Người thích đi tầu hỏa
Truyện ngắn. Hồ Thủy Giang
Mua xong vé tầu hỏa, tổng giám đốc Quang Phát thả mình trên chiếc ghế sắt ngồi đợi tầu. Tiếng là tổng giám đốc một công ty lớn, làm ăn phát đạt nhưng chỉ trừ những hội nghị quan trọng hoặc những buổi kí kết hợp đồng ông mới đi xe con. Những chuyến đi ít nhiều được thư thả thì dù xa mấy Quang Phát cũng ra ga xe lửa. Cái thói quen này của ông có người khen nhưng cũng lắm lời bình phẩm, thậm chí có đồng nghiệp cho rằng ông “làm hàng”, một hình thức đánh bóng tên tuổi. Quang Phát không bao giờ bắt lời hoặc phân bua trước những bình phẩm ấy.
Quang Phát nhìn quanh. Nhà ga quang đãng chỉ khoảng hơn chục khách đợi tầu. Ông cảm thấy hơi khó hiểu vì sao ngày hôm nay người ta lại ít chọn giao thông đường sắt. Tuy có phần hơi chậm về thời gian một chút nhưng đi trên những chuyến tầu hỏa rất yên tĩnh, thoải mái, lại không bị tật say xe hành hạ. Chẳng lẽ nền kinh tế thị trường bắt người ta phải vội vàng, gấp gáp đến vậy sao. Quang Phát không cho điều ấy là hợp lí. Về thăm quê lần nào Quang Phát cũng đi tầu hỏa. Vì thế, cứ khoảng một năm ông lại gặp cái nhà ga cũ kĩ này ít nhất một lần. Ông cảm thấy nửa buồn, nửa vui vì thấy đã mấy chục năm nay mà nhà ga dường như không thay đổi là bao. Vẫn là dãy nhà cấp bốn thấp lè tè, mái ngói rêu phong. Trong phòng đợi, chỉ trừ mấy hàng ghế gỗ xù xì, long chân ngày trước được thay bằng một loạt ghế sắt, còn lại vẫn y như cũ. Quang Phát chợt phát hiện ra vị trí mình đang ngồi lúc này cũng chính là vị trí ông đã ngồi đợi tầu trong chuyến đi đầu tiên cách đây hơn bốn mươi năm. Trên chuyến tầu ấy ông đã có cuộc gặp gỡ, nói chính xác hơn là cuộc “va chạm” với một người mà cho đến tận hôm nay ông vẫn chưa biết tuổi, biết tên. Cuộc hội ngộ vô tình ấy dù chỉ thoảng qua như một cơn mưa bóng mây nhưng dường như vẫn còn giăng mắc đến tận bây giờ.
Quang Phát còn nhớ như in đó là vào một buổi chiều gần tối giữa tháng 10 năm 1980, ông đến nhà ga này để đi nhập học ở Hà Nội. Khi ấy ông vừa tròn mười chín. Ngồi cùng hàng ghế gỗ đợi tầu ngay cạnh ông là một thanh niên hơn ông chừng vài tuổi, vẻ mặt hơi xanh xao. Người thanh niên như không để mắt đến xung quanh, tựa lưng vào thành ghế, đôi mắt nhắm nghiền đầy mệt mỏi. Quang Phát quan tâm:
- Anh có sao không? Cần gì em giúp.
Người thanh niên khẽ hé mắt nhìn Quang Phát, kéo chiếc túi xách vào lòng, vẻ nghi ngại, khẽ đáp:
- Không! Chỉ hơi chóng mặt.
Những năm tháng ấy, xã hội xuất hiện rất nhiều hiện tượng lừa đảo, cướp giật nên những người đi tầu xe luôn có tâm lí cảnh giác cao độ. Có lẽ vì thế mà người thanh niên nọ không mặn mà với cử chỉ quan tâm của Quang Phát. Qua thái độ đầy cảnh giác, nghi kị của người bạn đi tầu, Quang Phát hiểu mọi chuyện nhưng vốn là người thiện tâm, anh không lấy đó làm phiền lòng. Quang Phát vào quầy bán vé mượn được hộp dầu con hổ. Với kinh nghiệm học được từ người mẹ làm y tá, anh vừa xoa dầu lên trán, lên thái dương người bạn mới quen vừa làm động tác mát xa một cách thành thạo. Sau một hồi xoa bóp, người thanh niên chừng như dễ chịu hơn. Anh ta ngồi thẳng dậy, lí nhí nói mấy lời cảm ơn nhưng kín đáo kiểm tra túi quần sau một cách đầy lo lắng.
