Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
12:44 (GMT +7)

Người Việt và thói “tham vặt” xấu xí

VNTN - Trong hai kỳ họp Quốc hội gần nhất, phạm trù “tham nhũng vặt” đã được nêu lên trong nghị trường như một yếu tố ban đầu cấu thành những đại án tham nhũng lớn. Nghĩ rộng ra, người Việt có “văn hóa tham vặt” không? Phải chăng từ “tham vặt” cho đến “ăn cắp vặt”, rồi tới “tham nhũng vặt” để thành tham nhũng ngàn tỉ,… đã như một quốc nạn? 

Tham là chữ đứng đầu trong ba thói xấu của loài người “Tham - Sân - Si”, nguồn gốc của những cái ác trong nhân loại theo thuyết nhà Phật. Nhưng nếu không “tham” thì không phải con người. Từ xưa, ông bà đã khuyên con cháu phải biết dừng lại đúng lúc - Tri Chỉ. Sách vở Thánh hiền cũng thường dạy phải biết tự cho là đủ - Tri Túc, tham hay không tham là sự trưởng thành của con người, là tầm vóc trí tuệ mà người ta đạt tới…

Và từ tham, khi tặc lưỡi cho qua “tham vặt”, chuyện nhỏ thôi mà, thì có thiếu mới vậy, “đói ăn vụng, túng làm càn”, nhưng rồi chính cái sự dung túng đó vô tình đã chấp nhận “văn hóa tham vặt”, mà tới lúc không đói cũng ăn vụng, không túng cũng làm càn, một nếp văn hóa xấu xí.

Tham vặt - “chuyện vặt” từ xưa

Trong kho tàng ca dao tục ngữ và cổ tích, thần thoại của người Việt có rất nhiều câu nói, câu chuyện về lòng tham, từ tham nhỏ đồng chinh cắc bạc vụn, đến miếng ăn quả trứng con gà, to hơn là bờ rào mảnh sân, nhà cửa đất đai ruộng vườn, rồi tham đến bạc nén vàng đỉnh, cho tới tham xa hoa, tham quyền lực… Cho dù kết cục của những kẻ tham đó đều bị trừng phạt, nhưng xem ra cái tham của người Việt đã được đúc kết, như một thói xấu xí khó bề sửa.

“Tham thực cực thân”, “Tham bát bỏ mâm”, “Tham vàng bỏ ngãi”, “Có một lại muốn có hai/ Có ba có bốn lại đòi có năm”, “Đứng núi này trông núi nọ” là thói tham của người Việt. Thậm chí “Sá chi một nải chuối xanh/ Năm bảy người giành cho mủ dính tay”, nhưng vẫn cứ giành. Từ tham nho nhỏ cho đến tham lớn hơn, “tham phú phụ bần”, “Có chả, em tính phụ xôi/ Có cam phụ quýt, có người phụ ta”, “Mẹ em tham thúng xôi rền/ Tham con lợn béo tham tiền Cảnh Hưng”… Rất nhiều câu ca dao tục ngữ nói lên lòng tham đó. Và chắc chắn người Việt ta hầu như ai cũng biết câu chuyện “Ăn khế trả vàng”, hay “Thạch Sanh”, “Tấm Cám”…, từ cái tham nhỏ cái bát cái đũa trong nhà, đến tham giàu sang quyền lực vương triều..., bao nhiêu bài học đắt giá tính bằng mạng đổi mạng, nhưng xem ra cái “tham vặt” vẫn truyền từ đời này sang đời khác, và các thế hệ sau thì cái “tham vặt” càng có nhiều biến tấu.

Thời đói kém, việc vặt trộm trái quả, đào trộm củ khoai… là chuyện thường tình, hay hài hơn là “trộm” thức ăn, lấy cắp quần áo để có những câu chuyện cười ra nước mắt ở các ký túc xá sinh viên cái thời mấy chục năm trước… Nhưng khôi hài nhất là không ai cho đó là tệ nạn cần phải loại trừ, mà chấp nhận sống chung như chuyện đương nhiên, ai có của thì phải giữ.

Đa diện thói tham vặt của người Việt thế kỷ 21

Không chỉ là vì đói kém, thiếu thốn, mà đôi khi trở thành thói quen “táy máy”, thích những gì của người ta mà không phải bỏ tiền ra mua, trở thành thói xấu “ăn cắp vặt”. Mà “ăn cắp vặt” không chỉ xung quanh nhà hàng xóm, mà là xuyên quốc gia.

Cách đây vài năm, dư luận trong nước từng xôn xao trước chuyện một nữ ca sỹ nổi tiếng của Việt Nam đi biểu diễn ở nước ngoài bị bắt quả tang "trộm" đồ trong siêu thị, gây ảnh hưởng xấu hình ảnh người Việt ở nước ngoài. Một cựu cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Lào từng chua chát nhớ lại những ký ức thời gian công tác tại Lào, ông đã trở thành "khách quen" của trụ sở cảnh sát, bởi tuần nào, ông cũng phải làm việc với họ, để bảo lãnh cho những người Việt ăn cắp vặt, đánh nhau... khi sang Lào.

5 năm trước, vụ việc 4 thanh niên Việt Nam trong độ tuổi 20 bị phát hiện đang ăn cắp quần áo, mỹ phẩm tại một siêu thị ở Tokyo, hay chuyện một cơ phó của Vietnam Airlines cũng từng bị trục xuất về nước vì liên quan đến đường dây vận chuyển hàng ăn cắp từ Nhật về Việt Nam, nhưng không đánh động được sự xấu hổ của người Việt. Tiếp đến xảy ra vụ 6 người Việt ăn cắp quần áo hiệu Uniqlo bị cơ quan chức năng Nhật Bản bắt giữ, qua điều tra cho thấy nhóm người này đã ra tay hơn 100 lần và tuồn hàng về bán ở Việt Nam, hay chuyện một nữ tiếp viên hàng không của Việt Nam cũng bị phía Nhật bắt giữ vì tình nghi buôn mỹ phẩm, quần áo từ một đường dây ăn cắp tại các siêu thị Nhật Bản về Việt Nam…, cũng chỉ xôn xao chút. Theo Cơ quan Cảnh sát quốc gia Nhật Bản, số người Việt bị bắt vì ăn cắp trong siêu thị ngày càng tăng cao, chiếm tới 40% những vụ người nước ngoài ăn cắp tại đây. Và không chỉ ở Nhật. Ở Thái Lan, ở Singapore và vài quốc gia khác cũng đã có trường hợp người Việt, thậm chí người có học thức, có vai vế, bị bắt giữ vì ăn cắp trong siêu thị hoặc ăn cắp tài sản của người bản xứ… Để rồi một số quốc gia lân cận đã viết hẳn những dòng chữ tiếng Việt ở những nơi du khách Việt Nam thường lui tới: "Không lấy ô và giày của người khác để dùng", "Ăn cắp vặt là phạm tội, nếu ăn cắp vặt thì bị phạt tù dưới 10 năm", "Camera phòng chống tội phạm đang hoạt động".

Poster phòng chống trộm cắp ở Nhật nhắm thẳng vào người Việt ( Nguồn internet)

Một hình thức “tham vặt” khác của người Việt trở thành “ác mộng” của các hướng dẫn viên du lịch, đó là sự tham ăn và lãng phí của du khách Việt khi ăn buffet. Việc lấy thức ăn thật nhiều vào đĩa, rồi ăn không hết đã rất khó coi, lại thêm chuyện lấy bánh trái bỏ vào giỏ mang đi, tạo những cái nhìn cực kỳ xấu xí với du khách Việt.

“Tham vặt” còn biến tướng ở việc gian lận trong giới tiểu thương, bán hàng gian hàng giả, hàng nhái… Đặc biệt là các hàng quà rong, quà vặt với những chiêu “treo đầu dê bán thịt chó”, chặt chém khách du lịch ở các lễ hội, các di tích lịch sử hay di sản văn hóa, thắng cảnh…, như chuyện đương nhiên phải có hàng mấy chục năm nay, chưa bao giờ dẹp loạn được. Thậm chí có thể xem như một thành phần của văn hóa lễ hội, không chặt chém khách không phải hàng quán trong lễ hội.

