Thứ sáu, ngày 18 tháng 10 năm 2024
13:18 (GMT +7)

Người về từ cõi mộng

Tác phẩm tham dự Cuộc vận động sáng tác văn học, nghệ thuật về Đại đội Thanh niên xung phong 915 Anh hùng

Từ trung tâm huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn), qua dốc Lùng Váng, ngồi xe ô tô chừng nửa giờ thì đến thôn Bản Lắc, xã Bằng Lãng, nơi bà Bùi Thị Loan, cựu TNXP Đại đội 915 sinh sống. Đường từ huyện vào không xa, nhưng lắc như xóc ốc. Song cái sự rung, lắc bởi mặt đường lồi lõm vì triền miên ổ gà lại gợi cho chúng tôi liên tưởng tới phần đời bầm dập, cười ra nước mắt của bà Loan. Nhiều người bảo: Bà là “Người về từ cõi mộng”.

Bà không tự ái, còn bảo: Quỷ thần chê, chưa muốn nhận làm đệ tử, nên tôi tiếp tục được sống làm người. Còn để tròn vành rõ nghĩa hơn, thì ngày ấy Đại đội TNXP 915 chúng tôi có 2 người Loan, gồm có tôi và chị Nguyễn Thị Loan, người xã Côn Minh (Na Rỳ). Chúng tôi đều bị vùi trong đống bê tông đổ nát. Chị Loan người xã Côn Minh hy sinh tại chỗ, còn tôi đang ngồi đây nói chuyện đời, chuyện mình với các anh, chị.

Bà Bùi Thị Loan (bên trái) tự hào khi kể lại câu chuyện về những ngày tham gia Đại đội TNXP 915.

Bà nở nụ cười tươi tắn như bông mai trên dải núi Noóng Củng, Pú Cà, Pú Chúa. Rồi thả câu chuyện mộc mạc, hồn nhiên chảy dài như dòng nước Khau Cum quê bà. Năm 17 tuổi, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, bà tình nguyện đi TNXP. Đó cũng là những năm tháng đất nước kháng chiến đầy cam khổ. Bắt đầu từ tháng 6-1972, quân dân ta mở màn chiến dịch 81 ngày đêm máu lửa ở thành cổ Quảng Trị. Còn ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa, quân, dân bám trận địa, kiên cường bảo vệ vùng trời quê hương. Mỗi một ngày từng cán bộ, chiến sĩ và người dân đều đối mặt với hy sinh, mất mát. Bà lên đường, vai mang tay nải, nhẹ tênh sự đời mà lòng phơi phới dấn thân vào chốn kham khổ. Bà kể: Ngay khi đến nơi tập kết, tôi được biên chế vào Đại đội 915, Đội TNXP 91 Bắc Thái. Vì Đại đội chưa bố trí được nơi ăn, ở, sinh hoạt cho đội viên, nên chúng tôi được chia thàng từng nhóm nhỏ, về xã Linh Sơn ở trọ nhà dân.

Cùng ở tuổi “bẻ gẫy sừng trâu”, ăn chưa biết no nhưng tất cả những đội viên TNXP đều ý thức được trọng trách nhiệm vụ tiền tuyến mong cậy. Tất cả họ, những anh, chị em TNXP Đại đội 915 luôn sát cánh cùng các đại đội bạn bám sát nhiệm vụ, bảo đảm giao thông, vận chuyển, bốc dỡ hàng hóa. Nhiều khi phải làm việc thâu đêm lấp hố bom, vá ổ gà để từng đoàn xe vận tải chuyển quân, lương ra mặt trận. Là TNXP, không trực tiếp cầm súng, vũ khí trong tay là cuốc chim, xà beng, xẻng… nhưng ai nấy hào khí ngút trời. Có những hôm cả đội làm việc ngay lúc bom thù vừa lặng tiếng, mùi khói đen còn khét, đất, cát lem nhem, mồ hôi bết mặt lại bảo là phấn, son của con gái thời chiến tranh. Bà Loan kể: Đại đội chúng tôi chủ yếu làm nhiệm vụ tại các đoạn đường: Đường 1B Lạng Sơn - Thái Nguyên; đường 16A trên tuyến Lạng Sơn - Bắc Giang; cầu Ða Phúc, cầu Gia Bảy, ngầm Sơn Cẩm, phà Bến Oánh... Cứ có lệnh là lên đường.

Hằng ngày bám mặt đường, nên các nữ đội viên TNXP và bộ đội lái xe dễ chạm mặt, dần trở nên thân quen. Mỗi lần bộ đội cho xe qua đoạn đường có nữ TNXP làm việc, hai bên đối đáp nghe chan chát mà ẩn sâu thâm tình. Bà Loan kể: Nhiều dịp chị em chúng tôi chặn xe, lôi tài xế xuống để hỏi thăm sức khỏe. Có lần bắt các anh ấy dạy lái xe, để nhỡ có chuyện gì chị em chúng tôi còn kịp xử lý tình huống. Bà dừng lời giây lát, đôi mắt hướng tới con đường bầm dập sỏi đá trước nhà, rồi tiếp tục câu chuyện:

Vào một đêm trung tuần tháng 12-1972, trời rét thấu tới xương, thì anh ấy lái xe đến, phanh khựng lại, hỏi:

-Loan, em có cần áo ấm không?

-Rét quá, đấy có áo ấm thì cho đây xin mượn.

-Tặng đằng ấy. Đợi ngày đất nước thống nhất thì trả áo cho anh.

Đều tuổi trẻ, máu sôi sùng sục, thích nhau mà không ai dám mở nhời. Người chiến sĩ ấy có tên là Hoàng Mạnh Thạch, nhập ngũ tháng 2-1971. Anh theo hết chiến dịch Hồ Chí Minh mới trở lại miền Bắc để tìm lại người mượn áo.

Còn bà Loan, sau lần nhận chiếc áo ấm của người lính trẻ thì lòng đau đáu nhớ. Bà không giấu lòng mình, khoe với chị em trong đơn vị: “Tao đang yêu”. Và bà luôn tự hào về điều đó. Mỗi lần đi làm nhiệm vụ quan trọng, bà đều mặc chiếc áo anh tặng. Bà mặc áo ấy, coi đó như thứ bảo bối che trở cho mình trước lằn tên mũi đạn. Dù giữa 2 người chưa nói một lời yêu, nhưng ánh mắt, nụ cười hôm ấy, bà cảm nhận được đó là tấm chân tình anh trao.

Bắt đầu từ ngày 18-12-1972, máy bay B52 và máy bay chiến thuật của địch gầm rú trên bầu trời Thái Nguyên. Chúng không ngần ngại trút bom đạn xuống vùng đất có những con người yêu hòa bình. Đổ nát tan hoang, chết chóc, đau đớn, khắp vùng thoảng đưa mùi khói hương tiễn biệt người thân. Bị bom phá hoại nặng nhất là các khu vực 2 bên đầu cầu Gia Bảy; Nhà máy nhiệt điện Cao Ngạn… Trong đợt tập kích 12 ngày đêm bằng B52 vào cuối tháng 12-1972, đau đớn, thiệt hại nhất phải kể đến trận không kích của giặc Mỹ vào buổi tối 24-12 ở khu vực ga Lưu Xá.

Bà Loan lau nước mắt, chậm rãi kể tiếp câu chuyện về cái ngày “tàu bay” Mỹ đánh bom làm bà có thêm biệt danh: “Người về từ cõi mộng”. Từ sáng sớm hôm ấy, chúng tôi sắp hàng, điểm danh, Ban Chỉ huy Đại đội phổ biến tinh thần nhiệm vụ quan trọng, do Đội 91huy động đến ga Lưu Xá bốc dỡ, giải tỏa hàng hóa. Khí thế sôi sùng sục, 100% đội viên của Đại đội đều xung phong, sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Một số chị bị thương trước đó ít ngày cũng xung phong. Triệu Thị Nhình cùng các bạn mới 15 tuổi, vóc dáng như cái que cũng “đòi” được đi. Nhưng Ban Chỉ huy Đại đội chỉ lựa lấy hơn 60 người, điểm quân, đều bước từ Linh Sơn tiến về ga Lưu Xá. Lúc đó chúng tôi mới được cấp trên phổ biến: Đây là 1 trong 2 “cảng nổi” của miền Bắc, nơi trung chuyển hàng hóa chi viện cho chiến trường miền Nam. Ngày hôm ấy chúng tôi đã làm việc từ sáng sớm cho tới lúc mặt trời trốn xuống núi Tam Đảo. Vừa nhận được lệnh nghỉ ngơi tại chỗ, chuẩn bị ăn cơm thì tiếng ầm ì dần to, rõ trên đầu. Còi báo động hú lên, chúng tôi được lệnh xuống hầm trú ẩn. Thình lình cả mặt đất rung lên bần bật, căn hầm lắc rắc, xập xuống, cả một khối bê tông lớn cùng đất, đá nặng hàng nghìn tấn đè lên thân thể của hơn 60 con người bằng xương, thịt.

