Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
05:45 (GMT +7)

Nhà chật

Truyện ngắn. Phạm Thanh Thúy

Cầu thang thì quá rộng nhưng các căn phòng lại chật hẹp một cách kì cục, không tương xứng. Thằng Khánh, lần đầu tiên bước chân vào nhà Phi tìm cha nó, đã đầy ngạc nhiên:

“Ơ! Thế mà em cứ tưởng nhà anh rộng lắm chứ.”

Nó đã nói ra điều mà cho đến bây giờ Phi vẫn không hiểu tại sao cái sự khập khiễng như thế lại xảy ra với khu tập thể cao ngút năm tầng đã hoen cũ của mình, mà khi còn nhỏ, Phi cứ ngỡ một toà nhà khổng lồ, phải leo rất nhiều bậc thang mới lên được căn phòng chon von và chật chội, nơi không có ngọn cây nào chạm tới được, và ngoài ô cửa chỉ có mây bay, gió thổi.

Phi không biết thằng Khánh vì lý do nào đã tự mời mình dọn đến căn phòng của Phi. Và nó tính toán khá chuẩn để không mấy khi phải chạm mặt Phi ở nhà. Nghĩa là khi Phi về thì nó đi, khi Phi đi thì nó về. Phi biết sự có mặt của nó nhờ những món đồ cứ vài bữa lại nhiều lên, ban đầu còn bày dè dặt, sau cứ lấn lướt dần. Có điều Phi thấy lạ. Những món đồ của nó lại không phải quần áo, thiết bị cá nhân, mà toàn là búp bê gỗ, búp bê sứ, chuông gió, vòng tay, cầu thuỷ tinh, ốc biển…

***

Ông ta mang một màu trầm lặng cổ xưa. Điều đó chỉ khiến căn phòng vốn chật hẹp thêm ngột ngạt và buồn. Vẻ trầm lặng ấy ông ta thể hiện ngay cả trong những bữa ăn, với lối ăn chậm chạp, như đếm từng hạt cơm, như sợ đau một miếng đậu rán. Ngay cả trong giấc ngủ, như đã ngừng thở từ lâu. Ông ta ít nhìn Phi, và dường như cố để không phải làm việc đó. Ông ta cố giữ cho mình thật hiền lành, cũng thật xa cách, để Phi không cảm thấy sự có mặt của ông ta làm xáo trộn mọi thứ.

“Bố em yêu mẹ anh. Mẹ anh yêu bố em. Hai cụ yêu nhau. Thế thì còn gì bằng.”

Thằng Khánh cười khành khạch, duỗi chân một cách thoải mái trên chiếc đệm đã bẹp vết người nằm lâu năm, ngó mơ màng một con nhện trên trần nhà đang thưởng thức con ruồi bắt được với vẻ nhàn tản. Đó là một hôm Phi đột nhiên không muốn rời nhà, và thằng Khánh từ đâu đó trở về với bộ đồ đầy bụi bặm. Nó bảo anh không phải lo chỗ ở của em. Mỗi tuần em tá túc nhà một đứa bạn. Khi nào chán thì đi tỉnh xa. Em có bạn khắp mọi nơi. Trời ơi, đến nỗi không nhớ hết nổi.

Phi không hỏi mà nó tự trả lời, như thanh minh cho việc đột nhập, lấn chiếm không gian của Phi bất hợp pháp. Thực ra Phi không mấy quan tâm đến việc thằng Khánh tự động mang đồ của nó đến chỗ Phi, nếu những thứ đó không mỗi ngày một đầy lên, và nhất là cái câu nó hỏi:

“Sao anh không có những thứ như thế này nhỉ? Anh không có ai tặng chúng à?”

Phi biết mà, chúng là quà tặng. Khánh khoe mỗi món đồ là đại diện cho một người bạn mà nó gặp và kết thân trong đời. Một số là họ tặng nó, một số là nó tự tặng mình nhân một mối quan hệ thiết lập.