Mọi người lục tục ra sân ga. Quang Phát nhìn mấy cái túi xách lỉnh kỉnh của chàng trai, nói:
- Anh để em mang giúp. Người anh chưa khỏe hẳn.
Chàng thanh niên thận trọng quàng chiếc túi vải ngang người, nhìn xéo vào mặt Quang Phát rồi chỉ vào chiếc túi du lịch nhàu nát dưới đất, chắc là trong đó không có đồ vật gì đáng giá:
- Vâng! Phiền chú cầm giúp chiếc túi này. Quả là tôi còn hơi chuếnh choáng…
Thấy người thanh niên bước lảo đảo, Quang Phát vội quàng vào vai dìu đi.
Chàng trai vẻ như đã thiện cảm với Quang Phát đôi phần, nhưng tận trong lòng vẫn cảnh giác cao độ. Cũng phải thôi. Dưới cái gầm trời đầy những tai ương chướng họa này sao có thể tin ai được. Giả vờ tốt đấy rồi ngầm tìm cách nẫng hết tiền bạc của mình lúc nào không hay. Thì thiên hạ đã đầy những chuyện như vậy rồi.
Hai người chọn một chỗ đứng ở một toa đen. Ngày ấy đi tầu tìm được một chỗ đứng đã là may mắn rồi.
- Anh đến ga nào? Thấy người thanh niên quá kiệm lời, Quang Phát cất tiếng.
- À, tôi vào trong Nam làm ăn. Mong kiếm miếng cơm thôi chú ạ.
Trời lúc này đã bắt đầu sập tối.
Chàng trai gục đầu vào thành tầu. Có lẽ anh ta vẫn chưa hết cơn choáng.
Bỗng Quang Phát thoáng nhìn thấy một bàn tay lướt nhẹ qua túi quần sau của người thanh niên. Lập tức, Quang Phát hiểu ngay đó là hành động rạch túi rất điêu luyện của bọn lưu manh thời bấy giờ.
Như một con mèo hoang, cái bóng đen vụt nhảy xuống tầu. Không kịp hô hoán, Quang Phát vội nhào theo. Chạy một quãng xa, Quang Phát mới đuổi kịp tên cướp. Quần nhau một hồi, anh lấy lại được cái ví nhưng cũng bị tên cướp đâm một nhát dao nhẹ vào cánh tay. Anh bịt chặt vết thương, quay trở lại sân ga. Nhưng lúc này, con tầu đã lướt trên đường sắt, bỏ lại anh cùng chiếc ví của người bạn mới quen. Quang Phát buồn bã mở chiếc ví ra. Số tiền không quá nhiều nhưng rõ ràng với hành trình dài ngày vào tận miền Nam mà bị mất chắc chắn sẽ gây cho chủ nhân của nó rất nhiều khó khăn. Quang Phát rịn mồ hôi khi chợt hiểu rằng với con người mang nặng tính hoài nghi, nhất định anh bạn nọ sẽ nghĩ thủ phạm lấy chiếc ví chính là mình. Quang Phát buồn rầu cất chiếc ví vào túi, mong có một ngày trả lại người mất.
Đã hơn bốn mươi năm, trải qua bao thăng trầm, từ một cậu sinh viên mười chín tuổi, Quang Phát đã trở thành tổng giám đốc một công ty cổ phần hàng đầu của tỉnh, tiền của có thể sống nhiều đời không hết, nhưng ông vẫn luôn giữ bên mình cái ví ngày xưa cùng toàn bộ số tiền, không suy suyển một đồng.
Như đã nói, vào những chuyến đi được thư thả, Quang Phát luôn đến ga tầu hỏa. Bởi vì ngoài những lí do được thư giãn, thoải mái, trong ông còn có một hi vọng đồng thời cũng là một niềm tin sắt đá là sẽ có một xác suất ngẫu nhiên nào đó được gặp lại người mất chiếc ví. Điều ấy giống như mò kim đáy bể nhưng hơn bốn mươi năm qua chưa bao giờ ông từ bỏ niềm hi vọng và niềm tin ấy. Những chuyến đi như thế Quang Phát luôn bỏ chiếc ví vào cái ngăn phụ trong chiếc cặp số.