Đồng đội gạt nước mắt, cố gắng bới đào, tìm kiếm nạn nhân dưới đống bê tông đổ nát. Cả mặt đất khi đó lặng đi, chỉ có tiếng ỉ ỉ của mấy nữ TNXP mới lớn, tiếng đập phá bê tông, tiếng gọi đồng đội đến nhận diện người tử nạn. Tử sĩ được đồng đội tìm được, sắp thành hàng ngang, không sót một ai. Tất cả tử sĩ được xếp nằm trên xe, đưa về nghĩa trang dốc lim, tắm rửa, thay quần áo mới và quàn liệm, đợi sớm hôm sau mới thực hiện việc chôn cất. Và điều kỳ diệu đã đến, giống như phương thuốc tinh thần làm nỗi đau mất mát đồng đội nguôi vơi. Buổi sáng ngày 25-12, khi đưa các tử sĩ nhập quan, đồng đội phát hiện bà Loan còn hơi ấm, thở thoi thóp, và trái tim yếu ớt đập.

Bà Bùi Thị Loan (bên trái) kể cho cháu gái nghe chuyện chiếc áo ấm, kỷ vật của bà thời tham gia TNXP.

Không chết, nhưng bà Loan hoàn toàn là một con người khác. Di chứng đạn bom đã làm bà mất trí nhớ. Bà bị câm, bị bệnh tâm thần và bắt đầu với tháng ngày lang thang (trốn viện). Đầu bù không chải, răng không đánh, mặt không rửa, quần áo nát nhừ xơ mướp, bà đi trong hoang tưởng. Đám trẻ nhỏ nghịch ngợm thấy bà thì ném gạch đá. Đau lắm, bà chỉ hú lên như một con thú dính đòn. Còn nhiều người lớn thấy bà chìa tay xin ăn, hỉ mũi, đuổi đi. Và bà tiếp tục lê tấm thân tả tơi, đau đớn đi trong vô thức. Cũng có lúc trong trí nhớ của bà gợi lại hình ảnh các đồng đội làm đường, tải lương. Rồi những đồng chí mình người bị bê tông đè nát, người chết ngạt trong hầm trú ẩn… Tất cả hỗn độn, không liền mạch, chỉ bập bõm, loáng thoáng như giấc mơ. Nhưng chí ít với người mắc bệnh tâm thần thì đó cũng là giây phút quý hiếm. Giây khắc ấy, bà ú ớ nói không thành tiếng với người qua đường về vùng đất có các khu đồng Tủm Tó, Nà Khắt, Khuổi Tặc. Người nghe thấy chau mày, luận nghĩa, chỉ đại về đỉnh Phia Bioóc, bảo bà đi.

Bà đã đi như thế, sống như thế trong suốt hơn 2 năm dòng thì đến thị xã Bắc Cạn. Thấy bà lạ mặt, các đồng chí công an nghi là gián điệp, nêu cao tỉnh thần cảnh giác, bắt bà về giam lỏng, lấy khẩu cung. Thấy bà cứ ú ớ không chịu khai báo, cán bộ lấy cung liền tra khảo, bắt trình báo. Đau đớn, đôi mắt bà xập lại, cất tiếng rên ư ử từ cổ họng.

Nghe tin các anh công an tỉnh bắt được gián điệp, bà con thán phục, rủ nhau đến xem rất đông. Chợt một phụ nữ tháng thốt: Loan, con Loan. Các đồng chí công an bắt nhầm TNXP Đại đội 915. Rồi chị ôm lấy Loan, khóc: Loan ơi, sao mày lại đến nông nỗi này. Người phụ nữ nhận ra bà Loan năm đó là chị Lục Thị Thơi, chị gái của bạn thân với bà Loan khi nhỏ, có nhà bên xã Phương Viên, cùng huyện Chợ Đồn.

3 ngày sau, ông Nghiêm Xuân Đạo, Đội trưởng Đội 91 TNXP Bắc Thái trực tiếp đến làm thủ tục đón bà Loan về Viện 91 (T.X Phổ Yên) điều trị. Nhờ được sự chăm sóc tận tình của các y bác sĩ, sự quan tâm động viên của lãnh đạo đơn vị và đồng chí, bà Loan mau chóng bình phục sức khỏe, tinh thần ổn định và trở lại đơn vị tiếp tục làm nhiệm vụ của người TNXP. Cuối năm 1974, vì lý do sức khỏe, bà được đơn vị cho chuyển công tác về Trường Bưu điện miền núi, làm nhân viên cấp dưỡng.

