Thứ bảy, ngày 21 tháng 09 năm 2024
15:46 (GMT +7)

Nguồn gốc của Hát Then và đàn tính, theo tích cổ

VNTN - Hát Then là một sinh hoạt văn hóa gắn với tâm linh của tộc người Tày, Nùng ở Việt Nam đang được Bộ Văn hóa lập hồ sơ đề nghị là di sản văn hóa thế giới cần được bảo tồn lưu giữ. Ta thử tìm hiểu về cội nguồn và nghệ thuật biểu diễn của loại hình này.


Người Tày Nùng khi người có bệnh thường có câu: “Phi cụng khả/ Nhả cụng da”- Ma cũng đuổi/ Thuốc cũng chữa. Người ốm được dùng các loại dược liệu trong thiên nhiên để chữa đồng thời cũng mời những người hành nghề Then, Phửt, Tào đến chữa bệnh bằng phương pháp tinh thần.

Với chức năng là chữa bệnh tinh thần nên hát Then vận dụng nhiều hình thức thể hiện như âm nhạc (gẩy đàn tính, xóc nhạc, thanh nhạc, hát), lời ca giàu chất văn học, múa và các trò vui chơi khác... Nhằm trút đi nỗi ưu phiền đem lại tinh thần vui vẻ cho người bệnh.

Người hành nghề Then, Giàng có các đạo cụ: Đàn tính tẩu, (đàn làm bằng vỏ bầu khô), chùm xóc bằng bạc (tượng trưng là ngựa để Then, Giàng  cưỡi), quạt (quạt thánh ban dùng quạt mây quạt gió), ấn (bằng kim loại khắc chữ Hoàng) xích lình (cục gỗ nhỏ hình lăng trụ dùng để thị uy khi hành lễ), xính cáo (vật đánh âm dương), dao nhọn, kéo, khăn mũ... Các vật dụng trên giúp Then thực hiện được sứ mệnh trấn quỷ diệt tà cứu dân.

Hát Then được tồn tại từ lâu trong đời sống người Tày, Nùng. Việc ra đời của Then như quan niệm của người Tày, Nùng đó là người mắt sáng (gần tha rủng), Tiên trên trời nhập vào người trần gian để giúp dương gian trừ tà cứu dân. Nên gọi là Then nghĩa là Thiên (Trời). Hát Then là khúc hát của trời xua tà quỷ cứu dân.

Nói về nguồn gốc của Hát Then trong Cao Bằng tạp chí của Bế Huỳnh, năm 1920, chương Dị đoan, mục Thầy Đồng, Bà Cốt có viết: “Thời Nam Bắc triều ở châu Thạc Lâm có ông già làm nhiều việc thiện mà không có con trai nối dõi. Một hôm nhặt được trong núi một cái bọc về đưa cho vợ, vợ mở ra trong đó có ba bé gái… Cả ba cô ông nuôi cho lớn đều có nhan sắc, tên cô cả là Vân Tiên, cô thứ hai là Quỳnh Tiên, thứ ba là Bích Tiên, cô Vân gả cho người Nùng, cô Quỳnh gả cho người Ngạn. Cô thứ ba không chịu lấy chồng nói là ở nhà nuôi dưỡng cha mẹ. Khi cha mẹ chết, Bích Tiên cúng tế lễ chôn cất cho đủ lễ nghi cho đến khi đoạn tang. Một hôm cô gặp cô tiên trong núi bảo: “Người là cô gái nhỏ mà ta đã cứu ở động Bà Di, thác sinh lại để truyền nghề đồng cho đời. Nay ta ban cho người một chuỗi chuông sắt liên hoàn, một chiếc quạt và dạy cho người phép vẩy quạt, rung chuông và lại truyền cho lời chú, trong chốc lát bệnh sẽ khỏi ngay. Lại nói: “Một khi người về qua đường gặp đám ma của vị Thái Tử, người vào cứu chữa, Thái Tử sẽ sống lại ngay. Từ đó về sau người phải trai giới, không được ăn thịt trâu, chó và chuyên giữ đạo ấy truyền cho người đời, giữ lòng làm thiện thì người sẽ được suốt đời no ấm và mãi mãi được tiếng tốt”.

Cô Bích Tiên báo nhân trở về, quả như lời cô Tiên dặn, cô cứu được vị Thái Tử sống lại, nhà Vua ban thưởng rất hậu và phong làm Phật Bà, cho nên ngày nay gọi cô Đồng là Bụt. Tục gọi là Dả Vịt. Từ đó đạo Phật rất thiêng, tiếng tăm lừng lẫy. Trước hết cô truyền nghề cho cô Vân và cô Quỳnh. Cô Vân lại truyền cho người Nùng, tục gọi là Vỉt Nùng. Cô Quỳnh truyền cho người Ngạn, tục gọi là Vỉt Ngạn. Khi Bích Tiên hơn ba mươi tuổi thì có viên quan nhạc tên là Thế Khanh, nghe tên Bích Tiên tuổi tuy đã lớn nhưng nhan sắc còn đẹp, lại có phép làm cho người chết sống lại bèn giả ốm mời cô đến cứu chữa. Thừa cơ chàng dùng lời ca tiếng hát để khiêu gợi tình cảm. Bích Tiên bị chàng quyến rũ bèn lấy làm thiếp vị quan nhạc đó. Khi rỗi rãi nàng mới kể lại lai lịch của mình học được nghề đồng như thế nào. Chàng quan nhạc bèn dựa theo các tiết mục trong đạo Pháp mà soạn ra các ca khúc để ca tấu, làm ra các khoa: cúng Ngọc Hoàng, Thổ Công, Táo Quân, cúng Tổ Tiên… gọi là nhập môn, tục gọi là khảu tu và các bài gọi là Lên núi (Đăng sơn), Vượt Biển (Quá hải) âm thanh trong trẻo, âm điệu rất hay… tất cả được soạn thành bản, đàn đệm du dương rất đáng thưởng thức, cô Bích Tiên cầm lấy mà hát và đánh đàn xen vào mà sự linh ứng vẫn không ngoài phép thuật có bản là rung chuông vẩy quạt và niệm chú, tục gọi là Vỉt Tày. Về sau hai chị em Vân Tiên và Quỳnh Tiên nghe Bích Tiên mỗi khi làm phép lại có ca nhạc, họ cũng tìm tới ông quan nhạc nhờ soạn các khúc cho mình. Quan nhạc bèn phỏng theo các tiếng Nùng, tiếng Ngạn mà soạn cho họ nhưng không chung tới điệu đàn để cho phép thuật được phân biệt. Đó là việc cô Đồng học phép từ ngày trước, xong truyền về sau lâu ngày người ta quên mất lời chú do cô tiên dạy cho đến nay chỉ còn các bài hát do ông quan nhạc soạn mà thôi.

Thầy đồng nam cũng do các cô đồng nữ truyền nghề cho gọi là Giang nghĩa là tàng pháp, pháp hiệu của cô đồng nữ lúc mới học nghề vậy. Khi hành nghề mâm hương có năm bát gạo, ba bát đặt hàng ngang cúng ba chị em Vân Tiên, Quỳnh Tiên, Bích Tiên, một bát đặt riêng có quả trứng cúng vị quan nhạc, một bát gạo đặt ngựa (khẩu mạ). Trong chương nhân vật còn nói, Lê Thế Khanh người tổng Nhượng Bạn, châu Thạch Lâm, năm 409… Thế Khanh rất sính về âm nhạc, chàng dùng quả bầu chế ra đàn, dùng tơ làm dây đàn. Phổ vào bài hát bằng tiếng Tày nghe rất sướng tai…

Nhạc cụ gắn với hát Then là cây đàn tính tẩu. Đàn được làm ba thứ: bầu đàn bằng bầu tròn khô cắt tròn miệng bằng một phần ba đường kính quả bầu, cán đàn bằng gỗ dài ngắn tùy vào người dùng đàn là Then hay Giàng, dây đàn làm bằng tơ tằm se lại.

Theo truyền thuyết của người Tày Cao Bằng thì cây đàn tính tẩu là vật thiêng được Tiên trên trời làm ra ban xuống trần gian. Về sự tích cây đàn trong Then kể như sau: Có nàng Tiên trời xuống trần gian du xuân, nàng lấy tơ bện ba sợi thành dây lấy quả bầu khô làm bầu, lấy gỗ trầm hương làm cán, tạo ra cây đàn 12 dây, âm thanh đàn vang vọng khắp thế gian lọt đến cả cõi trời: “Síp song sai tơ duyên tâu tó/ Vọng quây khóp lý lộ quan sang...” nghĩa là: Mười hai dây tơ giăng mắc/ Vọng ngàn xa vang động non ngàn...

NSƯT Nông Văn Khang, người nghệ sĩ hát Then nổi tiếng vùng Việt Bắc, đã đưa nghệ thuật hát Then đàn tính lên đỉnh cao.

Nghe tiếng đàn Nàng Tiên gẩy, người và muôn loài ngây ngất quên ăn, có con sầu héo lòng mà chết. Tiếng đàn lọt đến tai Phựt Luông, Phựt cho sứ giả xuống xem. Tiên nữ bị Phựt gọi lên hỏi tội. Nàng quỳ lạy Phựt Luông thưa rằng: “Thân tôi chẳng có tội gì đâu/ Người sầu thì lấy tính giải sầu/ Đặt lời cho người trần thiên hạ/ Dương gian có đại lễ dâng lên... Không có tính đi đường ngơ ngác/Đường đi bưng như mực tối đen/ Tính dây tơ đưa người làm phúc... Phựt thấy tiếng đàn tính làm mê hoặc muôn loài nên đã: Liền cắt đi chín dây tức thời/ Để ba dây làm lễ tiến châm/ Từ đó cung tính vang có hạn. Nay đàn tính có ba dây với các cung: Đường thủy, đường bộ, đường không/ Nối khắp chốn mường trời cõi đất.

Hát Then có sức hấp dẫn với con người là vậy, trong Then có câu: Nghe có giặc nghe đói tâm sầu/ Nghe Then nghe tính tâm nở hoa, nơi đâu có tiếng Then tiếng đàn là người dân tụ đến xem và thưởng thức tiếng đàn, lời ca và nghệ thuật biểu diễn của các nghệ nhân. Nhất là những nghệ nhân có giọng ca hay truyền cảm, gẩy đàn điêu luyện người xem say mê như có một sức mạnh kỳ lạ cuốn hút họ.

Triệu Thị Mai

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy