầy dặn nên giờ đang phải gánh bệnh trong người.
Nhìn bát tự của ta thấy cháu bỗng dưng được hưởng lộc từ trời rơi xuống. Năm nay mệnh của cả hai vợ chồng đều có thể làm nhà, không xung khắc hay kiêng kị. Ta sẽ xem, chọn cho cháu ngày vào nhà tốt nhất, giờ tốt nhất để nhóm lửa trong bếp, giờ đưa bát hương tổ tiên lên bàn thờ. Nhưng… Thấy thầy định nói gì đó nhưng lại thôi nên Ngàn vồn vã. Có gì thầy cứ nói ra không phải kiêng dè gì cả. Ngàn mong thầy nhìn thấy mười thì nói mười, đừng nói chín, tám. Được lời của Ngàn thầy Sường nói ra từng chữ rõ to. Ngàn là gia chủ, nhưng đến hôm vào nhà mới phải mặc bộ đồ cũ màu, tay cầm gậy, tay cầm đấu, đầu đội nón mê đi vào từ cửa sau. Mồm nói đến xin gia chủ cho xin bữa ăn, cho nằm một đêm. Khi vợ nói đồng ý, đón lấy cái nón mê, gậy, đấu từ tay thì Ngàn đi vào buồng thay bộ quần áo mới mới được phép lên nhà trên ngồi tiếp khách. Ngàn phải làm như thế để cải mệnh, bởi số anh không được hưởng ở một căn nhà sang trọng như thế này. Ngàn đã từng nghe nói, thời các cụ khi vào nhà mới đã có người phải đóng vai người ăn xin đến nhà mình vào ngày tân gia. Nhưng bây giờ là thời đại gì rồi mà còn mê tín như thế.
Ngàn hứa sẽ nghe theo lời thầy sẽ làm theo lời dặn khi vào nhà mới. Nhưng Ngàn đã không làm. Làm thế người làng há chẳng cười vào mặt mình lắm sao. Anh xây được ngôi nhà ba tầng to đẹp nhất làng, là chủ nhà mà lại đi giả làm ăn mày ngày vào nhà mới há chẳng rẻ tiền lắm sao? Thế là ngày vào nhà mới Ngàn ăn mặc đẹp, đón tiếp khách từ cổng. Một tháng, hai tháng trôi đi Ngàn không hề hấn gì, người nhà cũng không gặp phải chuyện buồn. Nhất định thầy Sường đã xui đểu để làm anh mất mặt. Thầy làm thế để làm gì nhỉ? Ngàn đâu có thù oán gì với thầy? Vì không tin lời thầy nên ngày vào nhà mới Ngàn đã không rước thầy Sường đến làm tào mà chỉ đón bụt Bóng đến làm bụt.
Thời gian trôi đi, Ngàn không còn nhớ đến lời thầy Sường nữa. Nhưng đúng một trăm ngày sau khi vào nhà mới, cơn đau bắt đầu đến với anh. Nằm viện huyện một tuần không khỏi, ra tỉnh cũng không tìm thấy nguyên nhân, đến khi chuyển lên tuyến trên các bác sỹ sau khi làm đủ mọi xét nghiệm đã kết luận anh bị ung thư máu. Cầm kết quả vợ chồng Ngàn không tin vào mắt mình. Cơ hội chữa khỏi gần như không. Nằm viện cũng không thể nào chữa khỏi được, ở lại chỉ tốn thêm tiền, về nhà tìm uống thuốc bốc từ các loại thảo dược, nhiều người bệnh viện trả về uống thuốc nam đã kéo dài mạng sống cả chục năm trời. Ngàn sẽ uống thuốc nam, khỏi hoàn toàn hay không anh không dám chắc, nhưng kéo dài mạng sống một vài năm nhất định được.