***

Lão bảo vệ trường không rượu và thuốc, nhưng căn buồng lão ở luôn nồng nặc mùi khó thở vì mồ hôi dầu và thói lười tắm giặt. Lão dọa khi nào về già, Phi cuối cùng cũng giống lão mà thôi, nếu Phi dốc tuột đời mình cho cái ngôi trường cũ rích và tẻ nhạt này. Phi làm việc cho một trường đại học. Công việc âm thầm. Ngày nào cũng chỉ lo mỗi việc khoá vào, mở ra những cánh cửa, bật lên, tắt đi những bóng điện, loa đài và dây dợ nhì nhằng, sửa chữa những chiếc máy tính cũ nát và ẩm ương. Thực ra ngôi trường là nơi cha mẹ Phi đã dâng hiến tuổi trẻ của mình, và như lời bà, đó cũng là nơi bà chôn chặt bao nhiêu hi vọng.

Nhà Phi ở, khu tập thể năm tầng hoen cũ ấy, là một phần của trường đại học.

Lão bảo vệ là người bạn thân nhất của Phi ở trường. Lão không có tính cách gì đặc biệt. Mối quan tâm lớn nhất của lão là những phận người không liên quan đến mình. Ví như mẹ Phi. Lão bảo mẹ Phi là một người đàn bà dở người. Mười bảy năm giam nhan sắc trong cái chuồng chim, cuối cùng lại mở cửa lồng cho một gã già khú đế và bất lực. Lão cười cúc cúc như gà mái gọi sống. Thế thôi. Chẳng bình luận gì thêm nữa. Quả thực, nhận định của lão làm Phi có bực mình trong mấy hôm đầu ngủ ké phòng bảo vệ hôi nồng mùi mồ hôi dầu đó, nhưng Phi không cảm thấy kiểu cười của lão là khả ố. Nó chỉ như một cơn khó ở bất thường. Thế mà có lần lão buột miệng bảo Phi: “Gã bồ của mẹ mày hay ra phết, cứ bí ẩn như cao thủ võ lâm. Thế mà ngày xưa cùng đơn vị với tao đấy, tiếc là không biết nhau thôi.”

Có vẻ như không an tâm khi cả hai cha con đường đột chiếm dụng căn phòng chật chội của mẹ con Phi, thằng Khánh có lần kể về một cơn lũ bất ngờ và tai ác đã cuốn phăng ngôi nhà nhỏ yên tĩnh của ông ta, tức là cha nó. Căn nhà dưới chân núi, cạnh một dòng nước nhỏ, mái ngói và các bờ tường bị hơi ẩm núi rừng làm cho cũ xỉn, rêu xanh phủ lên nó một màu huyền hoặc. Ông ta yêu ngôi nhà, yêu những bậc đá trơn rêu, yêu mấy khóm hoa thược dược trước cửa, mấy chùm phong lan hoa tím ngát, yêu rừng ổi chín thơm lựng bên sườn nhà, yêu những viên sỏi nhỏ trắng tinh rung rinh trong làn nước suối trong vắt. Vì yêu quá, nên khi đứng trên con đường ngang núi nhìn ngôi nhà tan biến dưới những thân cây đổ nát, ông ta oà khóc như một đứa trẻ bị đòn, như người con mất mẹ, như trái tim bị ai thò tay giật phăng khỏi lồng ngực khô gầy.

Phi cười vì tài diễn đạt của Khánh. Nó làm như khi chứng kiến cơn lũ cướp mất ngôi nhà đó xảy ra với chính nó, cảm giác đó là của nó, chứ không phải của người cha già, mà Phi cầm chắc có thể ông ta không đau khổ đến thế.

“Em cũng tiếc ngôi nhà. Nếu anh một lần đến đó, chắc chắn sẽ không bao giờ muốn về cái tổ chim này nữa. Ông già em cũng mơ mộng, hoài cổ và bảo thủ lắm. Cứ làm như trên đời chỉ có thế hệ của cụ với cuộc chiến đau khổ và vinh quang đó.”

Ông ta có quá nhiều thời gian để thấm đẫm dấu vết của mình trong căn phòng chật chội mà mười bảy năm trời chỉ lưu giữ một hình bóng cha Phi. Vẫn những bức ảnh treo trên tường với những nụ cười, gương mặt chẳng bao giờ thay đổi. Vẫn tấm rèm cửa màu xanh đã bợt màu. Vẫn chiếc giường hạnh phúc bằng gỗ mít mà ông bà nội đóng nhân dịp cha mẹ Phi cưới nhau. Bây giờ nó chỉ cũ hơn đi, và tệ hơn, nó đã trở thành chiếc giường hạnh phúc của mẹ và người đàn ông khác.

