Nguồn gốc câu đối đỏ và cành đào tết
VNTN - Phong tục “câu đối đỏ” và cành đào đón tết đã có từ xa xưa, từ thời Ngũ Đại. Ngày nay, việc đón tết mừng xuân bằng “câu đối đỏ” chừng như có vẻ đã thưa dần nhưng cành đào thì vẫn không thể thiếu.
Có bao giờ bạn tự hỏi: Vì sao lại cành đào? Vì sao lại “câu đối đỏ”? Mà không là một loài hoa khác, một màu sắc khác?
Mở từ điển wikipedia của Google ra để tìm lời giải cho câu hỏi này, ta sẽ gặp câu trả lời sau đây: “Theo quan niệm của người xưa, đào có quyền lực trừ ma quỷ và những điều xấu xa. Màu đỏ chứa đựng sinh khí mạnh. Màu đào đỏ thắm là lời cầu nguyện và chúc phúc đầu xuân. Chuyện kể rằng, ngày xưa, ở phía đông núi Sóc Sơn, có một cây đào mọc đã lâu đời, cành lá sum suê, to lớn khác thường, bóng râm che phủ cả một vùng rộng. Có hai vị thần tên là Trà và Uất Lũy trú ngụ ở trên cây hoa đào khổng lồ này, tỏa rộng uy quyền của mình để che chở cho dân chúng khắp vùng. Quỷ dữ hay ma quái nào bén mảng lui tới ắt khó mà tránh khỏi sự trừng phạt của hai vị thần linh. Ma quỷ rất khiếp sợ uy vũ sấm sét của hai vị thần, do đó mà cũng sợ luôn cả cây đào, hoa đào. Chỉ cần trông thấy cây đào, cành đào hay hoa đào là chúng đã cao chạy xa bay. Đến ngày cuối năm, cũng như các thần khác, hai vị thần Trà và Uất Lũy phải lên Thiên đình chầu Ngọc Hoàng.
Trong mấy ngày tết, hai vị thần vắng mặt ở trần gian, ma quỷ hoành hành, tác oai tác quái. Để ma quỷ khỏi quấy phá, dân chúng đã đi chặt cành đào về cắm ở trong nhà, ai không tìm được cành đào thì lấy giấy hồng điều vẽ hình hai vị thần linh dán ở cột trước nhà để xua đuổi ma quỷ.
Từ đó, hàng năm, cứ mỗi dịp tết đến, mỗi nhà đều sắm một cành đào đem về cắm ở trong nhà để trừ ma diệt quỷ và đón mừng xuân mới”!
Câu trả lời về vấn đề này của Google đã nói đúng bản chất và mục đích của việc cắm cành đào và treo “câu đối đỏ” trong ngày tết là để diệt trừ ma quỷ. Tuy nhiên, lời giải đáp đó vẫn đang ở dạng chung chung, đại khái, chưa thật cụ thể.
Chẳng hạn, hai vị thần Trà và Uất Lũy là hai vị thần nào? Hai vị thần đó từ đâu mà ra? Khái niệm về hai từ “ma quỷ” mà hai vị thần Trà và Uất Lũy phải tìm diệt ấy có nội dung như thế nào?…
Thật ra, việc cắm cành đào và treo “câu đối đỏ” trong ngày tết có gốc nguồn từ truyền thuyết Chung Quỳ trừ tà xuất hiện từ thời Đường và xa hơn nữa, từ vu thuật “tiến dạ hồ” trừ tà của cư dân Bách Việt trồng lúa nước phương Nam.