Từ “tham vặt” đến “tham nhũng vặt” và quốc nạn

Theo báo cáo của kỳ họp Quốc hội vừa diễn ra tháng 11/2018, trong 3 năm qua cho thấy mức độ tham nhũng liên quan đến các thủ tục hành chính, các dịch vụ y tế và giáo dục công vẫn không giảm. Những hành vi nhũng nhiễu, vụ lợi, hay còn gọi là tham nhũng vặt đã và đang diễn ra hàng ngày len lỏi vào mọi ngõ ngách, ở các địa phương, lĩnh vực với nhiều hình thức rất đa dạng. Thật không khó để bắt gặp những hình ảnh người tham gia giao thông vi phạm được thông cảm bỏ qua khi thỏa thuận nộp tiền phạt không lấy hóa đơn; ở bệnh viện nếu muốn được điều trị tốt cho người nhà thì phải lo lót tay hay thủ tục hành chính muốn được giải quyết nhanh thì phải có bồi dưỡng; thậm chí đến khai tử cũng phải có phong bì…

Từ “tham vặt” đến mức trở thành hành vi của loại tội phạm “tham nhũng vặt". Từ việc đưa phong bì lót tay khi vào bệnh viện, hoặc nhờ người chạy trường lớp cho con cháu, rồi chạy việc, chạy điểm, chạy chức, chạy án…, và cả chạy dự án, bỏ thầu các công trình quốc gia…, đã trở thành thói quen. Chẳng thế mà có thành ngữ “Thủ tục đầu tiên” trong công việc hành chính, hay “văn hóa phong bì” để bôi trơn các thủ tục…

Bày tỏ về vấn nạn này, nguyên đại biểu Quốc hội Bùi Thị An cho rằng, “tham nhũng vặt” gây nhiều bức xúc, làm hư hỏng nền công vụ ngay từ cơ sở, là một trong những nguyên nhân lớn làm cho cải cách hành chính trì trệ, tắc nghẽn, làm mất dần niềm tin trong nhân dân. Dù lợi ích vật chất của tham nhũng vặt là nhỏ nhưng sau nhiều lần thì cái lợi vật chất thu được cũng sẽ trở thành lớn, nên đây vẫn là hành vi sai trái cần phải loại bỏ.

Ông Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: “Tham nhũng vặt” rất phản cảm đối với xã hội, tạo ra một hình ảnh không đẹp về một nhà nước pháp quyền. Từ “tham nhũng vặt” có thể dẫn tới những đại án tham nhũng. Cái đáng lo ngại hơn là khi “tham nhũng vặt” trở thành hệ thống, tạo ra thói quen thì chắc chắn người khác bắt chước làm theo. Đừng nghĩ tham nhũng vặt thì xử lý thế nào cũng được, chỉ tập trung xử lý những vụ đại án nghìn tỷ mà bỏ “tham nhũng vặt”. Suy nghĩ như vậy là không đúng đắn, mà cần có sự công bằng trong xử lý. Cán bộ vi phạm đến đâu cần phải xử lý đến đó” .

Theo Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp): “Tham nhũng vặt” là loại tội phạm nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công gây bức xúc với người dân và doanh nghiệp trong thời gian qua. Nếu các nhóm tham nhũng trục lợi chính sách làm suy kiệt nền kinh tế thì “tham nhũng vặt" với số lượng đông đảo cũng có một sức gây hại rất lớn đối với đời sống kinh tế xã hội và đặc biệt đã làm giảm lòng tin của người dân với bộ máy công quyền”.

“Tham nhũng vặt” thực sự đã làm tha hoá, biến chất nhiều công chức và lâu dần đã thành nét văn hóa xấu xí của người Việt. Tuy nhiên, xử lý loại tội phạm này không dễ vì số lượng rất đông, diễn ra mọi lúc, mọi nơi và trong nhiều lĩnh vực.

Việc tìm hiểu thói “tham vặt” nói chung của người Việt hôm nay, không bao giờ mất hết ý nghĩa. Chính đó là “gốc” của những hành vi vi phạm pháp luật mang tính quốc nạn, là những trọng án, không chỉ ảnh hưởng đến người dân mà ảnh hưởng rất nhiều đến xã hội, đạo đức con người Việt hiện tại và tương lai. Bỏ được thói “tham vặt”, là có thể dần chuyển hóa lòng “tham” của con người biết đặt đúng nơi đúng chỗ có ý nghĩa tích cực, để trong đời sống văn hóa của người Việt ta không còn xấu xí.

Minh Châu

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy