Người Việt ra nước ngoài rất lịch sự, sao về nước lại kém văn minh?
VNTN - Có một nghịch lý mà để giải thích nguyên do tại sao thế cũng khó đầy đủ trong phạm vi một bài báo, nhưng rõ ràng ai cũng thấy, đó là: người Việt Nam đi ra nước ngoài, đại đa số rất lịch sự, luôn tuân thủ những quy định của quốc gia khác; nhưng ở trong nước thì họ lại tỏ ra có lối sống kém văn minh, đặc biệt là ở nơi công cộng.
Gần như không có thấy truyền thông nào đưa tin người Việt đi du lịch hay công tác ở nước ngoài bị phạt vì tội vứt rác không đúng nơi quy định, hút thuốc nơi công cộng, nhả xác kẹo cao su xuống hè phố, hay “bệnh” tiểu đường, thả chó đi vệ sinh ngoài công viên khu chung cư… Cũng ít khi nào thấy ai than phiền rằng người Việt ở nước ngoài hay chen lấn, ít ga - lăng với phụ nữ, trẻ em, người già…, hoặc gây ồn ào mất trật tự nơi công cộng.
Còn việc vịn cành, bẻ hoa, dẫm lên cỏ để chụp ảnh… thấy không ai dám nếu có biển cấm, và trang phục thì nói chung đều lịch sự, đẹp.
Phải chăng, chỉ khi đi ra nước ngoài, dù gì cũng phải giữ “thể diện quốc gia” nên người Việt lịch sự, văn minh, còn khi ở trong nước, như “nhà” mình, thì thích gì là “action”- hành động, bất chấp các quy định cấm.
Ra nước ngoài bỗng dưng “ngoan hiền”
Một hướng dẫn viên du lịch thường dẫn tour đưa khách Việt Nam tham quan các nước Đông Nam Á, kể: “Rất lạ là chỉ sau hơn 3 giờ bay, đoàn du lịch người Việt gồm đủ các thành phần, bỗng nhiên lột xác trở thành người lịch sự văn minh ở đảo quốc sư tử - Singapore”. Mọi người không í ới gọi nhau ở sân bay, trật tự lấy hành lý, không dám hút thuốc bừa bãi, không khạc nhổ ra đường, biết bỏ rác vào nơi quy định… Vâng, hút thuốc không đúng nơi quy định cầm chắc 200$ - 1000$ tiền phạt, anh chỉ ví dụ như thế, đủ “dọa” để mọi người tuân thủ phép tắc. Rồi, cũng vẫn anh kể: “Rất lạ, chỉ sau 3 giờ bay, đáp xuống Nội Bài, tất cả những gì thuộc về lịch sự, văn minh mà họ đã thể hiện ở Singapore bỗng dưng biến sạch. Có cảm giác như mọi hành vi thiếu ý thức chưa bộc lộ ở bên kia chẳng qua là nén lại, tích tụ lại để về đến Việt Nam là xổ ra, bung ra cho bằng hết, cho đã...”.
Không chỉ có anh hướng dẫn viên du lịch này thấy như thế, mà hầu như ai cũng thấy, khi ra nước ngoài, ngay cả ở các quốc gia lân bang như Trung Quốc vốn nổi tiếng về sự ồn ào và mất lịch sự nơi công cộng, hay quốc gia có vẻ nghèo hơn Việt Nam như Campuchia, Lào thì người Việt cũng trở nên lịch sự như những quý ông, quý bà.
Có rất nhiều hành vi mà trong nước gần như thấy thường xuyên, thì khi ra nước ngoài, không thấy. Như cảnh người Việt băng qua đường bất kể, mà luôn chịu khó đi đến vạch quy định dù có khi phải đi bộ khá xa. Cũng như chuyện “tiểu đường” của các quý ông thì gần như không thấy xảy ra bao giờ (cũng lạ, sao lại có thể “nhịn” được ở xứ người mà ở xứ mình thì không thể hoãn cái sự ấy một giây, nên cứ đứng đường). Còn chuyện rác, ai cũng trở nên rất văn minh, thậm chí các quý cô, quý bà còn kín đáo bỏ vào túi xách của mình, rồi đến nơi nào có thùng rác thì lấy ra bỏ vào, hay khi vào hàng ăn, không thấy ai vứt xoẹt mẩu xương xuống gầm bàn, mà lịch sự bỏ vào một cái đĩa không, tránh cả dây bẩn khăn trải bàn ăn (mặc dù nếu có dây thức ăn là chuyện bình thường). Chuyện hút thuốc nơi công cộng cũng là sự hiếm dù có thể nơi đó cho phép, hình như khi ra nước ngoài, các quý ông không “thèm” thuốc, bởi chỉ việc gạt tàn thuốc không đúng nơi đúng chỗ thì mất toi đi số tiền (có thể mua được số thuốc hút trong cả nửa năm) vì bị phạt.
Ở nước ngoài, làm gì có cảnh ở sảnh siêu thị mà người lớn trẻ con nằm ngồi ngả ngớn, thậm chí có rất nhiều “osin” ăn mặc lôi thôi đẩy xe nôi, vừa đi vừa đút cháo đút sữa - cảnh thường thấy ở các siêu thị lớn ngay chính ở Thủ đô Hà Nội trong mấy ngày nắng nóng vừa qua. Họ xem sảnh siêu thị như nơi nghỉ ngơi tránh nóng, có máy mát lạnh không tốn tiền nhà, lại thoáng rộng sạch sẽ…
Đố người Việt nào ra nước ngoài dám đạp lên cỏ, vịn cây, bẻ hoa… trong các công viên để chụp hình tự sướng, dù ở đó không đề bất cứ biển cấm nào. Trong khi ở Việt Nam, gần như ở công viên nào cũng đầy biển cấm dẫm lên cỏ, bẻ hoa, xả rác…, nhưng càng cấm càng “kích thích” sự phá phách của người Việt, và các biển cấm trở nên sự khôi hài ở Việt Nam.