* * *
Con tầu chạy bằng dầu diezen lướt trên đường sắt một cách êm ru. Chẳng bù cho ngày xưa, khách đi tầu mặt mũi bám đầy bụi than.
Tầu dừng lại ở một nhà ga. Một người khách độ ngoài sáu mươi, quần áo xộc xệch đến ngồi vào hàng ghế đối diện với Quang Phát. Quang Phát nhìn sững vị khách vừa đến, bỗng người bừng lên một linh cảm mơ hồ. Hơn bốn mươi năm với bao thay đổi rồi, nhưng cái ánh nhìn của vị khách vừa lên tầu đã làm Quang Phát sửng sốt. Đúng rồi! Đúng là cái ánh mắt dửng dưng, đầy vẻ hoài nghi ấy. Khi vị khách khẽ vuốt mái tóc lòa xòa phía trước để lộ ra cái mụn ruồi to giữa trán thì Quang Phát đã chắc như đinh đóng cột. Quang Phát cố nén hồi hộp, khẽ kêu lên:
- Có phải là anh không?
Vị khách ngỡ ngàng, ngoảnh nhìn xung quanh rồi nhìn Quang Phát, với vẻ ngây ngô:
- Hình như… anh hỏi tôi?
- Vâng! Anh có phải là người hơn bốn mươi năm trước… Ta đã gặp nhau ở nhà ga Lưu Quan…
Vị khách vẫn ngẩn mặt:
- Hơn… bốn mươi năm trước?… Nhà ga… Lưu Quan?... Tôi không hiểu…
Quang Phát gợi ý:
- Cái ngày anh lên tầu vào Nam kiếm việc ấy… và… anh đã bị mất chiếc ví…
Hình như nhắc đến chiếc ví, vị khách đã nhớ lại mọi chuyện. Anh ta nhìn trừng trừng một lúc khá lâu vào mặt Quang Phát, trợn tròn mắt:
- Anh… anh… Chính anh đã… lấy…
Quang Phát khẽ cười:
- Không! Anh nên bình tĩnh lại nghe tôi nói.
Quang Phát mở cặp số lấy chiếc ví đã xỉn màu đặt lên chiếc bàn nhỏ trước mặt.
- Chiếc ví đây. Anh có nhận ra nó không. Tiền trong ví không suy suyển một đồng.
Nói rồi, Quang Phát kể lại toàn bộ sự việc đã diễn ra hơn bốn mươi năm về trước.
Vị khách chậm rãi giở chiếc ví, cầm tập tiền trong tay, lẩm bẩm:
- Nhưng sao lại thế nhỉ… Đúng là đến bây giờ tôi mới vỡ lẽ. Ngày ấy quả là tôi đã nghi cho anh. Nhưng… lúc ấy, biết không có cách nào trả lại ví cho tôi, sao anh còn giữ số tiền đến tận bây giờ? Mà tôi còn nhớ vào năm 1985 cả nước đã có việc đổi tiền…
Quang Phát khẽ cười:
- Nếu tôi tiêu hoặc đem đổi số tiền ấy thì làm gì có ngày hôm nay hả anh? Thú thật, cũng có lúc tôi thiếu thốn nhưng không bao giờ nghĩ đến chuyện sử dụng số tiền này. Vì tôi luôn có một niềm tin nhất định sẽ có ngày gặp lại anh. Gặp lại anh mà chỉ còn chiếc ví rỗng thì sẽ ăn nói ra sao?
Vị khách khẽ lắc đầu:
- Nhưng trong hoàn ảnh ấy thì việc gặp lại nhau còn khó hơn lên sao Hỏa. Với lại, số tiền cũng có đáng là bao.
- Đúng! Số tiền nhỏ nhưng danh dự thì rất lớn anh ạ. Cũng chẳng giấu gì anh, tôi thành đạt như ngày hôm nay chính bởi phương châm số một trong kinh doanh của công ty chúng tôi là biết coi trọng danh dự và tạo ra cho mình một niềm tin sắt đá anh ạ. Có lẽ cũng chính vì có niềm tin đó mà hôm nay chúng ta mới lại gặp nhau một cách hoàn hảo như thế này.