Thầy Sường thấy trước tai họa, thì nhất định thầy cũng biết cách để hồi hướng cho mình. Như nhìn thấy ánh sáng le lói ở cuối chân trời, Ngàn rời khỏi phòng cẩn thận từng bước chân đi xuống tầng một. Ngàn phải nói chuyện này với vợ con. Ngàn sẽ cho Thùy đến nhà thầy, khẩn xin thầy ra tay nối số cho mình. Nghe được những lời thật từ miệng chồng, Thùy vừa giận, vừa bực tức, lại vừa thương anh. Thương anh bởi từng viên gạch qua tay, mấy tháng ròng ăn tranh thủ ngủ cầm chừng mới có được một cơ ngơi khang trang. Chân chưa bước đi hết mọi ngóc ngách trong nhà đã đổ bệnh. Thùy giận chồng đã không nói lời của thầy với vợ con. Làm theo lời thầy dặn, đóng giả thành người ăn xin đến xin chính ngôi nhà mình làm, người ngoài không hiểu sự tình nhìn vào sẽ rất khó coi. Nhưng sỹ diện để làm gì, không kiêng kị sẽ hại đến thân. Đáng lẽ chồng phải cân nhắc thật kỹ khi không làm theo lời thầy dặn. Đã có không ít người vì không nghe theo lời của thầy đã phải khuất núi sớm. Giữ thể hiện mình trước nhiều người là tốt, nhưng sức khỏe của con người còn đáng quý hơn rất nhiều. Chồng nghe lời thầy dặn không biết có mắc phải căn bệnh tai ác hay không không ai dám chắc. Có ai nhìn thấy tương lai sẽ như thế nào đâu.
Nhưng bây giờ bệnh tật thấy rõ, ứng với lời phán của thầy thì biết nói thế nào. Làm sao thầy có thể cải mệnh được cho chồng? Nhà Thùy đã không đón thầy về làm tào trong ngày lễ tân gia, khi chồng đã có hẹn với thầy từ năm trước. “Khi nào cháu làm được nhà mới, thầy nhất định đến làm tào trong ngày vào nhà mới nhé”. Giờ đến nhà không biết thầy có rủ lòng thương mà giúp chồng vượt qua kiếp nạn hay không? Cô không biết được suy nghĩ của thầy. Nhưng cô tin thầy Sường sẽ không trách người có lòng hối cải, người biết sai đã gạt thể diện sang một bên đến cầu cạnh mình.
Cả ngày hôm nay cơn đau bỗng dừng hẳn, Ngàn như người bình thường. Chỉ là miệng anh vẫn còn thấy đắng, chưa ăn được nhiều cơm. Để cái gậy sau cánh cửa, chẳng cần dùng đến, có thể anh sắp khỏi bệnh rồi chăng? Uống thuốc của thầy hướng mặt trời lặn chưa được một tuần, anh thấy trong người khác hẳn, những cơn đau không còn kéo đến hành hạ mỗi ngày nữa. Đêm ngủ cũng ngon giấc hơn, vợ con không phải thay nhau canh chừng bố. Nhưng đêm nay Ngàn lại khó vào giấc. Tiếng gì nhỉ? Ngàn dỏng tai nghe tiếng chim đào huyệt kêu “khụt rù, khụt rù” vọng về từ núi phia Đeng. Đã lâu lắm rồi không nghe thấy tiếng chim đào huyệt kêu vào lúc gần sáng rồi. Trong làng sẽ có người ra đi, Ngàn tin chắc như thế. Nhưng Ngàn tin người đó không phải mình, bởi anh còn khá trẻ. Ngàn lắng nghe, đếm tiếng kêu của chim đào huyệt. Mười sáu, mười bảy… Ngàn không đếm tiếp được nữa, anh dần chìm vào giấc ngủ. Rồi anh chìm vào giấc mơ. Bà đang nói chuyện với anh. Bà nói anh hãy nhanh đến với bà, trên thiên đường bà có nhiều ruộng vườn không ai giúp, một mình không có sức để làm. Anh đã đi theo bà. Hai bà cháu bước đi trên con đường đầy cỏ xanh. Cơn mưa bất chợt đổ xuống, từ trên núi, đất đá chảy xuống ầm ầm, bà anh nhanh chân đã sang được bên kia núi. Bà đang vẫy gọi cháu. Nhưng những hòn đá to từ trên núi đang lăn về phía anh. Chân ngập trong bùn đất, Ngàn hét lên trong tuyệt vọng. Anh sẽ phải vùi xác nơi đây ư? Miệng không ngừng la hét, chân không ngừng vùng vẫy, nhưng càng động đậy người càng ngập sâu hơn.