…Câu hỏi có vẻ vô tình của Khánh như liệng hòn đá vào một khoảng lặng. Không gian chật hẹp của Phi đã lâu rồi không còn lưu dấu quà tặng. Lão bảo vệ phán như thánh sống rằng Phi bị mẹ mình giam hãm, bao bọc một cách kì cục trong tình yêu mà không biết mình đã trở thành kẻ cô đơn suốt những năm dài, buồn cười là lại không thấy phiền lòng. Không ai tặng quà Phi ngoài mẹ và một hai người bạn hiếm. Những món quà đó lại không giống những món quà Khánh có, và Phi cũng chẳng bao giờ nghĩ sẽ tự tặng quà mình. Mấy món quà nho nhỏ cha tặng ngày xưa Phi đã hoá theo ngọn lửa vào những ngày đau buồn nhất. Bà nội bảo Phi làm thế. Để ở bên kia thế giới lạnh lẽo, cha Phi có những món quà mang hơi ấm của con trai mà yên lòng.

Mẹ yêu Phi nhất trên đời. Nhưng mẹ lãng quên cười.

“Sao không thấy anh đi chơi với bạn gái bao giờ? Hay để em giới thiệu nhé. Em quen nhiều bé xinh lắm.”

Khánh tỏ ra sôi nổi và thân mật trong một bữa cơm. Nó có vẻ muốn thúc đẩy mối quan hệ anh em ghẻ lên tầm ấm nóng khi nhận thấy không khí tẻ lạnh trong ngôi nhà.

“Nhà chật thế này, ma nó yêu với lấy.”

Phi gằn một câu, như mũi tên bắn thẳng vào người đàn ông u buồn đang ngồi bên cạnh mẹ. Mẹ gượng cười:

“Anh mày tính trầm lặng, lại suốt ngày chúi đầu vào máy móc nên khô khan…”

Khánh cười khanh khách:

“Giời ạ. Khối đứa con gái thích khô khan. Mẹ cứ để con…”

Chỉ có ông ta không cười, không hưởng ứng. Đôi mắt u buồn của ông nhìn xa xôi, như chẳng có gì ở gần bên ông ta là đáng nhìn.

***

Ông ta định dựng lại ngôi nhà ngay sau trận lũ, nhưng anh trai của Khánh, hiện đang sống trong thành phố, cũng trong một căn hộ chẳng khá hơn căn hộ của mẹ con Phi là mấy, tỏ ra chẳng bằng lòng. Anh ta bảo cha đã già rồi, cơn lũ thế mà cũng làm được một việc tốt, là đưa cha về với đời thực. Từ lâu anh ta lo lắng thấp thỏm khi để cha sống một mình trong ngôi nhà giữa hẻm núi thâm u ấy. Anh ta sợ vào một hôm nào đó, khi cửa mở, trước mắt con mắt tê dại của mình là xác cha già đã phủ rêu xanh.

“Em thì chẳng trông mong gì được rồi. Em đi suốt…”- Khánh ngắm con nhện trên trần nhà, tiếp tục giải thích nguyên do loằng ngoằng dẫn đến việc cha con họ chiếm dụng không gian của mẹ con Phi.

Ông ta không biết phải làm thế nào để bắt đầu lại ngôi nhà. Vả chăng có dựng lại được, thì tất thảy những kỉ niệm về nó cũng chẳng còn, chỉ còn chút dấu vết là nền nhà cũ, dòng suối cũ.

Thế rồi ông ta ốm. Bao nhiêu năm cô độc giữa rừng núi thì không đau ốm, nay đã ốm là ốm ra trò. Đến bệnh viện, ngoài bệnh chính đang gặm nhấm ông ta, bác sĩ còn phát hiện ra một vài bệnh khác nữa. Bác sĩ bảo với đám con ông là may đấy, nếu ông cụ cứ thui thủi trong rừng mãi, thì sẽ có ngày tất cả những căn bệnh quỷ quyệt đó sẽ đồng loạt tấn công. Anh trai cả thở phào. Xem ra, trong lòng anh ta, cơn lũ kia đã trở thành bằng hữu.