Tới lúc này vị khách mới chú ý đến trang phục rất lịch lãm mà chỉ ở những người giàu sang lắm mới có của người ngồi trước mặt. “Thì ra ông ấy là một đại gia” - vị khách thầm nghĩ và khẽ thở dài buồn bã về số phận của mình. Là một thợ kim hoàn rất giỏi nghề nhưng không hiểu sao làm cho chủ nào cũng chỉ được một thời gian ngắn là ông lại cảm thấy không còn tin nhau nữa. Lại gặp bao nhiêu chuyện rắc rối. Lại chia tay. Trong ông luôn có một cảm giác bị người đời lợi dụng, chiếm đoạt. Nhìn đâu cũng thấy lừa đảo. Ông không còn lòng tin với bất cứ một ai. Hơn bốn mươi năm vật lộn, mặc dù tay nghề chẳng kém thua bất kể một tay thợ lành nghề nào nhưng cuối cùng khi trở về quê tay trắng vẫn hoàn tay trắng.
Giờ đây, ngồi trước mặt ông kia, chính là cái “thằng ranh con ăn cắp” ông đã từng nguyền rủa, đã từng làm ông ôm mối căm hận suốt hơn bốn mươi năm qua. Có điều, lúc này “hắn” đã làm mọi suy nghĩ trong ông hoàn toàn đảo lộn. Thì ra ở đời vẫn có những người có lòng thành thật và từ tâm hiếm thấy.
- Bây giờ cái ví không còn cần thiết với anh nữa, nhưng vẫn nên giữ nó như một kỉ niệm cuộc đời phải không anh?
Giọng nói của Quang Phát làm vị khách giật mình quay về hiện tại. Ngẫm nghĩ hồi lâu, vị khách khe khẽ nói:
- Vâng! Tất nhiên rồi. Tôi còn phải giữ nó vì cả sự sám hối nữa. Bao năm tháng tôi đã sống trong hoài nghi và thù hận. Đúng là con người khi đã mất đi lòng tin thì cũng mất đi tất cả anh ạ. Bây giờ tôi mới hiểu vì sao trên đường đời tôi luôn là kẻ thất bại.
Quang Phát khẽ thở dài:
- Giá như ngày ấy tôi lấy được chiếc ví và quay lại con tầu sớm hơn một phút thôi thì có khi mọi sự sẽ khác.
Giọng vị khách bùi ngùi:
- Không đơn giản vậy đâu anh ạ. Mọi sự đều do tôi thôi. Cũng bởi cái tính tôi luôn hoài nghi…
Quang Phát nhìn vẻ bơ phờ, nhàu nhĩ của “người bốn mươi năm trước” có vẻ như đã đoán định ra tất cả, ông khẽ hỏi:
- Tôi mạn phép xin được hỏi, nghề chính của anh là gì?
Vị khách buồn bã trả lời:
- Nghề kim hoàn anh ạ. Chẳng giấu gì anh, tôi giỏi nghề nhưng chuyện làm ăn chưa bao giờ thành đạt.
Quang Phát reo lên:
- Trời! Vậy là tôi gặp may rồi. Công ty tôi đang chuẩn bị khai trương một xưởng vàng bạc, đá quí. Nếu không chê, xin mời anh về làm. Lương rất khá anh ạ.
Mắt vị khách sáng lên nhưng đầu lại hơi cúi xuống:
- Nhưng… Nhưng…
Chừng như hiểu được tâm trạng của người ngồi đối diện, Quang Phát vui vẻ nói:
- Anh không nên quá đắn đo. Tôi tin là cuộc gặp gỡ hôm nay của chúng ta sẽ lấy lại lòng tin về con người của anh.
Vị khách nở nụ cười ngượng ngập:
- Nhưng tôi đã ngoài tuổi sáu mươi rồi…
Quang Phát dứt khoát:
- Lòng tin đúng là thứ khó thay đổi, nhưng đối với con người thì không có gì là muộn. Nhất định anh phải đến chỗ tôi làm việc. Không phải chỉ vì anh đâu mà vì sự phát triển của công ty chúng tôi nữa. Và vì cuộc đời này. Hãy bắt đầu lại đi anh!
Trước khi xuống tầu, Quang Phát đưa cho vị khách chiếc card visit với những lời dặn dò tỉ mỉ.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...