Ý thức hay luật Việt Nam không nghiêm?
Có phải người Việt Nam khi ra nước ngoài là mang tâm thế “sĩ”, nên ngoài trang phục đẹp, thì luôn chứng tỏ mình văn minh lịch sự chả kém “Tây”, nên nhất nhất tuân thủ theo các quy định của nước đó, không dám làm sai. Làm sai, không chỉ bị phạt mà có thể còn gặp nhiều rắc rối ở xứ người, mà ai cũng biết, vướng vào Luật của nước ngoài không đơn thuần như khi phạm luật ở trong nước cùng một tội ấy. Ví dụ như chỉ là chuyện vứt rác, Việt Nam gần như không ai bị phạt vì tội vứt rác ra đường, nhưng ở Singapore, ngoài phạt tiền còn bị phạt roi tùy mức độ của “rác” bị vứt ra.
Đừng nghĩ nước ngoài họ không biết về ý thức của người Việt. Và cũng đừng lấy làm buồn khi ra nước ngoài “đụng” phải những biển cảnh báo bằng tiếng Việt như “Khu vực này cấm vứt bỏ rác thải sinh hoạt”, “Hãy bỏ rác thải vào túi ni-lon”...
Người Việt ra nước ngoài lịch sự văn minh chỉ là bề nổi, là buộc phải tuân thủ theo luật của xứ người, chứ bản thân có lẽ không “phục”, nên chỉ cần chân chưa chạm đất Việt, còn trên máy bay, là đã “bung” ngay những gì thuộc ý thức gốc, ý thức tự do hành xử những gì mình thích. Không thiếu gì chuyện nhân viên hàng không nhắc, khi máy bay chưa dừng hẳn thì không mở điện thoại để an toàn cho hành khách… nhưng lời nhắc nhở như để nghe… cho vui, hàng chục cái điện thoại reo, rồi tiếng alo ồn ào muốn át cả tiếng động cơ máy bay còn đang hoạt động… Và chẳng có ai bị phạt lúc đó, vì nhân viên hàng không còn lo những việc sau chuyến bay, và thấy máy bay không xảy ra sự cố gì. Khi chân chạm đất thì chen lấn, xô đầy, không biết nhường trẻ, già, phụ nữ…. Còn lúc này trên máy bay thì như bãi chiến trường, các gầm ghế đầy rác, chăn đắp rơi xuống sàn, các cuốn báo tạp chí thì vứt ngổn ngang…
Ý thức ở nơi công cộng cũng vậy, cho dù Việt Nam có rất nhiều quy định về nếp sống văn minh, nhưng xem ra không “lay chuyển” được ý thức của người Việt. Chỉ đơn thuần chuyện vứt rác nơi công cộng, để thay đổi ý thức nơi công cộng cũng là nhà của mình, phải giữ gìn sạch sẽ, cũng khó như dời núi. Từ truyền thông quốc gia cho đến vận động từng tổ dân phố, hộ dân cư, nhưng chuyện “rác” vẫn cứ “ì” ra, chẳng có gì thay đổi, cứ tiện tay là vứt rác, thậm chí thùng rác ngay đó cũng không bỏ rác vào mà vứt ở bên ngoài.
Tệ hơn, người Việt còn “lây lan” sự kém văn minh của mình cho những người nước ngoài sang Việt Nam du lịch hay làm việc. Họ cũng bắt chước người Việt có những hành xử thiếu lịch sự văn minh, những hành vi mà ở quốc gia của họ không bao giờ họ dám như thế. Giờ đây không hiếm cảnh các “bạn” Tây vứt rác ra đường phố, chạy xe gắn máy không nón bảo hiểm, vượt đèn đỏ, khi uống rượu say…, trang phục kém lịch sự vào những nơi tôn nghiêm như đình đền chùa miếu, rồi đêm hôm thì uống bia rượu hò hát ồn ào mất trật tự hàng phố xung quanh…
Nhưng…
Đã có ai vứt rác nơi công cộng như một cái giấy kẹo, một mẩu thuốc hút, một chút vỏ trái cây… mà bị phạt bằng số tiền có thể tương đương bằng cả tháng lương cơ bản? Đã có ai hút thuốc nơi công cộng hay nơi có biển cấm hút thuốc mà bị phạt bằng số tiền mua được cả trăm gói thuốc? Đã có ai bôi bẩn các công trình công cộng hay vẽ viết bậy mà bị phạt bằng cả tháng trời lao động công ích? Đã có ai “tiểu đường” mà bị phạt bằng cả mấy tháng tiền lương? Chưa có ai, dù luật và các văn bản hành chính về trật tự nơi công cộng đều có quy định cụ thể. Phải chăng vì thế, mọi người vẫn vô tư vi phạm mà chẳng có chút “động lòng” sợ bị phạt?
Luật không nghiêm thì đừng đòi hỏi ý thức cao. Và một khi ý thức như bản năng, thì những gì gọi là văn minh, lịch sự với người Việt chỉ là xa xỉ ở trong nước và chỉ dành để đi nước ngoài.
Hoài Hương
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...