Theo sách “Mộng khê bút đàm” (khoảng 1031-1095), thời Bắc Tống, vị thần trừ tà tên là Chung Quỳ đã xuất hiện như thế này: “Vua Đường Minh Hoàng do bị bệnh Điểm (bệnh sốt rét), trong suốt cả tháng, thầy thuốc đã dùng hết khả năng vẫn không chữa được bệnh khỏi nên trong lòng nhà vua rất buồn bực. Vào một đêm trằn trọc mãi không ngủ được, vừa chợp mắt thì vua mơ thấy hai con quỷ, một con to, một con bé. Con quỷ bé mình mặc áo đỏ, một chân đi giày, một chân đi đất, tay xách một chiếc giày và một chiếc quạt bằng tre. Con quỷ to mặc áo xanh, quấn khăn, lộ một cánh tay, hai chân dậm đất. Con quỷ to đuổi bắt con quỷ nhỏ, xé xác, moi mắt con quỷ nhỏ ra để ăn thịt. Nhà vua hỏi con quỷ to: Ngươi là ai? Con quỷ đáp: Thần là Chung Quỳ, dũng sĩ vô địch. Thần xuống đây để giúp bệ hạ trừ khử bọn yêu nghiệt trong thiên hạ. Tỉnh dậy, nhà vua bèn gọi Ngô Đạo Tử vào, kể lại giấc mộng và nói: “Khanh hãy theo những đặc điểm vừa được nghe trẫm kể, vẽ lại một bức tranh xem sao”. Đạo Tử phụng mệnh quay về phòng mình cầm bút vẽ ngay, chẳng mấy chốc vẽ xong, mang vào trình vua. Vua nói: “Không lẽ khanh cũng có giấc mộng giống trẫm? Sao vẽ giống y như trong mộng của trẫm vậy?”. Đạo Tử đáp: “Do bệ hạ ăn không ngon, ngủ không yên, chỉ nghĩ đến việc trừ họa cho dân nên cả trong lúc ngủ cũng đang nghĩ cách, vì thế mới mộng được rõ ràng như vậy! Quả thực là phải có cảnh tượng này được bệ hạ mô tả lại thì thần mới vẽ được”! Nhà vua phá lên cười, thưởng cho Đạo Tử trăm lạng vàng, đồng thời ra lệnh từ nay về sau ai có công trừ yêu diệt quỷ sẽ được thưởng hậu và nhà vua ra lệnh, từ đây, cứ vào đêm cuối năm hàng năm phải tổ chức lễ trừ tà, xua đi tà khí yêu ma để đón mừng năm mới. Cũng từ đây, trong dân gian đã hình thành nên tục lệ treo bức tranh vẽ hình thần Chung Quỳ trừ tà của Ngô Đạo Tử vào dịp cuối năm, nhất là sau ngày 23 tháng chạp, lúc ông Công, ông Táo trở lại thiên đình.
Tuy nhiên, các bạn sẽ hỏi, câu chuyện vị thần Chung Quỳ trừ tà vào dịp cuối năm thì liên quan gì đến việc cắm cành đào và treo câu đối đỏ?
Theo sách “Đông sơn vân đạo trung nhân biên” thì lai lịch vị thần Chung Quỳ này như sau: “Chung Quỳ vốn là một người thông minh, tài giỏi, quê ở núi Chung Nam, vào kinh đi thi, đỗ trạng nguyên, nhưng diện mạo rất xấu xí, vua không công nhận, đuổi về. Chung Quỳ tức giận, đập đầu tự sát. Sau khi chết thì bay lên trời để tâu với Ngọc Đế về nỗi oan ức của mình. Ngọc Đế phong anh ta là Tướng quân nắm giữ quyền cai quản yêu quái ở trần gian, dùng phép “âm phù”, giúp Bao Công trừ gian, diệt quái. Từ khi Chung Quỳ thâu nhận được phép “âm phù” diệt quái của Ngọc Đế, bọn yêu quái thấy hình bóng Chung Quỳ hoặc nghe đến tên Chung Quỳ là chúng khiếp đảm không dám quấy phá trên trần gian nữa. Chung Quỳ quê ở núi Chung Nam mà núi Chung Nam thì mọc đầy những cây hoa đào cổ thụ. Chung Quỳ vẫn thường đi về qua núi Chung Nam, hình bóng Chung Quỳ luôn ẩn hiện trên những cây hoa đào cổ thụ đó. Bọn yêu quái sợ thần Chung Quỳ đến mức hễ trông thấy cây đào, cành đào, gỗ đào, dù là đào ở núi Chung Nam hay đào bất kỳ nơi đâu chúng đều run sợ và tìm cách lẩn trốn. Từ đó về sau, dân gian lấy gỗ đào để làm các loại bùa yểm quỷ”.
Sách “Tống Sư”, tác giả Ngũ Thế Gia viết: “Hậu chủ nước Thục đời Ngũ Đại ra lệnh cho các học sĩ làm bùa yểm. Nguyễn Nhật làm lá bài hộ chủ, gỗ đó là chất liệu lấy từ cây đào trong núi, quỷ trông thấy phải khiếp, chính thứ này làm thành những lá bùa ngày nay, do bùa làm từ chất liệu gỗ đào nên chỉ gọi là treo bùa yểm, chứ không gọi là “dán bùa”. Lá bùa gỗ này được sử dụng tận tới sau thời Ngũ Đại mới đổi thành chất liệu giấy, đây cũng chính là khởi điểm cho việc dán câu đối. Câu đối có nguồn gốc từ việc treo tranh Chung Quỳ để đuổi quỷ rồi đến việc chạm khắc bùa yểm lên gỗ đào để treo hai bên cánh cửa, sau thời Ngũ Đại thì đổi từ gỗ sang giấy”.
Như vậy, chúng ta đã biết, ma quỷ sợ gỗ đào là xuất phát từ việc thờ thần Chung Quỳ. Nguồn gốc ra đời của câu đối cũng xuất phát từ việc treo tranh Chung Quỳ trừ tà, làm bùa yểm, khắc chữ lên gỗ đào để treo cửa, sau đó mới chuyển thành việc viết chữ lên giấy.
Còn việc ma quỷ sợ màu đỏ (câu đối đỏ) là xuất phát từ đâu?
Đây là một quan niệm về phong tục có nguồn gốc từ Phật giáo.
Sách “Đà la ni tập kinh” viết về cách đặt tượng Tỳ Lỗ Bác Thiên Vương như sau: “Tượng Thiên Vương quần áo xếp bồng về phía trước, tay trái hơi nhấc lên, bàn tay phải nắm lại, tay phải cầm sợi dây đỏ, bởi cầm sợi dây đỏ thì ma quỷ rất sợ”. Quan niệm phong tục này xuất phát từ Phật giáo rồi ảnh hưởng vào Đông Á và Đông Nam Á. Sách “Hậu Hán thư lễ nghi chí” viết: “Lấy sợi dây đỏ bện lại với đồ cúng, bện chỉ ngũ sắc làm trang sức treo ở cửa ngõ để ngăn tà khí xấu”. “Thời Đông Hán thường lấy sợi dây đỏ treo trước cửa ngõ, dây màu đỏ có tác dụng trói ma quỷ, vì vậy quỷ trông thấy mà khiếp đảm”. “Bùa yểm, nếu không yểm chu sa thì trước cửa phải treo dây đỏ, ma quỷ sợ màu đỏ, nhất là sợi dây màu đỏ”. Từ đó, phong tục treo câu đối, ngoài nội dung mừng xuân đón tết thì nhất nhất câu đối phải là “câu đối đỏ” vì màu đỏ là màu có thể yểm trừ ma quỷ, theo quan niệm của Phật giáo.
Tuy vậy, phong tục cắm cành đào, treo câu đối đỏ không phải chỉ đến từ quan niệm cung đình phong kiến vua quan, hay từ ảnh hưởng các quan niệm Phật giáo mà phong tục ấy còn xuất phát từ quan niệm dân gian, biểu hiện ở các trò chơi, các sinh hoạt văn hóa, sinh hoạt lễ hội.
Chúng ta hãy quan sát vu thuật “Đả dã hồ” của cư dân Bách Việt trồng lúa nước - một hình thức sinh hoạt tín ngưỡng đã có từ thời xa xưa.
“Đả dã hồ” là gì?