Công việc hằng ngày phải thức khuya, dậy sớm, lận đận như nuôi con mọn, thỉnh thoảng đầu óc lại buốt đến tê dại, có lúc đôi chân mỏi nhừ không muốn nhấc. Nhưng bà tự động viên mình phải cố gắng, gắng hơn nữa để chờ người cho mượn áo ấm năm xưa. Đêm đêm, trong gian phòng tập thể chật hẹp, bà mang tấm áo “người ấy” tặng ra vuốt lại cho phẳng. Bà xa xót vì trận bom đêm Noel năm 1972 làm rách 2 chỗ ở bên vai phải. Bà thở dài như vừa trút đi gánh nặng: May chán anh ạ. Đận ấy người chị gái của tôi đang học bên Trường Đại học Sư phạm tìm được áo này, thấy bê bết máu mới mang giặt, sau này mang trả lại tôi. Tôi giữ áo ấy để mong gặp lại người cho áo. (Hiện bà Loàn đã hiến chiếc áo ấm này cho Bảo tàng tỉnh).

Như một phép tiên, điều bà mong ước đã thành hiện thực. Một chiều muộn đầu năm 1978, vừa dọn dẹp bếp núc chuẩn bị ra về, thì ông Thạch - người cho áo đứng ngay trước mặt. 2 người mừng tủi khôn xiết, nước mắt chực trào. Họ ngã vào vòng tay nhau để nói lời thương nhớ. Bà Loan thành thực kể: Gặp lại người cũ, tôi không dám kể chuyện mình bị thương, bị tâm thần bỏ đơn vị đi lang khắp các xó xỉnh. Vì sợ nói ra sự thật, anh ấy không lấy mình nữa.

Thực tế từ trước lúc gặp lại bà Loan, ông Thạch đã biết hết mọi chuyện. Ông lặng đi vì thương cảm, xót xa. Song tình yêu của ông dành cho bà bao năm như ngọn lửa, âm ỉ cháy, để ngày gặp mặt, ngọn lửa của ái tình bùng lên bằng sự bù đắp yêu thương. Sau ngày cưới, vợ chồng bà Loan chuyển công tác lên tỉnh Cao Bằng. Bà tiếp tục làm nhân viên văn thư đánh máy, ông Thạch làm nghề lái xe. Bà Loan tự hào: Phần thưởng cho hạnh phúc của tôi là một gia đình hạnh phúc. Chúng tôi có 4 đứa con, hiện đều trưởng thành, ra ở riêng.

Trong suốt câu chuyện về đời mình, bà Loan luôn tự hào những gì được nếm trải. Kể cả cái chết bà… trải nghiệm ở trận bom thù cách đây 46 năm. Là “Người về từ cõi mộng”, nên bà hiểu sâu sắc những chân giá trị cuộc sống, luôn phấn đấu vươn lên và trở thành tấm gương sáng về lẽ sống giữa cuộc đời thường. Cảm mến con người có đức tính bền gan, làm việc có trách nhiệm mà không đòi hỏi quyền lợi riêng mình, những cựu chiến binh thôn Bản Lắc đồng thuận đặt lên vai bà trọng trách Chi hội trưởng cựu chiến binh thôn. Bà thở phào như vừa “cày xong thửa ruộng”, bảo: Tôi đã làm công việc này 18 năm nay rồi.

Vâng! 18 năm và còn lâu hơn nữa. Tôi mong cho bà có sức khỏe để vượt lên bệnh tật, tiếp tục đến với những cựu TNXP, gia đình liệt sĩ TNXP. Vì bởi cuộc đời thường còn có rất nhiều người cần đến sự có mặt của bà - một con người bằng xương, bằng thịt “trở về từ cõi mộng”.

Phạm Ngọc Chuẩn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đại đội 915 còn mãi với nước non (Tập 2)

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 1 năm trước

Đại đội 915 còn mãi với nước non (Tập 1)

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 1 năm trước

Phối hợp triển khai sáng tác văn học về Đại đội 915

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 2 năm trước

Tiếp tục tuyên truyền có điểm nhấn về Đại đội TNXP 915

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 5 năm trước

Những nụ cười vẫn sáng lên

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 5 năm trước

Họ đã tham gia cuộc chiến như thế

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 5 năm trước

Nhật ký cô văn thư

Xem tin nổi bật 5 năm trước