…Phi không về ăn cơm nhà, chuyển từ cơm trưa cơ quan sang cơm tối cơ quan cùng lão bảo vệ. Để mỗi khi về nhà thay quần áo, bước từng bậc thang, nghe tiếng hát của cha trong những buổi chiều xưa vọng về, Phi cay đắng nghĩ đến người đàn ông u buồn trong căn phòng của mẹ con mình. Bao nhiêu năm cô đơn, cuối cùng mẹ lại nâng niu một khối cô đơn khác. Nhưng hình như mẹ cười nhiều hơn, nói nhiều hơn, và ông ta cũng đỡ u buồn, khi không có Phi ở đó.

Một bể cá nhỏ với những con cá nhiều màu bơi lượn bên ô cửa mây trời. Mấy chậu sứ trồng vài thứ cây lá mọng nước. Một chiếc tủ sách nho nhỏ chất chật cứng những cuốn sách gáy dày đến ngao ngán. Sách à? Phi trộm cười, ông ta cũng là một con mọt sách, và hẳn trong ngôi nhà gỗ bên con suối mộng mơ nào đấy nơi câu chuyện của Khánh, ông ta cũng có một tủ sách với những cuốn dày cộp và ẩm mốc… Rồi một chiếc ti vi mới và tủ lạnh nhiều ngăn… Mẹ nhìn Phi gượng cười, cứ như những thứ ấy quá lạc lõng trong căn phòng chỉ ưa màu im lặng.

“Bố em là một con mọt sách. Nên muốn giết chết ông ấy thì chỉ cần vài viên long não. Hì hì. Anh không thích bố em à? Nói thật. Bố em trông thế thôi, chứ tình cảm lắm.”

Khánh thừa nhạy cảm để đọc được những ý nghĩ của Phi. Phi không thích ông ta. Rõ rồi. Ông ta bỗng nhiên từ đâu đến, mang theo một thằng con trai sôi nổi, thích giao du và một cuộc sống đầy cảm hứng. Hai cha con ông ta bỗng dưng nhảy tọt vào cuộc sống của mẹ con Phi, rồi mỗi ngày một tự tin với vai ông chủ.

Nhưng, có thể đã cố lắm rồi, mà không khí trong căn phòng không khá lên được, Khánh càng ít về hơn. Mỗi ngày trôi qua, Phi nhận thấy những món quà của nó không đầy thêm nữa.

Căn phòng bỗng mọc thêm một bức ngăn mỏng, tạm gọi là tường. Ông ta và mẹ đã đồng thuận làm việc đó. Bức tường mọc lên nghĩa là hai thế giới được thiết lập chính thức. Mẹ và ông ta một bên, Phi một bên. Thế giới bên hai người đó có cá vàng, chậu cảnh và tủ lạnh nhiều ngăn. Thế giới bên Phi lưu dấu những món quà của những kẻ Phi chưa bao giờ biết mặt, chưa bao giờ hỏi tên. Chỉ không có những món quà gợi cho Phi một kỉ niệm về ai đó mà Phi yêu dấu.

Phi sống nhiều hơn ở bên ngoài, trong căn phòng oi mùi mồ hôi lưu cữu của lão bảo vệ đơn thân.

***

Nhà trường tổ chức một buổi chiếu phim về chiến tranh cho sinh viên xem. Nghe nói đây là những thước phim thực tế khốc liệt về cuộc chiến đã qua, lần đầu được công bố. Lão bảo vệ hào hứng, đích thân đến tận căn phòng chon von tận tầng năm hoen cũ rủ ông ta. Nhìn thấy ông ta trong phòng chiếu phim, cạnh lão bảo vệ đang cười khịt khịt, Phi ngao ngán lắc đầu.

Phi tắt đèn, khởi động máy chiếu. Khi những hình ảnh đầu tiên bắt đầu chuyển động, lão bảo vệ vẫy Phi lại, bảo ngồi cùng cho vui.