Anh dùng tay bơi trong bùn lầy, khi tỉnh lại người ướt đẫm mồ hôi. Anh ngồi dậy, nhìn ra cửa sổ, ngoài trời vẫn một màu đen sẫm. Chú mèo vẫn nằm ngon lành trên chăn. Mùa rét mèo thích nằm chăn ấm với người. Nếu không có chú mèo nhảy lên giường tìm nơi ấm để nằm thì anh vẫn chìm trong giấc mơ. Thùy bảo đêm nằm thì đóng cái cửa vào để nó khỏi vào nằm cùng, nhưng anh không bao giờ đóng cửa buồng khi đi ngủ. Trải qua cơn ác mộng, Ngàn không sao ngủ tiếp được. Người già bảo mơ thấy mỏ nước đùn lên xanh là điều tốt, mơ thấy đồi sụt, núi lở là đại xấu. Bà đã đến đón cháu đi cùng. Hồn vía Ngàn đã đi với bà rồi. Không lẽ tính mạng của anh đã như ngọn đèn dầu sắp cạn rồi sao? Ngày mai Ngàn sẽ chuyển lên phòng sách trên tầng ba để ngủ. Ngàn muốn nhìn ngắm khu vườn, ngắm những ngôi nhà bên hàng xóm, ngắm những cái cây thấp dưới tầm mắt. Anh muốn đặt chân đến hết mọi ngóc ngách trong căn nhà này. Để khi sang thế giới bên kia anh sẽ lưu lại những hình ảnh đẹp nhất về ngôi nhà mới. Anh thầm mong những giấc mơ diễn ra trong căn nhà mới. Nhưng khi mơ anh lại thấy mình vẫn ăn, ở, nằm trong ngôi nhà sàn lợp ngói âm dương. Lẽ nào anh không nghe lời thầy mà hồn vía vẫn mãi ở trong ngôi nhà cũ? Anh không thể bắt giấc mơ hiện ra theo ý mình được.
Ngàn là một thợ máy khoan giỏi. Trong một lần leo núi khoan mở rộng mặt đường, anh đã nhìn thấy một cái chum giấu trong hang đá. Ngàn nhấc cái chum lên, nhưng cái chum như dính vào đá nặng trịch. Ngàn sợ người ta trấn ma gà trong chum. Nhưng có ai lại trấn ma gà đưa lên lưng chừng núi đá cất kỹ như thế. Mấy ngày nổ mìn phá đá chẳng ai nhìn thấy hang. Hôm nay Ngàn đeo dây bảo hiểm, khoan những mũi khoan mới để tra thuốc nổ mìn đã vô tình thấy cái hang này. Bà anh kể những thầy giỏi mới có thể mời ma gà vào trong chum rồi dùng pháp trấn, đem chôn xuống đất trong rừng sâu. Chum cất trên hang núi cao chỉ có thể là vàng bạc châu báu. Nghĩ đến vàng bạc trong lòng anh thầm vui sướng. Nếu phải chum vàng thật anh sẽ không còn phải làm công nhân kỹ thuật khoan đá, phá núi nữa. Có vàng anh sẽ xây nhà, mua xe... Ngàn cẩn thận mở nắp chum, những thỏi vàng làm anh lóa mắt. Không ai nhìn thấy Ngàn đang làm gì. Anh để chum vàng ở chỗ cũ, cầm máy tiếp tục khoan lỗ. Đêm nay anh sẽ về nhà. Anh phải đem của trời cho này về với vợ con. Ngàn đã nhặt, xin được mấy ngàn viên gạch để xây nhà cấp bốn. Nhưng bây giờ sẽ không làm nhà cấp bốn, Ngàn sẽ làm nhà ba, bốn tầng bằng những viên gạch chỉ tám lỗ màu đỏ.
Ngày Ngàn vẫn sắc thuốc uống, ngày ba lần như những bữa cơm. Năm nay Ngàn muốn cùng vợ tham gia hội xuân ở làng. Thầy Sường nói nếu Ngàn vượt qua được tết thượng nguyên mới có thể làm lễ nối số. Anh tin sẽ sống thêm được một, hai giáp nữa. Căn nhà mới, anh cũng còn trẻ lắm… chưa thể đi được lúc này...
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...