Chữ “hồ” ở đây là “hồ li tinh”, tức là con cáo đã biến thành tinh. “Đả dã hồ”, có nghĩa là “đánh đuổi con cáo đã biến thành tinh”, một trò chơi dân gian có mục đích trừ ma, diệt quỷ.
Hàng năm, cứ đến tháng chạp, nhất là sau 23 tháng chạp, ông Công, ông Táo đã về trời, sợ ma quỷ hoành hành gây nhiễu loạn, cư dân Bách Việt thường tụ tập lại với nhau, đóng vai thần Chung Quỳ, vai đeo đao kiếm làm từ gỗ cây đào, tay cầm các bó chỉ ngũ sắc, đi đến từng nhà để trừ ma diệt quỷ.
Những người làm vu thuật “Đả dã hồ” cũng gắn bùa phép lên cành đào và dán câu đối đỏ lên cánh cửa hoặc lên bàn thờ của gia chủ để trừ tà.
Ta hãy nghe bài hát chính thức mà cư dân Bách Việt thường hát trong vu thuật “Đả dã hồ”:
Gió mưa không thuận hòa, ma quỷ nổi lên
Giải nghiệp còn nặng nghiệp,
trừ quỷ sao cho tan
Phía đông có một quỷ,
không cho nhìn mặt trời mọc
Phía nam có một quỷ hai mắt đỏ như lửa
Phía tây có một quỷ làm cho mùa thu tàn
Phía bắc có một quỷ, toàn thân
đen như than
Tứ phía đều có quỷ, diệt hết không để sót
Cần treo bùa yểm, không cần
đến thuốc thang
Cung đao trái phải vung lên,
đuốc tung hoành rực cháy
Theo lệnh ta cùng đuổi tà,
hòa với từng bản nhạc
Năm năm trừ đuổi tà, chẳng ác
mộng yêu ma
Nước vạn cỗ xe, thành trì trống trải
Người vật trà trộn, quỷ thần lung tung
Là thiện là yêu, là đẹp là ác?
Cử chỉ khác biệt, dung mạo phân loạn
Kẻ tính đồ gàn, nước mắt lưng tròng
Kẻ thân nghèo hèn, bôn ba lặn lội
Những kẻ bần nông, lăn lộn xa xôi
Những kẻ gian thương mắt sáng vì tiền
Những kẻ ốm yếu, gầy xơ gầy xác
Những kẻ thợ nghề chết không nhắm mắt
Những kẻ nô tỳ chết vẫn không yên
Những kẻ tăng ni vật lộn cầu sinh
Những kẻ trộm cướp ra luồn vào lách
Những kẻ làm loạn chân có đầu không
Kẻ bị rắn cắn mồm miệng kêu than
Kẻ bị trúng tên, tinh thần suy sụp
Trăm nghìn kẻ khác, nhất hô trăm ứng…
Bài hát trừ tà này đã nói rõ từng nỗi khổ ải do “ma quỷ” đưa lại, từ trong đời sống và cả trong tâm tư tình cảm của những người dân bị áp bức.
Bất cứ là ai, bất cứ là gì, nếu đưa lại cho người dân những nỗi khổ mà bài hát đã kể ra đó đều bị người dân xem là tà ma yêu quái, người dân cần xúm nhau lại để “đả dã hồ”, tức là cùng xúm nhau diệt trừ yêu quái.
Trong vu thuật dân gian múa kiếm “Đả dã hồ” của cư dân Bách Việt từ thời xa xưa đã có việc buộc chỉ ngũ sắc, dán câu đối, cắm cành đào vào tiết tháng chạp, sau ngày ông Công ông Táo về trời để trừ tà, tống khứ các rủi ro năm cũ để đón chào một năm mới tốt đẹp hơn.
Nói phong tục cắm cành đào, treo câu đối đỏ để đón mừng xuân tết ở Đông Á và Đông Nam Á đã có từ thời xa xưa chính là như vậy!
Thạch Quỳ
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...