Phòng chiếu ồn ĩ với gần trăm sinh viên đang vừa xem phim, vừa ăn sáng, vừa lướt web và bàn tán ồn ào. Ông ta ngồi khoanh tay trên bàn, im lặng và cứng ngắc như một pho tượng. Căn phòng nhập nhoạng sáng vì những quả bom phát nổ trên những thước phim. Những quả bom tuôn khỏi bụng máy bay như thác. Tiếng đứa con gái ngồi sau lưng Phi nói như hét: “Trông ngon như bánh cá ấy nhỉ.” Câu nói của con bé làm đám sinh viên cười ầm. Ông ta ngoái lại nhìn con bé, nhưng căn phòng lập tức chuyển sang những gam màu tối…

Những thước phim trôi dần đi trong ồn ào. Trên màn hình lại hiện ra cảnh lính Mỹ đang áp giải hai người Việt. Bọn sinh viên lại bảo trông cứ như dắt trâu ý nhỉ. Rồi những mái nhà cháy bùng bùng, đám sinh viên cười rộ vì một câu hóm hỉnh: “Ái chà, có thịt chó mà nướng thì ngon phải biết.”

Trên bàn, sau mỗi chuỗi cười của đám sinh viên, những ngón tay khô gầy của ông ta run rẩy. Ông ta dán chặt đôi mắt lên những thước phim đang trôi, môi mím chặt, như cố nín nhịn để không thốt lên một lời nào đó.

…Phi quay lại phòng chiếu thì bộ phim cũng vừa kết thúc. Không thấy ông bảo vệ già cùng ông ta.

Tối đó mẹ gọi điện hỏi Phi, ông ta không về nhà.

Bẵng đi, một ngày nọ, khi Phi về nhà với những bộ quần áo bẩn cần bàn tay mẹ chăm sóc, thấy căn phòng vẫn nguyên cá vàng, chậu cảnh, tủ lạnh nhiều ngăn, chỉ không còn ông ta ở đó. Mẹ bảo từ nay Phi đừng ra ngoài nữa. Bây giờ lại chỉ có mẹ con Phi, như ngày trước.

Phi nằm nhìn trần nhà, ngắm con nhện đang bất động trên tấm lưới giăng của nó. Nhện dường như cũng đang nhìn Phi. Nó có phải là con nhện của ngày xưa, của năm nảo năm nào hay không, đã chứng kiến Phi không biết buồn, biết nhớ?

***

Mẹ bảo dỡ vách ngăn ra cho căn phòng trông rộng rãi. Nhưng khi bắt tay vào làm, tự nhiên Phi không muốn nữa.

Lão bảo vệ thi thoảng hỏi thăm ông ta, vẻ rất lo lắng, sốt ruột. Mẹ xem ti vi, một bộ phim tình cảm dài tập rồi khóc cho nhân vật chính. Đêm như vô tận, bên kia vách ngăn nén những tiếng thở dài…

Ông ta không một lần trở lại, như là đã biến mất khỏi cõi đời. Phi không cảm thấy mình có lỗi khi ông ta biến mất, mà đi trên phố đông, không hiểu sao cứ thon thót trong tim mỗi lần chạm mắt một dáng người già nua và u buồn, đã toan chạy đến níu tay nhưng nhận ra nhầm người.

Một ngày, Khánh gọi cửa, nói nó đến lấy những món đồ. Nhưng bước vào căn phòng, nó lại ngồi im rất lâu, miệng nhả khói thuốc và mắt chăm chú ngắm con nhện trên trần nhà. Nó bảo khu nhà này kì thật. Cầu thang thì dàn hàng tránh nhau không hết, mà nhà ở lại chật như nêm.

Rồi nó ngủ.

***

Phi tỉnh giấc ban sáng thì Khánh đã đi. Nhìn khắp căn phòng, Phi ngỡ ngàng, những món đồ lưu dấu những chuyến đi và những gương mặt quen của Khánh vẫn còn đó, lại thêm một chuông gió lạ và một mẩu giấy gấp nếp cẩn thận: “Em Khánh tặng anh tất cả chỗ quà này. Anh đừng vứt đi nhé. Bố em vẫn khoẻ.”

Phi không muốn gặp lại ông ta và Khánh. Nhưng trong không gian của mẹ con Phi, khoảng trống mà hai người để lại vẫn không đầy, và mỗi lần mắt chạm một dáng người già nua, u buồn trên phố, không hiểu sao tim Phi lại thon thót…

Cầu thang thì rộng, mà căn phòng thì hẹp, giờ lại thêm một vách ngăn và những món quà lưu dấu những kỉ niệm Phi không hề biết mặt.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Vị chát trung du

Văn xuôi 5 ngày trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 5 ngày trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 6 ngày trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 1 tuần trước

Đôi cánh mẹ cho

Văn xuôi 2 tuần trước