Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
16:06 (GMT +7)

Người Trùng Khánh

VNTN - Đập vào mắt tấm biển có dòng chữ màu đỏ như son kẻ ngay ngắn: "Trùng Khánh kính chào quý khách" trên đỉnh đèo Liêu. Tự nhiên khắp người nổi hết làn da gà. Một cảm giác lâng lâng khó tả xen lẫn những cảm xúc thiêng liêng, yêu quý... thức dậy trong người. Tính từ đây là đất ông cha ta. Tính từ đây là sông suối cỏ cây là của ta... Hãy lắng nghe từng vuông đất đang nhì nhào đón đứa con năm mươi năm như mây trôi dạt xứ người, nay trở về thăm lại người xưa làng cũ.

Nhà thì còn. Nhưng những người thân yêu nhất, nay đã về trời hết rồi. Làng thì còn. Nhưng câu lượn chon von bên sườn dốc nay trôi đi đâu hết rồi? Phố huyện thì còn. Nhưng ngôi đình cổ kính lợp ngói âm dương lên màu rêu xanh, nay chuyển dịch về đâu mất rồi? Đường thì còn. Nhưng tiếng xe trâu cót két, tiếng ngựa thồ leng keng nay bay đi đâu hết rồi?

Xưa kia Trùng Khánh còn có tên Thượng Lang hay còn gọi là Phủ Trùng. Đây là nơi biên giới giáp Tàu. Bên đất mình thì ngủ, nghe bên kia rậm rịch. Người Trùng Khánh sinh sống lâu đời trên vùng đất luôn có sự biến. Bởi thế, hầu như thanh niên trai tráng ai ai cũng tự trang bị cho mình một ít vốn liếng võ nghệ. Ngay cả đàn bà con gái cũng tinh thông đường quyền. Trên đỉnh núi Phja Phù còn dòng chữ: quan sơn vệ dân. Những tráng sĩ xưa kia đứng trên núi mà quan sát... bảo vệ dân mình.

Thác Bản Giốc. Ảnh: VnExpess

Phố chợ Trùng Khánh người Tày gọi Co Sầu. Người Nùng là dân sở tại gọi Co Xàu. Người Tày quanh quanh đấy có nơi còn gọi Co Giầu. Thậm chí người Pò Tấu còn gọi Cò Giầu. Gọi thế nào người nghe cũng hiểu, đó là phố chợ huyện to nhất, đẹp nhất vùng miền Đông Cao Bằng. Đầu những năm 60, có một nhà thơ nổi tiếng đã đến đây và để lại bài thơ có câu “Cô Sầu chẳng thấy ai sầu". Nhà thơ người Kinh đã hiểu sai hai chữ Co Sầu thành Cô Sầu. Cô Sầu nghĩa là người con gái buồn sầu. Một hình ảnh đẹp và lãng mạn, nhưng lại đối lập với tính cách người con gái Co Xàu. Họ là hình tượng con chim nổc ho (con khướu) vui tính hồn nhiên cất tiếng hót.

Trùng Khánh là phố thị duy nhất không có sông suối lớn nhỏ chảy qua. Ở đó chỉ có hai con sông nhỡ là sông Bắc Vọng và sông Quy Sơn (còn có người gọi Quây Sơn) tuy nhỏ, nhưng là hai nguồn nước quý giá. Một làn nước xanh màu ngọc thạch. Sông như vạt trời đánh rơi xuống đất. Nước trên hai con sông trong xanh quanh năm, nhưng không có cách nào dẫn nước về phố chợ. Mùa nào cũng như mùa nào sông chẳng hề vơi cạn. Người bơi trên sông như đang bay trong mây. Cá anh vũ, cá trầm hương… là sản vật đặc biệt chỉ có trong con sông này.

Đến Trùng Khánh mà chưa đi thác Bản Giốc, cũng giống như khách đứng trước cửa mà chửa bước chân vào nhà. Nếu núi đồi Trùng Khánh là bánh, thác Bản Giốc là nhân. Nếu Trùng Khánh là người, thì thác Bản Giốc là bộ mặt. Nó quan trọng như vậy đó. Thác được cao giá như vậy phải chăng đây là cái thắng cảnh nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam? Đúng! Đây là thác nước đẹp nhất Đông Nam Á, nó chỉ đứng thứ tư trên thế giới, sau thác Lguazu, thác Victoria, thác Niagara. Thác có hai phần. Thác Cao ở phía Nam. Thác Thấp thuộc phía Bắc. Mỗi năm có hàng chục vạn du khách đến thăm và nghỉ mát.

Người Trùng Khánh xa quê đã lâu. Nay vẫn thoang thoảng bên tai mình tiếng thác như bầy ong làm mật. Trên da thịt mình vẫn còn mùi đá vôi, mùi hoa bjoc phón, mùi xôi trám đen, mùi hạt dẻ thơm ngậy, mùi khoai lang tím nướng, mùi măng chua nấu canh cá trê, mùi bánh cuốn nóng bên bếp lò đun bằng củi nghiến... tất cả quê hương Trùng Khánh đang mộp mạp thở trên da thịt người tôi. Bởi thế, tóc râu người Trùng Khánh trắng chứ không bạc. Da thịt người Trùng Khánh xạm nâu chứ không đen.

Tấm biển "Trùng Khánh kính chào quý khách" trên đỉnh đèo Liêu như một bát rượu đầy mời khách lạ đường xa. Xin mỗi người nếm thử một vài thìa. Nên nhớ người Trùng Khánh mời rượu bằng bát, uống rượu bằng thìa, chứ ít khi dùng cốc chén… Ai là người đã vượt cả ngàn đèo dốc đến với Trùng Khánh, thì đấy là người rơi trời xuống. Nếu người lỡ trót say mèm như bột, thì yên tâm đi, rượu này cất từ những đôi tay những người hiền thục và xinh đẹp.

Trùng Khánh kính chào quý khách! Quý khách hãy đến quê hương tôi bất cứ lúc nào, mùa nào, vào thời tiết nào. Người quê tôi tươi non như lá. Lá quê tôi rực rỡ như hoa. Hoa quê tôi thơm rơi như cơn mưa. Mưa quê tôi dào dạt như người. Người Trùng Khánh xin chào quý khách!

Y Phương

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy